Phỏng Vấn Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long Về Truyền Giáo

Trong tháng 6, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Hưng Hóa, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam có gặp gỡ chia sẻ về truyền giáo tại một vài nơi trong miền Nam. Vào tháng 9 tới đây, Ủy ban sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về loan báo Tin Mừng, với chủ đề: “ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI – TÍN HỮU GIÁO DÂN THAM GIA SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG”. Vietcatholic gặp gỡ đức cha Anphong và xin được phỏng vấn ngài nhân dịp này.

Xem thêm hình

PV. Trọng kính Đức Cha, trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha có thể nói gì về tình hình truyền giáo cho đến thời điểm này tại Việt Nam?

Đức Cha Anphong: Có thể nói rằng mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam ngày càng ý thức hơn về sứ mạng Phúc Âm hóa qua sự tham gia vào sứ mạng này bằng nhiều cách. Mỗi giáo phận có những hoạt động trực tiếp nhắm đến sứ mạng Phúc Âm hóa. Các hội dòng gửi tu sĩ đến các giáo điểm để hoạt động chuyên biệt cho sứ mạng này, nhiều hội dòng còn gửi tu sĩ ra nước ngoài, xa hay gần, thật cảm kích.

Chúng ta cần tránh hai thái cực sau:

Một là hô khẩu hiệu hay căng biểu ngữ “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân” cho thật to, rồi không làm gì, ngồi yên một chỗ, bằng lòng với những gì đang có, chỉ lo mục vụ cho những ai đang giữ đạo rồi thôi. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô dịp Ad limina tháng 3.2018[1] nói đến não trạng “cầu an”, “thủ thân khép kín” đang tồn tại nơi Giáo Hội Việt Nam. Não trạng này chịu ảnh hưởng của quan điểm cho rằng “không nên loan báo Chúa Kitô cho người chưa biết, cũng như không nhất thiết gia nhập Giáo Hội, bởi vì người ta có thể được cứu rỗi mà không cần một sự hiểu biết rõ ràng về Chúa Kitô và không cần một sự gia nhập hình thức vào Giáo Hội”[2].

Hai là bằng mọi cách, đưa người khác gia nhập Giáo Hội càng nhiều càng tốt, bất kể họ có thật sự tin vào Chúa hay không, rồi sau khi lãnh nhận các bí tích chẳng tiếp tục đồng hành giúp họ thực hành đạo. Não trạng này hài lòng khi thấy con số nhập đạo gia tăng, nhắm số lượng hơn chất lượng.

Xét về mặt thống kê, dân số Công Giáo tại Việt Nam không tăng, vẫn ở mức 7% sau mấy thập niên. Chúng ta không nên chỉ dựa vào con số để thẩm định, bởi bản chất của công cuộc Phúc Âm hóa là nhắm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần cuộc sống cá nhân và xã hội của mọi người, kể cả người chưa phải là kitô hữu và người vô thần, chứ không nhất thiết làm cho họ trở thành kitô hữu. Việc tin theo đạo là việc của Chúa, ắt sẽ đến với người nào để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng ‘sức thu hút’ !” (EG số 14).

Thái độ đúng đắn là thúc đẩy toàn thể Giáo Hội lên đường, rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, bằng mọi cách, với mọi người, ở khắp nơi, và sứ mạng này không bao giờ kết thúc.

PV. Xin Đức Cha cho chúng con biết sơ lược về công cuộc truyền giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng sâu vùng xa ở miền Bắc.

Đức Cha Anphong: Tôi chỉ nói riêng về giáo phận Hưng Hóa. Trước 1945, công cuộc loan báo Tin Mừng ở một số tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, nơi chỉ toàn người thiểu số, hầu như chưa có. Sau 1954, rồi 1975, bên cạnh khó khăn bên ngoài do chính quyền, còn khó khăn từ bên trong do thiếu nhân sự, dù muốn đem Tin Mừng đến với bà con dân tộc thiểu số thì cũng không thể, vì giáo phận thiếu linh mục và tu sĩ trầm trọng. Có thời điểm cả giáo phận Hưng Hóa trải rộng 10 tỉnh ở Tây Bắc với gần 250.000 tín hữu chỉ có 17 linh mục. Việc đi lại làm mục vụ cho người kinh có đạo rất khó khăn, nói chi đến việc rao giảng Tin Mừng cho người dân tộc chưa hề biết Chúa ! Chỉ từ năm 2005, khi đức cha Antôn Vũ Huy Chương được đặt làm giám mục giáo phận Hưng Hóa sau hơn 11 năm trống tòa, công cuộc loan báo Tin Mừng cho bà con dân tộc mới được nhen nhúm. Cho đến nay giáo phận có khoảng 20.000 tín hữu H’mông, một ít người Dao, Tày, Thái, Mường trong gần 100 giáo điểm hay giáo họ dân tộc. Hiện có vài linh mục đã đến ở với bà con H’mông tại Giàng La Pán, Phình Hồ, Sùng Đô (tỉnh Yên Bái), Hầu Thào, Lao Chải (Lào Cai). Các nơi khác thì tuy chưa được ở luôn tại chỗ, nhưng các linh mục có thể đi lại làm mục vụ. Công cuộc Phúc Âm hóa bà con H’mông có kết quả khả quan, vì người H’mông rất nhạy bén với tôn giáo, sẵn sàng tin theo Chúa. Đối với khoảng 30 dân tộc khác trong giáo phận thì hầu như ánh sáng Tin Mừng chưa được thắp lên, chưa có một người nào theo đạo.

Những người H’mông theo đạo đầu tiên là ở Sapa. Năm 1930, đức cha Paul Ramond Lộc, giám mục tiên khởi giáo phận Đoài (nay gọi là giáo phận Hưng Hóa) đã lập giáo xứ Sapa. Khi nghỉ hưu, ngài đến ở với bà con H’mông và qua đời tại đây, mộ phần ngài nằm trong khuôn viên nhà thờ Sapa. Sau này, người H’mông từ đây đi đến nhiều vùng khác, do tập tục du canh du cư. Đi đến đâu, dù không có linh mục và bí tích, họ vẫn giữ đức tin và truyền lại cho con cháu, cho nhiều người khác. Thật đáng khâm phục.

Chúng tôi dồn nỗ lực cho bà con dân tộc, bởi họ bị thiệt thòi nhiều, cả tinh thần lẫn vật chất từ nhiều năm qua, cần được chăm chút hơn để bù lại.

PV. Thưa Đức Cha, trong hoàn cảnh quá khó khăn như thế, việc truyền giáo cần những điều kiện cụ thể nào để có thể mang lại kết quả tốt đẹp hơn? 

Đức Cha Anphong: Việc thứ nhất là tại những nơi chưa được tự do hành đạo, chúng tôi đối thoại với chính quyền để họ “công nhận đạo Công Giáo là một tổ chức được hoạt động hợp pháp”. Trong khi chờ đợi để được như vậy, mỗi khi muốn đến làm mục vụ cho người H’mông đã có đạo, chúng tôi vẫn phải làm đơn “đăng ký sinh hoạt tôn giáo ngoài nơi thờ phượng” với chính quyền, họ có cho thì mới được đến ! Còn đối với người chưa có đạo, chúng tôi vẫn chưa thể đến được với họ.

Thứ đến, chúng tôi huấn luyện các anh chị em H’mông nòng cốt để họ về dạy giáo lý cho nhau, chủ sự các buổi cầu nguyện, hướng dẫn cộng đoàn trong khi vắng bóng linh mục. Phải nhận rằng Chúa Thánh Thần hoạt động nơi những tín hữu H’mông đơn sơ chất phác cách mãnh liệt.

Bên cạnh đó, chúng tôi không quên công tác bác ái, trợ giúp những người bị đói khổ, bệnh tật, thiên tai…, vì đó cũng là một phương thế Phúc Âm hóa. Chúng tôi còn gửi các tu sĩ, chủng sinh đến giúp bà con dân tộc vào mùa hè để nâng cao dân trí, dân sinh, như dạy họ đọc và viết tiếng H’mông, biết vệ sinh thường thức để sống khỏe, tránh tảo hôn và những tập tục hủ lậu, dạy nhân bản cho các em thiếu nhi. Ở nơi nào thuận tiện, chúng tôi mở các nhà nội trú cho các em học sinh có thể đến trường, giúp các em chỗ ăn ở, học hành, với ý nghĩ mai sau chúng sẽ có đời sống tốt đẹp hơn và giúp đồng bào của mình thăng tiến.

PV. Như thế ở giáo phận Hưng Hóa, nhu cầu cấp bách nhất về truyền giáo lúc này là gì ạ?

Đức Cha Anphong: Đối với những cộng đoàn H’mông đã qui tụ, chúng tôi thấy cần làm nhà nguyện cho họ có nơi thờ phượng xứng đáng, vì cho đến nay, chúng tôi toàn cử hành thánh lễ trong nhà tư hoặc ngoài trời, mà nhà của người H’mông thì chật chội, thấp lè tè và tối tăm, cử hành thánh lễ trong những điều kiện như vậy thật bất tiện và bất xứng.

Việc truyền giáo cho người H’mông sẽ kết quả hơn nếu do chính người H’mông. Bởi thế, chúng tôi nỗ lực đào tạo các “tông đồ” H’mông, theo mô hình Yao Phu của giáo phận Kontum. Chúng tôi rất thương và cảm phục họ, vì dù nghèo khổ, thiếu ăn, bị khó dễ, nhưng người H’mông không vì thế mà lãng quên Thiên Chúa và bỏ bê đức tin như nhiều người Kinh.

PV. Xin đức cha phác họa đôi nét về cuộc hội thảo Loan báo Tin Mừng sắp tới cho chúng con được biết.

Đức Cha Anphong: Mỗi năm, Ủy ban chúng tôi tổ chức hội thảo với các giới, nhằm giúp họ ý thức và mạnh mẽ tham gia sứ mạng Phúc Âm hóa. Chúng tôi đã tổ chức đại hội Loan báo Tin mừng toàn quốc năm 2015, hội thảo với các Dòng Tu năm 2016, hội thảo với các Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành năm 2017. Năm 2018 này, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo với các thành phần dân Chúa về đề tài “Được rửa tội và được sai đi – Tín hữu giáo dân tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng”. Chúng tôi sẽ tham chiếu các văn kiện về sứ mạng loan báo Tin Mừng của người tín hữu giáo dân, rồi trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam ngày nay, thúc đẩy giáo dân tham gia tích cực chứ không dửng dưng, đứng bên lề, thoái thác, ù lì. Chúng tôi cũng mong muốn các mục tử trong Giáo Hội tin tưởng trao phó trách nhiệm và đồng hành với giáo dân trong sứ mạng này. Có lẽ vì chưa biết tận dụng thành phần đông đảo là giáo dân cho công cuộc Phúc Âm hóa mà chúng ta thấy đạo không tiến triển tại Việt Nam.

Chúng ta có tấm gương sáng là những tín hữu Hàn Quốc. Họ ý thức sứ mạng và trách nhiệm đi tiên phong cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng, nhờ đó Giáo Hội Hàn Quốc phát triển rất mạnh, từ lúc khởi đầu và ngay cả hiện nay.

PV. Trong bài thuyết trình tại đại hội Loan báo Tin Mừng lần thứ III tại Huế năm 2015, đức cha đã nhấn mạnh “Giáo dân Việt Nam giữ đạo rất tốt cho mình, nhưng lại thiếu nhiệt huyết thông truyền niềm tin ấy cho người khác, họ nghĩ việc truyền giáo là của ai khác, phần mình chỉ lo cho mình được rỗi”. Theo đức cha, trong giai đoạn hiện nay, giáo dân cần phải làm gì để làm cho “nhiệt huyết thông truyền niềm tin” được bùng lên mạnh mẽ?

Đức Cha Anphong: Đúng vậy, cho đến nay, dù phải chịu nhiều khốn khó, giáo dân Việt Nam vẫn “giữ đạo” tốt, nghĩa là dự lễ, xưng tội, hành hương, lễ lạc rất đông và “hoành tráng” nữa. Nhưng đó mới chỉ là bề mặt, thực chất lòng tin của bà con thì chưa chắc được sâu sắc như cha ông chúng ta thời tử đạo, vẫn mang tính cầu khấn, van vái xin ơn ! Bên cạnh việc “sống đạo” cho bản thân, mọi tín hữu cần phải có nhiệt huyết loan báo Tin Mừng cho hơn 80 triệu đồng bào chưa biết Chúa. Nếu mỗi người Công Giáo sống đạo tốt và dẫn đưa được ít là một người đến với Chúa thì Giáo Hội tại Việt Nam sẽ khác hơn nhiều.

Để làm được việc ấy, tôi xin lặp lại ý tưởng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được xem như kim chỉ nam: “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”. Nếu thiếu nhiệt huyết thì dù có mọi phương thế trong tay cũng chẳng đem lại kết quả. Phương pháp mới thì hiện nay có rất nhiều, chẳng hạn những phát minh của ngành công nghệ thông tin như internet, facebook, instagram, truyền hình kỹ thuật số… Cách trình bày chân lý Phúc Âm cũng phải phù hợp với não trạng ngày nay, nhất là của giới trẻ. Nói về nhiệt huyết thì chúng tôi thán phục các anh em Tin Lành, họ cũng ở trong cùng một hoàn cảnh khó khăn như người Công Giáo, nhưng có những kết quả đáng kể. Ở Lai Châu, trong khi Công Giáo có 15 cộng đoàn thì Tin Lành có hơn 200 điểm nhóm. Ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, trong khi Công Giáo có 2.000 tín hữu, thì Tin Lành có 20.000 trên tổng số 40.000 người của cả huyện. Vấn đề này đặt chúng tôi trước câu hỏi sắc bén: Nhiệt huyết tông đồ của chúng ta ở đâu và vào công việc gì ?

Một điểm nhấn quan trọng không kém, đó là mọi thành phần dân Chúa cần hợp tác với nhau trong công cuộc quan trọng này, không thi hành riêng rẽ, vì “hợp quần gây sức mạnh”. Trong chiều hướng đó, cuộc hội thảo với các dòng tu đã được Ủy ban chúng tôi tổ chức với chủ đề: “Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi”, nhằm mời gọi các hội dòng liên kết với nhau thi hành sứ mạng này. Đối với giáo dân cũng vậy, tôi nghĩ cần giúp họ và các hội đoàn Công Giáo tiến hành chung tay góp sức để xây dựng và mở mang Nước Chúa tại trần gian này.

PV. Chúng con xin cám ơn đức cha và sẽ cầu nguyện nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương chúng ta.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện

Nguồn: Vietcatholic

[1]http://hdgmvietnam.org/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-vieng-tham-ad-limina-dien-tu-trieu-yet-duc-thanh-cha-phanxico/9502.63.8.aspx

[2] Bộ Giáo lý Đức tin, “Điểm chú thích giáo lý về một số khía cạnh trong việc rao giảng Tin Mừng (03/12/2007), 3; AAS 100 (2008), 491, được trích lại trong Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (ấn bản 2013), bản dịch của UBGS.CS/HĐGMVN, trang 36.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *