Sự gia tăng cuả giới trẻ mệnh danh là Thế Hệ Phò Sự Sống

Khoảng thời gian người Việt mừng Tết Canh Tý, thì ở Washington DC (và một số thành phố lớn Chicago, Denver, Dallas, San Francisco…) những người Công Giáo Hoa Kỳ cũng tham gia một cuộc tuần hành vĩ đại hằng năm (lần thứ 47) có tên là March for Life (Tuần Hành cho Sự Sống, ngày 25 tháng 1 năm 2020). Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành ở DC thông thường qui tụ trên dưới nửa triệu người.

Năm nay đặc biệt có một tin vui, tuy là tin cá nhân nhưng lại có liên hệ mật thiết với cuộc tuần hành năm ngoái, đó là hãng CNN đã phải xin ‘dàn xếp ngoại toà’ vụ đáng tiếc gọi là biến cố Covington.

Biến cố Covington xảy ra trong bối cảnh cuả cuộc tuần hành ở Washington DC. Ở đây, các trường Trung và Đại Học Công Giáo khắp nước tổ chức xe buýt đưa các em tới Thủ Đô để gây sức ép cho phong trào lật đổ vụ án Roe v Wade (hợp pháp hoá phá thai toàn quốc) và được củng cố thêm niềm tin rằng: Sự Sống là thánh thiêng, quyền được sinh ra là bất khả xâm phạm và quyền làm người được kể từ khi bắt đầu thụ thai cho đến cái chết tự nhiên.

Chưa có sự việc đáng tiếc nào xảy ra trong suốt dòng lịch sử tuần hành. Người Công Giáo đi rước một cách trật tự, nghe phát biểu từ những nhà diễn thuyết nổi danh, cổ võ các chính trị gia có cùng quan điểm và dâng lễ cầu nguyện cho những thai nhi vô tội. Khi xong họ trở về êm ả cũng như khi tới. Giới truyền thông không đưa tin nhiều, hoặc chỉ nói qua loa cho có lệ.

Nhưng gần đây có sự gia tăng cuả giới trẻ mệnh danh là Thế Hệ Phò Sự Sống (Pro Life Generation), là lứa tuổi dưới 30, chiếm trên 50% tổng số số người tham dự và còn tăng lên mỗi năm, đại diện không chỉ cho Công Giáo mà thôi, mà còn có nhiều thành phần Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các tổ chức dân sự khác. Các doanh nghiệp phá thai và chính giới cánh tả bắt đầu lo ngại, số giới trẻ gia tăng là một điềm báo không hay cho tương lai cuả tả phái và kỹ nghệ phá thai, và họ đã cố gắng tổ chức những cuộc biểu tình phản bác, nhưng thường lẻ tẻ không qui tụ được nhiều người. Giới truyền thông cánh tả khi thu hình thì chủ ý là để ủng hộ cho nhóm thiểu số phò phá thai cuả họ, hoặc là nếu có thể, sẽ thừa dịp soi mói những lầm lẫn cuả cuộc Tuần Hành Sự Sống.

Năm 2019 vừa qua, hình như Cánh Tả này đã vồ được một vố khổng lồ!

Biến cố đáng tiếc năm 2019

Năm ngoái sau cuộc tuần hành ngày 18 tháng 1, một video clip (một đoạn cắt xén ngắn) đã được tung lên mạng xã hội cho thấy học sinh cuả trường trung học Công Giáo Covington ở Park Hills, Kentucky, chận đường một vị cao niên người Da Đỏ, là ông Nathan Phillips, không cho ông ta thực hiện một màn đánh trống và muá dân tộc cuả ông.

Nổi bật trong video là em Nick (Nicholas) Sandmann, 16 tuổi, em đã không nhường chỗ và lại có một nụ cười nhếch mép (khinh rẻ)!

Trả lời phỏng vấn trên CNN, ông Nathaniel Phillips tuyên bố rằng nếu ông ta chạm vào người thanh niên khinh thị ấy, thì có thể cả nhóm của nó sẽ ‘mở hội mùa xuân’ với ông. Ông ấy nói rằng ông sợ những thanh niên này và những gì họ sẽ làm cho đất nước này.

Không cần điều tra câu chuyện có thật hay không, hoặc lấy lời khai từ chàng thiếu niên và bạn bè cuả nó, CNN đã phát sóng những lời bình luận thật khe khắt, có thêm việc chê trách gắt gao các người giám hộ Công Giáo đi kèm đám trẻ mà đã không biết dậy giỗ chúng (lúc nào cũng ghép thêm chữ Công Giáo vào những gì xấu xa)

Đối với họ, đó là một câu chuyện hoàn hảo. Đứa trẻ là một đứa Công Giáo đội mũ MAGA! (Make America Great Again, khẩu hiệu tranh cử cuả ông Trump) Nó là một thằng da trắng, phản đối quyền lựa chọn của phụ nữ, đe dọa một người Mỹ bản địa, mà người này lại là một vị anh hùng ở chiến trường Việt Nam!

Những lời phê phán ác độc

Khi một hãng truyền thông lớn loan ra một tin sốt dẻo, thì các hãng khác cũng tranh đua kiếm khách, và những người nổi tiếng cũng ùa vào mà ăn có.

Howard Dean, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ, lên tiếng tố cáo trường Covington là “một nhà máy sản xuất căm thù. ”

Tác giả chương trình truyền hình Reza Aslan tweet rằng chàng trai trẻ mỉm cười trong chiếc mũ Maga đã có một “khuôn mặt đáng bị đấm.”

Nhà văn Sarah Beattie cuả Saturday Night Live tweet rằng cô ấy sẽ ‘làm tình’ với bất cứ ai dám đấm vào mặt thằng bé Maga đó.

Một trong những bịa đặt kích động nhất là từ Dân biểu Ilhan Omar ở bang Minnesota, cô ấy tweet rằng thằng bé đang phản đối quyền lựa chọn của người phụ nữ và đang hét lên ‘không phải là hiếp dâm nếu bạn thích điều đó’. Cô ấy sau đó vội xóa tweet đi nhưng không hề có lời cải chính hay xin lỗi.

Bà Maggie Haberman của tờ New York Times thì nhận xét rằng có hàng chục học sinh đang cười và kích thích hành vi này. Bà ấy gợi ý rằng, rồi chúng cũng sẽ được các người Công Giáo lớn hơn che chở, và đặt một câu hỏi châm biếm rằng sẽ là rất thú vị để xem nếu có đứa nào thực sự bị đuổi học hay không? Bà ta muốn tạo ra một ấn tượng rằng các học sinh trung học Công Giáo là những mầm mống xâm hại.

Người dẫn chương trình HBO là Bill Maher gọi Sandmann với một từ tục tĩu thường được sử dụng để mô tả cơ quan sinh dục của người nam.

Washington Post bịa đặt ra một câu chuyện lèo lái vấn đề qua lãnh vực chính trị, dựa vào lý do có một số em đội mũ MAGA (chúng mới mua ở một chiếc xe bán hàng lẻ để làm kỷ niệm trước khi ra về,) họ loan truyền rằng các em đã hô vang khẩu hiệu ‘Xây Bức Tường’ (Khẩu hiệu thường được các cử tri cánh hữu hô lên trong các buổi mít tinh tranh cử, nhưng không hề có một video hoặc âm thanh nào ghi lại như thế cả.)

Nhưng số người phạm tội tồi tệ nhất là những nhân vật cuả CNN.

Bakari Sellers đã tweet, [Sandmann] là một thằng ngỗ nghịch, đáng bị đấm vào mặt.

Một nhân vật bảo thủ, bà SE Cupp có chương trình trên CNN tên là “Chuyện không lựa lọc” (Unfiltered), cũng tweet rằng “thằng bé đội mũ MAGA đang chế giễu một người Mỹ Da Đỏ cựu quân nhân tham chiến ở VN”. Sau này, bà ấy xin lỗi.

Những sự thật được phát hiện

Lúc cơn sóng tức giận lên đến cao độ thì cũng là lúc có các sự kiện trái ngược lộ ra. Một video khác dài hai giờ và bao gồm toàn bộ câu chuyện cho thấy, không giống như Clip được cắt xén trước, các học sinh Công Giáo Covington là những nạn nhân bị nguyền ruả bởi một nhóm Da Đen quá khích vào lúc chúng tụ tập đến điểm hẹn chờ xe buýt, và chúng đã được phép những người giám hộ hát to một bài ca cuả trường để lấn át đi, chúng đã không bao giờ bao vây hay đối đầu với ông Phillips và đứa trẻ ‘nhếch mép’ đã không hề chặn đường ông ta. Ngược lại, chính ông Phillips đã băng qua đường và xấn xổ tiến vào chỗ cuả chúng để tụng kinh và đập trống.

Chưa hết, người ta phát hiện ra rằng ông Phillips này đã không bao giờ được triển khai ra nước ngoài. Trong suốt những năm phục vụ trong quân đội, ông chỉ có nhiệm vụ sửa chữa tủ lạnh cho các văn phòng Thủy quân lục chiến ở bên Mỹ.

Ngay đêm đó, một video của Cơ quan Thông tấn Công Giáo cũng phát giác ra ông Phillips và một nhóm biểu tình đánh trống và đột nhập vào Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong khi đang có Thánh lễ tối. Bị chặn bởi các nhân viên bảo vệ, họ đã đập cửa hò reo inh ỏi. Phillips sau đó đọc một tuyên bố tố cáo các học sinh Công Giáo Covington và yêu cầu Giáo Hội Công Giáo phải chịu trách nhiệm về một cuộc diệt chủng dài hàng trăm năm và đòi trả tiền bồi thường đất đai và phục hồi cho người bản địa, ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Nếu các phương tiện truyền thông lớn và những phóng viên ưu tú của họ chỉ dành ra một chút nỗ lực mà thôi, để tìm hiểu sự thật về ‘nhân vật’ Phillips, thì có lẽ đã không có những cuộc tấn công vào những đứa trẻ vô tội.

Nhưng tiếc thay, vì đã lỡ leo lên lưng cọp, họ lờ đi!

Những hậu quả khôn lường

Cuộc tấn công tiếp tục nhiều ngày thậm chí kể cả sau khi sự thật đã rõ ràng và chính ông Nathan Phillips cũng đã thay đổi những lời tuyên bố có trước và lánh mặt không xuất hiện nữa.

Nhà báo Nathaniel Friedman đã tweet tên, địa chỉ, số điện thoại và thông tin cá nhân của các đưá bé. NBC cho phái viên đi đến Covington để lục lọi hồ sơ thuế ở địa phương và dùng các nguồn trực tuyến khác để bới móc Hội sinh viên Công Giáo Covington và gia đình của họ. Nhà trường, giáo xứ và thành phố Covington bị mang ra bêu xấu như là một thành trì cuả người Da Trắng cực đoan.

Các hãng truyền thông hầu như không có một chút e dè nào dù cho đã có cảnh báo cuả các chuyên gia pháp luật và giới hữu trách. Đặc biệt ông Thống Đốc cuả Kentucky lên tiếng phàn nàn rằng giới truyền thông đang xâm phạm đến những đứa trẻ vị thành niên, và rằng nguy cơ bị kiện có thể lên đến hàng trăm triệu đô la.

Các đe dọa bạo lực nặc danh đã xảy ra, nhà trường phải hủy bỏ lớp học cho đến khi các biện pháp an ninh được sắp xếp.

Vì những sự kết án căng thẳng từ nhiều người có tai mắt, Sandmann và gia đình đã phải hứng chịu những quấy rối và những lời doạ giết trong nhiều tháng trời. Họ phải rời nhà một thời gian, và chính Sandmann cũng không dám trở lại trường sau đó.

Trường học của Sandmann và Giáo phận Covington ban đầu cũng lên án hành vi của các học sinh cuả mình nhưng sau khi có thêm thông tin thì họ kêu gọi một cuộc điều tra khách quan về tình huống này.

Minh oan từ giáo Phận Covington

Cuộc điều tra được thực hiện bởi một công ty thám tử tư (detective) có đăng bạ trên toà án là công ty Greater Cincinnati Investigation do Giáo phận Covington ký hợp đồng, và họ đã không tìm thấy một bằng chứng nào về việc học sinh hô lên khẩu hiệu ‘Xây Tường’ và rằng lời khai của ông Phillips có nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được nhưng các nhà điều tra đã không thể tiếp cận với ông ta vì ông cố tình lánh mặt.

Kết luận của báo cáo sau cùng, được Giáo phận Covington công bố vào ngày 13 tháng 2 năm 2019, đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các học sinh nói ra một “lời xúc phạm hoặc phân biệt chủng tộc”.

Trong một bức thư gửi cho phụ huynh, Đức cha Roger J. Foys của Covington nói rằng Ngài hy vọng cuộc điều tra “đã minh oan cho các học sinh của chúng ta và hy vọng chúng có thể tiếp tục cuộc sống một cách bình thường.”

Đức Cha Roger J. Foys nói thêm rằng các học sinh của chúng ta đã bị đặt trong một tình huống thật là kỳ quái và thậm chí bị đe dọa. Nhưng phản ứng của các em đối với hoàn cảnh này là đúng như sự mong đợi và thậm chí có thể nói là đáng khen ngợi.

Nhưng cũng như thường lệ, những ‘minh oan’ trên đã không được các hãng truyền thông cánh tả hoan hỷ đón nhận, nhưng tới lúc đó thì cuộc tấn công cũng chấm dứt, không ai dám bình luận ngược xuôi gì nữa, vì em Sandmann đã nộp đơn kiện.

Các vụ kiện

Sandmann và gia đình, với sự hổ trợ cuả luật sư đoàn Lin Wood, đã kiện các hãng truyền thông Washington Post (22 tháng 2), CNN (13 tháng 3), NBC Universal (1 tháng 5) với tổng số thiệt hại lên đến 800 triệu đô la.

Vụ Washington Post được xử trước tiên (26 tháng 7) và một thẩm phán đã bác bỏ các luận cứ chống lại tờ báo, lưu ý rằng họ có quyền tự do ngôn luận dựa vào Tu Chánh Án số 1. Tuy nhiên, vụ kiện đó đã được phục hồi (28 tháng 10) trên một cơ sở hẹp hơn, sau khi luật sư cuả Lin Wood sửa đổi một số ngôn ngữ. Các tiêu chỉ thu hẹp này sẽ có nhiều điểm lợi nếu tòa án đồng ý rằng em Sandmann không phải là một nhân vật công chúng.

Riêng về CNN, Sandmann đã kiện thiệt hại $275 triệu với lý do CNN đã vận động toàn bộ sức mạnh, ảnh hưởng và sự giàu có của công ty để làm hại, phỉ báng và bắt nạt em mặc dù em chỉ là một đứa trẻ vị thành niên.

Vụ kiện dựa vào 53 bút tích của CNN. Một bài viết có ý kiến của chủ bút, buộc tội các học sinh hành động phân biệt chủng tộc, dựa vào việc thiếu tôn trọng đối với ông Phillips. Một việc khác là cuả ông Bakari Sellers đã công khai hô hào hành hung Sandmann, và một việc liên quan đến ông Bill Maher, người dẫn chương trình HBO, chửi em bằng những ngôn từ tục tĩu.

CNN đã phản kháng (motion) xin bác bỏ đơn kiện vào tháng 5 với lý do rằng các lý lẽ về tâm lý phân biệt chủng tộc là không hợp lý trong một vụ kiện phỉ báng vì người ta không thể phơi bày ra ánh sáng những suy nghĩ thầm kín cuả một người. Họ lập luận tương tự rằng họ không có trách nhiệm pháp lý đối với các lời tuyên bố cuả người khác khi người đó suy đoán rằng Sandmann và các bạn đã hô khẩu hiệu ‘xây tường’. Motion cuả họ bị gạt bỏ.

Thoả thuận với CNN

Vào ngày 7 tháng 1 năm 2020, CNN đã đạt được một thỏa thuận với Nick Sandmann để dàn xếp ngoại toà.

Một hãng lớn có sức mạnh đồng tiền như CNN thì chỉ xin dàn xếp ngoại toà nếu họ thấy rằng việc phải ra toà công khai thì gây ra tổn hại (thanh danh, tiền cuả, thời giờ, bị bật mí…) hơn là việc phải đền tiền một cách bí mật, đó là chưa kể nếu mà bị thua thì có thể còn bị phạt cảnh cáo vì tội ương ngạnh cố chấp, và số tiền phạt thường tăng thêm gấp bội.

Số tiền CNN phải đền đã không được công khai trong phiên điều trần tại tòa án liên bang ở Covington, Kentucky. Luật sư của Sandmann, Todd McMurtry, cũng giữ kín không công bố số tiền và các thỏa thuận với CNN.

Cũng trong dịp (chiến thằng) này, luật sư McMurtry nói với Fox News rằng luật sư đoàn cuả ông sẽ kiện thêm 13 bị cáo khác và sẽ nộp đơn lên toà trong khoảng từ 30 đến 40 ngày.

Trong số các bị cáo là: ABC, CBS, The Guardian, Huffington Post, NPR, Slate, The Hill và ông Gannett người sở hữu tờ báo Cincinnati Inquirer, và nhiều trang web tư nhân nhỏ khác.

Vụ kiện chống lại NBC Universal và Washington Post thì đang chờ xử. “Những vụ án này sẽ được xét xử khi nó sẵn sàng, không sớm hơn một phút hoặc muộn hơn một phút,” luật sư cuả Lin Wood nói.

Người ta nghĩ rằng sau khi CNN bị buộc phải thương thuyết, thì các hãng và tư nhân khác cũng đã bắt đầu cảm thấy ‘lạnh gáy’ và sẽ là không đáng ngạc nhiên nếu có tin một cuộc dàn xếp hoặc một lời xin lỗi công khai trong một ngày không xa.

Ảnh hưởng vụ CNN

Việc thông tin vội vàng kéo dài và đầy ác ý trong biến cố Covington cho thấy có một lý do tiềm ẩn chính, đó là xu hướng chống Công Giáo cuả một số người thiên tả có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều thế.

Nhưng những việc làm ‘vung tay quá trán’ và vô tâm cuả họ cũng có những giới hạn mà ‘Tiền Quyền và Thế’ không thể che chở được! Phải chăng đây là lúc mà công lý được thực hiện? Là thời mà ‘có Vay thì phải có Trả’? Là lúc mà (như lời Chuá nói với Saolê) “Ngưoi dám giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi”!

Nhưng ơn cứu rỗi cũng không hoàn toàn đóng lại đâu.

“Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Chuá nói với Saolê, sau này đối tên là Phaolô).

Ngay bây giờ, nếu tìm trên Web, người ta thấy những người đã mang tội với những đứa trẻ Công Giáo ở Covington đã xoá bỏ hay đang tìm cách biện bạch về những lời bình luận xúc phạm trực tuyến của họ, một số khác đã đóng các hồ sơ trên mạng xã hội để khỏi phải nhận những lời bình phẩm cuả công chúng, và một số thì ‘nín thở chùm chăn’ không còn vênh váo như xưa.

Người ta thấy CNN đã có chiều hướng chuyển tin một cách cân bằng hơn tuy chưa hoàn hảo lắm, Post cũng đưa ra một bài cải chính nhưng bị chê trách là đã quá trễ và chỉ là âm mưu dùng ‘nước mắt cá sấu’ để tránh tránh nhiệm và giữ thể diện.

“Nếu phải chi họ nhận lỗi ngay để tránh cho bao người khác khỏi phải chịu những cảnh bi ai? Một lời nói thật mà khó đến thế ư?” là ý kiến của khá nhiều người viết lên Facebook, “sự thật sẽ giải phóng chúng ta!”

Hy vọng rằng điều này dạy tất cả các phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ một thái độ tôn trọng sự thật, công bằng, trách nhiện và khiêm tốn hơn trong những ngày sắp tới, khi họ đến Washington DC làm phóng sự cuộc Tuần Hành Sự Sống 2020 vào ngày 25 tháng 1 này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *