Macedonia 07.05: ĐTC viếng thăm nhà tưởng nhớ Mẹ Têrêsa, dâng Thánh Lễ tại quảng trường, gặp các linh mục và gia đình, và các tu sĩ, gặp các bạn trẻ Bắc Macedonia

 

***

Chương trình hoạt động của ĐTC trong ngày 7-5-2019

Sáng thứ ba 7-5-2019, ngày chót trong 3 ngày viếng thăm, ĐTC sẽ rời thủ đô Sofia của Bulgari để bay tới phi trường thành phố Skopje, thủ đô Bắc Macedonia, là chặng thứ hai trong cuộc tông du thứ 29 của ĐTC tại nước ngoài.

Khi đến phi trường Skopje lúc quá 8 giờ sáng, ngài sẽ được Tổng thống tiếp đón tận chân thang máy bay và sau đó về Phủ Tổng Thống, nơi sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức với tất cả các nghi lễ ngoại giao.

Tiếp đến, sau khi hội kiến riêng với Tổng thống, ĐTC sẽ gặp thủ tướng của Bắc Macedonia, rồi gặp gỡ các giới chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Sau các hoạt động này, lúc quá 10 giờ, ĐTC sẽ viếng Nhà tưởng niệm Mẹ Têrêsa Calcutta, tại nơi xưa kia là nhà thờ Thánh Tâm Chúa và Mẹ Têrêxa lãnh nhận bí tích rửa tội tại đây. Cuộc viếng thăm của ĐTC diễn ra trước sự hiện diện của các vị lãnh đạo tôn giáo, và ngài cũng sẽ gặp gỡ người nghèo.

Sau đó ngài sẽ cử hành thánh lễ lúc 11 giờ rưỡi tại Quảng trường Macedonia ở trung tâm thành phố Skopje.

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày 7-5-2019, ĐTC sẽ gặp gỡ các bạn trẻ Chính Thống, Hồi giáo và Công Giáo tại Trung Tâm mục vụ ở Skopje, trước khi gặp gỡ các LM, cùng với gia đình các vị, và các tu sĩ tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sau lễ, ĐTC sẽ ra phi trường để đáp máy bay về Roma.

***

Video: Đầy màu sắc trong khung cảnh đón Đức Thánh Cha đến Macedonia

Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia.


Skopje cách Sofia 174 km theo đường chim bay, và trễ hơn Sofia một giờ nên Đức Thánh Cha đã đến nơi vào lúc 8g15 giờ địa phương.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là lễ nghi đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Skopje.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bắc Macedonia, tên chính thức là Cộng hòa Bắc Macedonia, là một quốc gia thuộc khu vực đông nam Âu châu, giáp với Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo về phía bắc, giáp với Albania về phía tây, giáp với Hy Lạp về phía nam và giáp với Bảo Gia Lợi về phía đông. 

Tổng diện tích là 25,713km2 với dân số là 2,119,00 người.

Nước Cộng hòa này có những tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi của quốc gia vì Macedonia lại là một vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau và có lịch sử cũng như văn hóa gắn liền Hy Lạp. Năm 1991, quốc gia này tách ra khỏi Liên bang Nam Tư lấy quốc hiệu là Cộng hòa Macedonia thì liền có những tranh cãi với Hy Lạp. Vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, hai chính phủ Macedonia và Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ chấm dứt tranh chấp kéo dài 27 năm, trong đó Cộng hòa Macedonia được đổi thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Ngày 12 tháng Hai năm nay, hai quốc gia tuyên bố rằng thỏa thuận đổi tên chính thức của Cộng hòa Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia bắt đầu có hiệu lực.

Bắc Macedonia là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiện nước này đang là một trong những ứng cử viên tiếp theo gia nhập Liên minh Âu châu và NATO.

Vùng đất này liên tục bị đổi chủ đặc biệt là sau cuộc thế chiến vào thế kỷ vừa qua. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lãnh tụ cộng sản Tito thành lập ra Liên bang Cộng hòa Nhân dân Nam Tư và Macedonia bị sát nhập thành một trong sáu nước thành viên của Liên bang. 

Ngày 8 tháng 9 năm 1991, Macedonia ly khai ra khỏi Liên bang Nam Tư một cách hòa bình và lấy ngày này là ngày quốc khánh.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây, Đức Thánh Cha dùng xe để di chuyển đến dinh tổng thống nơi sẽ có các lễ nghi đón tiếp chính thức vào lúc 9g.

ĐTC viếng thăm nhà tưởng nhớ Mẹ Têrêsa

ĐTC viếng thăm nhà tưởng nhớ Mẹ Têrêsa

Sau khi gặp gỡ chính quyền, ĐTC có 10 phút để di chuyển đến nhà tưởng nhớ Mẹ Têrêsa cách đó 3km, ngôi nhà này được xây trên đất của nhà thờ Thánh Tâm, nơi Mẹ đã được rửa tội. Nhà thờ này đã bị sập đổ năm 1963 do một trận động đất. Ngôi nhà mới được xây dựng và sử dụng như một bảo tàng lưu giữ những hình ảnh và vật dụng của Mẹ. Và ở tầng hai có một ngôi nhà nguyện nhỏ. Mỗi năm có khoảng 100 ngàn người viếng thăm. Tại nhà tưởng nhớ Mẹ Têrêsa, ĐTC cầu nguyện một chút trong thinh lặng, sau đó dâng lời cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa, là Cha của lòng thương xót và mọi điều thiện hảo,
chúng con tạ Cha đã cho chúng con
món quà đời sống và đặc sủng của Mẹ Thánh Têrêsa.

Trong sự quan phòng vô biên, Cha đã mời gọi Mẹ làm chứng cho tình yêu của Cha
giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở Ấn Độ và trên toàn thế giới.
Mẹ đã làm nhiều điều tốt cho những người cần nhất,
vì Mẹ thấy nơi mỗi người nam nữ khuôn mặt của Con Cha.

Nghe theo Thánh Thần, Mẹ trở thành lời cầu xin khẩn thiết của người nghèo
và của tất cả những người đói khát công lý.
Đón lấy lời Chúa Giê-su trên Thập Giá: “Ta khát” (Ga 19,28),
Mẹ Têrêsa đã giải khát cho cơn khát của Chúa trên Thập Giá
bằng cách thực thi những công việc của tình yêu thương xót.

Lạy Mẹ Thánh Têrêsa, Mẹ của người nghèo,
chúng con cầu xin sự bầu cử và trợ giúp đặc biệt của Mẹ,
tại nơi đây, thành phố nơi Mẹ được sinh ra, nơi nhà của Mẹ.

Tại đây, Mẹ đã đón nhận món quà tái sinh
trong các bí tích khai tâm Kitô giáo.
Tại đây Mẹ đã nghe những lời đầu tiên của đức tin
trong gia đình Mẹ và trong cộng đồng tín hữu.

Tại đây Mẹ bắt đầu nhìn thấy
và gặp những người thiếu thốn,
người nghèo và người không nơi nương tựa.

Tại đây Mẹ học được từ cha mẹ
tình yêu đối với những người nghèo nhất và giúp đỡ họ.
Tại đây, trong thinh lặng của nhà thờ,
Mẹ đã nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu để bước theo Ngài
như một nữ tu trong sứ mạng.

Tại nơi đây, chúng con cầu xin Mẹ cầu bầu cho chúng con với Chúa Giêsu,
để chúng con cũng có được ân sủng
để tỉnh thức và chú ý đến tiếng kêu của người nghèo,
những người bị tước đi các quyền,
những người bị bệnh, bị bỏ rơi, những người chót hết.

Xin Ngài ban cho chúng con ân sủng để nhìn thấy Ngài
trong mắt của tất cả những người tìm đến chúng con
vì họ cần đến chúng con.

Xin Ngài ban cho chúng con một trái tim biết yêu mến Thiên Chúa
hiện diện nơi mỗi người nam nữ,
một trái tim có khả năng nhận ra Ngài
nơi những người đau khổ và chịu bất công.

Xin cũng ban cho chúng con ân sủng
để trở thành dấu chỉ của tình yêu và hy vọng
cho thời đại chúng con, với rất nhiều người nghèo, bị bỏ rơi, chịu thiệt thòi và di cư.

Xin làm cho tình yêu của chúng con
không chỉ trên môi miệng,
mà còn bằng những việc cụ thể và chân thật,
để chúng con có thể đưa ra lời chứng đáng tin
về một Giáo hội có nhiệm vụ loan báo Tin mừng cho người nghèo,
tự do cho tù nhân, niềm vui cho người phiền muộn
và ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Xin Mẹ Thánh Têrêxa, cầu nguyện cho thành phố này,
cho dân tộc này, cho Giáo hội
và cho tất cả những ai muốn bước theo Chúa Kitô, Mục tử nhân lành,
như những môn đệ của Ngài,
bằng việc thực thi công bình,
tình yêu, lòng thương xót, hòa bình và phục vụ,
như Đấng đã đến không phải để được phục vụ,
nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho nhiều người,
là Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ĐTC dâng Thánh Lễ tại quảng trường Macedonia

Sau khi viếng thăm Nhà tưởng nhớ Mẹ Têrêsa, ĐTC di chuyển đến quảng trường Macedonia cách đó 800m và chuẩn bị Thánh Lễ với khoảng 15 ngàn tín hữu tại quảng trường. Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ được lấy trích từ TM theo thánh Gioan 6,30-35: “Không phải Môsê, nhưng là Cha tôi đã ban cho các ông bánh bởi trời”, được công bố bằng tiếng Macedonia.
ĐTC dâng Thánh Lễ tại quảng trường Macedonia

Bài giảng của Đức Thánh Cha bằng tiếng Ý:

“Ta là bánh hằng sống; ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35). Chúa vừa nói những lời này với chúng ta.

Trong Tin Mừng, đám đông đã tụ họp xung quanh Chúa Giêsu, và chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều. Đây là một trong những sự kiện vẫn còn in sâu trong tâm trí và trái tim của cộng đoàn môn đệ đầu tiên. Đó là một bữa tiệc: bữa tiệc cho thấy lòng quảng đại vô biên và sự chăm sóc Thiên Chúa dành cho con của mình, những người trở thành anh chị em của nhau trong việc chia sẻ những cơm bánh. Chúng ta hãy tưởng tượng một chút về đám đông. Một điều gì đó đã thay đổi. Đã có những lúc, những người khát và im lặng này đi theo Chúa Giêsu để nghe lời, và họ đã có thể chạm bằng tay và cảm bằng thân thể phép lạ của tình huynh đệ. Chính phép lạ này có khả năng làm no thoả dư tràn.

Chúa đến để ban sự sống cho thế giới. Ngài luôn làm như thế bất chấp sự tính toán hẹp hòi của chúng ta, sự tầm thường trong những mong đợi của chúng ta và sự hời hợt trong lối nghĩ của chúng ta.

Tất cả dân chúng ở đó đã phát hiện ra rằng cái đói bánh ăn còn có những tên gọi khác: đói Chúa, đói tình huynh đệ, đói sự gặp gỡ và một bữa tiệc chia sẻ.

Chúng ta đã quen với việc ăn thứ bánh cũ của tin tức giả dối và kết cục nơi tù ngục của sự mất lòng tin, dán nhãn và xấu xa. Chúng ta tin rằng sự tuân thủ nệ luật sẽ làm thỏa cơn khát của chúng ta, nhưng cuối cùng chúng ta chỉ uống sự thờ ơ và vô cảm. Chúng ta nuôi mình trong những giấc mơ về vẻ huy hoàng và vĩ đại, và kết thúc trong sự phân tán, đóng mình và cô độc. Chúng ta đắm mình trên mạng và mất đi hương vị huynh đệ. Chúng ta tìm kiếm kết quả nhanh chóng và an toàn, và lại thấy mình bị dồn nén bởi thiếu kiên nhẫn và lo lắng. Là tù nhân của thực tế ảo, chúng ta mất đi hương vị của hiện thực.

Chúng ta mạnh mẽ và không sợ nói rằng: Lạy Chúa, chúng con đang đói. Lạy Chúa, chúng con đang đói bánh Lời Chúa, có khả năng mở tung sự đóng kín và cô độc của chúng con. Lạy Chúa, chúng con đang đói tình huynh đệ nơi sự thờ ơ, mất lòng tin không thể khoả lấp chúng con. Lạy Chúa, chúng con đang đói những cuộc gặp gỡ nơi lời Chúa mang lại niềm hy vọng, đánh thức sự dịu dàng và cảm hóa con tim bằng cách mở lối cho sự biến đổi và hoán cải.

Lạy Chúa, chúng con đói, như đám đông xưa kia, kinh nghiệm nhân bội lòng thương xót, phá đi định kiến ​​của chúng con và lan truyền lòng thương cảm của Cha dành cho mỗi người, đặc biệt là những người chẳng ai quan tâm.

Đức Thánh Cha nói: một lát nữa đây, chúng ta sẽ đến gần bàn thờ, để được ăn Bánh Sự sống, với mệnh lệnh: ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ (Ga 6,35). Điều duy nhất Chúa yêu cầu là “hãy đến”. Ngài mời chúng ta lên đường, di chuyển, bước ra. Ngài thúc chúng ta đến gần Ngài để tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Ngài. Chúa nói “hãy đến”, điều đó không chỉ có nghĩa là di chuyển từ nơi này đến nơi khác, nhưng là để cho chúng ta được chuyển động và biến đổi bởi lời Chúa trong những chọn lựa của chúng ta, trong những cảm nhận và ưu tiên làm chính những cử chỉ của Ngài và ngôn ngữ của Ngài, thứ ngôn ngữ bánh của sự dịu dàng, đồng hành, quảng đại trao hiến cho người khác, ngôn ngữ của tình yêu cụ thể và hữu hình, bởi vì nó là hàng ngày và thực tế.

Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa bẻ mình ra và chia sẻ chính mình. Và Ngài mời chúng ta cũng bẻ mình ra và chia sẻ cho nhau cùng với Ngài, và tham dự vào phép lạ hoá bánh ra nhiều. Đây là mong ước vươn ra và chạm đến, bằng sự dịu dàng và lòng trắc ẩn, ở mọi ngóc ngách của thành phố này, đất nước này và vùng đất này.

Đói bánh ăn, đói tình huynh đệ và đói khát Thiên Chúa. Mẹ Teresa biết rõ điều này và mong muốn xây dựng đời sống của Mẹ trên hai cột trụ: Chúa Giêsu nhập thể trong Bí tích Thánh Thể và Chúa Giêsu nhập thể trong người nghèo! Tình yêu nhận lãnh và tình yêu trao đi. Hai trụ cột không thể tách rời đã đánh dấu hành trình của Mẹ và giúp Mẹ luôn di chuyển, mong mỏi làm dịu cơn đói và cơn khát của Mẹ. Mẹ đến với Chúa và cùng lúc đó Mẹ đến với những người bị khinh miệt, không được yêu thương, cô đơn và bị lãng quên. Và khi đến gần anh chị em của mình, Mẹ đã tìm thấy khuôn mặt của Chúa, vì Mẹ biết rằng tình yêu của Chúa và tình yêu người lân cận là một. Tình yêu đó là điều duy nhất có thể làm thỏa cơn đói của Mẹ.

ĐTC gặp các linh mục và gia đình, và các tu sĩ tại Bắc Macedonia

Chương trình làm việc dày đặc của ĐTC trong ngày thứ 3 của chuyến tông du Bulgaria và Bắc Macedonia kết thúc với cuộc gặp các linh mục, gia đình của họ, và tu sĩ lúc 5 giờ chiều tại nhà thờ chính toà Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Skopje.
ĐTC gặp các linh mục và gia đình, và các tu sĩ tại Bắc Macedonia

Tại nhà thờ chính toà, ĐTC được chào đón bởi đức giám mục của Skopje, các linh mục, gia đình của họ, và các tu sĩ. ĐTC nghe chứng từ của một linh mục thuộc nghi lễ bizantine và gia đình. Sau đó là chứng từ của một linh mục thuộc nghi lễ latinh, và cuối cùng là chứng từ của một nữ tu. Sau khi nghe các chứng từ, ĐTC có một bài huấn dụ dành cho những người hiện diện:

ĐTC nói: Giáo hội đang thở bằng hai lá phổi – nghi lễ Latinh và nghi lễ Byzantine – để hít đầy không khí luôn mới và tái tạo của Chúa Thánh Thần. Hai lá phổi cần thiết và bổ sung cho nhau giúp cảm nếm tốt hơn vẻ đẹp của Chúa. Chúng ta biết ơn vì cơ hội được thở cùng nhau, với hai lá phổi đầy tràn, cùng với ơn lành mà Chúa ban cho chúng ta.

Tôi cảm ơn anh chị em về những chứng tá đời sống của anh chị em. Khi tôi lắng nghe anh chị em, tôi nhớ đến hình ảnh Maria lấy dầu thơm đổ lên chân Chúa và lấy tóc mà lau. Thánh sử kết luận rằng: “cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12,3). Dầu thơm toả khắp và tạo nên một dấu ấn không lẫn vào đâu được.

Với hình ảnh Tin Mừng này, không ít lần chúng ta thấy cần phải tính toán: chúng ta khởi đầu với việc xem xét mình có bao nhiêu… và thấy rằng có rất ít; phương tiện chúng ta có rất ít; sau đó chúng ta thấy số lượng nhà cửa và công việc này khác cần hỗ trợ thì lại quá nhiều … Chúng ta tiếp tục một danh sách dài những hoàn cảnh mà mình kinh nghiệm về sự bấp bênh trước những gì mình có trong tay để thi hành sứ mạng được trao phó. Khi làm việc tính toán này thì dường như bản dự toán chạm đến “vạch đỏ”.

Điều đó đúng, Chúa nói với chúng ta: “khi xây một cây tháp thì phải ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng hoàn thành” (Lc 14,29). Tuy nhiên, việc “tính toán” có thể làm cho chúng ta rơi vào cám dỗ nhìn vào chính mình, vào thực tại và sự khốn khó của mình. Như thế, có thể chúng ta giống hai môn đệ trên đường Emmaus, loan báo trên môi miệng, trong khi con tim chúng ta đóng lại trong im lặng của sự thất vọng tinh tế, cản trở không cho phép chúng ta lắng nghe người đi bên cạnh và là nguồn vui và phấn khởi của chúng ta.

Việc “tính toán” giúp chúng ta khám phá và gần gũi nhiều cuộc sống và hoàn cảnh mỗi ngày: những gia đình không có khả năng đi tới, người già, người cô đơn, người bệnh, người trẻ buồn và không tương lai, người nghèo. Họ giúp chúng ta nhớ mình là ai: một Giáo hội của những người hành khất cần lòng thương xót của Chúa. Việc “tính toán” chỉ hợp thức nếu nó cho phép chúng ta liên đới, quan tâm, thấu hiểu và gần gũi với những anh chị em đang cần đến dầu nâng họ lên và chữa lành niềm hy vọng của họ.

Mảnh đất này đã cho thế giới và Giáo hội, nơi Mẹ Têrêsa, một dấu chỉ cụ thể về làm sao một con người nhỏ bé, được Chúa xức dầu, lại có thể thẩm thấu mọi thứ, khi mùi hương các Mối Phúc tỏa trên đôi chân mệt mỏi của nhân loại chúng ta. Bao nhiêu người đã được an ủi bởi sự dịu dàng từ cái nhìn dịu dàng của Mẹ, được mang lại hy vọng. Được an ủi, những người bị lãng quên nhất cảm thấy họ không bị Chúa quên lãng! Lịch sử được viết bởi những con người như thế, những người không ngại dành cả cuộc đời cho tình yêu: mỗi khi con làm điều đó cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là con làm cho chính ta (xem Mt 25,40). Những lời của Thánh Têrêsa Benedetta Thập giá chứa đựng bao nhiêu sự khôn ngoan: «Chắc chắn, những sự kiện quyết định của lịch sử thế giới được ảnh hưởng chính yếu bởi những linh hồn không được nói đến trong các sách lịch sử. Và những linh hồn mà chúng ta phải cảm ơn vì những sự kiện quyết định trong đời sống cá nhân chúng ta, đó là điều mà chúng ta sẽ chỉ biết vào ngày mà tất cả những điều ẩn giấu sẽ được tiết lộ”.

Nhiều lần chúng ta nuôi dưỡng suy tưởng rằng mọi thứ sẽ khác nếu mình mạnh mẽ, quyền lực và có ảnh hưởng. Nhưng đó không phải là bí quyết của sức mạnh, quyền lực và ảnh hưởng của chúng ta.

Nhiều lần chúng ta tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, các cuộc họp, thảo luận và chương trình để giữ lấy lối tiếp cận, nhịp điệu, viễn tượng không những không cuốn hút người khác mà còn không thể mang lại một chút mùi hương Tin Mừng để an ủi và mở ra những cánh cửa hy vọng. Lời của Mẹ Teresa rất đúng: “Những gì không hữu ích cho tôi, nó đè nặng tôi”!

Những lời chứng của anh chị em tương tự với “mùi hương Tin Mừng” của các cộng đoàn đầu tiên. Chúng ta biết rằng trong Tân Ước, chúng ta nói về “Hội thánh gặp gỡ trong nhà” (x. 1Cr 16,19; Rm 16, 5; Cl 4,15; Flm 2). Không gian sống của một gia đình có thể được biến thành một nhà thờ tại gia, nơi cư ngụ của Thánh Thể, và Chúa Kitô hiện diện nơi bàn ăn.

Tôi luôn thích nghĩ mỗi gia đình là một “hình ảnh của gia đình Nazareth với cuộc sống hàng ngày được tạo nên từ sự mệt mỏi và cả những cơn ác mộng, như khi gia đình ấy phải chịu cơn bạo tàn không thể hiểu nỗi của Hêrôđê, một kinh nghiệm bi thảm vẫn còn lặp lại ngày nay ở rất nhiều gia đình tị nạn khốn khổ và đói rách”.

Cuối cùng một lần nữa ĐTC cảm ơn về cơ hội gặp gỡ này để được hít thở sâu. Và ngài xin Thánh Thần không ngừng làm mới mỗi người trong sứ mạng.

Cuối cùng, ĐTC đọc kinh Lạy Cha với những người tham dự và ban phép lành cho họ.

Trước khi rời nhà thờ chính toà, ĐTC làm phép viên đá đầu tiên xây dựng đền thờ thánh Phaolô. Sau đó, ĐTC ra phi trường Skopje của Bắc Macedonia để trở về Roma tại phi trường Ciampino trong 2 giờ bay. Kết thúc chuyến thăm 3 ngày Bulgaria và Bắc Macedonia.

ĐTC Phanxicô gặp các bạn trẻ Bắc Macedonia

Buổi chiều 7/5, lúc 16h tại Trung tâm Mục vụ của giáo phận Skopje, ĐTC Phanxicô đã có cuộc gặp đại kết và liên tôn với khoảng 1.500 bạn trẻ. Có một đôi bạn trẻ thuộc nghi lễ hỗn hợp Công Giáo và Chính Thống kể về lời chứng của họ. Sau đó là lời chứng của một bạn trẻ Hồi giáo, và cuối cùng là lời chứng của một bạn trẻ Công giáo trước khi ĐTC có một bài huấn dụ với các bạn trẻ.

ĐTC Phanxicô gặp các bạn trẻ Bắc Macedonia

Khởi đi từ lời chia sẻ và câu hỏi của bạn trẻ Liridona rằng: “Con có đang mơ nhiều quá không?”, Đức Thánh Cha mời các bạn trẻ rằng: “chúng ta cùng nhau trả lời.”

Phải có ước mơ

Ngài nói rằng không bao giờ một người mơ quá nhiều. Một trong những vấn đề lớn mà con người ngày nay gặp phải, trong đó có rất nhiều người trẻ, đó là họ mất khả năng mơ ước. Họ không có mơ ước, dù nhiều hay ít. Khi một người không mơ, khi một người trẻ không mơ, thì không gian trống rỗng ấy sẽ được lấp đầy bởi những lời phàn nàn và cảm giác thất vọng.

Hãy thử nghĩ về những giấc mơ vĩ đại nhất của các con, như giấc mơ Liridona: cùng với những người khác, cả Kitô hữu và Hồi giáo, mang lại hy vọng cho một thế giới đang mệt mỏi. Đây chắc chắn là một giấc mơ rất tuyệt. Cô ấy không nghĩ về những điều nhỏ nhặt, là là mặt đất, nhưng cô ấy mơ điều vĩ đại.

Về câu nói của cô gái Bozanka rằng: những người trẻ thích phiêu lưu, ĐTC nói, cha vui vì điều đó, vì đây là cách của người trẻ: trải nghiệm cuộc phiêu lưu. Người trẻ đừng sợ làm một cuộc phiêu lưu tốt lành. Và cuộc phiêu lưu nào đòi hỏi sự can đảm hơn ước mơ của Liridona cho một thế giới đang mệt mỏi? Đó là “Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vị họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9)! Điều gì có thể thu hút chúng ta hơn là dấn thân hàng ngày để trở thành nghệ nhân của mơ ước, của niềm hy vọng?

Ở đất nước này, các con có một truyền thống tốt đẹp về chạm đá. Chúng ta phải trở nên người thợ như thế, những chuyên gia chạm khắc những giấc mơ của chính chúng ta. Một nghệ nhân chạm đá cầm một hòn đá và chậm chậm bắt đầu tạo hình cho nó với kỹ năng và nỗ lực, và đặc biệt với mong ước lớn lao là nhìn thấy viên đá đó, từ chẳng ai nhìn thấy nó là gì, trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Dám can đảm thực hiện ước mơ, không sợ vấp ngã

Những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta chỉ đạt được nhờ hy vọng, kiên nhẫn, dấn thân và không được vội vàng. Đồng thời, chúng ta không được do dự, không được sợ mạo hiểm hay phạm sai lầm. Ngược lại, chúng ta phải sợ sống cách tê liệt, như người sống đã chết vì sợ mạo hiểm, sợ phạm sai lầm nên không dám dấn thân. Ngay cả khi các con phạm sai lầm, các con luôn có thể đứng dậy và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi hy vọng của các con (Christus Vivit, 142). Đừng sợ trở thành nghệ nhân của những giấc mơ và hy vọng!

Chắc chắn, là thành viên của Giáo hội, chúng ta không nên tách mình khỏi người khác. Tất cả đều là anh chị em, là láng giềng, như các tông đồ đã cảm nhận “điều tốt lành của mọi người” (Cv 2,47; x. 4,21.33; 5,13). Tuy nhiên, đồng thời chúng ta phải can đảm trở nên khác biệt, chỉ cho người khác thấy những điều mà thế giới không cho, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, tinh tuyền, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi của mình, cầu nguyện, theo đuổi công bằng và lợi ích chung, tình yêu đối với người nghèo và tình bạn xã hội (ibid., 36).

Hãy nghĩ về Mẹ Teresa: khi Mẹ sống ở đây, Mẹ không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ kết thúc ở đâu. Tuy nhiên, Mẹ vẫn tiếp tục mơ và luôn để cho mình được khám phá khuôn mặt của tình yêu vĩ đại – Chúa Giêsu – trong tất cả những người bị gạt ra bên lề. Mẹ đã mơ ước vĩ đại, nên Mẹ cũng yêu điều vĩ đại. Mẹ có đôi chân vững chắc được vun trồng tại đây, trên quê hương này, nhưng Mẹ không đứng tại chỗ. Mẹ muốn trở nên “cây bút chì trong tay của Chúa”. Đây là giấc mơ Mẹ. Mẹ dâng nó cho Chúa, Mẹ đã tin điều đó, Mẹ đau khổ vì nó và Mẹ không bao giờ từ bỏ nó. Và Chúa bắt đầu viết những trang sử mới và tuyệt vời bằng cây bút chì đó.

Mỗi người trong các con được kêu gọi, như Mẹ Teresa, làm việc bằng đôi tay của mình, nghiêm túc với cuộc sống và làm cho điều gì đó đẹp. Chúng ta đừng để mình bị cướp đi những giấc mơ (x. Christus Vivit, 17); chúng ta đừng loại bỏ đi sự mới mẻ mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Các con sẽ gặp nhiều, nhiều khúc ngoặt bất ngờ trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng là phải đối mặt với chúng và tìm ra những cách sáng tạo để biến chúng thành cơ hội. Nhưng không phải một mình! Không ai có thể chiến đấu một mình. Như Dragan và Marija đã nói với chúng ta: “sự hiệp thông cho chúng tôi sức mạnh để đối mặt với những thách đố của xã hội hôm nay.”

Cùng nhau xây dựng ước mơ

Điều quan trọng là mơ cùng nhau! Giống như các con đang làm hôm nay: mọi người cùng nhau, tại đây, không rào cản. Các con hãy cùng nhau mơ ước, không phải một mình! Nhưng ước mơ với người khác và không bao giờ chống lại người khác! Nếu chỉ một mình thì sẽ có nguy cơ ảo tưởng, nhìn thấy những thứ không có. Ước mơ được xây dựng cùng nhau.

Chúng ta bước vào kỷ nguyên kết nối, nhưng ít biết về giao tiếp. Tất cả chúng ta kết nối với nhau, nhưng thực sự ít liên quan đến người khác. Cần lắng nghe nhau, cùng nhau mơ ước và nhìn về tương lai với hy vọng và lòng biết ơn. Cha nói với các con điều này: hãy để cho mình có cơ hội chia sẻ và tận hưởng những cuộc gặp gỡ diện đối diện với mọi người, đặc biệt là với ông bà, với người già trong cộng đồng của các con.

Dành thời gian cho người già, lắng nghe những câu chuyện của họ, đôi khi có vẻ hơi phi thực tế nhưng thực sự nó chứa đầy những kinh nghiệm quý giá. Để kể những câu chuyện đó thì cần có thời gian (x. Christus Vivit, 195). Đừng quên câu nói của người xưa rằng một người nhỏ bé có thể nhìn xa hơn nhờ đứng trên vai một người khổng lồ.

Khi những giấc mơ của các con bị mờ đi và trái tim của các con như bị chìm xuống, thì hãy tìm kiếm một cộng đoàn, nắm lấy tay nhau và nhớ rằng có Ai đó muốn các con sống (x. Christus Vivit, 1)!

ĐTC kết thúc bài diễn văn bằng một lời nguyện của Mẹ Teresa và phép lành dành cho các bạn trẻ.

Văn Yên, SJ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *