Kampala – Tại Uganda, người tị nạn Nam Sudan thiếu mọi thứ. Những căn lều nơi họ trú ẩn không đủ an toàn. Không có việc làm. Các thiếu niên không có nhiều cơ hội để tiếp tục học tập. Người bệnh rất nhiều và không phải lúc nào cũng được chăm sóc đúng mức. Đất đai nơi họ sinh sống bị chuyển thành đầm lầy vào mùa mưa. Nói với Hãng tin Fides, sơ Lorena Ortiz cảnh báo: “Tình trạng trong các trại tị nạn Uganda thật là khẩn cấp. Tôi và các chị em của tôi đang nỗ lực hết sức để hy vọng cung cấp sự trợ giúp và tình liên đới, cùng với sự can thiệp của UNHCR, tổ chức của LHQ liên quan đến người tị nạn và một số tổ chức phi chính phủ lớn. Tuy nhiên, nhu cầu rất lớn”.
Sơ Lorena nói tiếp: «Chính các nữ tu là những người “tị nạn”. Cùng với hai chị em khác chúng tôi đang sống tại Kajo Kejii, một trung tâm ở khu vực Sudan nằm trên biên giới với Uganda. Cách đây hơn một năm, căng thẳng đã gia tăng trong khu vực, các chiến binh gây áp lực cho thường dân rời khỏi khu vực. Họ nói rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với quân đội Juba và rằng khu vực không còn an toàn nữa. Phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi đã bỏ chạy. Chúng tôi cũng buộc phải chạy trốn. Ngay khi chúng tôi rời Nam Sudan, phiến quân cướp bóc tài sản của chúng tôi và lấy đi mọi thứ».
Các nữ tu đã chuyển đến huyện Moyo của Uganda, và sống trong các trại tị nạn lớn, nơi có 180.000 phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người tàn tật. ở phía bắc Uganda có một triệu người Nam Sudan đã tìm kiếm nơi ẩn náu. Đó là một nhân loại đang đau khổ. Liên Hiệp Quốc cung cấp cho những người mới đến những tấm bạt được lấy từ màn cửa. Sơ Lorena cho biết: “Các tấm bạt rất hữu ích trong mùa mưa, nhưng sau đó khi trời nóng thì làm họ khó chịu; và khi những cơn mưa trở lại, nhiều người tị nạn, đặc biệt là người có sức khỏe yếu cảm thấy không được che chở. Chúng tôi cũng vậy, cũng phải sống trong tình trạng tồi tệ như thế, nhưng chúng tôi cố gắng giúp họ tất cả những gì mà chúng tôi có thể “.
Các sơ tổ chức thời gian cho việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, cố gắng giữ cho ngọn lửa đức tin được cháy sáng, tin cậy nơi Đức Kitô, trong hoàn cảnh khó khăn. Các chị cũng chăm sóc các dự án tín dụng nhỏ để giúp phụ nữ tổ chức các hoạt động nông nghiệp và thương mại với quy mô nhỏ. Sơ nói: “Nhiều người già đang bị bệnh, chúng tôi giúp họ điều trị và xây dựng các nhà trú ẩn an toàn. Chúng tôi trợ giúp được bao nhiêu có thể, cũng như cố gắng giúp học sinh tiếp tục học tập”. Các nữ tu không làm một mình. LHQ đảm bảo thực phẩm (đậu, ngô, dầu và muối). Sau đó có một số tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, hỗ trợ tâm lý, hệ thống vệ sinh. Mặc dù có những nỗ lực này nhưng đời sống trong trại rất bấp bênh. Họ thiếu mọi thứ và trên hết là không có triển vọng cho tương lai”.
Sơ Lorena kết luận: “Để đối phó với khối người tị nạn này, phản ứng của Uganda là: Đầu tiên, họ đón tiếp người Nam Sudan; cho phép những người này định cư trên đất không dành cho trồng trọt; giúp người tị nạn trong các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, một số nhỏ đã bắt đầu phản đối: họ tranh luận rằng những người Sudan được trợ giúp và họ thì không có gì, và những người tị nạn không phải trả tiền thuê đất. Một số nhóm đã buộc các tổ chức phi chính phủ chỉ thuê người Uganda. Thật không may, các kháng cự đang có. Nhưng phải nói rằng, hầu hết người Uganda vẫn có thái độ tích cực” (Agenzia Fides 21/3/2018)
Ngọc Yến