Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót: Lòng thương xót không để bất cứ ai bị bỏ lại đàng sau

 

Trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh kính lòng Chúa thương xót, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng nâng chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã, luôn chờ chúng ta dâng những đau khổ cho Người. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác về thứ virus nguy hiểm trong thời gian này, đó là virus dửng dưng ích kỷ, bỏ người khác lại đàng sau và chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Ngài mời gọi cùng nhau xây dựng thế giới mới khi thương xót những người nghèo khổ nhất.
2020.04.19 Messa nella Domenica della Divinia Misericordia

Vào lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 19/04/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương xót tại đền thánh Lòng Chúa Thương xót ở khu vực Sassia của Roma.

Giống như những Thánh lễ trong Tuần Thánh và Phục Sinh vừa qua, trong Thánh lễ hôm nay cũng không có giáo dân tham dự, ngoài một số ít người như 4 ca viên của ca đoàn giáo phận Roma và một thầy giúp lễ.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có Đức tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, là người phụ trách về linh đạo lòng Chúa Thương xót; và Đức ông Josef Bart, quản đốc đền thánh.

Lòng thương xót của Chúa là khởi nguồn sự phục sinh của môn đệ

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lòng thương xót của Chúa Giêsu Phục Sinh đối với “sự phục sinh” của người môn đệ. Dù đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh, nhưng một tuần lễ sau, các môn đệ vẫn sợ hãi, vẫn ở trong nhà đóng kín cửa. Trước sự sợ hãi cứng lòng tin của các ông, Chúa Giêsu đã bắt đầu lại từ đầu. Người đến, đứng giữa họ như lần đầu, cùng câu nói “bình an cho anh em!” Đức Thánh Cha nhận xét: “Sự phục sinh của người môn đệ bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ việc khám phá ra rằng Thiên Chúa không mệt mỏi đưa tay nâng chúng ta đứng dậy trong những lần chúng ta vấp ngã.”

Chúa biết chúng ta luôn vấp ngã và Người luôn sẵn sàng nâng chúng ta đứng dậy

Đức Thánh Cha giải thích rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thấy Người là người Cha, luôn nâng chúng ta đứng dậy. Mỗi khi chúng ta, như đứa bé chập chững tập đi, té ngã, rồi lại té ngã, thì Chúa lại nâng chúng ta đứng lên. Bàn tay nâng chúng ta đứng dậy chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa biết chúng ta không ngừng vấp ngã và Người sẵn sàng nâng chúng ta đứng lên. Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu: “Chúa không muốn chúng ta cứ nghĩ đi nghĩ lại về những vấp ngã của mình, nhưng muốn chúng ta nhìn lên Chúa, Đấng nhận ra những đứa con cần được nâng dậy trong những lần té ngã, nhìn thấy những đứa con cần được yêu thương và thương xót trong đau khổ.” Và Đức Thánh Cha mời gọi hãy tin tưởng đón nhận sứ điệp Chúa Giêsu đã nói với thánh Faustina: “Ta là tình yêu và cũng là lòng thương xót; không có đau khổ nào có thể so sánh với lòng thương xót của Ta” (Nhật ký 14/09/1937).

Chúa chờ đợi ta dâng những đau khổ cho Người

Chúa Giêsu muốn thánh Faustina dâng cho Người sự đau khổ, điều thực sự là của chính chúng ta. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Tôi đã dâng cho Chúa đau khổ của tôi chưa? Tôi có cho Người thấy những lần tôi vấp ngã để Người nâng tôi dậy không? Hay là có điều gì đó tôi còn giữ trong lòng? Một tội lỗi, một sự hối hận về quá khứ, một vết thương trong lòng, bất hòa với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể … Chúa chờ đợi chúng ta mang đến cho Người những đau khổ của chúng ta, để Người giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Người.”

Liên kết với thử thách mà chúng ta đang sống, Đức Thánh Cha nhắc rằng chúng ta cũng như Tôma, với sự sợ hãi và nghi ngờ của chúng ta, chúng ta nhận ra mình yếu đuối. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể thay thể nơi chúng ta bên trên những yếu đuối của chúng ta.

“Lòng thương xót không để ai phải đứng lại đàng sau”

Chúa đã đợi thánh Tôma, người đến sau. “Lòng thương xót không để ai phải đứng lại đàng sau.” Đức Thánh Cha nhắc rằng trong đại dịch này chúng ta có nguy hiểm là quên những người bị bỏ lại đàng sau. Có một thứ virus nguy hiểm hơn, đó là tính ích kỷ dửng dưng. Người ta lấy mình làm tiêu chuẩn: điều gì tốt cho mình thì là tốt, từ đó họ đi đến việc chọn lựa và loại trừ người nghèo, hy sinh những người thụt lùi trên bàn thờ của sự phát triển. “Thật ra, đại dịch này nhắc chúng ta rằng không có sự khác biệt và biên giới giữa những người đau khổ. Tất cả chúng ta đều mỏng dòn yếu đuối, bình đẳng và quý giá. Điều đang xảy ra đánh động chúng ta từ nội tâm: đã đến lúc xóa bỏ sự bất bình đẳng, hàn gắn sự bất công.”

“Trong mỗi linh hồn đau khổ chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh”

Đức Thánh Cha nhận định rằng khi Chúa sống lại, chỉ có một người đến sau còn những người khác thì chờ người này. Nhưng ngày nay chỉ có một phần nhỏ của nhân loại tiến bước trong khi quá nhiều người bị bỏ lại đàng sau. Ai cũng có thể cho rằng việc chăm sóc người nghèo không phải là nghĩa vụ của mình, mà là của người khác. Nhắc lại lời thánh Faustina: “Trong mỗi linh hồn đau khổ chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chứ không phải là một ký sinh trùng, một gánh nặng”, Đức Thánh Cha mời gọi đón nhận đại dịch như cơ hội để chuẩn bị tương lai cho tất cả. “Bởi vì không có một hướng nhìn chung thì sẽ không có tương lai cho ai cả.” “Chỉ khi chúng ta thương xót những người yếu đuối nhất thì chúng ta mới xây dựng một thế giới mới.”

Chúa Nhật lễ kính Lòng Chúa Thương Xót lần thứ 20

2020.04.17 Santa Faustina Kowalska Divina Misericordia

Chúa nhật 19-4-2020, lần đầu tiên ĐTC Phanxicô cử hành lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Roma. Lễ này được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ấn định cách đây 20 năm, ngày 30 tháng 4 Năm Thánh 2000 trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, được Chúa Giêsu chọn làm Tông Đồ lòng thương xót của Ngài.

 Rất tiếc vì đại dịch Covid-19, tại nhiều nơi trên thế giới, thánh lễ hôm nay chỉ được cử hành trực tuyến, không có giáo dân tham dự, kể cả tại Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại tổng giáo phận Cracovia, Ba Lan.

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư, 15-4-2020, khi chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ĐTC Phanxicô nhắc đến lễ kính này và nói: ”Chúng ta hãy khẩn nguyện Chúa Giêsu Thương Xót cho Giáo Hội và toàn nhân loại, nhất là những người đang chịu đau khổ trong thời điểm khó khăn hiện nay. Xin Chúa Kitô phục sinh khơi dậy trong chúng ta niềm hy vọng và tinh thần đức tin”.

Lịch sử Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót

Nhìn lại lịch sử, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót là điểm tới của một tiến trình dài bắt đầu với thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938). Thánh nữ chỉ sống 33 năm trong dòng Đức Maria Từ Bi, thi hành các công việc khiêm hạ: làm bếp, làm vườn, coi cổng nhà dòng, trung thành tuân giữ luật dòng, và sống âm thầm, nhưng đồng thời luôn tỏ ra đầy tình thương dịu hiền và vị tha. Đàng sau cuộc sống đều đều và thầm lặng của chị Faustina có một cuộc kết hiệp sâu xa khác thường với Chúa. Chị được những ơn lạ thường, với những mạc khải, thị kiến, mang thánh tích bí ẩn, tham gia vào cuộc thương khó của Chúa. Chúa đã chọn nữ tu Faustina làm tông đồ về lòng thương xót của Ngài, để phổ biến cho thế giới chân lý về tình thương của Chúa. Ngày nay, Phong trào này có hàng triệu thành viên trong Giáo Hội ở các nơi trên thế giới, đang tiếp nối sứ mạng của chị Faustina.

Sứ mạng của thánh Faustina Kowalska

Sứ mạng của chị gồm có 3 nghĩa vụ: thứ nhất là rao giảng cho thế giới chân lý được mạc khải trong Kinh Thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người; thứ hai là cầu xin lượng thương xót của Thiên Chúa cho thế giới, nhất là những người có tội. Việc cầu xin này được thực hiện dưới những hình thức mới về sự tôn kính Lòng Chúa Thương Xót; thứ ba là khởi xướng phong trào tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót, cầu nguyện cho thế giới.

Sứ mạng của Chị Faustina được mô tả trong cuốn ”Nhật Ký” chị viết theo đề nghị của các cha giải tội. Nhờ sự can thiệp của ĐHY Karol Wojtila, sau này là ĐGH Gioan Phaolô 2, những nghi ngờ về đạo lý trong các bút tích của nữ tu Faustina được giải tỏa. Năm 1991, ĐTC công khai bày tỏ lòng kính trọng của Ngài đối với nữ tu Faustina Kowalska và nói rằng ”Chị đã mang sứ điệp Phục Sinh của Chúa Kitô thương xót đến cho Ba Lan và toàn thế giới”. Và cũng do ảnh hưởng của chị Faustina, ĐTC Gioan Phaolô 2 đã công bố thông điệp đầu tiên của ngài với tựa đề ”Dives in Misericordia”, Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Cũng chính Ngài đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh trong thánh lễ ngày 30-4-2000 đồng thời thiết định lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, cử hành vào chúa nhật thứ 2 sau lễ Phục Sinh hằng năm.

Nòng cốt ý nghĩa sự sùng kính Lòng Chúa Thương Xót

1. Lòng tín thác

Cốt tủy sự sùng kính lòng Chúa Thương Xót trước hết là lòng tín thác. Lòng tín thác nói lên thái độ chúng ta phải có đối với Thiên Chúa. Đây không phải chỉ bao gồm nhân đức cậy trông, hy vọng, nhưng còn hàm chứa một đức tin sinh động, lòng khiêm tốn, kiên trì và hối hận vì những tội đã phạm. Lòng tín thác chính là thái độ của một trẻ em tín nhiệm vô biên nơi lòng yêu thương từ bi và sự toàn năng của Chúa Cha trên trời trong mọi hoàn cảnh.

Chúa Giêsu đã hứa với thánh nữ Faustina Kowalska: ”Cha ước mong ban vô vàn ân thánh cho những linh hồn nào tín thác nơi lòng Chúa Thương Xót của Cha” (687). Họ hãy đến gần biển Thương Xót này với niềm tín thác bao la. Các tội nhân sẽ được ơn trở nên công chính, và người công chính sẽ được củng cố trong điều thiện. Bất cứ ai tín thác nơi lòng thương xót của Chúa thì sẽ được tràn đầy an bình thần linh của Cha trong giờ lâm tử (1520).

Lòng tín thác không những là cốt tủy của sự sùng mộ lòng Chúa Xót Thương, nhưng còn là điều kiện để được ơn thánh.

Chúa Giêsu đã phán với thánh nữ Faustina: ”Máng chuyển ơn thánh duy nhất của lòng thương xót chính là lòng tín thác. Hễ một linh hồn càng tín thác, thì càng lãnh nhận được ơn thánh. Các linh hồn tín thác vô biên là một an ủi lớn cho Cha, vì Cha đổ mọi kho tàng ơn thánh của Cha vào lòng họ. Cha vui mừng vì họ cầu xin rất nhiều, vì ước mong của Cha là ban thật nhiều (1578). Linh hồn nào tín thác nơi lòng thương xót của Cha là người may mắn nhất, vì chính Cha sẽ săn sóc họ (1273). Không có linh hồn nào kêu cầu lòng thương xót của Cha mà phải thất vọng hoặc phải chịu tủi hổ. Cha đặc biệt vui sướng nơi linh hồn nào tín thác nơi lòng nhân lành của Cha (1541).

2. Đặc tính thứ hai là lòng Chúa Thương Xót biểu lộ thái độ chúng ta phải có đối với mỗi người

Chúa Giêsu phán với thánh nữ Faustina: ”Cha yêu cầu.. những việc từ bi bác ái là những việc được thực hiện vì lòng yêu mến Cha. Các con phải bày tỏ lòng thương xót đối với những người lân cận, luôn luôn và ở mọi nơi. Các con không được tránh né bổn phận đó hoặc tìm cách thoái thác hay miễn chuẩn cho mình khỏi thi hành nhiệm vụ ấy. Cha ban cho các con ba cách để thực thi lòng xót thương đối với tha nhân: thứ I bằng hành động, thứ hai bằng lời nói, và thứ ba bằng việc cầu nguyện. Trong ba mức độ ấy có chứa đựng sự sung mãn của lòng thương xót và là bằng chứng chắc chắn về tình yêu đối với Cha. Qua phương thế đó, linh hồn tôn vinh và kính trọng lòng thương xót của Cha (742)

Thái độ tích cực yêu thương tha nhân cũng là một điều kiện để được ân thánh.

Chúa Giêsu đã nhắc lại với thánh nữ Faustina châm ngôn của Tin Mừng và nói: ”Nếu một linh hồn không thực thi lòng thương xót cách nào đó, thì sẽ không được Cha thương xót trong ngày phán xét. Ôi, giá mà các linh hồn biết cách thu thập kho tàng đời đời cho mình, thì họ sẽ không bị phán xét, vì họ sẽ chặn trước được sự phán xét của Cha nhờ lòng xót thương của họ (1317).

Vatican news

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *