Để đáng được dự phần đời sau (25.11.2023 – Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Kh 11,4-12 (năm chẵn), 1 Mcb 6,1-13 (năm lẻ), Lc 20,27-40

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 20,27-40)

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

34 Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Để đáng được dự phần đời sau (25.11.2023)

Sự sống của muôn loài đều khởi nguồn từ Thiên Chúa, do Thiên Chúa ban cho muôn loài và Ngài cũng có quyền lấy đi sự sống ấy theo ý của Ngài.

Thiên Chúa sáng tạo con người có hồn và xác. Vì vậy con người chỉ trọn vẹn là con người khi có đủ hồn xác. Chúa Giêsu xuống thế mặc lấy xác phàm để cứu chuộc con người trọn vẹn chứ không phải chỉ cứu phần hồn mà bỏ qua phần xác.

Nhưng cái xác trần gian sau phục sinh sẽ như thế nào thì ngoài Đức Giêsu Kitô ra chưa ai trải qua việc đó. Các Tin Mừng đã cho chúng ta biết là Chúa Giêsu sống lại với thân xác trước đây nhưng là một thân xác mầu nhiệm không bị những giới hạn như cái thân xác cũ. Và những ai được đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết thì cũng sẽ được sống lại như Đức Kitô.

Thời cựu ước người Do Thái quan niệm người đã chết sẽ về ở âm phủ (Shéol), là nơi không thể ca tụng Thiên Chúa và cũng không được Chúa trông đến (Tv 6,6).

Tới thời bị Hy Lạp cai trị, khoảng thế kỷ II trước công nguyên, dân Do Thái bắt đầu có khái niệm rõ rệt hơn về sự sống lại. Tư tưởng này được thể hiện trong các sách Macabê quyển II, sách Đanien và sách Khôn ngoan.

Trong sách Macabê quyển II, Bà mẹ và bẩy người con tử đạo tin rằng nhờ không phản bội lề luật của Chúa nên dù họ bị xử chết thì cũng sẽ được Thiên Chúa cho sống lại. Còn ông Giuđa Macabê quyên tiền gửi về Giêrusalem để cầu nguyện cho những người đã chết trận, vì ông tin rằng những người lính đã chết sẽ sống lại (x. 2 Mcb 7,23.12,43-44).

Sách Đanien viết : “Nhiều người ngủ trong nơi cát bụi sẽ được thức dậy: kẻ thì vào đời sống vĩnh cửu, kẻ thì vào nơi sỉ nhục nhơ nhuốc vĩnh cửu. Những hiền sĩ sẽ sáng rực như tinh tú trên bầu trời; những ai làm cho người khác nên công chính sẽ chiếu sáng mãi mãi như những vì sao” (Đn 12,2-3).

Sách Khôn ngoan, một cuốn sách viết vào hậu bán thế kỳ I trước công nguyên, đã phân biệt số phận của người lành và kẻ dữ : “Niềm hy vọng của quân vô đạo khác nào vỏ trấu bị gió cuốn đi, ví như bọt nước vỡ tung trong cơn bão; nó sẽ qua đi như khói tan trong gió, như khách trọ một ngày. Còn người công chính sẽ sống muôn đời” (Kn 5,14-15).

Người Do Thái có quan niệm sự sống đời sau cũng tương tự như đời sống hiện tại ở trần thế. Do quan niệm như vậy nên họ đã bị “kẹt” nhiều vấn đề không giải quyết về lý luận được, vì thế một số người như nhóm tư tế Xa-đốc không tin có sự sống đời sau.

Tin Mừng hôm nay là trình thuật về các tư tế thuộc nhóm Xa-đốc hỏi Chúa Giêsu về sự sống lại, mục đích của họ là để gài bẫy bắt bẻ Ngài và có tính châm biếm chế diễu những ai tin có sự sống đời sau. Nhưng đó cũng chính là một trong những vấn đề họ không giải đáp được vì quan niệm đời sau cũng y như đời này.

Chúa Giêsu, người duy nhất từ Trời xuống nên hiểu rõ chuyện trên Trời, đã cho họ biết phần nào về sự sống đời sau. Nhưng cốt lõi điều Chúa Giêsu muốn cho mọi người biết là cuộc sống đời này chỉ để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, để đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết vì những người đã sống lại ở đời sau sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Sự sống đời sau mới là cái vô cùng quý giá đáng quan tâm.

Xem ra cũng có một số luật sĩ hiểu điều này nên đã công nhận điều Chúa Giêsu nói là đúng.

Là một Kitô hữu nên tôi tin Lời giáo huấn của Chúa Giêsu và những điều Hội Thánh dạy về sự sống đời sau. Nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu nên tôi nhận ra mình đang được Chúa cho còn có thời gian vô cùng quý báu ở thế gian này để làm những việc cần thiết cho ngày sau. Rồi sẽ đến lúc tôi phải trình diện Chúa và tính sổ về những nén bạc Chúa đã trao cho tôi xem đã sinh lời được bao nhiêu hay còn gói nguyên trong khăn, hoặc thậm chí đã thâm hụt đi.

Tạ ơn Chúa cho tôi còn ý thức được điều đó, còn có thời gian để phấn đấu hầu được ở trong số những người xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết như Lời chúa Giêsu nói. Nên ngay bây giờ tôi phải tìm cách kết hợp với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền vào cây nho. Tôi xin Chúa Cha hãy cắt tỉa những thói hư tật xấu làm cho cành nho tôi tốt đẹp hơn, để Chúa Giêsu tiếp nhựa sống cho tôi, để cành nho tôi sinh hoa trái, vì tôi biết rằng không có Chúa thì tôi chẳng làm được gì hết.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con ý thức rằng cuộc đời này chỉ là tạm bợ, là con đường chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Xin cho con biết tận dụng hết thời gian và những khả năng Chúa đã ban cho con ở đời này để thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, hầu khi đến ngày phán xét con đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết. Amen.

Jos. NM Tưởng

Dùng đời sống tạm bợ đời này để mưu cầu hạnh phúc đời sau (19.11.2022)

Ghi nhớ:

“Quả  thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20, 36).

Suy niệm:

Một người vô thần nọ, ông ta chẳng tin có Thiên Chúa, ông chỉ biết sống thực dụng, sống cho hiện tại. Thế nhưng khi về già, biết mình sắp chết, ông đã làm di chúc phân chia tài sản cho các con đâu vào đấy.  Ông gọi các con lại và nói:

Bố làm di chúc này phòng khi bố ra đi gặp ông bà tiên tổ thì các con cứ theo ý bố đã viết trong di chúc mà thực hiện.

Sau vài tháng ông bị bệnh mà qua đời, các con làm theo ý muốn của ông là ai nhận ba công ruộng còn lại sau khi đã phân chia đều cho các anh em rồi thì người ấy có bổn phận mỗi năm phải làm đám giỗ cho ông và bà, nếu người ấy không chu toàn nhiệm vụ thì người khác sẽ lấy lại ba công ruộng trên mà canh tác để hàng năm có của mà tổ chức giỗ chạp cho hai ông bà!

Câu ông nói: “Phòng khi bố ra đi gặp ông bà tiên tổ” đã gián tiếp nói lên sự tin rằng sau khi chết sẽ không hết mà vẫn còn có một cuộc sống khác, vì vậy mới có thể gặp được ông bà tiên tổ được chứ?

Dù cho con người ta không tin có Thiên Chúa, không tin có sự sống đời sau nhưng một sự thật  vẫn hiển nhiên, bất biến. Đó là: Con người khác con vật, có linh hồn mà linh hồn thì vô hình nhưng bất tử; Điều này, Tin Mừng hôm nay chính Đức Giê-su đã xác nhận để cho mọi người được biết: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34). Chính Đức Giê-su đã minh chứng lời Người nói đó bằng biến cố chịu tử nạn và ba ngày sau thì Người đã sống lại. Như vậy chính Đức Giê-su đã làm chứng về sự sống lại và chứng cứ của Người thì rất đáng cậy tin!

Câu Chúa nói: “Những ai xét là đáng hưởng phúc đời sau” khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, bởi lẽ, chỉ những người ăn ngay ở lành, sống thi hành những điều Chúa răn dạy thì những người ấy mới là những kẻ được Chúa xét là đáng được hưởng phúc đời sau mà thôi! Còn những ai sống bông thả, chạy theo đam mê xác thịt… kẻ ấy không được dự phần vào phần thưởng sự sống đời sau. Mà sự sống đời sau là thánh thiêng, giống như các thiên thần chứ không như cuộc sống tạm bợ ở trên trần gian này! Nên không có chuyện cưới vợ gả chồng nữa!

Dù bất kể theo tôn giáo nào, ai cũng hiểu rằng : Cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ: vì “ sinh ký tử quy”. Chính vì vậy mà chúng ta phải trở nên người khôn ngoan, biết dùng đời sống trần gian để làm việc thiện, cho mai sau khi chết đi rồi thì sẽ được sống lại trong một cuộc sống mới hạnh phúc và vĩnh cửu.

Đạo Công Giáo dạy ta rằng: Có Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu. Chính Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ và nên con người. Chúa cho ta cuộc sống trần gian này để ta “sự đầu tư” cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Do vậy chúng ta phải kiên trì, nỗ lực làm sao để có thể chiếm cứ được sự sống đó bằng cách sống sao cho đẹp lòng Chúa; sống yêu thương, bác ái phục vụ anh em và luôn tôn thờ Chúa hết dạ hết tình. Dù rằng cuộc sống ở đời này có biết bao cám dỗ và cạm bẫy, nhưng ta phải luôn biết bám vào Chúa, vì chính từ Người sẽ phát suốt ra sức mạnh để nhờ đó chúng ta sẽ chiến thắng và đạt được sự sống đời sau.

Trong tháng Mân Côi khi chúng ta nguyện chục kinh thứ hai năm sự mừng: Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giê-su lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự ở trên trời. Ái mộ những sự ở trên trời ở đây; nói một cách nôm na là; lo làm lánh dữ, lo tích luỹ công đức… Tóm lại là lo cho phần rỗi cho bản thân mình, để sau này khi chết đi thì được Chúa xét là đáng được sống lại để hưởng cuộc sống hạnh phúc và vinh quang muôn đời

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa ban cho chúng con sự sống đời này để kiếm tìm sự sống cao trọng và quý giá vô cùng đời sau. Xin cho chúng con biết tận dụng thời gian và nhất là biết cậy nhờ vào công trình cứu độ của Chúa đã  thực hiện vì  yêu thương chúng con, để chúng con kiên trì thực thi điều Chúa dạy, hầu sau khi hoàn tất cuộc lữ hành trần gian này chúng con xứng đáng được Chúa thưởng ban sự sống vĩnh cửu đời sau. Amen.

Sống Lời Chúa:

Việc tốt cố gắng làm. Việc bất chính, xấu sa hết sức tránh.

Đaminh Trần Văn Chính

Con cái sự sống lại (20.11.2021)

Nhà Phật có một câu châm ngôn nổi tiếng: “Mạng sống mong manh, cái chết là điều chắc chắn”. Thế nhưng con người ta lại không dám chấp nhận sự thật này – Sống có thời có khắc, sống hết sức mỏng manh dễ tan biến; còn chết thì mới là chắn chắn, mới là sự vĩnh cửu – Là con người, hẳn ai cũng đã ít nhất một lần đặt câu hỏi cho chính mình rằng sau khi chết thì sẽ như thế nào hoặc đời sống sau khi chết có gì khác lạ hơn đời này không ?

Thật ra từ khi con người biết tri giác thì đã tự hỏi “rồi mình sẽ thế nào sau khi chết ?”. Chính khi đi trả lời câu hỏi đó, đã hình thành những niềm tin khác nhau ở các tôn giáo khác nhau

Đối với Ki-tô giáo, bài Tin Mừng hôm nay củng cố thêm niềm tin của mọi Ki-tô hữu – Là Con của Thiên Chúa; Con của Sự Sống Lại. Không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần (x. Lc. 20,36)

Vì vậy, đối với Ki-tô hữu, Chết là cánh cửa mở ra để đi vào cõi hạnh phúc vĩnh hằng.

Mỗi khi suy ngẫm cái chết, chính là dịp để mỗi người sống tỉnh thức để khỏi phải lo lắng hoang mang. Suy ngẫm về cái chết sẽ giúp cho cá nhân mỗi người sống có ích hơn cho đời, sống tích cực hơn cho chính bản thân mình.

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức Chết chính là một phần của sự sống đời này và là hạnh phúc của đời sau. Amen.

Kiếp người mong manh (21.11.2020)

Khi nhìn về kiếp nhân sinh thật mong manh và vắn vỏi, nhạc sĩ Trinh Công sơn đã từng thốt lên:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn.

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Dẫu biết rằng cuộc đời này chỉ là quán trọ nhưng quán trọ cuộc đời này thật hấp dẫn, hấp dẫn đến nỗi ai cũng muốn níu kéo thời gian nơi quán trọ. Thế nhưng cho dù có bám víu, có cố công vun trồng những tiện nghi thật đầy đủ cho quán trọ cuộc đời này, rồi cũng có ngày phải từ giã tất cả để ra đi.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết có sự sống đời sau. Sự sống đó không còn lệ thuộc bởi việc dựng vợ gả chồng vì con người đã tham dự vào sự sống bất diệt của Đấng hằng sống. Sự sống đó cũng không còn lệ thuộc bởi vật chất, vì con người đã đạt đến sự sung mãn trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và con người là hoạ ảnh của Thiên Chúa, nên con người cũng được thừa hưởng sự sống thần linh của Chúa. Đây chính là niềm vui, là sự khích lệ cho cuộc đời chúng ta. Đau khổ cuộc đời này sẽ qua. Những khốn khó trần gian sẽ qua đi. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ. Sự sống thần linh mới là vĩnh cửu.

Chúng ta biến nỗi sợ chết thành lòng ham sống một cách mãnh liệt mà là sống cuộc sống đời đời với Chúa. Vì thế, dù đang phải bon chen với chuyện cơm áo gạo tiền, chúng ta quyết không để những sự đời này cản trở bước chân chúng ta trên con đường tiến về cõi sống vĩnh hằng.

Nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống luôn nâng đỡ phù trì chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa.

Sự sống đời sau (23.11.2019)

Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu của tự nhiên: cái chết không loại trừ bất cứ ai. Trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt: sự sống và cái chết. Khi con người sinh ra và lớn lên, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người tiến dần tới cái chết.

Triết gia Martin Heidegger (1889-1976) đã định nghĩa “con người là một hữu thể hướng đến cái chết”.

Thật vậy, chết là một quá trình tất yếu của hữu thể người, phù hợp với quy luật khách quan. Nếu ai cũng hiểu được sinh tử là quy luật tự nhiên thì chắc chắn Người ấy sẽ sống tích cực hơn và ra sức đóng góp cho đời nhiều hơn.

Tin Mừng hôm nay, lý giải một điều rằng:

Đối với người Ki-tô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Ki-tô Phục Sinh – Đấng đã chết và sống lại và ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, nơi con người không bao giờ phải chết nữa.

Lạy Chúa, xin cho con luôn xác tín: Khi kết thúc sự sống trần thế này để bước vào sự sống đời sau; sự sống sẽ được biến đổi thần thiêng, và con sẽ có được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên quê trời. Amen.

CÁT BIỂN

Sự sống đời sau (25.11.2017)

Xã hội ngày càng phát triển khiến con người dần nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa, không ít người dựa vào khoa học để chứng minh Người không tồn tại và họ tin tưởng vào điều đó. Vì sao lại như thế? Xin thưa, vì khám phá, nghiên cứu được vô số điều mới lạ, người ta ngày càng tự phụ, kiêu căng và tin rằng họ có khả năng làm được tất cả mọi sự, họ đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chính những thói xấu ấy đã đẩy con người rời xa Người. Không những không tin vào Thiên Chúa, rất nhiều người còn cho rằng chết là kết thúc, không có thứ gọi là sự sống đời sau. Đối với họ, điều ấy trái với những định luật của khoa học và họ một mực phủ nhận nó. Điều đó khiến xã hội ngày càng suy thoái và sa vào hố diệt vong. Vì sao ư?

Sỡ dĩ con người sống thánh thiện vì họ tin tưởng vào luật nhân quả, họ tin tưởng rằng sau khi mất, họ sẽ bước vào sự sống mới. Do đó, họ cố sống thật tốt ở đời này để đời sau được hưởng hạnh phúc. Chính niềm tin ấy đã thôi thúc khiến họ tránh xa điều dữ. Tuy nhiên, khi niềm tin ấy không còn, con người sẽ bắt đầu sa đọa, bê tha, đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi. Vì cho rằng chết là hết, họ chẳng màng đến sự sống đời sau mà chỉ dốc hết tâm trí để xây dựng cuộc sống đời này; họ dùng mọi thủ đoạn để giành giật niềm hạnh phúc của người khác chỉ để tìm điều có lợi cho mình; họ làm những chuyện xấu xa chỉ để thỏa mãn thú vui xác thịt… Qua đó, ta có thể thấy được, xã hội sẽ trở thành một mớ hỗn độn nếu niềm tin vào sự sống đời sau bị mất đi.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người hiểu sai về sự sống đời sau, điển hình là nhóm Xađốc trong bài Tin Mừng hôm nay. Dù chủ trương không có sự sống lại, họ vẫn đặt câu hỏi dựa vào luật Môsê để chất vấn Chúa Giêsu: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”. Để đáp lại, Người cho các ông biết việc dựng vợ gả chồng là viêc của đời này, đời sau chẳng còn chuyện đó nữa, tất cả mọi người chỉ có một việc để làm mà thôi, đó là thờ phượng Thiên Chúa. Đặc biệt, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa là Cha của người sống, không phải của kẻ chết vì đối với Người, tất cả đều đang sống.

Người Kitô hữu ngày nay tuy vẫn tin vào sự sống đời sau, nhưng ít nhiều họ cũng hiểu sai về nó như suy nghĩ của những người trong nhóm Xađốc hôm nay. Họ thường dùng cuộc sống hiện tại để suy diễn về sự sống sau khi chết, điều đó vô tình khiến sự sống vĩnh hằng ấy bị trần tục hóa. Do đó, muốn nhận biết những điều kì diệu do Chúa tạo nên, chúng ta cần phải biết lắng nghe Lời Chúa và suy ngẫm nhiều hơn. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn muốn nhắc chúng ta nhớ rằng, đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống, chẳng ai là kẻ chết trong Nước Chúa, chính Người là Thiên Chúa của kẻ sống.

Là người Kitô hữu, chúng ta cần phải biết lắng nghe, suy ngẫm Lời Chúa và mang ra thực hành, nhất là trong xã hội ngày nay, khi con người đang dần xa cách Thiên Chúa. Đặc biệt, chúng ta cần phải biết loan truyền về Nước Chúa, để người ta biết sống tốt, làm lành lánh dữ, để có thể xứng đáng bước vào Nước ấy, hầu có thể xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, Ngài đã cho chúng con biết chết chưa phải là hết, mà chỉ là chuản bị bước vào sự sống mới – sự sống vĩnh cửu. Xin cho chúng con biết nhận thức được rằng, chúng con mang một nhiệm vụ cao cả là đem Tin Mừng đến cho muôn người, để chúng con biết trở thành những người gương mẫu, hầu có thể truyền rao chân lí Chúa qua những sinh hoạt đời thường. Để từ đó, chúng con biết quý trọng, giữ gìn và phát triển đức tin của bản thân, qua những lời kinh và cầu nguyện. Amen.

Trường sinh bất tử (18.11.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại: Những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu và thắc mắc về tình trạng con người sau khi sống lại. Người Xa-đốc không tin con người có sự sống đời sau cũng như sẽ sống lại trong ngày cánh chung; họ đặt ra một giả thiết được hư cấu dựa trên tập tục, truyền thống của cha ông: Bảy anh em lần lượt cưới cùng một người phụ nữ làm vợ, vì họ muốn có một đứa con nối dòng, nhưng đều không có. Nếu  có sự sống lại, thì bẩy người này sẽ ra sao?. Những người Xa-đốc nghĩ rằng họ sẽ dồn Đức Giêsu vào thế khó trả lời vì:  “khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ”.

Đặt ra một tình huống trong cuộc sống ở trần gian, có liên quan đến sự sống lại mà họ quan niệm không có thật; những người Xa-đốc muốn thỏa mãn sự tò mò về giáo lý của Đức Giêsu thì ít; nhưng để thách đố sự khôn ngoan của Người và chủ trương chống đối lại Người thì nhiều hơn. Thâm ý của họ khi đưa ra giả thiết là muốn chứng minh sự phi lý của sự sống đời sau và phủ nhận nó.

Nhóm Xa-đốc đã sai lầm tự bản chất, họ cũng là người Do thái nhưng đối lập với người Pha-ri-sêu và chỉ nhận ngũ kinh của Mô-sê, họ không tin Chúa quan phòng và không tin xác loài người sống lại; nhất là họ đang chống đối Đức Giêsu và giáo lý của Người. Đức Giê-su không trả lời vào câu hỏi, nhưng Người mặc khải cho những người Xa-đốc về tình trạng con người sau khi sống lại và sự sống đời sau; Người cho hay: Ở đời này, khi còn bị dục tình lôi cuốn, còn bị lệ thuộc vào vật chất, chóng qua thì người ta cưới vợ lấy chồng; nhưng khi đã trải qua thời thanh luyện của cuộc sống tạm bợ, những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Người quả quyết: Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần; họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.

Khi loài người sống lại vào ngày sau hết, thân thác tro bụi sẽ được biến đổi và hợp với linh hồn bất tử mà đi vào vinh quang phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Sự sống lại của xác loài người trong ngày sau hết, không thể hiểu như sự sống lại của anh La-da-rô em của Mát-ta và Ma-ri-a ở Bê-ta-ni-a đã chết bốn ngày, chôn trong mồ, được Đức Giêsu cho sống lại; hay cậu con trai của bà góa thành Na-in, hoặc bé gái con của ông Giai-rô, trưởng một hội đường nọ. Những người vừa kể, họ được sống lại phần thể xác nhờ quyền năng Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa.

Tuy nhiên sau đó họ vẫn phải chết để chờ ngày phục sinh vinh hiển theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thân xác Đức Giêsu khi biến hình trên núi Ta-bo, cũng như sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết, cho chúng ta một bằng chứng thân xác sẽ phục sinh và được biến đổi: Khi đó không còn lệ thuộc vào vật chất hư nát, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian; nhưng trở nên linh thiêng và vĩnh cửu mà đi vào cõi hằng sống.

Như vậy vào ngày cánh chung, con người được biến đổi toàn diện và quy hướng về hạnh phúc đích thực mà khi còn sống tạm ở thế giới vật chất họ hằng mơ ước và nỗ lực đạt tới, đó là được chìm đắm trong tình yêu thương của Thiên Chúa toàn năng và toàn tâm toàn ý phụng thờ trước thánh nhan Ngài. Nhờ ân sủng và lời giáo huấn của Đức Giêsu, họ được biến đổi và đặt ngang hàng với các thiên thần của Thiên Chúa.

Đức Giêsu  nhắc lại mặc khải của Thiên Chúa với Mô-sê trong cuộc thần hiện ở núi Hô-rếp; Ngài nói: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp”. Điều này cho thấy Thiên Chúa tự hào về các tổ phụ của Ít-ra-en, Ngài tỏ lộ cho thấy Ngài vẫn là Thiên Chúa của họ và hiển nhiên “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.

Qua trình thuật Tin Mừng hôm nay, một vài suy tư được gợi lên trong mỗi người:

– Nếu không có sự sống đời sau, sự sống hôm nay quả đang đi vào ngõ bế tắt. Bởi sự chết sẽ thống trị tất cả. Rồi đây kẻ sang người hèn cũng như nhau. Bậc đạo đức tốt lành cũng không hơn gì kẻ gian ác mưu mô. Người dấn thân phục vụ cũng chẳng khác gì kẻ phá hoại, giết hại sinh linh. Tất cả chỉ là hư không, hão huyền sao?
– Nếu không có sự sống lại thì lời của ngôn sứ I-sa-ia: “Ta ăn đi, uống đi, vì mai ngày ta sẽ phải chết” (Is 22, 13) nói lên điều gì?
– Nếu không có sự sống lại thì “Lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15, 14).
Nhưng nhờ tin vào sự sống đời sau, với xét xử công bình và thưởng phạt phân minh của Thiên Chúa, người ta vững vàng bước đi trong yêu thương, ngay chính, với hy vọng trở nên con cái của sự sống lại, để sống hạnh phúc và sung mãn muôn đời.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Tin tưởng cách tuyệt đối: Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài là Đấng tự hữu, hằng hữu, và Con một Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị người Do thái giết chết trên thập giá nhưng đã sống lại; Người hằng sống và trao ban sự sống vĩnh cửu cho những ai sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ của Người.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con được liên kết với Đức Giêsu Kitô, Người đã tự hiến mạng sống, chịu chết đền thay tội lỗi của con và đã vinh hiển phục sinh để thông ban cho con sự sống đời đời. Nhờ ân sủng của Người, con được nhiệm hiệp với sự sống thần linh của Thiên Chúa hằng sống, đây chính là hạnh phúc đích thật mà “Muôn loài thọ tạo ngong ngóng đợi chờ…” (Rm 8, 19).

SỐNG TIN MỪNG

Xác tín: Xác loài người sẽ sống lại. Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ và trang bị cho mình ân sủng của Đức Giêsu Kitô để được sống lại và xứng đáng thừa hưởng sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cùng với Người trong ngày sau hết.

 Petrus Sơn    

Cho một cuộc sống mai sau

“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng… Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,34-36)

Suy niệm: Cưới vợ lấy chồng là việc bình thường và còn là nghĩa vụ của con người sống trong cõi đời này. Còn trong cõi vĩnh hằng, khi con người sống lại từ cõi chết, người ta sống như các thiên thần (x. Lc 20,36), chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Như thế, người sống bậc độc thân cũng như bậc gia đình, có thể và có bổn phận theo cách thế của mình, sống cuộc sống đời này để làm chứng cho một cuộc sống mai sau. Người sống bậc độc thân tiên báo cuộc sống hoàn toàn siêu thoát mọi ràng buộc đời tạm này để có thể yêu thương một cách không giới hạn. Người sống đời đôi bạn làm chứng cho tình yêu hoàn hảo và vĩnh cửu: tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh.

Mời Bạn:

1. Loại trừ mọi quan niệm lệch lạc: – cho rằng tu là chán đời, trốn đời, là “một thứ cung đàn lạc điệu”; – cho rằng đời sống vợ chồng là tội lỗi, thua kém so với đời tu.

2. Xác tín rằng mọi người, tu trì hay hôn nhân đều phải sống để làm chứng cho một cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa:

– Nếu còn “thong dong”, bạn hãy tìm ý Chúa, để biết Ngài chọn gọi bạn dấn thân theo ơn gọi nào, tu trì hay hôn nhân.

– Nếu bạn thuộc loại “ván đã đóng thuyền”, hãy thành khẩn xin Chúa trợ giúp để trung thành làm chứng cho Chúa trong bậc sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin con hiểu rằng chu toàn bổn phận hằng ngày là phương thế giúp con nên thánh và làm chứng nhân cho Chúa nhờ đó xứng đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *