“Người bạn” của tôi

 

Cách đây gần mười năm, khi điện thoại thông minh (smartphone) còn chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, thì em tôi đã sở hữu một chiếc điện thoại đời mới. Nhìn nó suốt ngày ngồi bấm bấm lướt lướt, tôi thấy có đôi chút khó chịu nên tuyên bố một câu xanh rờn: “Có cho tiền tui cũng không sài cái điện thoại ấy, vừa cộm túi vừa mất thì giờ”.

Thế mà mấy năm sau, theo trào lưu của xã hội, tôi cũng sắm cho mình một chiếc. Thời gian đầu, chiếc điện thoại smartphone thật sự là một người “bạn” hữu ích, nó giúp tôi học tập, nắm bắt thông tin và dễ dàng nhận email mà không cần đến máy tính, có thể chụp hình mọi lúc, mọi nơi… Ngoài ra ứng dụng Facebook, Zalo giúp giao lưu, kết nối với mọi người trên khắp thế giới.

Nhưng dần dần, nó trở thành “ông chủ” và chi phối toàn bộ cuộc sống của tôi. Buổi sáng vừa mở mắt ra, việc đầu tiên là cầm điện thoại kiểm tra tin nhắn, vào Facebook xem bức hình mới đăng hôm qua được bao nhiêu like (lượt thích), lúc ăn, lúc ngủ, thậm chí là đang tham dự Thánh lễ cũng lướt Web. Tôi đã nghiện nó lúc nào không hay, hễ rảnh là cắm mặt vào chiếc điện thoại để theo dõi những tin tức giật gân, những bình luận của người quen về một đề tài đang “hot” để rồi bị cảm xúc buồn bực đeo bám suốt thời gian dài khi mình bỗng trở thành người bị “ném đá” trong những cuộc tranh luận đó, điều này khiến mối quan hệ giữa tôi và họ hoàn toàn đổ vỡ. Trong cuộc sống, có những chuyện tận mắt chứng kiến nhưng chưa chắc đã là sự thật, huống hồ chỉ là nghe qua người khác mà kết tội ai đó khi thông tin chưa được kiểm chứng, xác minh thì quả thật thiếu công bằng, bác ái đối với họ. Từ sự việc đó, đó tôi tập tránh xa những chuyện thị phi để giữ cho tâm hồn bình an hơn.

Những người trẻ trong gia đình tôi, mỗi người ôm một chiếc điện thoại, giam mình trong thế giới riêng thay vì cùng quây quần để trò chuyện, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Thời gian lướt Web quá nhiều nên không còn thời giờ và tâm trí cho những việc khác.Tình trạng này chỉ thay đổi khi hàng hoá bị ứ đọng do không có người làm nên bị khách mắng vốn, mọi người bắt đầu cáu gắt, đổ lỗi cho nhau, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này đã đẩy khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày một xa hơn, những hậu quả xấu do việc lạm dụng smartphone giống như những cây cỏ dại đang mọc lên, xấm lấn mảnh đất tâm hồn khiến những giá trị truyền thống tốt đẹp bị bóp nghẹt.

Đứng trước thực trạng trên, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc, trao đổi và đưa ra một quy ước chung: đến giờ ăn là phải tắt hết các thiết bị kỹ thuật số để đảm bảo giây phút sum họp đó có đông đủ mọi thành viên trong gia đình, tổ chức lại giờ kinh tối để cùng hiệp lòng hiệp ý dâng lên Thiên Chúa những lới chúc tụng, cảm tạ và cầu xin…Những hoạt động này giúp gắn kết mọi người với Chúa và với nhau. Đặc biệt chúng tôi cùng thống nhất không mang điện thoại khi đi tham dự Thánh lễ để tâm trí không bị sao nhãng vào các việc khác. Trên trang Facebook của tôi luôn đăng tải những thông tin tích cực, vui tươi, lành mạnh, giúp lan toả tình yêu thương, sự lạc quan cho những ai đọc nó.

Bây giờ thay vì ôm “cục sắt”, tôi dành thời gian đi ra ngoài tập thể thao, vừa nâng cao sức khoẻ vừa gặp gỡ, giao lưu với những người thật việc thật, rất nhiều bài báo được ra đời từ những cuộc gặp gỡ này. Ngoài ra tôi còn năng thăm viếng những hoàn cảnh đang gặp khó khăn trong cuộc sống để chuyển trao những nghĩa cử yêu thương, hạnh phúc từ đó nảy sinh nơi bản thân và những người xung quanh.

Từ những cảm nghiệm của bản thân, tôi đã rút ra được bài học: điện thoại thông minh là một người bạn tốt nếu ta sử dụng nó đúng cách, nhưng sẽ trở thành một người bạn xấu nếu lạm dụng quá nhiều. Trong cuộc sống, có một thứ chúng ta không thể để dành đó là thời gian, thời gian trôi qua sẽ không bao giờ lấy lại được. Thay vì ngồi ôm điện thoại nhiều giờ, hãy dành thời gian quý báu đó cho gia đình và những người thân, đừng để đến khi mất đi rồi mới hối hận thì cũng đã muộn màng.

Hãy sử dụng smartphone đúng cách, đúng lúc, đúng mục đích để mưu ích cho bản thân và những người xung quanh bạn nhé.

KimMary

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *