Sứ thần Tòa thánh Visvaldas Kulbokas chủ sự lễ đăng quang vương miện cho Đức Mẹ ở Odessa, Ukraine

1. Giáo Hội tại Liberia thông báo về cái chết của Đức Tổng Giám Mục Lewis Zeigler

Liberia: Catholic Church Announces Death of Former Archbishop Lewis ZeiglerMột vị Tổng Giám Mục lỗi lạc của Giáo Hội Công Giáo ở Liberia, Đức Cha Lewis J. Zeigler đã qua đời.

Một tuyên bố được ký bởi Cha Gabriel Blamo Jubwe, Chưởng ấn Giáo phận cho biết như sau “Với một trái tim nặng trĩu và nỗi buồn lớn, chúng tôi, các thành viên của linh mục đoàn của Tổng Giáo phận Monrovia, thông báo về cái chết của vị Tổng Giám mục kính yêu của chúng tôi, Đức Tổng Giám Mục Lewis Jerome Zeigler. Sự kiện đáng buồn xảy ra vào tối Thứ Sáu, ngày 12 tháng 8 năm 2022, tại Bệnh viện Công Giáo, Monrovia”.

“Chúng tôi vui mừng khi biết rằng Đức Tổng Giám Mục đã ra đi bình an sau khi sức khỏe của ngài chuyển sang giai đoạn tồi tệ nhất trong vài tuần qua. Việc sắp xếp tang lễ sẽ được thông báo ngay sau khi chúng tôi hoàn tất.”

Sinh năm 1944 tại Harrisburg thuộc Liberia, thầy Lewis Jerome Zeigler được thụ phong linh mục ở Monrovia vào ngày 22 tháng 12 năm 1974 và được tấn phong Giám Mục tại giáo phận Gbarnga chỉ hơn một thập kỷ sau đó vào ngày 17 tháng 11 năm 1986. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Cha Zeigler làm Giám mục Gbarnga và Zeigler và được tấn phong giám mục vào ngày 9 tháng 11 năm 2002 bởi Đức Tổng Giám Mục Michael Kpakala Francis tại nhà thờ chính tòa Gbarnga.

Sau đó, ngài được chuyển đến Monrovia vào năm 2009 sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 bổ nhiệm ngài làm giám mục phó với quyền kế vị cho Đức Tổng Giám Mục Michael Kpakala Francis. Năm 2011, ngài trở thành Tổng Giám mục của Monrovia sau khi Đức Tổng Giám Mục Francis từ chức. Vào ngày 11 tháng 6 năm 2018, ngài đã có chuyến thăm đầu tiên “ad limina” tới Rôma.

Đức Tổng Giám Mục Lewis J. Zeigler được nhớ đến như một mục tử khôn ngoan, nhiệt thành, và lỗi lạc đã hướng dẫn tổng giáo phận đến những thành công ngoạn mục trong sứ vụ truyền giáo.

“Lạy Chúa, xin ban ơn yên nghỉ vĩnh hằng cho Đức Tổng Giám Mục và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi lên ngài. Cầu mong linh hồn của ngài và linh hồn của các tín hữu đã ra đi, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, được yên nghỉ trong bình an,” thông cáo viết.


Source:liberianobserver.com

2. Sứ thần Tòa thánh Visvaldas Kulbokas chủ sự lễ đăng quang vương miện cho Đức Mẹ ở Odessa

Exactly one year ago Pope Francis appointed Viswaldas Kulbokas Apostolic  Nuncio to Ukraine - RISU

Hôm 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh ở Odesa đã nhận vương miện của Đức Giáo Hoàng. Lễ đăng quang vương miện do Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, là Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas, chủ sự.

Vương miện này của Đức Trinh Nữ Maria đã được Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép vào ngày 3 tháng 8.

Sứ thần Tòa thánh Visvaldas Kulbokas chủ sự lễ đăng quang vương miện cho Đức Mẹ ở Odessa, Ukraine

Phát biểu tại Vatican về ý nghĩa của lễ đăng quang biểu tượng này đối với Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas nhấn mạnh:

“Có một cuộc chiến tranh ở Ukraine và rất nhiều đau thương, rất nhiều đau khổ, và trong một giai đoạn bi thảm như vậy, Mẹ của Thiên Chúa là người bảo vệ chúng ta. Đây là một hành động khác của việc ủy thác Ukraine cho Đức Trinh Nữ Maria. Hành động thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria đã được Đức Thánh Cha cùng với các giám mục trên thế giới thực hiện, và chúng ta đang lặp lại hành động hiến dâng này cho chính mình, Ukraine và toàn thế giới mỗi ngày. Khi chúng ta nhìn thấy một hoàn cảnh bi thảm như vậy trước mắt mình, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc hướng về Mẹ Thiên Chúa, Đấng Bảo vệ của chúng ta. Trong điều kiện của một cuộc chiến tranh thảm khốc như vậy trên khắp Ukraine, và trong thời kỳ này, trước hết là ở các vùng Mykolaiv, Kharkiv, Zaporizhia và Odesa, mỗi sáng thức dậy, chúng ta biết ơn Chúa về cuộc sống, vì món quà của một ngày mới. Chúng ta cầu xin Mẹ Thiên Chúa che chở chúng ta, về thể xác và tinh thần. Đây là thời điểm của sự hiệp nhất: sự hiệp nhất của chúng ta với Mẹ Thiên Chúa và với toàn thể Thiên đàng. Tình hình vẫn còn bi thảm, có rất nhiều sự tàn ác, tra tấn, và thậm chí là pháo kích nhằm vào xe cứu thương, bệnh viện và trẻ em – những hành động tàn bạo kinh khủng đến mức có khả năng cám dỗ con người rơi vào cơn giận dữ và đánh mất sự bình an nội tâm, tràn ngập lòng thù hận. Vào những lúc như vậy, chúng ta cầu xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, để lòng chúng ta không phải ngập tràn hận thù, nhưng can đảm, kiên nhẫn, trong tinh thần tử đạo và tin tưởng vào Chúa”.

Theo Sứ thần, việc Đức Giáo Hoàng đăng quang một bức tượng cho Ukraine là một cử chỉ kết nối người kế vị Thánh Phêrô với các Giáo Hội địa phương. Trong trường hợp này, với Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Ukraine, với thành phố Odesa.

“Những cử chỉ này là một phần của truyền thống của Giáo hội: vào những thời điểm đặc biệt trang trọng, Đức Giáo Hoàng được yêu cầu ban phép lành, đặc biệt, là ban phép lành cho các vương miện dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Như chúng ta đã biết, Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại lời cầu nguyện của mình và kêu gọi tất cả các Kitô hữu và toàn thế giới trong mọi cơ hội hãy cầu nguyện cho Ukraine, cầu nguyện cho hòa bình. Trái tim của ngài dành cho những người dân Ukraine đang đau khổ. Vì vậy, chúng ta biết rằng chiếc vương miện này, đến từ Rôma sau khi được Đức Thánh Cha làm phép, là một dấu hiệu rất cụ thể cho lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha, đầy sự đồng cảm, được thực hiện từ tận đáy lòng của ngài. Đây là một dấu hiệu rất lớn về sự hợp nhất của toàn thể giáo hội và của chúng ta với Đức Thánh Cha. Và trong sự đoàn kết, chúng ta mạnh mẽ,” Đức Sứ thần Tòa Thánh Visvaldas Kulbokas nói.


Source:RISU

3. Cảnh sát quấy rối buộc linh mục phải cử hành thánh lễ bên ngoài nhà thờ ở Nicaragua

Một nhóm cảnh sát từ chế độ độc tài Daniel Ortega ở Nicaragua đã đến một giáo xứ vào ngày 16 tháng 8 với ý định bắt giữ cha sở, khiến cha phó xứ phải cử hành thánh lễ bên ngoài nhà thờ.

Theo ACI Prensa, sáng 16 tháng 8, cảnh sát đã đến bắt cha sở của giáo xứ Santa Lucía ở Giáo phận Matagalpa, là Cha Vicente Martín.

Một người ở giáo xứ, người muốn giấu tên vì lo sợ cho sự an toàn cá nhân của mình “và vì chúng tôi không biết liệu điện thoại có bị nghe trộm hay không”, nói rằng cảnh sát đến nhà thờ lúc 5:55 sáng theo giờ địa phương và rằng ngày hôm trước họ cũng đã ở đó vào buổi chiều.

“Để bảo vệ cha sở của giáo xứ, Cha Sebastián López, là cha phó xứ, đã ra ngoài và tìm mọi cách để ngăn không cho họ vào bên trong ngôi thánh đường.” Ngài rung chuông nhà thờ liên tục để kêu gọi anh chị em giáo dân đến nhà thờ. Anh chị em giáo dân đã đóng hết các cổng vào nhà thờ để đề phòng cảnh sát tấn công.

Cha López cử hành Thánh lễ bằng cách đặt bàn thờ và một chiếc bàn khác bên ngoài nhà thờ, trong khi các tín hữu tham gia thánh lễ phía sau hàng rào. Cảnh sát chỉ đứng nhìn vào mà không dám tấn công, dù đã được cảnh sát chống bạo động tăng viện.

“Đã có rất nhiều người khóc, rất nhiều người đang cầu nguyện. Nhiều người nói ‘các cha không cô đơn”

Bên trong khuôn viên ngôi thánh đường, cùng với hai linh mục tại giáo xứ Santa Lucía, còn có chín người khác.

Chế độ độc tài gần đây đã gia tăng sự quấy rối và đe dọa Giáo Hội Công Giáo.

Cuối tuần qua, ba linh mục đã bị cảnh sát ngăn cản không cho đến nhà thờ chính tòa ở Managua để nhận bản sao bức tượng Đức Mẹ Fatima hành hương. Cảnh sát đã khám xét chiếc xe bán tải mà một trong những linh mục đang đi và tịch thu giấy đăng ký xe, bằng chứng bảo hiểm cũng như bằng lái xe. Một linh mục khác bị bắt.

Giám mục của Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, đã bị quản thúc tại Tòa Giám Mục cùng với năm linh mục, hai chủng sinh và ba giáo dân kể từ ngày 4 tháng 8. Tòa Giám Mục bị cảnh sát bao vây và bị máy bay không người lái giám sát từ trên không.

Trong một thông cáo báo chí được công bố ngày 5 tháng 8, cảnh sát quốc gia Nicaragua cáo buộc các nhà chức trách cấp cao của Giáo Hội Công Giáo ở Matagalpa – và đặc biệt là Đức Cha Álvarez – đã “sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội” để cố gắng “tổ chức các nhóm bạo lực, kích động họ thực hiện các hành vi thù địch với dân cư, tạo không khí lo lắng, mất trật tự, gây ảnh hưởng đến sự bình yên, hòa thuận của cộng đồng dân cư”.

Những hành động như vậy có “mục đích gây bất ổn cho Nhà nước Nicaragua và tấn công các cơ quan có thẩm quyền hiến pháp”.

Lực lượng cảnh sát của chế độ Ortega thông báo họ đã bắt đầu một cuộc điều tra “để xác định trách nhiệm hình sự của những người liên quan.”

Tuyên bố nói thêm rằng “những người bị điều tra sẽ bị quản thúc tại gia.”

Ortega, người đã nắm quyền 15 năm, đã công khai thù địch với Giáo Hội Công Giáo trong nước. Ông cáo buộc các giám mục là một phần của cuộc đảo chính cố gắng đuổi ông khỏi chức vụ vào năm 2018 vì các ngài ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ mà chế độ của ông đã đàn áp dã man. Tổng thống Nicargua đã gọi các giám mục là “những kẻ khủng bố” và “những con quỷ trong áo chùng thâm.”

Theo một báo cáo có tiêu đề “Nicaragua: Một Giáo hội bị bức hại? (2018–2022), “được biên soạn bởi luật sư Martha Patricia Molina Montenegro, thành viên của Đài quan sát Bảo vệ Minh bạch và Chống Tham nhũng, trong vòng chưa đầy bốn năm, Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đã trở thành mục tiêu của 190 cuộc tấn công và xúc phạm, bao gồm một vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Managua cũng như sự quấy rối của cảnh sát và bắt bớ các giám mục và linh mục.

Vào ngày 6 tháng 8, những kẻ phá hoại không rõ danh tính đã đánh cắp công tắc chính của hệ thống điều khiển điện của nhà thờ, khiến nhà thờ và các khu đất xung quanh không có điện. Công tắc bị trộm đã được thay thế, khôi phục lại dòng điện.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *