Sự tiết độ

1. Dẫn Nhập
Câu chuyện cổ ‘Sự tích cây khế’ chúng ta đã được nghe từ thời thơ ấu. Chúng ta tập trung chú ý đến nhân vật người anh tham lam. Thay vì ‘may túi ba gang’ để đựng châu báu, anh đã may túi chín gang, lại còn nhét đầy ống tay, treo đầy ống chân. Hậu quả là anh bị đống châu báu nặng trịch đó dìm xuống biển. Một câu chuyện khác là chuyện ‘thà chết còn hơn’. Anh chàng kia ‘ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng giám mặc’ sắp chết trôi giữa sông vẫn tiếc tiền; cố ngoi lên để mặc cả cái giá của mạng sống mình và cho rằng, ba quan thì quá đắt. Cuối cùng anh chọn ‘thà chết còn hơn’. Đó là chuyện ngày xửa ngày xưa. Ngày nay, người ta chết không chỉ vì tham vàng, tham của còn chết vì ăn chơi hưởng thụ không biết điểm dừng. Chúng ta nghe nói nhiều về các bệnh nghiện như: nghiện game, nghiện ma tuý, nghiện rượu, nghiện sex, nghiện máy tính, điện thoại… Khi đã nghiện, không đi đến bỏ mạng thì chí ít cũng tan cửa nát nhà, mang bệnh vào thân.

Hình ảnh về Hí trường Coliseum của năm 40 sau Công Nguyên với những trận giác đấu đẫm máu phần nào cho thấy thực trạng thế giới và con người hôm này luôn tìm kiếm sự kích thích mạnh mẽ nhằm lấp đầy sự trống rỗng về ý nghĩa. Đó là lối giải quyết của xã hội hôm nay trước những thất vọng, chán nản, buồn rầu… giải pháp là phải có “nhiều hơn”: kích động nhiều hơn, tình dục nhiều hơn, âm nhạc, phim ảnh, rượu chè, tiền bạc, tự do…luôn được “phô bày” ở mức độ thái quá như một phương cách để thỏa mãn và tìm niềm vui. Tiết độ dường như không còn chỗ đứng, tất cả dường như được trình bày trong tình trạng thái quá. Cách sống tiêu cực, một là bất cập, hai là thái quáCả hai đều đi ngược lại với một nhân đức căn bản của con người. Đó là nhân đức tiết độ. 

2. Định nghĩa Đức Tiết độ

Tiếng Latinh: ‘temperantia’, tiếng Anh: ‘Moderation’ có nghĩa là “tiết độ” (hay: tiết chế, điều độ, dung hòa, tự chủ, giảm bớt). Trong Hán Việt, tiết nghĩa là hạn chế, kiềm chế cho khỏi vượt quá độ. Sách Giáo Lý Hội Thánh định nghĩa về đức tiết độ như sau: Tiết độ là nhân đức giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của các thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện.” (GLHT 1809). Như thế, tiết độ là việc làm dung hoà, có chừng mực, tránh được thái quá hoặc bất cậpNó giúp ta chế ngự, điều hoà khoái lạc, khoái cảm của bản năng tự nhiên nơi con người về đời sống vật chất cũng như tính dục. Tiết độ còn được ví như cái ‘thắng’ kìm hãm những nhu cầu tự nhiên trong khuôn khổ chừng mực. Trong khuynh hướng tự nhiên, những hành động của chúng ta thường bị kích thích và lôi cuốn về tình trạng vô độ. Nhân đức tiết độ sẽ giữ ta ở lại mức trung dung. Trung dung tức là luôn có sự hoà hợp giữa hai thái cực.

3. Tiết độ trong Thánh Kinh và Giáo huấn của Hội Thánh

Kinh Thánh cả Cựu ước lẫn Tân ước đều đề cao nhân đức tiết độ. Sách Châm Ngôn xem đức tiết độ là một khía cạnh của đức khôn ngoan. Người sống khôn ngoan chính là người biết lắng nghe Lời Chúa và sống tiết độ. Những kẻ thiếu khôn ngoan thì ham “mê gái điếm”, “nấn ná bên ly rượu” để được “thêm ly nữa”. Số phận của họ sẽ “phải túng nghèo”, “bị đánh mà chẳng biết đau” (Cn 23, 19-35). Sách Châm ngôn cũng đề cao nhân đức tự chủ khi so sánh người tự chủ (thắng mình) thì hơn người chiếm được thành (thắng vạn quân) (Cn 16, 32). Sách Huấn Ca khen ngợi người tiết độ biết hướng thèm muốn giác quan về điều thiện và ‘không chiều theo những ham muốn của lòng mình’ (Hc 5, 2). Cũng sách này dạy ta đừng buông theo các tham vọng, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng, đừng tìm khoái lạc xa hoa, đừng vay mượn để tiệc tùng (Hc 18,30-33).

Đức tiết độ không những là cách sống của người khôn ngoan mà con là nguyên nhân và là kết quả của những nhân đức khác. Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức” (2Pr 1, 5-6). Ở nơi khác, ngài nhấn mạnh sự cần thiết của đức tiết độ trong việc đạt tới phần thưởng Nước Trời: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Cr 9, 25). Kiêng kị tức là sống có chừng mực, điều độ, hoà hợp. Kẻ mê ăn uống và hưởng thụ thì thánh Phaolô nhạo rằng: “Chúa tể của họ là cái bụng” (Pl 3,19).

Giáo huấn Hội thánh dạy gì? Ngay từ khi còn nhỏ chúng ta đã đọc thuộc lòng kinh cải tội bảy mối. Giáo hội đã liệt kê ra bảy điều đi ngược với đức tiết độ: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, mê ăn uống, hờn giận, ghen ghét, lười biếng. Đó là bảy mối tội đầu. Tất cả các tội khác đều từ bảy tội này mà sinh ra. Để rèn luyện nhân cách trưởng thành, Giáo hội dạy ta thực hành bảy nhân đức họ hàng với đức tiết độ: khiêm nhường, quảng đại, giữ mình sạch sẽ, nhịn nhục, kiêng bớt ăn uống, yêu người, siêng năng. Trong việc tập luyện các nhân đức khác cần thực hành đức tiết độ. Giáo hội dạy: “Muốn sống đức khiết tịnh phải giữ đức tiết độ, vì nhân đức này dùng lý trí để hướng dẫn các đam mê và thèm muốn giác quan” (GLHT 2341). Hay “Muốn chiến đấu chống lại nhục dục, ta phải thanh luyện tâm hồn và sống tiết độ” (GLHT 2517). Như vậy, Giáo hội đặt nhân đức tiết độ trong tương quan mật thiết với các nhân đức khác.

Triết gia Aristote nhấn mạnh tính hướng đích của nhân đức Tiết Độ là tìm kiếm sự quân bình nội tâm như phương thế đạt đến sự hạnh phúc đích thật.

Với chúng ta những trẻ thơ Trinh Vương sống nhân đức này cụ thể như thế nào?

4. Tiết độ trong những lãnh vực nào?

Người Anh có câu: “All things in moderation and moderation in all things” (mọi thứ phải điều độ và điều độ trong mọi thứ). Đức tiết độ không giới hạn trong bất kỳ lãnh vực nào. Trong giới hạn bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến đức tiết độ trong mấy lĩnh vực điển hình sau:

4.1. Tiết chế những khoái lạc thể xác: như ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi… Tất cả những thứ đó đều tốt nếu chúng ta sử dụng trong chừng mực và có trật tự. Những nhu cầu này liên quan đến việc sinh tồn và phát triển. Tuy nhiên, ăn uống quá độ, vui chơi trác táng. Những cảm giác sung sướng về thể lý sẽ có được khi ta thoả mãn những đòi hỏi của cơ thể. Vì thế, chúng ta dễ chiều theo những đòi hỏi ấy một cách vô độ. Chẳng hạn, khi đói thì bản năng sinh tồn sẽ khiến ta thèm ăn. Cái dạ dày trống rỗng sẽ làm ảnh hưởng đến con người của ta từ giác quan, tâm lý, ý chí và đến cả lý trí. Lúc đó nếu không kiểm soát bản thân ta dễ biến mình thành kẻ ham ăn. Tuy nhiên, đứng trước thức ăn, nếu là người có tiết độ, sẽ biết đặt cho mình những câu hỏi như ‘Có nên ăn khôngĂn bao nhiêuĂn như thế nàoĂn ở đâu?’ Một người có tiết độ khác với một kẻ phàm ăn tục uống hay khác với một con vật ở điểm này. Con người thì phải biết làm chủ mình và ‘biết ăn biết nói biết gói biết mở’. Ăn uống thái quá chỉ sinh ra bệnh tật. Những người như thế ‘sống để ăn và ăn để chết’. Người đời cảnh báo kẻ ham mê ăn uống rằng: “vòng bụng to ra, vòng đời khép lại”. Hơn nữa, người ăn uống quá nhiều sẽ không thưởng thức được vị ngon của thức ăn, thức uống, vì cơ thể không có nhu cầu. Hãy ăn khi đói và hãy dừng lại khi đã vừa đủ. Những nhu cầu khác liên quan đến dục vọng như ngủ nghỉ, vui chơi. Chúng cần có sự điều độ và trật tự. Hãy có thái độ chừng mực trước những cám dỗ của nhục dục.

4.2. Tiết chế lời nói và sự giận dữ

Cơn nóng giận có khi đến từ một điều tưởng như rất nhỏ nhưng chi phối bản năng của con người một cách mạnh mẽ. Mọi cơn giận dữ đều khiến người ta mất khôn. Có biết bao nhiêu trường hợp đau lòng đã xảy ra trong cuộc sống do người ta không biết kiềm chế nóng giận. Báo điện tử ‘baomoi.com’ mới đây đưa tin một người Ba Lan đã cho nổ tung nhà mình khi biết vợ con đi chơi mà không có ông đi cùng. Kết quả là nhà cửa tan tành và ông bị trọng thương phải đi cấp cứu. Rất nhiều những câu chuyện đau lòng như thế xảy ra do sự nóng giận được tìm thấy ở trên mạng mỗi ngày. Đức tiết độ giúp ta biết kiềm chế bản thân mình trước mọi kích thích về tâm lý. Người tiết chế sẽ sống quân bình; vui không vui quá mà buồn cũng không quá buồn, giận không quá giận. Nơi người trẻ tuổi thì thường bồng bột và hay nổi nóng. Họ chưa đủ kinh nghiệm sống để đạt tới sự chín chắn trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Vì thế, hãy học cách sống tiết độ và chừng mực để làm chủ bản thân. Người thầy dạy tiết độ của chúng ta là Chúa Giêsu: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Hiền lành như Chúa Giêsu để sống tiết độ.

4.3. Tiết chế lòng ham danh vọng

Cơn cám dỗ thứ hai Chúa Giêsu chịu nơi hoang địa là cám dỗ về danh (Lc 4, 10-11). Đó cũng là điều cám dỗ chúng ta hết sức mãnh liệt. Có câu tục ngữ: ‘Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi’. ‘Tiếng anh hùng’ nhiều khi đã trở thành thước đo để định mức giá trị của một người. Danh thường đi liền với câu hỏi “Tôi là ai?”. ‘Là ai’, đó cũng chính là sự thật nơi mỗi con người. Danh là điều đáng quý và phải được tôn trọng vì nó gắn liền với căn cước của ta. Tuy nhiên, người hám danh thì không chấp nhận sự thật về mìnhHọ không nhìn nhận bản thân mình như mình là. Vì thế, họ chạy đua tìm cái hư danh. Việt nam là một trong những nước có nạn chạy chức quyền cao nhất. Số người ‘ngồi nhầm ghế’, và ‘bám ghế’ cũng rất nhiều. Ta vẫn thường nghe nhiều về ‘tiến sĩ giấy’, ‘giáo sư rởm’ hay giả danh này danh nọ khắp nơi. Đức tiết độ đòi ta sống khiêm nhường, nhìn nhận sự thật về mình. Biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để ra sức học tập; đồng thời nhìn nhận ưu điểm kẻ khác. Những kẻ hám danh thì khoe khoang, khoác lác cái mình không có, không chịu nhận khuyết điểm nơi mình, không trôn trọng danh dự của mình. Chúng ta nhớ rằng, những gì ta biết chỉ là giọt nước giữa biển khơi của kiến thức. Kẻ ngạo mạn sẽ không học thêm được gì mà còn thụt lùi, lạc hậu. Đức Maria đã nêu gương khiêm nhường cho ta khi nói lời ‘Xin Vâng’. Mẹ đã tin rằng ‘[Đức Chúa] sẽ hạ bệ những ai quyền thế, kiêu căng và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường’ (Kinh Magnificat).

4.4. Tiết chế lòng ham của cải

Trở lại với hai câu chuyện dân gian ở phần mở đầu, ta nhìn vào hậu quả của họ mà rút ra bài học cho mình. Lòng kẻ tham là chiếc thùng không đáy. Của cải vật chất có thể chất đầy nhà và các kho lẫm của họ nhưng không đầy lòng tham của họ. Dân gian nói ‘được voi đòi tiên’ quả thật đúng. Ngày xưa vì đói nghèo có một số người có thể vì ‘bần cùng sinh đạo tặc’, nhưng ngày nay có nhiều người nhà cao cửa rộng, xe máy ô-tô đầy nhà rồi vẫn còn tham nhũng, tham ô, ăn cắp, vơ vét của công. Như thế, người ta không ăn cắp do nghèo đói mà do lòng tham vô độ.

Người tu sĩ chúng ta sống sự tiết độ trong lời khấn khó nghèo như thế nào?…
Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu sống đơn sơ khó nghèo. Ngài là Thiên Chúa mà sinh làm người, nằm máng cỏ, làm nghề thợ mộc, chết trần trụi trên thập giá. Đúng là một con người ‘không có chỗ gối đầu’ (Luca 9, 58; Mt 8:20).

4.5. Tiết chế trong lao động và học tập

Học tập và lao động cũng phải tiết chế. Có người vì học nhiều quá mà sinh điên. Có người vì làm việc quá sức mà sinh lao lực. Chúng ta không được lười biếng ‘há miệng chờ sung’. Phải lao động và học tập. Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào trái đất này là để cải tạo nó. Lao động và học tập mới có của nuôi thân. Tuy nhiên, lao động phải có nghỉ ngơi, học tập phải có giải trí. Lao động mà không nghỉ là lao động để chết chứ không phải để sống’. Thiên Chúa đã làm việc sáu ngày và nghỉ ngơi ngày thứ bảy. Con người cũng phải lao động, học tập và nghỉ ngơi giải trí. Có nhiều cách giải trí. Giải trí lành mạnh giúp ta yêu cuộc sống và có đủ sức khoẻ để lao động và học tập tốt hơn.

4.6. Tiết chế trong việc sử dụng Internet

Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong các tầng lớp xã hội. Thông qua mạng xã hội, người dùng có thể lang thang trên đó suốt ngày, trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm; kết nối gia đình, bạn bè, cộng đồng; cập nhật tin tức, kiến thức, xem phim, đọc báo, gởi mail, chat, nói chuyện trực tuyến, mua bán, giao dịch, thậm chí có thể khám bệnh từ xa… Các trang mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, có thể ví như là một quyển “tự điển sống”, nó chứa một khối lượng thông tin khổng lồ, người dùng chỉ cần một chiếc smart phone hoặc máy tính cầm tay là có thể cập nhật tất cả thông tin diễn ra trên toàn thế giới. Nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn trong học tập, sinh hoạt và đời sống xã hội, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt và khó lường

5. Kết Luận

Đức tiết độ chi phối toàn bộ cuộc sống của con người. Ta không thể kể hết từng lãnh vực cụ thể. Không có tiết độ mọi thứ sẽ đi đến hỗn loạn, thái quá và diệt vong. Trong các nhân đức trụ của Kitô giáo, đức tiết độ đứng thứ tư (sau khôn ngoan, công bằng và can đảm), nhưng không vì thế mà không quan trọng. Nó liên hệ đến mọi ngõ ngách của cuộc sống con người và có họ hàng với tất cả các nhân đức khác. Ví dụ, để thực thi đức ái cần có đức tiết độ. Muốn san sẻ của cải vật chất cho người khác, ta phải dẹp bỏ lòng tham của mình trước đã. Cuối cùng, đức tiết độ là một nhân đức mang lại hoa trái cho đời sống chúng ta một cách dồi dào. Sống tiết độ sẽ có bình an, hoan lạc, thanh bần và tự do… Nhân đức này giúp ta đi đến lẽ phải, vì lẽ phải hoàn toàn thì tránh mọi thái quá và bất cập. Tiết độ sẽ là một điều không thể thiếu trong hành trang vào đời của tất cả chúng ta, vì thế ta phải tập luyện mỗi ngày. Đức tiết độ khó tập như tất cả các nhân đức khác. Chính vì thế, ơn Chúa là yếu tố cần thiết cho mỗi người. Hãy chạy đến với Ngài vì Ngài đã hứa “ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ; và tin chắc rằng khi sống tiết độ, chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

Nt. Dòng Trinh Vương

https://gpbuichu.org/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *