Năm Thánh : Tìm hiểu ý nghĩa thực sự của Ân xá trong Giáo hội Công giáo

Năm Thánh đang đến gần, chúng ta lại nói về các ân xá: chính xác chúng là gì?

Mỗi lần Năm Thánh đến, chúng ta thường nói về ân xá: Nhưng ý nghĩa thực sự của nó là gì? Làm thế nào để có được ân xá? Trong quá khứ điều này đã dẫn đến những vụ bê bối và buôn bán, ngày nay truyền thống này đã được thanh lọc chưa?

Linh mục Francesco Romano, giáo sư Giáo luật trả lời

Nghĩa đen của ân xá bắt nguồn từ sự phán xét được thể hiện bằng lòng nhân từ, khoan dung, thấu hiểu. Theo quan điểm giáo lý, định nghĩa về ân xá được đưa ra trong Tông huấn «Indulgentiarum Doctrina» ngày 1/1/1967 của Thánh Phaolô VI, và được nhắc lại trong Bộ Giáo luật: “Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ; Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ này nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội; Với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh” (Điều 992).

Giáo lý và thực hành ân xá trong Giáo hội Công giáo gắn liền với hiệu quả của bí tích thống hối, giải thoát tội nhân khỏi tội lỗi bằng việc tha thứ tội lỗi, nhưng không hoàn toàn khỏi hình phạt tạm thời, tức là hình phạt vẫn còn phải chịu ở luyện ngục, vốn luôn tồn tại trong con người như phần dư thừa ngay cả sau khi đã xưng tội, một loại dấu hiệu để con người không quên, như Thánh Augustinô đã dạy chúng ta một cách khôn ngoan rằng, không có lòng thương xót của Thiên Chúa thì không thể có ơn cứu rỗi bất chấp những nỗ lực của chúng ta.

Được giải thoát khỏi tội lỗi, người Kitô hữu vẫn cần phải phục hồi hoàn toàn sức khỏe thiêng liêng. Họ phải làm điều gì đó nhiều hơn nữa để đền bù những lỗi lầm của mình. Việc đền tội này còn được gọi là thống hối, do linh mục giải tội chỉ định. Nó có thể bao gồm việc cầu nguyện, dâng cúng, làm việc bác ái, phục vụ tha nhân, từ thiện, hy sinh và đặc biệt là kiên nhẫn chấp nhận thập giá mà chúng ta phải vác.

Do đó, sau khi được tha tội và hoàn thành việc đền tội do cha giải tội đưa ra, hình phạt đời đời được xóa bỏ, vẫn có thể còn lại một số hình phạt phải chịu để thanh tẩy linh hồn hoàn toàn. Ân xá loại bỏ trước mặt Thiên Chúa phần còn lại của các hình phạt tạm thời của những tội lỗi đã được tha thứ mà đáng lẽ phải chịu trong Luyện ngục.

Ân xá đạt được thông qua Giáo hội dựa trên quyền ràng buộc và tháo gỡ mà Chúa Giêsu đã ban cho. Nó mở ra cho người tín hữu Kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô và các Thánh để họ có thể nhận được từ nơi Chúa Cha ơn tha thứ các hình phạt tạm thời do tội lỗi của họ gây ra. “Kho tàng” này cũng thuộc về giá trị vô song mà các việc làm của Đức Trinh Nữ Maria và tất cả các thánh, trước mặt Thiên Chúa, đã cộng tác vào việc cứu rỗi của các anh em mình trong sự hiệp nhất với nhiệm thể.

Ân xá cũng có thể được ban cho người đã qua đời, theo cách chuyển cầu, những người đang được thanh tẩy trong Luyện ngục vì họ cũng là một phần của sự hiệp thông của các thánh.

Để nhận được ơn toàn xá, cần phải thực thi công việc để “hưởng ân xá”, thực hiện ba điều kiện: xưng tội để được tha tội, Rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính; tuy nhiên, các tín hữu có thể tự do đọc bất kỳ lời cầu nguyện nào khác theo lòng đạo đức của mình). Ngoài ra, cần phải loại trừ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, kể cả tội nhẹ. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ hoặc không đáp ứng ba điều kiện nêu trên thì ân xá chỉ là một phần.

Ơn toàn xá được mọi người biết đến như một ân huệ của Giáo hội ban tặng nhân dịp Năm Thánh. Thực ra, nó được ban thường xuyên cho các tín hữu (để biết thêm chi tiết, xin tham khảo “Cẩm nang về Ân xá. Quy tắc và ân ban”, Tòa Ân Giải Tối Cao, 2021). Ví dụ, công việc được quy định để “hưởng” ơn toàn xá gắn liền với một nhà thờ hoặc nhà nguyện bao gồm việc viếng thăm các nơi thánh này với lòng đạo đức, thực hiện các điều kiện quy định và đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, trừ khi có quy định khác trong các trường hợp đặc biệt.

Đối với ân xá chỉ áp dụng cho các linh hồn ở Luyện ngục, cần lưu ý các trường hợp sau: trong các ngày từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11, người viếng thăm nghĩa trang với lòng đạo đức và cầu nguyện cho người đã khuất, dù chỉ là cầu nguyện thầm; vào ngày lễ cầu cho các tín hữu qua đời hoặc, với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền, vào Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào Lễ Các Thánh, những ai viếng một nhà thờ hoặc nhà nguyện với lòng đạo đức và đọc một kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính.

Các tín hữu nào sử dụng một cách sùng kính một vật phẩm như (thánh giá, tràng hạt, áo Đức Bà, ảnh tượng) đã được làm phép hợp lệ, có thể được hưởng ân xá một phần. Nếu đồ vật đó được Đức Giáo hoàng hoặc một Giám mục làm phép, các tín hữu sử dụng nó một cách sùng kính cũng có thể nhận được ơn toàn xá vào ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, nhưng phải thêm Kinh Tin Kính với bất kỳ công thức hợp lệ nào.

Đối với các tín hữu “trong lúc nguy tử”, nếu không có linh mục bên cạnh để giúp đỡ, ban các bí tích và ban phép lành Tòa Thánh kèm theo ơn đại xá, Mẹ Giáo hội vẫn ban ơn đó cho họ, miễn là họ có sự chuẩn bị tốt và đã đọc một số lời cầu nguyện trong đời sống của mình. Để đạt được sự tha thứ này, khuyến khích sử dụng tượng chuộc tội hay thánh giá.

Do đó, ân xá nói với chúng ta về kho tàng Lòng Thương Xót của Chúa và sự dư dật của nó ngay cả khi so với tất cả những điều ác mà con người đã gây ra. Chỉ những ai để cho mình được Lòng Thương Xót Chúa biến đổi và khiêm nhường kín múc dồi dào từ kho tàng siêu nhiên của sự tha thứ, nhờ Giáo hội, mới có thể thấy số phận đời đời của mình thực sự thay đổi.

Ơn toàn xá được Đức Giáo hoàng Boniface VIII ban vào năm 1300 cho những người đã chịu phép rửa, ăn năn và xưng tội, đã viếng thăm các đền thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô (trong 30 ngày nếu là người Rôma, trong 15 ngày nếu là khách hành hương).

Từ thế kỷ XIV đến XVI, khả năng nhận được ơn toàn xá bằng tiền dâng cúng, được gọi là oblationes, được các quaestores thu gom để hỗ trợ cho các công việc tông đồ và hơn thế nữa. Dân chúng bắt đầu nghĩ sai và cho rằng ân xá không chỉ giải thoát khỏi hình phạt tạm thời, mà còn giải thoát khỏi tội lỗi thay thế cho việc xưng tội, và do đó, chỉ cần hưởng ân xá là đủ để nhận được ơn tha thứ tội lỗi, cuối cùng dẫn đến chỗ coi việc ban phát ân xá thành một hoạt động tài chính. Để chấm dứt những rối loạn này, Công đồng Trentô đã cấm việc tìm kiếm và thu tiền ân xá.

Từ thế kỷ XVI đến nay, các Đức Giáo hoàng đã quy định việc ban ân xá, thiết lập số lượng và tính xác thực của chúng. Giáo hội nhấn mạnh rằng không có bất kỳ sự tự động nào cho phép nhận được ân xá mà không có sự hoán cải thực sự, từ bỏ tội lỗi một cách chân thành và thực sự ăn năn về những tội lỗi đã phạm và đã xưng tội. “Sự tha thứ được Thiên Chúa ban cho cách nhưng không, đi kèm hệ quả là một sự thay đổi thực sự trong cuộc sống, loại bỏ dần dần sự dữ bên trong, đổi mới cuộc sống của một người” (Gioan Phaolô II, Incarnationis mysterium, 1998).

Tác giả: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: https://www.toscanaoggi.it

https://gpquinhon.net/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *