Nơi gặp gỡ Chúa (18.11.2022 – Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Kh 10,8-11 (năm chẵn), 1 Mcb 4,36-37.52-59 (năm lẻ), Lc 19,45-48

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19,45-48)

45 Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ : “Đã có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !”

47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

Nơi gặp gỡ Chúa (18.11.2022)

Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: “Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế”. Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.

Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.

Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?

Veritas Asia

Ngôi nhà chung để gặp Chúa (19.11.2021)

Chúa Giêsu sau ba năm truyền giảng giáo lý của Thiên Chúa, hôm nay Người lên thành Giêrusalem lần cuối. Người đã nhìn rõ tâm tư, việc làm lỗi lầm đã trở nên hủ tục của mọi lớp người Do Thái mà Chúa muốn họ phải sửa đổi trong việc phụng tự nơi đền thờ Thiên Chúa.

Trước những sai lỗi ấy của họ,  và đây là lần thứ hai Chúa đã nên giận dữ: “Vào đền thờ, Chúa bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: Đã có lời chép rằng nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”.

Dẹp bỏ thói tục đổi tiền buôn bán chiên bò nơi đền thờ, Chúa đã tỏ ra Người là Đấng có quyền chỉnh đốn, sửa dạy, bảo vệ sự uy nghiêm cho nơi đền thờ. Bởi vì Chúa được sai đến thế gian trước hết là  để dạy người ta chu toàn việc tôn thờ Thiên Chúa một cách trọn hảo và tuyệt đỉnh nhất. Người đã giận dữ và tỏ thái độ quyết liệt. Người muốn mọi người phải chấm dứt những sai lầm, bất xứng ngay từ đây. Vì từ nay lịch sử đã sang một trang sử mới: Thiên  Chúa yêu thương và cứu độ. Từ nay sẽ chẳng có “giận dữ, xô đổ” mà chỉ thấy êm ái thúc giục, nhắc nhở nơi tâm hồn mỗi người nhận ra lỗi lầm mà tự ăn năn xám hối, mà hiệp với thập giá Chúa để được ơn tha thứ tội lỗi mà tẩy rửa tâm hồn “vì Nước Trời đã ở gần”. Và dù yêu thương Thiên Chúa Người cũng không chứa chấp cho ta một chút bóng tối, một chút tội lỗi khi muốn ở với Người.

Với việc làm của Chúa, dân chúng thì không thấy bỡ ngỡ và kêu ca gì, như những vị cầm quyền Do Thái thì căm tức. Họ cho đó là việc lộng hành, ông là ai mà dám làm điều đó qua mặt cả những bậc thầy của dân đây. Vì thế lâu nay đã ghét thì giờ đây họ càng ghét hơn: “Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy”.Đúng như có lời đã chép: “Vì nhiệt tâm chăm lo nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17). Người sẽ phải chịu chết để ban ơn cứu độ, để đổi mới cái đầu và gột rửa mọi tội lỗi họ.

Từ chỉ có một đền thờ Giêrusalem ngày xưa để tôn thờ Thiên Chúa, ngày nay nhân loại đã có hàng triệu nhà thờ để thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa. Người ta nhất là những người giàu có đã không tiếc công, tiếc của để trang điểm cho nơi Chúa ngự, là ngôi nhà chung của mọi người để gặp gỡ Chúa hàng ngày. Mỗi người được đến đó từ ngày lãnh bí tích rửa tội, cùng các bí tích khác cho tới khi được an nghỉ trong Chúa. Những ngôi thánh đường ấy đã đạt được mức tuyệt vời nhất. Vì Thiên Chúa là Đấng thiện hảo có vạn điều nhất, chẳng có chi sánh bằng.

Trước công đồng Vatican II, Giáo Hội cấm không được dùng nhà thờ, đồ dùng nhà thờ vào công việc gì khác ngoài việc phục vụ thánh lễ, các bí tích và cầu nguyện. Sau công đồng có rộng hơn cho phép hội họp, giảng dạy học tập Thánh Kinh, giáo lý. Tuy vậy ngày nay còn nhiều người vẫn  chưa ý thức được điều ấy: Tham dự thánh lễ hay cầu nguyện xong là oang oang nói chuyện với nhau như ngoài sân ngoài đường.

Lạy Chúa! Thân xác linh hồn con mới chính là đền thờ của riêng con cho Chúa ngự trị. Xin cho con biết luôn sửa sang điểm trang nên cung kính, đó là luôn biết giữ tâm hồn sạch tội, cho Chúa ngự vào . Để con luôn được kết hợp làm một với Chúa mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời – Amen

Giuse Ngọc Năng.

Tâm hồn ta là đền thờ của Thiên Chúa (20.11.2020)

Ghi nhớ:

 “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”. (Lc 19, 45).

Suy niệm:

 Sau buổi đọc kinh tối trong gia đình. Ông An bảo các con ngồi lại ông có mấy điều muốn chia sẻ: Ông nói:

– Không biết ý các con làm sao chứ bố thì không có thiện cảm với những người mà họ xâm trổ trên người của mình! Trong xóm ta có thằng Nghĩa; khi nó ở trần thì lộ ra phía trước ngực nó một con chim đại bàng; còn ở cánh tay thì một bên nó ghi dòng chữ: “ thù kẻ phản bạn” bên kia nó viết “ hận kẻ bạc tình”. Ông An nhận xét: Thân thể mình chứ đâu có phải là cái bảng để viết lên đó những điều vớ vẩn! Thật không ra là sao! Người đời thường nói: “ Nhìn trang phục, biết tư cách”. Thấy những người xâm trổ như vậy bố không thể nào có cảm tình với họ được! Bố muốn rằng các con đừng bao giờ học theo thói xấu đó, để rồi xâm trổ vào người như vậy. Bố không bằng lòng! Dừng một lát. Ông nói tiếp: Có quan niệm gì thì cứ để trong lòng, cần gì phải viết trên người như thế! Suy nghĩ giây lát, ông lại nói tiếp:

 – Bố có ý kiến này: Bố cho các con ba ngày để mỗi đứa tìm ra cho mình một câu Kinh Thánh mà mình tâm đắc và ưa thích nhất để câu Kinh Thánh đó sẽ là kim chỉ nam  trong cuộc sống của các con và các con sẽ ra sức thực hiện.

Đứa con gái út hỏi bố:

– Vậy bố ơi. Bố cho chúng con biết câu Kinh Thánh mà bố chọn đi?.

Ông An không trả lời thẳng, mà lại bảo:

– Các con cứ mở Phúc Âm của thánh Mátthêu Chương 16 Câu 26 thì sẽ rõ!

Cô út nhanh chân chạy lại kệ lấy quyển Kinh Thánh, cô mở ra và đọc cho mọi người cùng nghe:“Được cả thế gian mà thiệt mất mạng sống, thì nào có ích chi?”.

Ngay lập tức, các con ông liền thực hiện ngay cái  việc mà bố vừa đề nghị. Cô con gái út chọn câu: “ Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”( Mt 18,3) Cậu hai thì chọn: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 6, 8) ( ). Còn cậu Ba thì chọn: “ Anh em không biết rằng thân xác anh em là Đền  Thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong anh em sao?”(1 Cor 6, 19 ) Sau đó, ông An nhìn vợ rồi hỏi:

– Còn bà?

– Ông ra hạn ba ngày cơ mà?

– Thì là ba ngày. Ông An mỉm cười biểu lộ niềm vui, hạnh phúc!

 Vào thời Chúa Giê-su, hầu như mọi sinh hoạt tôn giáo đều diễn ra tại Đền Thờ. Tại nơi đây các tín đồ qui tụ về để nghe các thầy thượng tế, kinh sư và thông luật giảng giải, cắt nghĩa Thánh Kinh, đồng thời tham dự các nghi lễ chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa và dâng lời cầu nguyện. Trong những dịp như vậy thì các tín đồ thường tạ ơn Thiên Chúa bằng việc mua chim bồ câu hay chim gáy để tiến dâng theo luật định; nắm bắt được nhu cầu đó nên người ta, mà thường là những người có trách nhiệm, quyền hành trông coi Đền Thờ, mang những chim chóc đến buôn bán hòng kiếm lời và đồng thời qua việc diễn tiến mua bán đó, thì có trao đổi tiền bạc với  nhau, nên gặp khi có những đồng tiền mà mệnh gía lớn khó tiêu nên để cho thuận tiện người ta đã lập ra những bàn để đổi tiền lớn ra những đồng bạc nhỏ cho dễ sài, để kiến chênh lệch. Cũng từ những sự việc đó phát sinh ra biết bao tệ nạn…như mất trật tự, trộm cướp, gian lận…

Có một điều mà những người lãnh đạo tôn giáo  thời đó đã làm là lạm dụng quyền chức của mình nên họ đã đem tất cả việc buôn bán đó vào hẳn bên trong Đền Thờ. Chính vì lẽ đó mà hôm nay Tin Mừng thánh Luca thuật lại sự việc Đức Giê-su vào trong Đền Thờ để đuổi những kẻ đang buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Đức Giê-su muốn con người ta phải trả lại cho Đền Thờ đúng ý nghĩa của Đền Thờ  khi được xây dựng: Đó là nơi Thánh Thiêng, vì là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa qua việc tạ ơn, cầu nguyện. Đức Giê-su muốn Đền Thờ phải được tôn trọng và gìn giữ cho xứng đáng: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay, nhắc nhở chúng ta một điều là : Chính thân xác của chúng ta cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, nên thân thể mỗi người cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa như lời thánh Phao-Lô đã xác quyết: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 6,19) Chính vì thân xác của chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa nên ngoài việc giữ gìn, bảo vệ cho Đền Thờ được thơm tho, sạch sẽ nghĩa là không được phạm tội cho dù là tội nhẹ, chúng ta còn phải biết trang hoàng cho Đền Thờ được đẹp đẽ, khang trang đó là chúng ta phải tập tành các nhân đức như hiền lành, thật thà, bác ái, khiêm nhường, yêu thương… Được như vậy thì tâm hồn chúng ta mới xứng đáng là Đền Thờ  để Thiên Chúa Ngự trị.   

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa. Ngài đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh của Ngài. Xin cho chúng con luôn biết trân quý và ý thức được mình là Đền Thờ của Thiên Chúa mà ra sức gìn giữ để tâm hồn chúng con luôn thơm tho, sạch sẽ, xứng đáng rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày. Xin cho chúng con biết trang hoàng Đền Thờ cho Ngài ngự bằng viêc ra sức tu tâm, dưỡng tánh, luyện tập cho đước các đức tính tốt hằng ngày. Amen

  Sống Lời Chúa:

Sống với tâm niệm: thà chết chứ không phạm tội.

Đaminh Trần Văn Chính.

Nhà Ta là nhà cầu nguyện (22.11.2019)

Ngày 22.11: Lễ Nhớ Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo

Ghi nhớ:

Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” ( Lc 19, 45).

 Suy niệm:

Buổi tối hôm khánh thành nhà thờ của giáo xứ. Ông chánh Hiếu hỏi cậu con trai:

– Trong bài giảng lễ thánh hiến nhà thờ giáo xứ sáng nay, Đức Cha nhắn nhủ những gì con có nhớ không?

– Thưa bố, con không thể nhớ hết, nhưng con có nắm được ý chính. Bố ạ.

– Vậy con tóm tắt cho bố nghe đi.

– Đức Cha nói, việc xây dựng nhà thờ vật chất cho đẹp đẽ, khang trang bền vững để có nơi xứng hợp cho giáo dân đến thờ phượng Thiên  Chúa và cử hành các bí tích thì rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng và cần thiết hơn vẫn là chúng ta phải ý thức xây dựng một đền thờ tâm hồn của mình sao cho xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự trị.

– Con trai bố có trí nhớ tốt lắm. Ông chánh khen, Thôi con đi học bài rồi ngủ cho sớm nhé.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự việc là khi Đức Giê-su vào Đền Thờ thì Ngài thấy người ta buôn bán, đổi tiền, một cảnh tượng “ bất kính” diễn ra trước mắt, thế nên Đức Giê-su đã phẫn nộ xua đuổi những kẻ  buôn bán đó ra khỏi Đền Thờ. Ngài nói: “ Đã có lời chép răng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

Trong suốt cuộc hành trình đi loan báo Tin Mừng thì đây là lần duy nhất Đức Giê-su tỏ thái độ cương quyết và mạnh mẽ, không khoan dung, không nhân nhượng khi xua đuổi những kẻ đã biến Đên Thờ, Nhà của Thiên Chúa, nơi tôn nghiêm, nơi gặp gỡ để cầu nguyện cùng Thiên Chúa thành ra  chỗ buôn bán đổi chác bạc tiền.

Qua thái độ của Đức Giê-su chúng ta nhận thấy rằng; Đền Thờ là nơi tôn nghiêm, vì đó là nơi Thiên Chúa hằng ngự để con người đến đó mà  tôn vinh, cầu nguyện, xin ơn và cảm tạ Thiên Chúa, Đấng làm chủ muôn loài muôn vật trên vũ trụ này. Vì thế,  Đức Giê-su muôn mọi người phải tôn trọng, phải giữ gìn cho Ngôi Đền Thờ đó được xứng đáng là ngai tòa nơi Thiên Chúa ngự.

Một ý nghĩa vô cùng quan trọng nữa mà Đức Giê-su muốn cho con người biết; đó là thân xác của mỗi người đều là Đền Thờ của Thiên Chúa. Khi Ngài nói: “ Các ngươi cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại!”(Ga 2, 19) Và thánh Phao lô trong thư gửi cho tín hữu Corinto thì xác định: “ Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đên Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thân Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”( Cor 3, 16)

Sứ điệp lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta một điều rất quan trọng; là chúng ta phải luôn giữ gìn thân xác chúng ta sạch sẽ, không lấm lem tội lỗi, để xứng đáng là Đên Thờ của Thiên Chúa ngự, vì một khi chúng ta phạm tội là chúng ta đã làm cho Đền Thờ  ra nhơ uế đó.

Hạnh phúc biết bao khi chúng ta dù  chỉ là những con người hèn mọn nhưng lại được đón rước Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong lòng. Vì vậy chúng ta phải cố gắng tránh xa tội lỗi, giữ mình thanh sạch như vậy chúng ta mới  xứng đáng là Đên Thờ Chúa ngự.  Bên cạnh đó, chúng ta còn có bổn phận phải trang hoàng cho Đền Thờ được đẹp đẽ bằng cách tập tành các nhân đức . Như vậy Đền Thờ của chúng ta sẽ là nơi Thiên Chúa hài lòng luôn muốn ngự vào.

Cầu Nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su, khi Chúa ngự vào tâm hồn chúng con, đó là một hạnh phúc lớn lao. Thế nhưng đôi khi chúng con còn để cho lòng mình bị hỗn độn bởi những lo lắng đời thường, còn vương vấn những giận hờn ghét ghen. Chúng con thấy thật là bất xứng. Xin Chúa thứ tha và thanh luyện để tâm hồn chúng con mỗi ngày nên xứng đáng hơn để đón rước Chúa vào ngự  trong tâm hồn. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Thà chết chẳng thà phạm tội!!!

Đaminh Trần văn Chính

Nhà Cha Ta là Nhà Cầu Nguyện (23.11.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã muốn làm cho Đền thờ là nơi trang nghiêm, để thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là nơi để buôn bán, mặc dù việc buôn bán này cũng phục vụ cho việc tế tự. Sau khi thanh tẩy Đền thờ, Ngài đã chọn nơi thánh này làm nơi giảng dạy cho dân chúng từng ngày cho đến lễ Vượt Qua. Ngài đã sống những ngày cuối đời ở trần thế như một vị Thầy dạy tận tình yêu thương và chăm sóc cho mọi người.

Chúa vẫn yêu thương mãi muôn đời

Tình Ngài mở rộng đến muôn nơi

Ban nguồn ân phúc cho nhân thế

Nghĩa cả tình sâu rất rạng ngời

Sự hiện diện cùng với những lời giáo huấn của Đức Giêsu đã gây ra những phản ứng trái chiều trong cuộc sống lúc bấy giờ. Dân chúng thì nhiệt thành say sưa với những lời Ngài giảng dạy. Trong khi đó, giới lãnh đạo tôn giáo ở Đền thờ thì không quan tâm để ý, lại còn lập mưu kiếm cách làm hại và giết Ngài. Có thể là do họ khó chịu, tức tối với việc Đức Giêsu được dân chúng đồng lòng nghe theo và nhất loạt tung hô ca ngợi,  hoặc bực bội về việc Ngài như có quyền đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, hay ghen tương với việc dân chúng mê mải nghe Lời Ngài.

Chúa vẫn còn đây với đất trời

Điều hành sắp đặt mãi không thôi

Thời gian tiếp tục cùng đi tới

Tốt đẹp êm xuôi rất tuyệt vời

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: mỗi người chúng ta là Đền thờ sống động của Thiên Chúa. Đền thờ này cũng có thể đã trở nên nhơ uế bởi những ham mê tiền tài lợi lộc, ham mê sắc dục, danh vọng. Chúng ta hãy thanh tẩy đền thờ tâm hồn của mình mỗi ngày bằng việc loại bỏ những gì xấu xa, tội lỗi, và tô điểm thêm bằng các nhân đức, việc lành thánh thiện để mời Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sống thân mật với Chúa và hài hòa với mọi người là anh chị em của chúng ta.

Chúa vẫn yêu thương hết mọi người

Xót thương tha thứ chẳng hề vơi

Giang tay đón nhận ai tìm đến

Cứu chuộc nhân sinh hết mọi thời

*

Chúa vẫn đoái thương vẫn gọi mời

Loài người khắp chốn với muôn nơi

Tin Mừng thực hiện theo Lời Chúa

Để được vinh quang sống muôn đời

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật hạnh phúc vì được trở nên đền thờ cho Chúa ngự trị. Chúng con biết rằng: Chúa ưa thích cõi lòng chúng con hơn mọi đền đài nguy nga tráng lệ. Chúa muốn chúng con dành chỗ nhất cho Chúa ngự trị trong cõi lòng chúng con. Xin giúp chúng con biết dọn mình xứng đáng mỗi khi được rước Chúa. Xin tháo gỡ khỏi tâm hồn chúng con những quyến luyến tạo vật tầm thường để tâm hồn chúng con dành trọn vẹn cho Chúa.

HOÀI THANH

Nhà Cầu nguyện (17.11.2016)

Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ

Tại Châu Âu hiện nay nhà thờ, tu viện đang dần phải bán đi. Trong khi đó tại Việt Nam, đa số nhà thờ rất nhộn nhịp, chắc là nhất nhì thế giới! Chúng ta có lý do để mừng và tự hào. Nhưng một số mục tử nhìn tới tương lai và bắt đầu lo. Làm sao để điều tệ hại như bên Tây không xảy ra bên ta trong mười hay hai mươi năm nữa? Chắc hẳn chỉ có một cách thôi, đó là bảo đảm chất lượng cho sự nhộn nhịp hôm nay. Thật vậy, nhộn nhịp là chuyện số lượng; còn chất lượng có thể là chuyện khác. Đền thờ Giê-ru-sa-lem ngày xưa rất sầm uất, nhưng chính Đức Giêsu đã gọi đó là “hang trộm cướp,” bởi vì người ta biến nơi đó thành cái chợ, nơi họ buôn bán, trục lợi bằng đủ thứ mánh lới đặc trưng của một ‘chợ trời’: đầu cơ, độc quyền, ép giá, lừa đảo, móc nối chia chác…

Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định về Giáo Hội trước thềm thiên niên kỷ thứ ba: “Còn nơi nào mà bầu khí tục hoá chưa xâm lấn tới?” (số 36) Ta tham dự phụng vụ linh đình, nghi thức rầm rộ, hoành tráng, nhưng ta có xác tín mạnh mẽ sự hiện diện của Chúa không? Hay ta đến đó như ‘xác không hồn’, và ra về như ‘nước đổ lá môn’, chẳng đọng lại mấy tâm tình?

Nhà thờ là nhà cầu nguyện, chúng ta phải có niềm tin vững mạnh là Chúa luôn luôn hiện diện ở đó, để ta hết lòng tôn trọng và cung kính mến yêu. Chúng ta bảo vệ Đức Tin Công Giáo có nền tảng kỷ cương, không dễ dàng buông lỏng ngay với chính bản thân mình, vì mỗi tâm hồn chúng ta cũng là một đền thờ cho Chúa ngự vào.

Chúng ta tham dự Thánh Lễ phải cố gắng có “chất lượng cao” : 1/ về thời gian: không đi trễ về sớm; 2/ về y phục: lịch sự, đoan trang; 3/ về tâm tình đạo đức: đến gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em với tất cả  tâm hồn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đến với Chúa bằng tất cả tấm lòng chân thành mến yêu. Biết bảo vệ và giữ gìn Nhà Thờ được trang nghiêm sạch sẽ, cả về mặt hình thức lẫn nội dung, để xứng đáng là “ Nhà cầu nguyện” như lòng Chúa mong muốn. Amen.

 BCT

Nhà Thờ (20.11.2015)

Đức Giê-su đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !” (Lc 19,45-46)

Chúa Giê-su hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong ước điều gì nơi những kẻ muốn đến với Người. Thiên Chúa là Cha, điều Người mong ước nơi chúng ta là mối tình con thảo. Mà tình yêu thì không có tính toán, mặc cả. Đối với Thiên Chúa, chỉ có một lễ vật đẹp lòng Người, đó là tình yêu. Đôi khi chúng ta quá xem thường nơi tôn nghiêm Linh Thánh là “Nhà Thờ”, sau giờ Kinh Lễ là tự do trò chuyện cười nói rân ran…, đem cả những việc kinh doanh ngoài đời vào trong Nhà Thờ mà bàn tán sôi nổi, thậm chí còn liên lạc cả iphone khi đang dự lễ, nguyện kinh…, như thế còn gì là tấm lòng con thảo đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta, vì đến gặp Cha mà chẳng lo toàn tâm toàn ý để tâm sự với Cha, lại vô tình bận tâm với đủ thứ chuyện hầm bà lằng thế gian…, biến Nhà Thờ thành nhà hội họp ồn ào huyên náo thì còn ra thể thống gì nữa chứ!!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết cố gắng giữ tâm hồn khỏi mọi thứ tham lam, ích kỷ, để xứng đáng là đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha muốn quy tụ chúng con trong nhà của Cha để hưởng niềm vui được sống trong sự bao bọc yêu thương của Cha, và trong tình anh chị em con cùng một Cha, xin Cha giúp mỗi người chúng con hiểu thấu bài học Cha muốn dạy chúng con hôm nay. Amen.

BCT

Nhà Chúa – nhà cầu nguyện

“Đã có lời chép rằng: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 46)

Suy niệm: Dù lớn hay nhỏ, dù ở thành thị hay thôn quê, hình ảnh một ngôi thánh đường với bầu khí tĩnh lặng, yên bình, thánh thiêng đã trở nên rất quen thuộc đối với con người. Và có lẽ hơn ai hết, các Kitô hữu chính là những người cảm nhận cách sâu sắc hình ảnh ấy. Thế nhưng, điều gì đã kiến tạo nên khung cảnh đó? Hay nói cách rõ ràng hơn, đâu là lý do để nối kết hình ảnh ngôi thánh đường với bầu khí thinh lặng, trang nghiêm và linh thánh? Thưa, vì thánh đường là nơi cầu nguyện, là nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, là Nhà Chúa. Chính Chúa Giêsu tái khẳng định: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.”

Mời Bạn: Trong bối cảnh hiện tại, các ngôi thánh đường giáo xứ của bạn và tôi vẫn khang trang, êm ả, không bị biến thành nơi buôn bán, đổi chác, hay là “sào huyệt của bọn cướp” hiểu theo nghĩa đen. Thế nhưng, đó có phải là nhà cầu nguyện, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em thật sự không? Nếu mỗi chúng ta đến Nhà Chúa với một tâm hồn còn chất chứa thù hận, chia rẽ, bất công… thì phải nói rằng chính chúng ta là những kẻ đang muốn biến Nhà Chúa – nhà cầu nguyện thành một thứ gì khác.

Chia sẻ: Bạn thường đến Nhà Chúa với tâm tình và thái độ thế nào? Bạn nghĩ đâu là thái độ thích hợp nhất khi đến cầu nguyện trong Nhà Chúa?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian viếng Chúa và cầu nguyện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đến với Chúa bằng con tim yêu thương: yêu Chúa và yêu người.

nơi Chúa ngự trị

Ghi nhớ: “Đã có lời chép rằng: Nhà ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” . (Lc 19, 46)

Suy niệm: Chúa Giêsu đã trích dẫn lời của ngôn sứ Giêrêmia và Isaia để vừa nêu lên ý nghĩa của đền thờ, vừa điểm mặt thái độ giả hình của một số người Do thái. Họ đã vì tư lợi, đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán đổi chác, thành sào huyệt của bọn trộm cướp. Lời khiển trách của Chúa cũng nhằm nhắc nhở chúng ta ý thức hơn khi đến nhà thờ là nơi để thờ phượng Thiên Chúa, chứ không là nơi để chúng ta toan tính đổi chác với Chúa; không là nơi để khoe khoang, hám danh và ích kỷ với mọi người.

Sống Lời Chúa: Nghiêm trang đứng đắn trong ăn mặc và tư cách khi đến nhà thờ.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho con biết gìn giữ tôn trọng và yêu mến ngôi nhà thờ của mình, vì đó là nơi Chúa ngự trị. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *