Nghi thức rước vào Nhà nguyện Sistina để bầu chọn Giáo hoàng

Lúc 16 giờ 30, ngày 07 tháng Năm (giờ Roma), 133 Hồng y cử tri thuộc 71 quốc gia, cùng với một số chức sắc Tòa Thánh có liên hệ tới Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng, đã quy tụ tại Nhà nguyện Paolina, trong dinh Tông Tòa, để khai mạc nghi thức tiến vào mật nghị. Nghi thức này cũng được các đài truyền hình trực tiếp trình chiếu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Vì Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re, Đức Hồng y Phó Niên trưởng Leonardo Sandri, đều quá 80 tuổi, nên Đức Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi (1955), nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh, là người kế tiếp trong số các Hồng y thuộc đẳng Giám mục, chủ sự nghi thức tiến vào mật nghị, cũng như điều hành công việc bầu cử sau đó tại Nhà nguyện Sistina.

Dẫn nhập

Sau khi làm dấu thánh giá và chào mở đầu, Đức Hồng y Pietro Parolin nói với các Hồng y quy tụ tại Nhà nguyện Paolina rằng:

“Chư huynh đáng kính, sau khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa, giờ đây chúng ta tiến vào mật nghị để bầu Giáo hoàng. Toàn thể Giáo hội, hiệp với chúng ta trong kinh nguyện, cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, để chúng ta bầu một vị chủ chăn xứng đáng của toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô. Xin Chúa hướng dẫn bước đi của chúng ta trên con đường chân lý, để nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria trọn đời đồng trinh, hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cùng toàn thể các thánh, chúng ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Chúa”.

Đoàn rước được tiến hành: đi đầu là thánh giá, tiếp đến là ca đoàn và các vị trong Ban nghi lễ phụng vụ, Đức Tổng giám mục Ilson de Jesus Montanari, người Brazil, Tổng thư ký Bộ Giám mục cũng như trong tư cách là Tổng thư ký Hồng y đoàn, và Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, 91 tuổi, Dòng Capuchino, vị trình bày cho các Hồng y cử tri bài suy niệm trước khi tiến hành bầu chọn Giáo hoàng mới. Tiếp đến, các Hồng y cử tri, theo thứ tự của ba đẳng: Phó tế, Linh mục và Giám mục. Kế đó là sách Tin mừng, được một Phó tế cung nghinh, sau cùng là Đức Hồng y Parolin, được Đức Tổng giám mục Diego Ravelli, Trưởng Ban nghi lễ phụng vụ tháp tùng.

Trong khi đoàn rước tiến về Nhà nguyện Sistina, ca đoàn và mọi người cùng hát Kinh cầu các thánh.

Sau khi các Hồng y an tọa trong Nhà nguyện Sistina, sách Tin mừng được đặt ở vị trí cao trọng giữa nguyện đường, để “chủ tọa trên tất cả các lễ nghi và quyết định của các Hồng y”.

Rồi mọi người hiện diện hát kinh “Veni, Creator Spiritus”, cầu xin Chúa Thánh Thần. Sau đó, Đức Hồng y Parolin đọc lời nguyện, xin Chúa hướng dẫn và bảo vệ, ban cho các tôi tớ Chúa Thần Trí khôn ngoan, chân lý và an bình, để tìm biết ý Chúa và phụng sự Chúa hết lòng”.

Tuyên thệ

Nghi thức khai mạc mật nghị được tiếp tục với phần tuyên thệ. Đức Hồng y chủ sự Parolin tuyên đọc công thức như sau đây:

“Chúng tôi tất cả và từng Hồng y cử tri hiện diện trong cuộc bầu cử Giáo hoàng ở đây, chúng tôi tuyên hứa, buộc mình và thề trung thành tuân giữ kỹ lưỡng tất cả những quy định chứa đựng trong Tông hiến của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II “Universi Dominici Gregis”, Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa, ban hành ngày 22 tháng Hai năm 1996.

Cũng vậy, chúng tôi tuyên hứa, buộc mình và thề rằng bất kỳ người nào trong chúng tôi, khi được bầu làm Giáo hoàng, theo sự xếp đặt của Chúa, thì sẽ quyết tâm trung thành chu toàn sứ vụ Phêrô-Mục tử của Giáo hội hoàn vũ, và sẽ không thiếu sót trong việc hăng say khẳng định và bảo vệ các quyền thiêng liêng và trần thế cũng như tự do của Tòa Thánh.

Nhất là, chúng tôi hứa và thề hết sức trung thành tuân giữ bí mật, với tất cả mọi người, dù là giáo sĩ hay giáo dân, về tất cả những gì liên quan bất cứ cách nào tới việc bầu Giáo hoàng và về những gì xảy ra tại nơi bầu cử, liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc bỏ phiếu; không vi phạm bằng tất cứ cách nào bí mật này, dù là trong lúc hoặc sau cuộc bầu cử Giáo hoàng mới, trừ khi được chính Đức Giáo hoàng cho phép rõ ràng; chúng tôi hứa và thề không bao giờ ủng hộ hoặc hỗ trợ bất kỳ sự xen mình, chống đối hoặc bất cứ hình thức can thiệp nào mà thế quyền thuộc bất kỳ phạm vi hoặc cấp độ nào, hoặc bất kỳ nhóm người hoặc cá nhân nào muốn xen mình vào việc bầu Giáo hoàng”.

Sau đó, mỗi vị Hồng y, theo thứ tự phẩm trật, tuyên thệ theo công thức: “Tôi, Hồng y…, tuyên hứa, buộc mình và thề”.

Vị Hồng y ấy đặt tay trên sách Phúc âm do các vị trong Ban nghi lễ mang tới, và nói thêm rằng: “Xin Chúa và sách Tin mừng mà tay tôi chạm đến đây, trợ giúp tôi như vậy”.

Extra omnes

Sau khi vị Hồng y cuối cùng tuyên thệ xong, Đức Tổng giám mục Ravelli, Trưởng ban Nghi lễ phụng vụ của Tòa Thánh, truyền lệnh: “Extra omnes”-Tất cả ra ngoài, nghĩa là những ai không tham dự mật nghị Hồng y bầu chọn Giáo hoàng, đều phải rời khỏi Nhà nguyện Sistina. Chỉ còn lại vị Trưởng ban Nghi lễ phụng vụ, sau đó Đức Hồng y Cantalamessa bắt đầu trình bày cho các Hồng y cử tri một bài suy niệm về nghĩa vụ hết sức hệ trọng đang chờ đợi các vị và sự cần thiết phải hành động với ý hướng hoàn toàn ngay thẳng trong việc bầu Giáo hoàng, chỉ tìm cách chu toàn ý Chúa và chỉ nhắm công ích của toàn thể Giáo hội mà thôi.

Sau bài suy niệm, cả Đức Hồng y Cantalamessa lẫn Đức Tổng giám mục Ravelli cũng rời khỏi Nhà nguyện Sistina, chỉ còn lại 133 Hồng y cử tri. Cánh cửa nhà nguyện được Đức Hồng y George Jacob Koovakad, 52 tuổi, người Ấn Độ, là người xếp sau cùng trong các Hồng y đẳng Phó tế, đích thân đóng cửa nhà nguyện lại, và bên ngoài các vệ binh được bố trí canh giữ tất cả các lối ra vào nhà nguyện.

Theo quy định của Tông hiến “Universi Dominici Gregis”, bên trong Nhà nguyện Sistina lúc đó, Đức Hồng y Parolin trình bày cho các Hồng y cử tri những việc cần phải làm, rồi mời các vị tiến hành ngay việc bỏ phiếu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *