Sơ Lucia của Fatima tiến thêm một bước nữa trên đường tuyên Chân phước

1. Sơ Lucia của Fatima tiến thêm một bước nữa trên đường tuyên Chân phước

Án tuyên Chân phước cho Sơ Lucia dos Santos, người con cả chứng kiến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, đã tiến thêm một bước.

Trong một cuộc họp tại Vatican, các cáo thỉnh viên trong vụ án tuyên thánh cho Sơ Lucia đã đệ trình tài liệu “thực chứng” gồm những lời chứng và thông tin mô tả chi tiết về các đức tính anh hùng của sơ cho Bộ Tuyên Thánh.

Sơ Lucia của Fatima tiến thêm một bước nữa trên đường tuyên Chân phước

Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, đã công bố bản cập nhật vào ngày 13 tháng 10 kỷ niệm Phép lạ Mặt trời quay, trong lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima vào năm 1917.

Cuốn “Tuyển tập về cuộc đời, đức hạnh và danh tiếng thánh thiện của nữ tu Lucia de Jesus dos Santos” giờ đây sẽ được kiểm tra bởi chín nhà thần học. Nếu bằng chứng về đức tính anh hùng của sơ được Bộ Tuyên Thánh Vatican xác nhận và Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định ban hành sắc lệnh, chị Lucia sẽ được chỉ định là bậc Đáng kính trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai thị nhân Fatima khác, Jacinta và Francisco Marto, vào năm 2017. Hai trẻ chăn cừu, lần lượt qua đời ở tuổi 10 và 11, là những vị thánh không tử đạo trẻ nhất trong lịch sử Giáo hội.

Lucia, 10 tuổi vào thời điểm Đức Mẹ hiện ra năm 1917, sống lâu hơn các thị nhân khác hàng thập kỷ, sơ sống đến năm 97 tuổi.

Sơ đã trải qua 50 năm cuối cùng của cuộc đời mình trong một tu viện Cát Minh ở Coimbra, Bồ Đào Nha. Là thị nhân Fatima duy nhất có thể nghe Đức Trinh Nữ Maria nói trong chuỗi các cuộc hiện ra tại Fatima, các hồi ký của sơ đã cung cấp một tường thuật quan trọng về sứ điệp Fatima.

“Ở một số điểm, không có câu chuyện Fatima nào mà không có lời kể của Lucia. Tôi không thể tưởng tượng được Fatima ra sao nếu không có Lucia cung cấp các trình thuật, thông qua các tác phẩm của sơ ấy,” José Rui Teixeira, người viết tiểu sử của Lucia, cho biết tại một sự kiện ảo nhân kỷ niệm Fatima vào tháng này.

Teixeira, người đã giúp biên soạn tài liệu cho án tuyên thánh của sơ Lucia, nói rằng anh ấy có gần 4,000 tài liệu tham khảo trong thư mục của mình.

Án tuyên thánh cho Sơ Lucia bắt đầu vào năm 2008, ba năm sau khi cô qua đời, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI miễn chuẩn cho một khoảng thời gian chờ đợi thường là năm năm. Hơn 15,000 lá thư, lời khai và các tài liệu khác đã được thu thập trong giai đoạn giáo phận, kết thúc vào năm 2017.

Trong bản cập nhật mới nhất về nguyên nhân của Lucia, Cabecinhas nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho án tuyên chân phước và tuyên thánh cho Nữ tu Lucia.”

“Chúng ta hãy giao phó những ý định và nhu cầu của mình cho sự chuyển cầu của sơ Lucia với lòng tin tưởng như những người hành hương 100 năm trước đã trình bày những yêu cầu của họ với sơ Lucia để sơ có thể thân thưa cùng Đức Mẹ.”


Source:Catholic News Agency

2. Giám mục Kharkiv, Ukraine than thở: “Ở đây giống như Sarajevo. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi “

“Sáng nay, tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng nổ. Chúng tôi sống với nỗi sợ hãi, nó là một phần của cuộc sống hàng ngày. Kharkiv giống như Sarajevo trong chiến tranh Balkan”. Đức Cha Pavlo Honcharuk, Giám Mục của Kharkiv-Zaporizhzhia cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức Tv2000 của Ý.

“Có những người đang kêu khóc, có những người sống trong các tầng hầm hoặc trong tàu điện ngầm. Mặt khác, những người khác cố gắng phản ứng bằng cách tình nguyện, giúp đỡ người khác”.

“Tôi yêu cầu mọi người đừng quên chúng tôi, Kharkiv, Ukraine. Kharkiv cách biên giới Nga 30 km. Viện trợ nhân đạo ở đây đang phải vật lộn để đến nơi. Tôi biết chúng tôi không đơn độc, nhưng đừng quên chúng tôi. Chúng tôi không có đủ viện trợ nhân đạo. Mùa đông sắp đến và nhiệt độ thậm chí sẽ giảm xuống dưới không độ. Chúng tôi cần bếp, chăn, quần áo ấm”.


Source:TV 2000

3. Điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng trong Công đồng Vatican II?

Những hình ảnh từ Công đồng Vatican II mang tính biểu tượng: gian giữa Đền Thờ Thánh Phêrô được chụp từ trên cao; các dãy ghế ngồi bằng gỗ kiểu sân vận động chứa đầy các giám mục trong lễ phục màu trắng hoặc màu đỏ tươi.

Công đồng Vatican II đã nhóm họp trong bốn kỳ họp từ năm 1962–1965, quy tụ hơn 2,500 nghị phụ công đồng để thảo luận về Giáo hội và vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại.

Nhưng khi mọi chuyện kết thúc, điều gì đã xảy ra với những chiếc ghế gỗ được sử dụng bởi các giám mục trên thế giới và hàng trăm chuyên gia khác?

Trong số hàng ngàn chiếc ghế được sử dụng trong Công Đồng Chung, ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy 24 chiếc ghế trong một nhà thờ chỉ cách Vatican vài bước chân.

Những chiếc ghế dài bằng gỗ với đệm ngồi màu xanh lá cây rừng được sử dụng làm quầy hợp xướng trong Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus, một giáo xứ ngay bên ngoài quảng trường Thánh Phêrô.

Nhà thờ bị che khuất tầm nhìn bởi các tòa nhà xung quanh, và chỉ có thể lên tới lối vào của nhà thờ bằng cách leo lên một đoạn cầu thang. Ngay cả Google Maps cũng xác định sai lạc vị trí của nhà thờ cách xa vị trí thật hơn 200 thước về phía đông.

Là một địa điểm thờ phượng của Kitô giáo, Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Thánh Magnus có từ thế kỷ thứ tám hoặc thứ chín.

Ngôi thánh đường đã được sử dụng bởi người Frisia, một nhóm dân tộc Đức từ các vùng ven biển của Hà Lan và tây bắc nước Đức, trong khoảng 500 năm trước khi bị các nước khác thôn tính.

Ngôi thánh đường đã được người Frisia phục hồi vào năm 1989 và trở thành nhà thờ quốc gia của người Công Giáo Hà Lan ở Rôma.

Nơi đây cũng đã trở thành ngôi thánh đường của Hiệo hội Bí Tích Cực Thánh Vatican, một hiệp hội công khai của các tín hữu giáo dân vẫn sử dụng nhà thờ cho Thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho đến ngày nay.

Vậy làm thế nào mà nhà thờ khiêm tốn này lại có tới 24 chỗ ngồi từ Công đồng Vatican II trong dàn hợp xướng ở nửa trước gian giữa của nó?

Cha Tiemen Brouwer, một linh mục người Hà Lan phục vụ tại nhà thờ, nói với CNA rằng ngài nghĩ có lẽ các ghế trong Công Đồng được tặng cho ngôi thánh đường này sau Công đồng Vatican II vì chúng sẽ hữu ích.

Tất cả những gì được biết là một phần lịch sử hiện đại của Nhà thờ Công Giáo được lưu giữ ở đó cho bất kỳ ai đến xem.

“Tôi luôn nói rằng, bất cứ nơi nào bạn ngồi trên những chiếc ghế đó, bạn chắc chắn đang ngồi ở nơi mà một giám mục, hoặc thậm chí có thể là một Hồng Y, đã ngồi,” Cha Brouwer nói.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *