Sáu Bậc Sống – Bậc sống đạo đức (P.3)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

III. Bậc sống đạo đức

1.   Làm việc đạo đức với ý ngay lành.

2.   Tập tành sống nhân đức.

3.   Còn ý riêng, nhưng vẫn biết sống cho tha nhân.

4.   Dễ phạm tội nhẹ, còn khả năng phạm tội trọng.

5.   Kém hiểu biết về đạo lý Chúa Ki-tô, thích học hỏi nhưng không chịu khó đào sâu. 

*.*

3. Còn ý riêng, nhưng vẫn biết sống cho tha nhân 

Vào chặng tâm linh này linh hồn đã biết tập từ bỏ ý riêng. Thực hành nguyên tắc “Con chỉ muốn những gì Chúa muốn, con chỉ chọn những gì Chúa đã chọn cho con”. Họ cố gắng sống không còn tìm cái mình thích, không ước muốn điều làm thỏa lòng mình, nhưng ý riêng là phần thâm sâu nhất của linh hồn. Họ phải dò dẫm từng bước thánh hóa nó, thăng hoa nó, từ bỏ nó. Tuy vậy dầu cố gắng mấy đi nữa, nếu không được Chúa nâng đỡ đặc biệt, linh hồn không thể vượt qua cửa ải này. Do đó ý riêng ở bậc sống này vẫn tồn tại.

Ý riêng khéo léo ẩn núp khi linh hồn chọn lựa đau khổ hợp theo ý mình. Họ vui lòng vác thánh giá nặng nề Chúa trao hợp ý họ. Nhưng lại không đón nhận thánh giá khác ý muốn dù nó nhẹ nhàng hơn. Chọn lựa ân sủng, chọn lựa thánh giá, còn sở thích, còn ước ao mong muốn dù tốt hay xấu là biểu hiện ý riêng còn tồn tại. Ngoại trừ trường hợp duy nhất là mong muốn, ước ao được sống theo thánh ý Chúa. Loại bỏ được ý riêng nên Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giê-su đã xin Chúa “Xin ban cho con tình yêu theo như Chúa muốn và bằng mực Chúa muốn” (MTH). Thánh nhân từ bỏ cả ước ao, và niềm hạnh phúc bản thân “Con rước Chúa để Chúa được thỏa lòng” (MTH).

Mặc dù đời sống đạo đức đã cao, ý riêng vẫn tồn tại trong lời cầu nguyện, cầu xin. Họ có thể xin nhiều điều tốt đẹp để bảo đảm cho phần rỗi của mình. Nhưng không dám phó thác phần rỗi mình cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Họ muốn gặp Chúa trên đỉnh cao thánh thiện, song không thể gặp Ngài dưới đáy sâu thung lũng tội lỗi. Nếu sống ở đời thường ý riêng này càng khó từ bỏ hơn. Vì so với các tu sỹ, nhờ đức vâng phục cao quý, các tu sỹ có nhiều cơ hội để giết chết ý riêng mình. Sớm hoàn thiện được bản thân trên đường nhân đức.

Nhìn chung linh hồn đã tiến bước trên đường nhân đức, nên biết lắng nghe, biết cảm thông, biết quan tâm đến tha nhân và sẵn sàng phục vụ. Nhưng vẫn còn ý riêng chưa bỏ mình hoàn toàn vì thế tình cảm sẽ một phần hướng trở lại mình. Muốn tha nhân đáp trả, biết ơn và quan tâm đáp lại tình cảm, lòng tốt của mình. Họ cho đi cũng nhiều nhưng hy vọng được biết ơn hay đền đáp cũng có. Như vậy của lễ họ dâng Chúa chẳng tinh tuyền.

Trong mối tương giao với Thiên Chúa, ý riêng là trở ngại lớn làm ngăn suối ân sủng tuôn đổ xuống linh hồn. Nếu họ từ bỏ thế gian, từ bỏ ma quỷ mà không từ bỏ được chính mình, từ bỏ gốc rễ ý riêng, vào một lúc nào đó không ngờ, họ sẽ dang tay ra ôm lại tất cả.

4. Dễ dàng phạm tội nhẹ, còn khả năng phạm tội trọng

Vì chưa biết mình đủ, chưa biết Thiên Chúa nhiều, nên linh hồn ý thức sự tác hại của tội lỗi chưa cao. Do đó, họ chưa cẩn trọng tránh xa dịp tội và cảm thấy nặng nề, day dứt thống hối sâu xa sau khi trót pham tội. Đó là lý do làm cho linh hồn thả lỏng dây cương cho ý chí, gián tiếp chuẩn chước cho mình phạm tội nhẹ khi cần.

Tuy vậy, ở bậc sống này Thiên Chúa đã ưu ái đối với linh hồn, nên Ngài ban ơn thúc đẩy soi sáng cho linh hồn ý thức dần hơn về tội, về sự thánh thiện cao cả khôn tả ở Đấng mà họ xúc phạm. Nhất là khi linh hồn đạt tới giai đoạn cuối bậc đạo đức, dĩ nhiên, miễn là linh hồn đừng ngã lòng trông cậy ở lì trong tội hay không còn khát khao tiến đức.

Còn quen thuộc với tội nhẹ nên mỗi khi gặp thử thách lớn, các khuynh hướng xấu nơi linh hồn sẽ chỗi dậy. Sa-tan cũng thừa dịp cám dỗ gắt gao lôi kéo linh hồn vấp ngã, nên linh hồn có thể sa vào tội trọng. “Vì thế, các con thân yêu, tôi nghĩ rằng hạnh phúc mà chúng ta phải cầu xin là được hưởng sự bảo đảm hoàn toàn của các phúc nhân. Vì nếu niềm vui duy nhất hệ ở việc làm vui lòng Chúa, thì làm sao có thể vui thú được khi bấy nhiêu sợ hãi không ngừng quấy nhiễu? Hãy nhớ rằng một số vị thánh sau khi đã nếm hưởng niềm vui này và những niềm vui cao siêu khác nữa mà còn sa phạm tội trọng, thì liệu chúng ta có thể chắc rằng Thiên Chúa sẽ giơ tay giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi và hãm mình đền tội không? (Điều này ám chỉ một sự trợ giúp đặc biệt) (LĐNT – Những Cư Sở Thứ Ba). Vì vậy, nếu linh hồn không dốc quyết chiến đấu, mở cánh cửa ý chí của linh hồn cho Sa-tan vào và không cậy trông vào Chúa, họ dễ sa phạm tội trọng và rơi xuống Bậc Sống Thường Tình. Linh hồn nên ý thức “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống” (Tv 63,4), dù thế nào dứt khoát không phạm tội, lỗi nghĩa ân tình Ngài. Họ sẽ đặt được nền móng vững vàng tiến lên bậc thánh thiện.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007