Suốt nhiều ngày nay, cổng thông tin của Giáo phận Vinh, Giáo phận Hưng Hóa và các trang mạng xã hội đang nóng lên từng giây hòa vào tâm trạng bàng hoàng đến ngẹn đắng trước sự ra đi quá “vội vàng” của cha Micae Nguyễn Hữu Trí. Không xót xa, không thương tiếc sao được khi một người linh mục còn chưa “thôi nôi” đời mục tử của mình lại mãi mãi ra đi về cõi thiên thu cách xa nghìn trùng vạn dặm?
Chín tháng trước, ngài đã lãnh nhận thiên chức linh mục trong bối cảnh xáo trộn, khó khăn chất chồng trước cơn sóng thần Covid-19. Cái ngày mà người ta chịu chức linh mục thì linh đình náo nhiệt, còn ngài nhận chức linh mục thì lại trong cái âm thầm bất đắc dĩ mùa đại dịch. Chẳng mấy người thân, bạn bè có thể quy tụ để chung vui với ngài trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời nhưng ngài đã đón nhận thánh chức trong niềm vui nội tâm sâu thẳm. Rồi trong tâm thế của một linh mục trẻ đang tràn trề khí chất tông đồ, ngài được sai đến với cánh đồng truyền giáo miền thập tỉnh Hưng Hóa. Khi nghe tiếng Chúa gọi mời đi vào “cánh đồng bất tận” của công cuộc loan báo Tin mừng, cha Micae đã mau mắn đáp trả tiếng gọi của Đức Kitô, cùng bảy anh em khác “Bắc tiến” để thi hành sứ vụ. Sự mau mắn của ngài làm chứng rằng ơn gọi linh mục là ơn gọi được sai đi để phục vụ (Mt 20,28) và người mục tử nhân lành thì không ngại khó sợ khổ, không “bỏ chiên mà chạy” (Ga 10,12), nhưng băn khoăn, khắc khoải, thao thức vì cuộc sống của chiên; đồng thời luôn lo lắng, vất vả, chịu thương chịu khó vì hạnh phúc của chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống để chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Giáo xứ Huổi Một, Giáo phận Hưng Hóa (xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã trở nên mảnh ghép “đậm tình” trong đời mục tử của ngài. Nhưng chẳng ai ngờ, nơi đây cũng trở thành điểm cán đích cuối cùng cho hành trình ngắn ngủi ấy. Dù vắn vỏi là thế, tuy nhiên, có thể nói ngài đã nỗ lực chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng là sự sống từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu (x. Pl 3, 14). Cái chết của ngài như điểm cuối bình an của một hành trình, sự ngừng nghỉ sau một chuyến đi truyền giáo đầy khó khăn và thách đố. Cha Micae đã cán đích thanh thản và sự chết đã mở ra một “chân trời tự do” cho ngài. Nơi đó sẽ không còn tranh đấu, không còn giằng co nội tâm, không vướng đau khổ, không bận vinh hoa nhưng đó là chân trời của hạnh phúc vĩnh cửu và trời mới, đất mới đã mở ra cho ngài.
Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta mừng cho cha Micae vì nay ngài đã an hưởng mùa xuân vĩnh cửu trong vòng tay nhân ái của Cha Chí Thánh và được “diện đối diện” chiêm ngắm Đấng mà ngài đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời để thuộc trọn về Đấng ấy. Một lần nữa, ngài minh định cho sự cao cả về thiên chức linh mục, lý tưởng tận hiến cho Thiên Chúa và sứ mạng phục vụ phần rỗi các linh hồn. Tuy vậy, là phận người, những kẻ ở lại không thể nào mà không xót xa, đắng đót, thậm chí là gào thét, cào cấu tâm can, ngất lịm trước sự ra đi “bất thình lình” của ngài. Trong vô vàn những giọt lệ tiếc thương đã rót xuống lòng đất mẹ, có nỗi đau quặn thắt của người cha phải chịu cảnh: “Lá vàng đưa tiễn lá xanh”,“Lá vàng rùng mình chống trọi với nỗi đau mất đi lá xanh” – là mái đầu điểm bạc đưa tiễn tóc xanh về trời. Thật ngậm ngùi, tê tái biết dường nào!
Từ nay, dải đất khắc bạc, nắng nẻ mưa nguồn, đồng chua nước mặn xứ Nghệ và miền sơn cước Tây Bắc với cảnh sắc nguyên sơ, núi rừng kỳ vĩ, đồi xanh ngút ngàn, mãi mãi ghi dấu những bước chân của ngài, dù là những bước chân non dại thời tập tu cho đến đôi chân cứng cáp của một mục tử đích thực rong ruổi vì hạnh phúc của đoàn chiên. Cha Micae đã “sống đẹp” và “chết đẹp”, mở ra một lý tưởng cho các thế hệ sau phấn đấu noi theo. Có lẽ, giờ này, Ngài đang dõi mắt đến đoàn chiên nơi nhân gian. Khi sống, ngài đã quảng đại cho đi, khi về cùng Cha trên Trời, chắc hẳn ngài cũng sẽ nối kết lòng thương xót từ trời cao tuôn đổ xuống nhân gian.
Đôi dòng suy tư viết vội tựa như một lẵng hoa lòng xin được đặt lên mộ của người mục tử ra đi khi đời hãy còn xuân xanh!
Cây Bút Chì – MTG Vinh