Sống xót thương như Chúa xót thương

Sống xót thương như Chúa xót thương

Chuyện kể rằng: Một lần kia, Sở Trang Vương mở bữa dạ tiệc chiêu đãi các quan văn võ trong triều, có mỹ nữ hầu hạ xướng ca. Đang lúc vui say thì một cơn gió lốc thổi đến làm tắt hết cả đèn đuốc. Một viên quan thừa cơ sàm sỡ tỳ thiếp của nhà vua. Người thiếp này giật được cái giải mũ và nói to: “Có kẻ lợi dụng lúc tối tăm chọc ghẹo thiếp, thiếp đã giật được cái giải mũ của y. Xin cho thắp đèn ngay để tìm ra kẻ làm bậy”.

Có lẽ Sở Trang Vương nghĩ: “Cho người ta uống rượu để say đến độ quên cả lễ phép, lại vì chuyện đàn bà mà sỉ nhục người ta thì lòng mình không đành!”. Vì thế ông lập tức ra lệnh: “Ai uống rượu với quả nhân tối nay mà không say đến độ giật đứt giải mũ là chưa hết lòng với trẩm”. Các quan theo lệnh, ai nấy đều giật đứt giải mũ của mình. Khi đèn đuốc được thắp sáng trở lại thì không còn biết ai là kẻ phạm tội nữa, nhờ vậy mà cuộc vui vẫn được tiếp diễn.

Về sau, nước Sở đánh nhau với nước Tấn, mà trận đánh nào cũng có một viên võ tướng trẻ tuổi liều mạng xung phong tuyến đầu để chiến đấu. Nhờ vậy quân Sở thắng trận. Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho đòi viên quan ấy đến và hỏi: “Ta đãi nhà ngươi cũng như bao vị quan khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp ta như thế?”. Viên quan ấy tên là Tưởng Hùng thưa: “Từ lâu thần đã có quyết tâm, nguyện đem thân mình, lấy cái chết để báo đáp cái ân nghĩa mà thần đã nhận. Thần chính là kẻ đã bị giật giải mũ ngày xưa mà bệ hạ đã không nỡ trách tội!”

Chính vì lòng thương xót, bao dung của Sở Trang Vương mà Tưởng Hùng không bị truy cứu, không phải chịu cảnh nhục nhã ê chề khi tội lỗi mình bị phơi bày ra trước mặt bá quan!

Một nhân vật trong Cựu Ước có lẽ cũng cùng một tâm trạng như Tưởng Hùng; đó là Đa-vít tác giả Thánh Vịnh, nên ông đã viết: “Hạnh phúc thay ai phạm tội mà được tha thứ, lỗi lầm được khoả lấp. Hạnh phúc cho người Thiên Chúa không hạch tội” (Tv 31, 1); “Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm cũng phủ lấp đi. Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ” (Tv 84, 3-4). Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy: Xa hoặc gần, trực tiếp hay gián tiếp. Lòng thương xót của Chúa đối với dân Do Thái nói riêng và nhân loại nói chung đều được thực hiện và tỏ bày qua mọi thời gian và không gian.

Trong Phúc Âm có nhiều dụ ngôn hay câu chuyện nói nên lòng thương  xót của Thiên Chúa như: Dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương (Mt 18, 23-35); Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32); Dụ ngôn cây vả không ra trái (Lc 13, 6-9); Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13, 24-30); Câu chuyện hai môn đệ xin lửa từ trời xuống đốt thành Sa-ma-ri (Lc 9, 51-56); Nổi bật là câu chuyện: Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình! (Ga 8, 1-11).

Cũng giống như vua Đa vít, giống như người đàn bà ngoại tình, chúng ta là những người đầy tràn hạnh phúc, bởi vì, trước mặt Chúa chúng ta kẻ ít người nhiều, không một ai là sạch tội cả! Thế nhưng chẳng những chúng ta không bị Thiên Chúa trừng phạt mà trái lại còn được Thiên Chúa xót thương tha thứ: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17). Thiên Chúa đã thương xót chúng ta như thế! Vậy chúng ta phải sống thế nào để đền đáp lại ân nghĩa đó?

Giáo Hội, mẹ chúng ta luôn kêu gọi chúng ta sống thể hiện lòng thương xót đối với mọi người một cách cụ thể qua Lời Kinh: Thương người có Mười Bốn Mối, trong đó thương linh hồn có bảy mối và thương phần xác có bảy mối.

Nếu như mọi tín hữu, thực thi lời Chúa và Giáo hội dạy: Đó là lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau thì từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội sẽ đầy ắp những niềm vui, hạnh phúc và bình an. Đại văn hào người Nga Leo Tolstoy nói: “Nếu bạn biết đau, tức là bạn còn sống. Nhưng nếu bạn biết đau cho nỗi đau của kẻ khác, bạn mới thực sự là con người”.

Thực thi lòng thương xót cũng là chiếc chìa khoá để cho chúng ta mở cửa thiên đàng mà vào. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta tù đày, các ngươi đã đến hỏi han”. (Mt 25, 31-37).

Đa Minh Trần Văn Chính.    

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *