Phần 3 – Giáo dân với các thừa tác vụ

 

“Lãnh vực thánh” là phạm vi của phụng vụ, bao gồm các hoạt động có tính cách thiêng liêng, mà cho đến gần đây làm như là thuộc lãnh vực dành riêng cho các giáo sĩ hoặc tu sĩ. Chắc chắn có những tác vụ đòi phải có chức thánh mới thi hành được, như dâng Thánh Lễ, giải tội, v.v…  Nhưng, trong phụng vụ, ngay cả trong khi cử hành bí tích, cũng có nhiều vai trò và nhiệm vụ không cần đến chức thánh; thế thì còn cần phải nói chi đến lãnh vực của á bí tích và các việc đạo đức khác. Ngoài ra, nhận chức tư tế chung khi chịu phép Rửa là giáo dân đã trở thành thừa tác viên thường vụ của bí tích hôn phối và, do đó, toàn bộ đời sống hôn nhân mặc lấy tính chất thánh của hành vi tư tế. Bao quát hơn nữa là sự việc chịu phép Rửa, bởi qua đó, họ có khả năng lãnh nhận các bí tích khác, và “nhận được quyền lợi cùng bổn phận trong trách vụ thi hành công tác tông đồ” (TÐ 3).

Có một vấn đề đang được bàn luận đến tại nhiều nơi trong Giáo Hội, đó là vấn đề “thừa tác vụ của giáo dân trong Giáo Hội” (Lay Ecclesial Ministry). [1] Theo vấn đề đặt ra thì thừa tác vụ này bao gồm nhiều tác vụ trong Giáo Hội, chẳng hạn như làm tuyên úy tại một đại học hay một bệnh viện, phụ trách việc chuẩn bị cho dự tòng và tân tòng, v.v. Ðã chịu các bí tích Rửa tội và Thêm sức, đã nhận các đoàn sủng và ơn gọi riêng, tất, theo cách quan niệm của Giáo Hội học hiệp thông (x. GH 31, TÐ 10, Christ. laici 52, v.v.), giáo dân được thông phần vào các chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Ðức Kitô (x. GH 31, Giáo luật 204.1); chính vì thế, họ giữ một phần trách nhiệm trong Giáo Hội.

Vaticanô II xác quyết: “Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được thúc đẩy để tham dự một cách trọn vẹn,  ý thức và sống động vào việc cử hành các nghi lễ phụng vụ. Do tự bản chất, Phụng vụ đòi hỏi một việc tham dự như thế; lại nữa, do phép Rửa tội, việc tham dự ấy trở thành quyền lợi và bổn phận của dân kitô giáo ‘là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa’ (1Pr 2:9, x. 2:4-5)” (PV 14). Vì thế, giáo phẩm có thể trao phó cho giáo dân một số các phận vụ của các chủ chăn, trong các công tác “như dạy giáo lý, thi hành một vài nghi thức phụng vụ, hoặc chăm sóc các linh hồn” (TÐ 24f). Muốn được như vậy thì phải làm thế nào?

THỪA TÁC VỤ BÀN THÁNH

Sau công đồng, Ðức Phaolô VI đã bắt đầu canh tân các thừa tác vụ với tự sắc Một số thừa tác vụ(Ministeria quaedam). [2] Ngài bãi bỏ các chức giữ cửa, đọc sách, trừ quỷ và giúp lễ mà trước kia gọi là“chức nhỏ” và được dành cho giáo sĩ; quả vậy, có thể coi đó là những bậc thang tiến lên chức linh mục. Trong hiến chế về Phụng vụ thánh, Công đồng đã dạy: “Trong các cuộc cử hành Phụng Vụ, khi chu toàn phận sự mình, thì mỗi người, dù thừa tác viên hay là tín hữu, nên thi hành trọn vẹn những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và các quy tắc Phụng vụ” (PV 28). Giáo hoàng đã muốn đổi mới những phận vụ liên quan hơn tới bàn thờ là chức đọc sách và giúp lễ; nhưng bây giờ, vấn đề không còn vì các phận vụ này đã được trao cho giáo dân. Ngài cũng cho phép các giám mục thiết lập những chức vụ khác nếu xét thấy có lợi ích cho Giáo Hội địa phương.

Ðọc sách không còn phải là “chức thánh” (ordo) song chỉ là “thừa tác vụ” (ministerium) và được trao ban qua nghi thức phụng vụ do giám mục hoặc bề trên dòng cử hành. Các thừa tác viên giữ phận sự đọc các bài Kinh Thánh trong phụng vụ – trừ Phúc âm ra – đọc hoặc hát Thánh vịnh hay lời kinh dân Chúa, và giúp huấn dục giáo dân đón nhận các bí tích. Linh đạo của họ phải được thấm nhuầnLời Kinh Thánh. Chức giúp lễ có nhiệm vụ giúp phó tế và linh mục ở nơi bàn thờ, có thể phân phát Mình Thánh và – một cách ngoại thường – đặt Mình Thánh để chầu, nhưng không được quyền ban phép lành. Linh đạo của họ phải được ghi đậm bởi Thánh Thể tính.

Hai chức vụ này được luật Giáo Hội coi là chính thức, và được dành riêng cho nam giới (đ. 230.1).

Còn có nhiều tác vụ khác liên quan đến bàn thờ mà giáo dân có thể thi hành. Thí dụ: mang lễ vật lên bàn thờ lúc dâng lễ, quyên tiền trong nhà thờ, giúp lễ hoặc chuẩn bị bàn thờ, trải khăn bàn thờ, v.v. Nhiều nơi còn có những “thừa tác viên bàn thờ” (Ministers of the Table) lo trông coi – tựa như các trưởng ban nghi lễ – để làm cho mọi sự tiến hành chỉnh tề. Giáo luật điều 230.2 ghi rằng:

 2. “Các giáo dân (laici) có thể được chỉ định tạm thời đảm nhiệm việc đọc sách trong các nghi thức phụng vụ. Cũng thế, tất cả các giáo dân đều có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác theo quy tắc luật định.”

 3. “Nơì nào nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi và thiếu thừa tác viên, thì các giáo dân dù không có tác vụ đọc sách và giúp lễ, cũng có thể thay thế họ làm một số việc, tỉ như thi hành thừa tác vụ Lời Chúa (ministerium verbi), chủ tọa các buổi cầu nguyện, rửa tội và cho rước lễ theo các quy tắc luật định.”

Ðây là câu hỏi Tòa Thánh nhận được: “Có phải các tác vụ phụng vụ mà giáo dân, nam nữ, được quyền thi hành theo Giáo luật điều 230.2, là thuộc servitium ad altare (việc phục vụ nơi bàn thờ) hay không?” Uỷ ban Giáo hoàng đặc trách Giáo luật đã trả lời (30.06.1992) là: “Có, theo chỉ thị Tòa Thánh” do Ðức Gioan Phaolô II phê chuẩn ngày 11.07.1992. Ðức hồng y Antôniô M. Javierre, bộ trưởng bộ Phụng tự, đã gửi thư cho các chủ tịch Hội đồng giám mục (15.03.1994) để báo tin về điều trả lời trên đây, với những huấn thị như sau: dùng điều luật 230.3 hay không là tùy giám mục, không bắt buộc; giáo dân nam nữ có thể thi hành các nhiệm vụ ấy mà không có quyền đòi hỏi; giám mục phải giải thích cho các tín hữu về quyết định trên, nếu muốn tạm thời dùng nó. Trong những trường hợp xét là cần, linh mục dâng Lễ có thể cho phép giáo dân giúp để trao Mình Thánh.

Các thừa tác viên Thánh Thể giúp phân phát Mình Thánh trong Thánh Lễ và mang cho bệnh nhân hoặc người già cả không thể đến nhà thờ được. [3] Giáo Hội đặt một số điều kiện trong việc cắt đặt các thừa tác viên Thánh Thể: phải là những người đã chịu các bí tích khai tâm (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể), đã gia nhập Giáo Hội ít là một năm, sống đạo tích cực, thuộc một giáo xứ, đã được huấn luyện và sẵn sàng phục vụ cộng đoàn khi cần.

Các “chú” giúp lễ là những hình bóng quen thuộc ở trong phụng vụ công giáo và chính thống. Trong tiếng Hylạp các “chú” được gọi là akolouthos, và là acolytus trong tiếng Latinh, tức “người đi theo” [trợ giúp]. Trong Giáo Hội thời xưa, đó là chức vụ dành cho giáo sĩ như đọc thấy được trong các thư của giáo hoàng Cornêliô (n. 251-253) [4] nói về Rôma, và của Xyprianô († 258) nói về Carthagô. Hồi thời Trung cổ, vì không có chủng viện, nên khi một thanh niên muốn trở thành linh mục, thì thường được cha sở huấn luyện như người “học nghề,” tức giúp các việc trong nhà thờ, đặc biệt trong phụng vụ. Sau công đồng Trentô, mọi sự diễn tiến giống như đang thấy hiện nay. Giáo Hội đã chọn các thánh Tarsicio và Gioan Berchmans làm bổn mạng của họ. Gần đây, có nơi đã để các thiếu nữ giúp lễ; bởi có người hỏi về điểm này, Thánh Bộ Phụng tự đã trả lời bằng cách nhắc lại điều 230.2 và quyền quyết định của giám mục đối với vấn đề. [5]

THỪA TÁC VỤ LỜI CHÚA

Bởi thông phần vào sứ vụ tiên tri của Ðức Kitô, các giáo dân nam nữ cũng có thể cử hành những tác vụ liên quan đến Lời Chúa. Chính thức sẵn có là chức vụ đọc sách như điều 230.1 của Giáo luật quy định: “Các giáo dân thuộc nam giới có đủ tuổi và điều kiện do nghị quyết của Hội Ðồng Giám mục ấn định, có thể lãnh thừa các tác vụ (ministeria) đọc sách hoặc giúp lễ, qua một nghi lễ phụng vụ đã qui định. Tuy nhiên, việc trao thừa tác vụ này không cho họ quyền được Giáo Hội trợ cấp hoặc trả lương.” Ministeria quaedam, số 5, miêu tả chức vụ này như sau: “Người đọc sách được bổ nhiệm để thi hành một chức năng riêng là đọc Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ. Thế nên, thừa tác viên có phận sự công bố các bài đọc Kinh Thánh – trừ Phúc âm ra – trong Thánh Lễ và trong buổi cử hành phụng vụ khác; đọc Thánh vịnh giữa các bài đọc, khi không có xướng ca viên; đọc lên các lời nguyện giáo dân, khi không có phó tế hoặc xướng ca viên; hướng dẫn cho cộng đoàn tín hữu hát và tích cực tham dự; dẫn giải giúp các tín hữu biết cách lãnh nhận các bí tích cho xứng đáng. Nếu cần, thừa tác viên đọc sách cũng có thể huấn luyện cho các giáo dân khác, những người được bổ nhiệm tạm thời vào tác vụ đọc Kinh Thánh trong các buổi cử hành phụng vụ.” Dù có dành riêng cho nam giới, “tác vụ” này cũng có thể được trao cho các giáo hữu thuộc cả hai giới. Phần dẫn nhập Sách Lễ Rôma năm 1969, ghi rằng nếu đọc sách, thì nữ xướng viên không được phép lên cung thánh, và vì thế, không được đọc từ đài giảng kinh (số 66). Về điểm này, huấn thị năm 1970 để các Hội đồng Giám mục tùy nghi quyết định;còn Sách Lễ in lần thứ hai thì phê chuẩn. Việc phân biệt nam nữ trong tác vụ đọc các bài đọc Phụng vụ hiện không còn nữa.

Ðọc Lời Chúa đâu phải là đơn thuần đọc như đọc mọi thứ sách báo khác. Tín hữu nghe Lời, một Lời được loan báo cho Giáo Hội vâng theo. Vì thế, người đọc quả thực là sứ giả tuyên cáo làm cho Kinh Thánh thành lời, một lời sống động. Người tuyên cáo như thế phải làm sao để có được sức thu hút, làm cho thính giả chú tâm lắng nghe, chứ không ru ngủ hoặc gây chia trí. Trừ những trường hợp đặc biệt như bị nặng tai hoặc không hiểu tiếng nói, tín hữu không nên đọc riêng các bài đọc trong giấy hoặc sách của mình! Nghĩa là người đọc phải chuẩn bị trước để có thể nắm vững mạch văn, ngữ cảnh của các bài đọc, suy nghĩ và cầu nguyện theo nội dung; người đọc phải làm sao để Lời Chúa một phần nào đó trở thành xác tín của chính mình: không chỉ là người đọc, mà phải là chứng nhân. Rồi cần phải đọc chậm, đọc rõ, đọc trân trọng… đọc mà nghĩ đến những người nghe ở đằng xa, ở cuối nhà thờ.

Người dẫn lễ cũng được Hiến chế về Phụng vụ nhắc đến: “Cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn giải và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn tác vụ đích thực phụng vụ. Vì vậy, họ phải thi hành phận sự mình với lòng đạo đức chân thành và trong trật tự, phù hợp với tác vụ trọng đại ấy; đó là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ” (số 29). Thật vậy, người dẫn giải (commentator) được đồng hóa với trưởng ban nghi lễ dạng đơn giản. Phần dẫn nhập Sách Lễ năm 2000 cắt nghĩa như sau:“Người dẫn giải dùng lời bình chú và giải thích vắn gọn tùy theo sự việc, để đưa dẫn tín hữu vào các nghi thức và giúp họ hiểu rõ hơn. Phải chuẩn bị rất tỉ mỉ những lời dẫn giải, những lời đơn giản và vắn gọn. Lúc thi hành tác vụ, người dẫn giải đứng ở một chỗ thuận tiện, sao cho mọi người thấy được,nhưng không phải là trên đài giảng kinh” (số 105). Rồi còn nhiều chi tiết thực tiễn khác, như cần phải nói ít mà nói sao cho dễ hiểu, tránh lặp lại khi không cần, tránh giảng thuyết (thay người giảng), đưa ra những chỉ dẫn (đứng, ngồi, tiến lên…) cần thiết cho buổi lễ, v.v…

Khi nói chung về “thừa tác vụ Lời,” giáo luật cũng đề cập đến tác vụ rao giảng; điều 766 ghi rằng:

“Giáo dân  có thể được nhận giảng thuyết trong nhà thờ hay nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi, trong những hoàn cảnh nhất định, hoặc ích lợi xui khiến trong những trường hợp đặc biệt dựa theo các chỉ thị của Hội Ðồng Giám mục và tuân hành điều 767, triệt 1.”

Triệt trên đây nói về bài giảng homilia, tức bài diễn giải Phúc âm hoặc Thánh Lễ, coi đó “là phần chính của phụng vụ” cho nên bài giảng giải Thánh Lễ được “dành riêng cho linh mục hay phó tế.” Trong truyền thống, thuyết giảng như thế thường là phận vụ của Giám mục, hay của người chủ tọa phụng vụ. Hiện nay, Tin lành hoặc Anh giáo (nhất là ở Mỹ) thường để cho giáo dân giảng. Cv 20:11 cho thấy sau khi bẻ bánh, thánh Phaolô, “nói chuyện khá lâu” (homilesas trong tiếng Hylạp), tức diễn giải Tin Mừng; sau này, từ homilia được dùng để gọi tên bài giảng trong phụng vụ Lễ Tạ Ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *