Mục đích của đời sống.

Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17 tháng Tám, 1999, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất đã xảy ra trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.  Nó đã san bằng hàng trăm công trình kiến trúc và làm thiệt mạng hàng ngàn người.

Khi động đất xảy ra, một kế toán viên 40 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ là Yuksel Er vừa mới đi ra từ phòng vệ sinh ở lầu ba trong khu chung cư sáu tầng lầu.

Bỗng dưng, mọi thứ bắt đầu quay cuồng.  Chính ông cũng lảo đảo và bị rơi vào dòng thác cuốn của đồ vật.  Trong 45 giây tiếp đó tai ông như điếc vì tiếng động mạnh.

Và rồi, bỗng dưng mọi sự im lặng một cách ghê sợ.

Khi Yuksel tỉnh dậy, ông thấy mình bị kẹt dưới đống gạch vụn trong một vùng thật tối.

Trong khoảng cách nhỏ bé đó, ông không thể nào cựa quậy được, chỉ có thể nằm yên ở đó.

Trên mình ông và chung quanh ông là những vụn vỡ của tòa chung cư sáu tầng lầu.

Lúc đầu ông tưởng là tận thế.  Nhưng khi nghe thấy tiếng rên rỉ ở xa xa, ông biết là một điều gì khác đã xảy ra.

Trong bốn ngày liền, ông không ăn uống gì.  Ông dùng thời giờ để cầu nguyện, suy nghĩ về đời sống và tự hỏi đời sống sau khi chết sẽ như thế nào.

Lúc đầu, ông còn la lớn kêu cứu.  Nhưng thấy vô ích ông im lặng dưỡng sức.

Ông bắt đầu nhớ đến gia đình, và nhất là đứa con trai 13 tuổi mà ông vừa mới la rầy nó chỉ vài giờ trước trận động đất vì nó cứ dành máy computer của gia đình để chơi “game”.

Sau đó vào ngày thứ tư, khoảng một giờ sáng, ông nghe có tiếng gọi quen thuộc.  Chỉ trong vài phút, ông nhận ra tiếng của đứa cháu và thằng con 13 tuổi.  Chúng đào xới đống vụn để lôi ông lên.

Khi đứa con trai lôi được ông ra khỏi đống gạch vụn, điều đầu tiên nó nói là, “Bố ơi, con sẽ không bao giờ làm bố giận nữa.”  Ông Yuksel trả lời, “Bây giờ thì không còn quan trọng nữa, vì bây giờ mọi sự sẽ khác biệt.”

Sau này, khi ở trong bệnh viện, Yuksel nói với gia đình và bạn hữu: “Đây là cuộc đời thứ hai của tôi.  Tôi sẽ cố gắng tận dụng cuộc đời ấy.”  Và rồi ông khóc.  Giống như tiếng khóc của đứa bé mới lọt lòng mẹ.

Trước trận động đất, Yuksel sống với những ưu tiên và mục đích, không khác gì những ưu tiên và mục đích của chúng ta.  Sau cảm nghiệm ấy, các ưu tiên và mục đích của ông thay đổi cách đáng kể.

Điều này đưa chúng ta đến bài Phúc Âm hôm nay. Trong bài Chúa Giêsu nói rằng, “Nếu ai trong các con muốn đến với Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá của con và theo Thầy.”

Ở đó chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ về sự ngu dại khi giành được thế gian nhưng đánh mất điều quan trọng nhất trong tất cả: là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Sau cùng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói: “Con Người sẽ thưởng cho họ tùy theo hành động của họ.”

Hãy trở về với câu chuyện của Yuksel.  Khởi đầu tưởng rằng là một thập giá nặng nề, nhưng sau cùng lại là một phước lành lớn lao.

Nó đã dạy cho ông và thúc giục ông sống thời gian còn lại theo một phương cách xứng hợp với Chúa, và với suy nghĩ của Thiên Chúa chứ không phải của Satan.

Cũng giống như trận động đất đã thay đổi cuộc đời ông Yuksel, bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắm đến một kết quả tương tự cho chúng ta – tối thiểu cho một số người trong chúng ta.  Có lẽ, như Phêrô, lối suy nghĩ về đời sống của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn và càng giống với kiểu cách suy nghĩ của Satan hơn là của Thiên Chúa.

Có lẽ, giống như Phêrô, chúng ta đang mất dần ý nghĩa của đời sống.  Một đời sống không hoàn toàn vì vui thú và không muốn tránh càng nhiều thập giá càng tốt.

Đúng ra, đó là một đời sống để được phần thưởng là sự sống đời đời.  Đó là lối sống trong những năm còn lại của chúng ta ở đời này để giúp chúng ta gặt được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Rõ rệt hơn nữa là vác thập giá hằng ngày của chúng ta và chấp nhận các thập giá ấy trong tinh thần mà Chúa Giêu đã chấp nhận thập giá của Người.

Và đây là phần đáng kể.  Một khi chúng ta bắt đầu sống như Chúa Giêsu đã dậy, chúng ta sẽ khám phá ra điều mà Yuksel đã tìm thấy.

Nó sẽ thay đổi mọi sự, và bỗng dưng, điều tưởng như một thập giá to lớn lại trở nên một ơn sủng lớn lao trong đời này và đời sau.

Hãy kết thúc với câu chuyện để nói lên điều chúng ta muốn nói:

Một vài năm trước đây, Gene Stallings đã huấn luyện đội banh trường đại học Alabama để thắng được 22 trận và được coi là trường đứng hạng hai về “football”.  Nhưng không phải biến cố này, mà là một biến cố khác, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời của ông.  Đó là việc sinh hạ đứa con trai, Johnny.

Khi bác sĩ nói với ông Stallings rằng Johnny sẽ bị hội chứng Down (chậm phát triển) và có lẽ không sống lâu hơn bốn năm, ông đã ngất xỉu.

Ba mươi năm sau, Johnny vẫn còn sống.  Nói về ảnh hưởng của Johnny trong cuộc đời, ông Stallings cho biết:

“Cháu rất đặc biệt!  Tất cả sự yêu thương của cháu thì vô điều kiện.  Cháu không đạt thành tích gì. Cháu hoàn toàn vị tha.”

Trong rất nhiều dịp, ông Stallings tuyên bố rằng cho dù có thể đảo ngược mọi sự và bắt đầu lại với một đứa con không bị bệnh Down thì ông cũng không muốn như vậy.  Ông nói, “Tôi cảm nhận được rất nhiều ơn lành.”

Điều mà ông Stallings nghĩ rằng sẽ là một thập giá lớn lao trong đời thì lại trở nên một ơn sủng lớn lao – cả ở đời này và ngay cả ở đời sau.

Đây là Tin Mừng của Phúc Âm hôm nay. Đây là Tin Mừng mà chúng ta cử hành trong phụng vụ này.

Đó là Tin Mừng khi chúng ta vác thập giá của mình và theo Chúa Giêsu, có thể thay đổi cuộc đời chúng ta.  Nhưng nó sẽ đem lại một bình an và phước lành mà chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng ra hay hy vọng tới – và ngay cả dám mơ tưởng đến.

LM Mark Link, SJ

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *