Khai mạc Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X
Đồng tế trong Thánh lễ có khoảng 20 Hồng y, gần 150 giám mục và hơn 250 linh mục đến từ nhiều quốc gia.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng, trước hết Đức Thánh Cha nhắc rằng Thánh lễ là giây phút tạ ơn. Cộng đoàn dâng lên trước Thiên Chúa, với lòng biết ơn, tất cả những hoa trái mà Chúa Thánh Thần đã gieo nơi họ, các gia đình.
Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ về vô số kinh nghiệm, kế hoạch và ước mơ, cũng như những mối quan tâm và sự không chắc chắn mà anh chị em đã chia sẻ với nhau. Bây giờ chúng ta hãy dâng tất cả những điều này cho Chúa và xin Người nâng đỡ anh chị em bằng sức mạnh và tình yêu của Người… Mỗi người trong anh chị em mang theo một kinh nghiệm khác nhau về gia đình, nhưng tất cả anh chị em đều có chung một niềm hy vọng và lời cầu nguyện: Thiên Chúa sẽ phù hộ và gìn giữ gia đình của anh chị em cũng như tất cả các gia đình trên thế giới.”
Tự do nội tâm
Suy tư về bài đọc thứ hai trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, Đức Thánh Cha nói đến tự do, một trong những lý tưởng và mục tiêu quý trọng nhất của con người thời đại chúng ta. Ngài nhấn mạnh đến tự do nội tâm, món quà chính Đức Kitô ban cho chúng ta, thứ tự do quan trọng nhất mà nhiều người không có.
Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi nhiều hình thức giới hạn nội tâm và bên ngoài, và đặc biệt là với xu hướng ích kỷ, xem mình là trung tâm của mọi thứ và chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải là thứ tự do giả tạo và trống rỗng của thế gian, thứ mà trong thực tế là “một cơ hội cho sự buông thả bản thân” (Gl 5,13). Tự do mà Chúa Kitô đạt được bằng giá máu của Người hoàn toàn hướng đến tình yêu, để – như Thánh Tông đồ nhắc lại với chúng ta hôm nay – ‘hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.'”
Từ điều này, ngỏ lời với các đôi vợ chồng, Đức Thánh Cha nói rằng khi xây dựng gia đình, với sự trợ giúp của ân sủng Chúa Kitô, họ đã thực hiện một quyết định can đảm: “không sử dụng tự do của anh chị em cho riêng mình, nhưng để yêu thương những người mà Thiên Chúa đã đặt ở bên cạnh anh chị em.” Đó là cách thực hiện quyền tự do trong gia đình. “Gia đình là nơi gặp gỡ, chia sẻ, đi ra khỏi chính mình để chào đón người khác và ở bên cạnh họ. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học cách yêu thương.”
Mối quan hệ giữa các thế hệ
Tiếp đến từ mối quan hệ giữa hai ngôn sứ Êlia và Êlisê, được trình bày trong bài đọc thứ nhất, Đức Thánh Cha nói về mối quan hệ giữa các thế hệ, về “việc chuyển trao chứng tá” từ cha mẹ cho con cái. Ngài nhận xét rằng cha mẹ thường lo sợ rằng con cái sẽ không thể tìm thấy con đường của mình giữa sự phức tạp và rối ren của xã hội chúng ta, nơi mọi thứ dường như hỗn loạn và bấp bênh, và cuối cùng là lạc lối. Và điều này khiến một số bậc cha mẹ lo lắng, trong khi những người khác thì bảo vệ quá mức.
Từ việc ông Êlia nhận mệnh lệnh của Thiên Chúa để xức dầu cho Êlisê trở thành người kế vị, Đức Thánh Cha nói rằng Thiên Chúa giúp ông Êlia nhận ra rằng thế giới không kết thúc với ông, và ra lệnh cho ông truyền sứ vụ của ông cho người khác.
“Thiên Chúa yêu thương người trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là Người bảo vệ họ khỏi mọi rủi ro, khỏi mọi thử thách và mọi đau khổ. Thiên Chúa không lo lắng và bảo vệ quá mức; trái lại, Người tin tưởng những người trẻ và kêu gọi mỗi người vươn đến tầm cao của cuộc đời và sứ mạng.”
Cha mẹ cần giúp con cái khám phá ơn gọi của chúng
Đức Thánh Cha nói với các bậc cha mẹ: “Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường: đừng che chở cho con cái mình khỏi những khó khăn và đau khổ dù là nhỏ nhất, nhưng cố gắng truyền đạt cho chúng niềm đam mê sống, khơi dậy trong chúng khát vọng khám phá ơn gọi của mình và đón nhận sứ mạng vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho họ.” Nếu các bậc cha mẹ giúp con cái khám phá và chấp nhận ơn gọi của chúng, họ sẽ thấy rằng chúng cũng sẽ bị “nắm chặt” bởi sứ mạng này; và chúng sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để đối đầu và vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các nhà giáo dục: “cách tốt nhất để giúp người khác tiếp nối ơn gọi của họ là đón nhận ơn gọi của chính mình với tình yêu trung thành.” Đó là điều mà các môn đệ đã thấy Chúa Giêsu làm. Đức Thánh Cha khẳng định: “Không gì có thể khích lệ con cái hơn là nhìn xem cha mẹ của họ sống cuộc sống hôn nhân và gia đình như một sứ mạng, thể hiện lòng chung thủy và sự kiên nhẫn bất chấp khó khăn, lúc đau buồn và khi thử thách… Có những lúc chúng ta phải gánh lấy sự phản kháng, chống đối, từ chối và hiểu lầm xuất phát từ trái tim con người, và với ân sủng của Chúa Kitô, hãy biến những điều này thành việc đón nhận người khác và thành tình yêu nhưng không.”
Hôn nhân – hành trình đầy bất ngờ và ngạc nhiên
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha trình bày ba ơn gọi khác, được đại diện bởi ba môn đệ đầy khao khát của Chúa Giêsu. Người đầu tiên được dặn là đừng tìm một ngôi nhà cố định, một hoàn cảnh an toàn, khi theo Chúa Giêsu, vì thầy “còn chẳng có nơi tựa đầu” (Lc 9,58). Theo Chúa Giêsu có nghĩa là bắt đầu một “chuyến đi” không bao giờ kết thúc với Người qua những biến cố của cuộc đời.
Đức Thánh Cha nói điều này thật đúng đối với các đôi vợ chồng. Ngài nói: “Khi chấp nhận lời mời gọi hôn nhân và gia đình, anh chị em cũng đã rời ‘tổ ấm’ và bắt đầu một chuyến đi mà không thể biết trước chính xác nó sẽ dẫn đến đâu, và những tình huống mới, những sự kiện bất ngờ và ngạc nhiên. Đó là ý nghĩa của cuộc hành trình với Chúa… Chúng ta hãy nhớ rằng mỗi môn đệ của Chúa Giêsu đều tìm thấy sự nghỉ ngơi của mình trong việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa mỗi ngày, bất cứ nơi nào Người muốn.”
Môn đệ thứ hai được dặn là đừng “quay lại chôn cất người thân của mình đã chết” (câu 59-60). Đó là lời kêu gọi phải tuân theo, trên hết, điều răn đầu tiên: kính mến Chúa trên hết mọi sự. Điều tương tự cũng xảy ra với người môn đệ thứ ba, người được mời gọi theo Chúa Kitô một cách kiên quyết và với trọn tâm hồn, không “ngoảnh lại”, thậm chí không từ biệt các thành viên trong gia đình mình (xem các câu 61-62).
Không ngoảnh lại đàng sau
Từ các bài đọc Kinh Thánh, Đức Thánh Cha nói với các gia đình rằng họ được yêu cầu không có những ưu tiên khác, không được “ngoái lại đàng sau”, nhớ nhung cuộc sống trước đây, sự tự do trước đây của mình, với những ảo tưởng lừa dối của nó. Sự sống bị “hóa thạch” khi nó không mở ra với sự mới mẻ của tiếng gọi của Chúa và tiếc nuối quá khứ. Khi Chúa Giêsu kêu gọi, cả trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, Người yêu cầu chúng ta tiếp tục nhìn về phía trước, và Người luôn đi trước chúng ta trên hành trình. Người luôn đi trước chúng ta trong tình yêu và sự phục vụ. Và những ai theo Người sẽ không phải thất vọng!
Và Đức Thánh Cha khuyến khích các đôi vợ chồng bắt đầu hành trình của tình yêu gia đình với niềm xác tín được canh tân, và chia sẻ với tất cả các thành viên trong gia đình anh chị em niềm vui của lời kêu gọi này. Và ngài cầu xin cho tình yêu thương họ chia sẻ với nhau luôn rộng mở, hướng ra bên ngoài, có khả năng “chạm” đến những người yếu đuối và bị thương tích, những người yếu đuối về thể xác và yếu đuối về tinh thần, và tất cả những người anh chị em gặp trên đường đi.
Giáo hội ở với và ở trong gia đình
Cuối cùng Đức Thánh Cha khẳng định: Giáo hội ở với anh chị em; quả thật, Giáo hội ở trong anh chị em! Vì Giáo Hội được sinh ra từ một gia đình, Thánh Gia Nadarét, và được tạo thành phần lớn từ các gia đình. Ngài cầu xin Chúa giúp các tín hữu mỗi ngày kiên trì trong sự hiệp nhất, bình an và niềm vui, và tỏ cho mọi người mà họ gặp gỡ biết rằng Thiên Chúa là tình yêu và sự hiệp thông của sự sống.
Vào cuối Thánh lễ, Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống đã cảm ơn Đức Thánh Cha đã giúp cho cuộc Gặp gỡ các gia đình lần thứ X được thực hiện. Ngài cảm ơn sự giúp đỡ, quan tâm và gần gũi mà Đức Thánh Cha thể hiện với các gia đình qua những cử chỉ cụ thể.
Và đặc biệt, Đức Hồng y công bố cuộc gặp gỡ lần tới của các gia đình với Đức Thánh Cha sẽ là “Năm Thánh các Gia đình”, sẽ được cử hành tại Roma trong Năm Thánh 2025, trong khi Đại hội Gia đình lần thứ XI sẽ diễn ra vào năm 2028.
Sau lời cảm ơn của Đức Hồng y, Đức Thánh Cha đã trao thư gửi các gia đình ra đi truyền giáo, mang tin vui của Phúc Âm.
Hồng Thủy – Vatican News