THÁNH PHÊRÔ ALMATÔ BÌNH
Linh mục dòng Đaminh – (1831 – 1861)
Kính ngày 01 tháng 11
Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.
Xâu chuỗi và thanh gươm
Chân dung của thánh Almatô Bình được phác họa dưới hình một tu sĩ Đaminh có vầng trán rộng của sự thông minh, với bộ râu của người nghị lực. Cặp mắt ngài đăm đăm nhìn xuống đôi tay : tay phải cầm ngành lá vạn tuế, một chuỗi mân côi và một thanh đao to bản, tay trái khẽ nâng cao mũi dao, với ngón tay cái đang chạm vào lưỡi, như muốn thử nó sắc cỡ nào, trên môi vẫn hé nở một nụ cười.
Bức chân dung ấy nói lên hai đặc điểm của vị thánh : tín nhiệm vào Đức Maria và suốt đời luôn trân trọng phúc tử đạo, không đâm đầu tìm cái chết, nhưng vui tươi đón nhận nó.
Nụ hoa kết trái
Phêrô Almatô chào đời vào lễ Các Thánh 1.11.1831 tại làng Santo Felice Saserra, xứ Vich, miền Cataluna nước Tây Ban Nha. Thân phụ cậu là ông Salvio Almatô làm nghề y sĩ và thân mẫu là bà Antonia. Cậu có một người bác là linh mục kinh sĩ phụ trách giải tội cho khắp giáo phận và người em gái sau cũng đi tu.
Từ thơ ấu, cậu Almatô đã có những dấu hiệu hâm mộ đời tu trì. Khi ngồi một mình, cậu thích xếp hình các nhà thờ hoặc bắt chước các linh mục dâng lễ. Thỉnh thoảng cậu tập họp các trẻ nhỏ tuổi hơn để cùng đọc kinh Mân Côi, hoặc kể chuyện giáo lý cho chúng nghe.
Năm 15 tuổi, gia đình cho cậu vào chủng viện. Tại đây, Almatô có cơ hội đọc các bản tin về truyền giáo của tỉnh dòng Đaminh Mân Côi tại Viễn Đông. Từ đó, khát vọng truyền giáo luôn sục sôi trong lòng anh. Khi được Giám mục Claret khuyến khích, anh quyết định giã từ bạn bè và gia đình để đến Ocaña xin vào dòng Đaminh. Sau thời gian thử thách, ngày 25.9.1847, anh được lãnh tu phục vào tập viện, và ngày 26.9.1848, thày tuyên khấn.
Tháng 09.1849, thày Almatô đến Manila tiếp tục học thần học. Ngoài những giờ miệt mài học tập, thày thích tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Năm 1854, thày được thụ phong linh mục và năm sau được phái đến phục vụ tại Việt Nam. Ngày 4.8.1855, cha Almatô đến giáo phận Đông Đàng Ngoài.
Khó khăn và nghị lực
Khi mới đến Việt Nam, cha Almatô nhận tên là Bình, ở lại Nam Am và Đông Xuyên. Sau đó cha về chủng viện Kẻ Mốt để học tiếng Việt với cha Gaspar Nghĩa, rồi được cử đi phụ trách xứ Thiết Nham hơn một năm. Tình trạng sức khỏe của cha Almatô Bình thật yếu kém, cha bị bệnh thường xuyên. Nhưng bên trong thân xác yếu đuối đó là một khối nghị lực tưởng chừng như vô tận, đủ sức đưa cha vượt mọi khó khăn thử thách của môi trường truyền giáo.
Từ năm 1857, cuộc bách hại ngày càng khốc liệt, cha Bình bó buộc phải nay đây mai đó, ít khi được yên ổn. Ban ngày phải trốn trong hầm ẩm thấp, ban đêm mới ra ngoài, đi thuyền lẻn đến phục vụ giáo hữu hai bên sông. Những hôm nào bị bao vây bất ngờ, cha phải ngủ trong bụi rậm, bụi tre hoặc phải băng sông lội suối dưới trời mưa lạnh giá. Bệnh hoạn, đói rách và nguy cơ bị bắt, như ba tai họa thường xuyên của cha, nhưng vị tông đồ của Chúa đã thắng vượt được tất cả nhờ chí khí can trường và tinh thần hăng say của tuổi trẻ. Khi tình hình cấm đạo trở lên gay gắt hơn, các thừa sai Đaminh quyết định chia một nửa tạm lánh sang Macao, cha Bình tình nguyện xin ở lại Việt Nam.
Trong một thư gửi cho gia đình cha viết : “Con và một linh mục nữa đã ẩn mình bẩy, tám tháng nay trong một nhà có sẵn hang ở dưới lòng đất để núp khi quan quân vây bắt. Nhưng nay mai nếu cha mẹ có nghe tin con bị bắt thì xin cha mẹ đừng khóc làm chi. Hãy vui mừng con được phúc trọng dường ấy”.
Từ tháng 08.1861, dưới ảnh hưởng của chiếu chỉ phân tháp, hàng giáo sĩ dường như không thể tìm được chỗ nào an toàn để ẩn náu. Cha Almatô Bình trước đã rời Thiết Nham sang Kẻ Nê rồi ẩn ở Thọ Ninh, nay lại xuống thuyền đi với Đức cha Valentino Vinh xuôi theo dòng sông Thái Bình. Đến Hải Dương, hai vị gặp Đức cha Hermosilla Liêm và thày giảng Giuse Khang. Ngày 20.10.1861, khi Đức cha Liêm và thày giảng Giuse Khang bị bắt, thì cha Bình và Đức cha Vinh cũng đang ở trên một thuyền khác, nhưng may mắn đã chạy thoát được.
Sau biến cố đó, hai vị thấy trốn trên thuyền không yên ổn nữa, nên khi một giáo hữu là ông Cựu Trọng giới thiệu hai vị tới trọ tại một người ngoại giáo là ông lang Thửa, hai vị đã đến đó và được tiếp đón niềm nở. Tuy nhiên người cháu của ông lang là Khán Cáp, khi biết tin này, liền báo với quan để lãnh thưởng. Để khỏi mang tiếng xấu, anh ta mời các vị thừa sai đi ẩn chỗ khác, rồi dẫn hai vị ra đồng ruộng cho quan huyện Thanh Hà đến bắt. Hôm đó là ngày 25.10.1861.
Phúc trường sinh
Quan Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Quốc Cẩm thấy các giáo sĩ Tây có dáng vẻ hiền lành nên không đành tâm đối xử tàn nhẫn. Ông chỉ điều tra qua loa về tên tuổi và việc giảng đạo. Cha Bình trả lời : “Tôi là linh mục, tên tôi là Bình, người Y Pha Nho, sang An Nam giảng đạo được bảy năm tại nhiều nơi”. Nhưng cha không nói rõ địa điểm nào cả.
Tuy quan Tổng đốc cho giam mỗi vị vào một cũi, nhưng ông ra lệnh cho viên cai ngục phải đối xử tử tế và nghiêm cấm ăn nói lỗ mãng. Thái độ “nương tay” trên đã được đồn đại đến tai Tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân, ông đích thân ra Hải Dương và dùng quyền ép viên Tổng đốc ở đây phải lên án trảm quyết. Ngày 1.11.1861, đúng ngày cha Almatô tròn 30 tuổi, từ nay trở thành ngày sinh nhật trên trời của cha cùng hai vị giám mục Hermosilla Liêm và Berrio Ochoa Vinh.
Ngày xử án, ba chiếc cũi được khiêng đi cùng với một toán lính đông đảo. Cha Almato Bình trong cũi đầu tiên, tay cầm chuỗi Mân Côi bình thản cầu nguyện khiến mọi người hiện diện phải bỡ ngỡ. Tại pháp trường Năm Mẫu, sau ít phút cầu nguyện, lý hình đã chém đầu các ngài trong tiếng chiêng đổ dồn. Thi thể ba vị được chôn cất ngay tại nơi xử án, sau dời về Thọ Ninh. Hiện nay, thủ cấp cha Almatô Bình được tôn kính ở quê hương Vich tại Tây Ban Nha, còn hài cốt của cha được an táng trong thánh đường kính bốn thánh tử đạo Hải Dương.
Ngày 20.5.1906, đức Piô X đã suy tôn cha Phêrô Almatô Bình, dòng Đaminh lên bậc Chân Phước. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.