1. Sự thống nhất của Giáo hội Chính thống đang rạn nứt
Với hơn 500 chữ ký của đông đảo trí thức và nhà thần học, bao gồm cả một số Kitô hữu Chính thống giáo nổi tiếng của Nga, một tuyên bố được xuất bản bởi Trung tâm Nghiên cứu Kitô Chính thống tại Đại học Fordham ở New York đã tấn công quan điểm của Thượng Phụ Kirill kể từ đầu cuộc chiến.
Theo tuần báo La Vie của Pháp, Kirill bị cáo buộc “biện minh” cho cuộc xâm lược và những điều khủng khiếp đã gây ra ở Ukraine dưới danh nghĩa “dị giáo”, và khái niệm về một “thế giới Nga”. Điều này đang hợp nhất một tinh thần “dân tộc Nga” với chính trị của nước Nga, mang lại cho Tổng thống Putin những vũ khí để biện minh cho cuộc thập tự chinh của ông ta ở Ukraine.
“Cũng giống như Nga đã xâm lược Ukraine, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của Thượng phụ Kirill đã xâm lược các Giáo Hội Chính thống”, các trí thức trách móc, phẫn nộ trước việc tạo ra sự chia rẽ và những nguy cơ to lớn đe dọa phần rỗi của các tín hữu.
Một trong những người ký tên, Sergei Chapnin, cựu phó tổng biên tập Tạp chí của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cho rằng Thượng phụ Kirill đã “mất thẩm quyền” và gây ra sự chia rẽ trong Chính thống giáo Nga giữa một Giáo hội chính thức “sẵn sàng quên đi Phúc âm. và biện minh cho tội ác chiến tranh và một Giáo hội tìm cách sống theo các điều răn của Chúa Kitô, trước khi ông kết luận rằng “Hai Giáo hội này không thể tiếp tục tồn tại dưới cùng một mái nhà”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một diễn biến hết sức kinh khủng đối với nhiều người, tại nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế tại Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill đã trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin Đức Mẹ phù hộ cho quân Nga mau thắng trận. Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cử chỉ quá sức báng bổ. Làm sao Đức Mẹ lại có thể phù hộ cho những kẻ xâm lược giết hại thường dân vô tội như thế.
Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:
“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”
Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo Nga “chúc lành”.
Source:Aleteia
2. Những hình ảnh tuyệt đẹp từ cuộc hành hương về đêm vì hòa bình ở Rôma
Vị đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Rome đã dẫn đầu cuộc hành hương, thúc giục các tín hữu nhớ rằng lời cầu nguyện có thể thay đổi tiến trình lịch sử.
Vào ngày 19 tháng 3, Lễ Thánh Giuse, vị Giám Quản Tông Tòa đại diện cho Đức Giáo Hoàng coi sóc giáo phận Rôma, là Đức Hồng Y Angelo de Donatis, đã dẫn đầu các tín hữu của Rôma trong một cuộc hành hương vào ban đêm, rời khỏi Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô sau buổi cầu nguyện lúc 11:30 tối, để đến đền thánh Castel di Leva tham dự một thánh lễ 6 giờ sáng tại trước ảnh Đức Mẹ Tình Yêu.
“Chúc thành đô an lạc!” Câu 8 của Thánh Vịnh 122 là chủ đề cho cuộc hành hương về đêm đến với Tình yêu Chúa để cầu xin hòa bình
Bức ảnh của Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa đã được đưa đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và trong dịp này, nhà thờ chính tòa ở Rôma vẫn mở cửa cho bất kỳ ai muốn đến cầu nguyện.
Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa được biết đến như “Đấng cứu Thành Phố”, và các tín hữu đặc biệt hướng về Mẹ vì những ý định quan trọng.
“Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh hiện tại ở Ukraine với mối quan tâm rất lớn,” vị Hồng Y viết, khi kêu gọi cuộc hành hương. “Tất cả chúng ta đều mong muốn hòa bình, hòa bình mà một mình con người thôi thì không thể xây dựng được. Đây là lý do tại sao chúng ta có ý định đáp lại lời mời gọi của Đức Giám Mục Giáo hoàng Phanxicô là hãy kiên trì cầu nguyện và sám hối. Trong những trường hợp khác, khi đối mặt với những thời điểm khó khăn lớn, người dân Rôma đã giao phó chính mình cho Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa để cầu xin sự cầu bầu của mẹ”.
Đức Hồng Y thúc giục các tín hữu nhớ rằng “lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi trái tim của con người và tiến trình lịch sử”.
Source:Aleteia
3. Nữ tu Chính thống giáo Nga tố cáo chiến tranh, nhưng lấn cấn về sự thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ
Một trong những học giả Chính thống giáo đã ký vào một tuyên bố lên án Thượng Phụ Kirill là “dị giáo” vì quan điểm chính trị của ông, là một nữ tu Chính thống giáo Nga sinh tại Hoa Kỳ và là học giả về phụng vụ Byzantine.
Sơ Vassa Larin, một nữ tu của Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga, cũng là người dẫn chương trình podcast và loạt video nổi tiếng, “Cà phê với sơ Vassa”.
Sống và làm việc tại Vienna, Sơ Vassa cũng phục vụ trong các ủy ban phụng vụ và giáo luật của Giáo Hội Chính thống Nga, và hiện sơ đang giúp đỡ một bà mẹ Công Giáo người Ukraine và hai đứa con của cô đã chạy trốn cuộc chiến Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong một cuộc phỏng vấn với Dịch vụ Tin tức Công Giáo vào ngày 18 tháng 3, sơ đã tố cáo cuộc chiến là “xấu xa” và quan điểm của Thượng phụ Kirill đối với cuộc chiến này là một “điều khủng khiếp, quá khủng khiếp.”
Trong nhiều thập kỷ, vị giáo chủ đã quảng bá một giáo lý có tên “Russkii Mir” (Thế giới Nga), tuyên bố một vị thế đặc biệt dành cho Giáo Hội Chính thống Nga và quốc gia Nga hợp tác chặt chẽ với nhau để quản lý về mặt chính trị và tinh thần không chỉ ở Nga, mà tất cả những người nói tiếng Nga và những người mà họ tin rằng có quan hệ họ hàng gần gũi với họ như người Ukraine và người Belarus.
Sơ Vassa nói: “Đó không phải là một thứ Kitô giáo, ngay cả khi Thượng phụ Kirill và Tổng thống Putin cố gắng che giấu nó bằng ngôn ngữ Kitô giáo và thể hiện mình là những người bảo vệ các giá trị Kitô giáo truyền thống”.
“Điều gắn kết chúng ta không phải là người Nga hay không; đó không phải là điều chính yếu trong mầu nhiệm của Giáo Hội. Hội thánh là một mầu nhiệm hiệp nhất, một bí tích hiệp nhất, dựa trên sự duy nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nó không dựa trên sắc tộc”.
“Bạn biết đấy, đó là điều quan trọng của Kitô giáo, đó là sự mở rộng cho tất cả các dân tộc, không chỉ cho một dân tộc, cho những người được chọn có cùng huyết thống. Chúa Kitô là ánh sáng mặc khải cho dân ngoại.”
Thật không may, Giáo hội Chính thống Nga “đã sa vào cái bẫy này – mà chúng tôi không bao giờ thực sự thoát khỏi trong suốt lịch sử của mình với tư cách là một giáo hội. Chúng tôi rơi vào tình trạng cúc cung tùng phục một thẩm quyền nhà nước nào đó; biến đổi thông điệp của mình cho phù hợp với thông điệp của nó và trở nên phụ thuộc vào nó”.
Sơ Vassa nhấn mạnh rằng: “Bằng cách chấp nhận đường lối đảng phái của chính phủ và không đặt câu hỏi về nó dưới ánh sáng của Phúc âm, chúng ta thực sự đang chết trên chiến trường của cuộc chiến tâm linh.”
Trong khi Sơ Vassa tự mô tả mình là “một người hâm mộ lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô,” Sơ Vassa nói rằng với tư cách là một Kitô hữu Chính thống, sơ có một số băn khoăn về kế hoạch thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria vào ngày 25 tháng Ba.
Trước hết, cô ấy nói, từ “thánh hiến” có nghĩa là được liên kết với điều thiêng liêng, và “bạn không thể được kết hợp với điều thiêng liêng hay không thể ‘được thánh hiến’ nếu không có sự đồng ý của bạn; bạn phải tự ý mong muốn điều đó và do đó cũng phải có thái độ dâng mình, như đã nêu trong điều 945 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.”
Ngoài ra, sơ ấy nói, tín điều về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, không được Giáo hội Chính thống chấp nhận.
Tín lý Công Giáo khẳng định rằng Đức Maria được thụ thai mà không có “vết nhơ” của tội nguyên tổ.
“Chúng tôi không có giáo huấn rõ ràng về tội nguyên tổ.”
Ngoài ra, mặc dù các giám mục Công Giáo theo nghi thức Đông phương và Latinh của Ukraine đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng hiến quốc gia của họ cho Đức Maria, nữ tu Vassa cho biết cô đã nói chuyện với những người tị nạn Công Giáo Ukraine, những người không thích ý tưởng về việc Đức Giáo Hoàng thánh hiến cả Ukraine và Nga cho Đức Maria trong cùng một buổi lễ.
Mặc dù đúng là tất cả mọi người đều là anh chị em và Đức Giáo Hoàng có thể muốn làm nổi bật điều đó, nhưng sơ ấy nói rằng nhiều người nghĩ rằng “có lẽ vẫn còn hơi sớm cho điều đó”, trước sự dữ dội của các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Nữ tu Vassa cho biết: Chính thống giáo và Công Giáo chia sẻ lòng sùng kính sâu sắc đối với Mẹ Maria, và họ biết “chúng ta đang ở dưới sự bảo vệ của Mẹ. Chúng tôi có một ngày lễ đặc biệt về sự Bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa. Mẹ không bỏ rơi chúng tôi. Đức Mẹ chắc chắn không bỏ mặc người dân Ukraine”.
Source:Crux