Nazareth: gia trang hiệp nhất yêu thương

Gia trang Nazareth: gia trang hiệp một và yêu thương

Merry Christmas – Giáng Sinh vui vẻ – Giáng Sinh hạnh phúc – Giáng Sinh an lành… Vâng, đó là những câu chúc tốt đẹp nhất mỗi khi ngày lễ Giáng Sinh đến. Và hẳn nhiên, không ai trong chúng ta lại không mong muốn những điều vui vẻ, những niềm hạnh phúc và an lành đến với gia đình chúng ta!

Thế nhưng, không phải ai cũng được như thế. Thật vậy, trong khi nhiều nơi trên thế giới được hưởng sự an lành và niềm vui Giáng Sinh thì ở một xứ sở không xa lắm nơi Chúa Giêsu giáng thế, nhiều gia đình đã không hưởng được sự an lành và niềm vui ấy.

Theo tin từ đài VOA, được phát đi ngày 25/12/2013, cho biết “Một chiếc xe bom đã phát nổ, giết chết ít nhất 24 người và gây thương tích cho 30 người khác bên ngoài một nhà thờ nơi tín đồ Kitô đang dự Thánh lễ Giáng Sinh, ngày thiêng liêng đánh dấu Chúa Giêsu ra đời. Một vụ nổ khác tại một khu vực gần đó giết chết 10 người và làm bị thương 14 người”. Có nhiều gia đình Kitô hữu Iraq đã phải rời bỏ quê hương xứ sở, sống kiếp tha hương nơi đất khách quê người, cũng chỉ vì những vụ khủng bố tôn giáo.

Sự kiện này gợi cho chúng ta nhớ đến câu chuyện của một gia đình, một gia đình, mà hôm nay chúng ta quen gọi là “Gia Thất Thánh”. Chính Gia Thất Thánh này cũng đã phải nếm trải kiếp sống tha hương bởi sự ngông cuồng của một tên bạo chúa. Gia đình này chính là gia đình Giuse-Maria-Giêsu.

**

Vâng, Palestin của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Đang khi Belem chìm trong thinh lặng của đêm khuya. Đang khi một gia đình có “bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” say sưa trong giấc ngủ đêm về… Có một cuộc thần hiện xảy ra.

Chuyện được kể lại rằng: “Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”. (Mt 2, 13)

Đây không phải là lần đầu tiên ông Giuse “mộng thấy sứ thần Chúa”. Nếu giấc mộng cách nay khoảng tròn năm trước, trước mệnh lệnh của Sứ thần Chúa, ông đã phải chiến đấu, để chọn lựa, để thi hành, thì với giấc mộng hôm nay, ông đã tuân thủ không chút ngờ vực, không chút đắn đo.

Kinh Thánh chép lại rằng: “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập”. (Mt 2, 14).

*Tưởng chúng ta cũng cần biết, vì sao vua Hêrôđê muốn giết Hài Nhi.

Vâng,  khi mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu”, họ “đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông” và họ muốn được “đến bái lạy Người” nó đã như một cái tát vào mặt Hêrôđê.

Ai… ai là vua dân Do Thái và ai đáng được bái lạy, nếu không phải là ông ta! Một quỷ kế đã được Hêrôđê vạch ra. Nhà vua “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến” căn dặn mấy nhà chiêm tinh rằng “Xin quý Ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”…

Qua những lời chỉ dẫn của các thượng tế và kinh sư, mấy nhà chiêm tinh đã tìm thấy “vị lãnh tụ chăn dắt Israel” tại Belem. Chuyện kể rằng: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”.

Thế nhưng, sau đó, mấy nhà chiêm tinh “được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”.

Vua Hêrôđê, sau đó, thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng phụ cận… 

Trở lại cuộc hành trình “vượt biên” của ông Giuse. Ông đã đưa gia đình đến bến bờ bình an. Tại Ai Cập, gia thất của ông đã “ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà”, đúng như lời sứ thần Chúa đã truyền dạy.

***

Câu chuyện này được ghi lại trong Phúc Âm thánh Matthêu với tiêu đề “Đức Giêsu trốn sang Ai Cập”.  Nếu được phép, nên chăng, tiêu đề của trình thuật này nên gọi là “ba giấc mộng vàng”!

Vâng, qua câu chuyện,  những gì đã xảy ra cho gia thất thánh xưa kia, nay vẫn đang xảy ra nơi này, nơi khác trên khắp thế giới, và đôi lúc ngay trong chính mỗi gia đình chúng ta.

Thật vậy,  hôm nay, vẫn còn đó những tên bạo chúa Hêrôđê-thời-đại, để thỏa hiệp, để giữ vững chức tước quyền hành, những tên bạo chúa đó không ngần ngại ban hành những luật lệ, những sắc lệnh, tước đi quyền làm người, quyền được sống của con trẻ, của hài nhi…

Hôm nay, vẫn còn đó những tên bạo chúa Hêrôđê-thời-@, chỉ vì những mối lợi tiền bạc, những tên bạo chúa đó không ngần ngại truy sát tập thể những con trẻ ngây thơ, bởi những game online bạo lực, bởi những website-đen… đen như mõm chó, bởi những thần tượng ảo kiểu Harry Potter v.v…

Vâng, hãy tự hỏi, gia đình chúng ta có bao giờ bị một trong những tên bạo chúa Hê-rô-đê-thời-đại hay thời-@ nêu trên, truy sát con em mình.!?

Hãy tự hỏi, nếu có, chúng ta sẽ làm gì?

Thánh Giuse xưa, khi nhận ra con-tàu-gia-đình đang mắc nạn bởi những vũng lầy của gian nan trắc trở, bởi những vũng lầy của bạo lực và chết chóc, ngài đã nhanh chóng “trỗi dậy”, trỗi dậy trong vai trò thuyền trưởng, để đem con tàu gia đình mình đến bến bờ của sự trông cậy, của bình an, và hơn hết, của tình yêu hiệp nhất.

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Mỗi khi con tàu gia đình chúng ta trôi không định hướng, chúng ta cũng phải “trỗi dậy”… phải trỗi dậy trong vai trò gia trưởng.

Chỉ có điều, khi “trỗi dậy”, chúng ta cần có “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3, …13)

Nói rõ hơn, nếu con em chúng ta có rơi vào “vũng lầy” do những tên bạo chúa Hêrôđê-thời-đại giăng bẫy, hãy đến với chúng với tất cả “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại”. Bởi, nếu chúng ta đến với con em chúng ta trong một tâm tình như thế, hãy tin rằng, chúng ta đủ điều kiện để đưa con em mình ra khỏi những vũng lầy chết chóc đó.

Một văn hào phương tây đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó”. Nhắc lại điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta ý thức về sự hiện diện của mình bên cạnh con em chúng ta.

Hiện diện bên cạnh con em chúng ta, dĩ nhiên, không ở trong vai trò cảnh sát, nhưng là để “sẵn sàng trỗi dậy”, trỗi dậy, trước là đưa con em chúng ta về lại “gia trang Nazareth: gia trang hiệp một và yêu thương”,  sau là “về đất Israel”, một Israerl-Trời Mới Đất Mới.   

Petrus.tran