Sydney – Lần đầu tiên trong lịch sử, hai anh em được chịu chức linh mục cùng một ngày

1. Tổ chức từ thiện của Tòa Thánh tiếp sức các quốc gia bị ảnh hưởng Covid

Văn phòng tổ chức từ thiện của Đức Thánh Cha đã gửi một số máy trợ thở và các thiết bị y tế đến cho 9 quốc gia, nhằm thể hiện sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các quốc gia đang phải vật lộn với đại dịch.

(Tin Vatican)

Với hơn 178 triệu ca nhiễm và hơn 3,8 triệu ca tử vong, tính cho đến nay, Covid-19 vẫn tiếp tục lộng hành tại nhiều quốc gia, làm xáo trộn cuộc sống và kinh tế khắp nơi trên thế giới, đặc biệt những quốc gia nghèo trong suốt năm qua.

Trong khi chiến dịch tiêm chủng ở các nước giàu đang tiến hành ráo riết, thì khủng hoảng y tế vẫn tiếp tục tàn phá dân số ở nhiều khu vực nghèo trên thế giới.

Và một lần nữa trái tim của Đức Thánh Cha Phanxicô quặn đau hướng về những người đang hấp hối trên thế giới.

Sự quan tâm và chăm sóc của Đức Thánh Cha

Văn phòng các tổ chức từ thiện của Tòa Thánh đã mua một số máy trợ thở và gửi đến một số quốc gia tối cần vào hôm thứ Năm (17/6/2021), cùng với một số dụng cụ y tế khác, theo công bố của Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người lo các việc bác ái từ thiện của Đức Thánh Cha.

Máy trợ thở và dụng cụ y tế đã được gửi qua ngành ngoại giao đến các Sứ thần Tòa thánh của 9 quốc gia.

Các Sứ thần Tòa thánh khi nhận được sẽ gửi đến các trung tâm, bệnh viện tùy theo nhu cầu của các Giáo hội địa phương.

Các quốc gia cần thiết

Dưới đây là các quốc gia được giúp đỡ và số lượng máy trợ thở được gửi đến: Brazil 6 cái, Colombia 5, Argentina 5, Ấn Độ 6, Chile 4, Nam Phi 4, Bolivia 3, Syria 3 và Papua New Guinea 2.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyên góp cho các quỹ từ thiện và cung cấp thiết bị y tế cho nhiều nơi trên khắp thế giới, chẳng hạn như cho Colombia vào tháng Tư và Brazil vào tháng Tám.

Hiện tại, thảm họa Covid-19 đang hoàng hành tệ hại nhất tại Brazil và Ấn Độ, đã làm thiệt hại mạng sống của hơn 879.000 người trong số 3,8 triệu ca tử vong trên khắp thế giới.

Hoa Kỳ vẫn là quốc gia đứng đầu danh sách các nước với hơn 34 triệu ca nhiễm và hơn 616.000 ca tử vong.

2. Sydney – Lần đầu tiên trong lịch sử, hai anh em được chịu chức linh mục cùng một ngày.

Sydney – Lần đầu tiên trong lịch sử, hai anh em được chịu chức linh mục cùng một ngày

Hai anh em Daniel và Stephen Drum được Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher Sydney truyền chức Linh mục ngày 29 tháng 5 tại Nhà thờ Chính tòa Đức Maria, trước sự chứng kiến của hơn 700 người, trong đó có 90 người là thân nhân của hai tân linh mục.

Gia đình Drum có hai anh em làm linh mục và cô em gái Rosie là nữ tu nên bạn bè thường gọi là “Chúa Ba Ngôi”.

Hai anh đều là thành viên của Huynh đoàn Truyền giáo Verbum Dei, một Hội dòng chuyên chăm về Lời Chúa và rao giảng lời Chúa.

Stephen là một kỹ sư và Daniel là một nhà khoa học, dù họ có những công việc tốt và nhiều tiền, nhưng mơ ước cuối cùng của họ lại là chức linh mục.

Hai tân linh mục Daniel và Stephen đều đồng thuận rằng được thụ phong cùng một ngày là một niềm hạnh phúc…

Cha Stephen còn cho hay: “Niềm vui của cả hai chúng tôi là niềm vui chung của mọi người, không chỉ của Hội Dòng Verbum Dei mà còn của bạn bè, gia đình và giáo xứ và giáo phận Sydney.

“Hội Dòng Verbum Dei là một Tu Hội quốc tế, nên niềm vui cũng vượt quá không thờ gian…”

ĐTGM Fisher cho biết Thánh lễ truyền chức này là “một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời Tổng giám mục Sydney của tôi, khi phong chức linh mục cho hai chàng trai trẻ.”

Bà cố của hai tân linh mục là bà Nola Drum, một người mẹ có 9 người con, bà luôn cầu nguyện cho các linh mục tu sĩ… Là một giáo lý viên trong suốt 30 năm, bà cho biết tất cả các con của bà đã luôn đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc sống và bà cảm tạ Chúa Thánh Thần đã ban cho gia đình bà thật sốt sắng.

Bà cho biết bà không đối xử với những người con tu trì khác với sáu đứa con khác! nhưng bà cảm tạ Chúa vì có ba người con đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Chúa.

Bà thường thân thưa với Chúa: “Con sẵn sàng hiến dâng bất cứ người con nào nếu Chúa muốn chọn chúng!”

Bà chia sẻ với tư cách là cha là mẹ, bà và ông John, chồng bà “vui mừng vì không chỉ Dan và Steve mà cả Rosie đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa bước vào đời sống thánh hiến…”

Nguồn: https://cruxnow.com/church-in-oceania/2021/06/australian-brothers-ordination-completes-hat-trick-of-religious-vocations/

3. Ủy ban Caritas kêu gọi nhóm G7 hãy xóa nợ của các nước nghèo

Nhóm G7 đại diện cho 7 quốc gia giàu có trên thế giới đang có cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại một tỉnh nhỏ Carbis Bay ở Cornwall, Vương quốc Anh để bàn về sự phục hồi thế giới sau cơn đại dịch.

(Tin Vatican – Robin Gomes)

Mọi người đề đồng ý: Không thể “xây dựng tốt hơn” nếu các khoản nợ của các nước nghèo không được xóa bỏ và giúp đầu tư để phục hồi, chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các nước: Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ, bảy nước họp lại thành G7, là các nước có nền dân chủ giầu mạnh nhất thế giới, liên kết các đồng minh thân cận và các đối tác thương mại lớn đang nắm giữ khoảng một nửa kinh tế toàn cầu. Liên minh châu Âu, Australia, Nam Phi, Hàn Quốc và Ấn Độ được mời dự thính.

Các nhà lãnh đạo G7 trông đợi sự phục hồi sau cơn đại dịch, hứa hẹn sẽ học hỏi những sai lầm trong quá khứ.

Vấn đề nợ của châu Phi

Ông Aloysius John, giám đốc Caritas thế giới cho hay qua Hội Caritas thế giớ ông được biết có khoảng 200 quốc gia trên toàn thế giới đang mắc nợ các nước phát triển. Ví dụ, Zambia sử dụng 45% ngân sách hàng năm của quốc gia để trả nợ khổng lồ của mình, thì làm sao “còn tiền đâu mà phát triển đất nước?” Ông tiếp: “Và làm thế nào họ có thể ứng đáp Covid nếu không có nguồn tài chánh, thì y tế quốc gia làm sao dám mơ có vắc xin ngoại trừ trông chờ vào lòng bố thí của các nước giầu?”

Quỹ Vốn Đặc Biệt (SRD) cho miền nam toàn cầu

Chỉ riêng các nước châu Phi dự kiến sẽ trả 23,4 tỷ USD tiền nợ cho các nước chủ nợ năm 2021 – cao hơn gấp ba lần chi phí mua vắc xin cho toàn châu lục thì làm sao họ có tiền mà lo chống đại dịch cho dân chúng?

Cho nên nhóm G7 cần xem xét cuộc khủng hoảng khí hậu một cách nghiêm túc hơn và tìm cách giúp cho các quốc gia khác được tham gia vào các công cuộc gìn giữ và chăm sóc cho ngôi nhà chung của thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *