Thầy Tôi

 

  • 30 năm rồi hả Thầy?
  • Ừ nhanh quá, loay hoay chưa làm được gì đã 30 năm.

Cái từ “ Chưa làm được gì” của Thầy, xoáy mạnh vào lòng tôi. Mỗi khi về ghé thăm Thầy, nhâm nhi ly ca-fe, thầy hay kể về những bậc thang đời, Thầy đã bước qua. Giọng trầm trầm, ánh mắt xa xăm, như có làn khói mỏng che ngang.

  • Làm giáo dục nhiều khi sản phẩm mình làm ra tô đẹp cho đời thì lòng nở hoa, sống an nhàn.

Rồi Thầy lại thở dài, như còn điều gì u uẩn trong lòng. Thầy hay nhắc thế hệ chúng tôi, Thầy gọi là “ Thế hệ vàng” kể tên vanh vách đứa nào làm gì ở đâu, đứa nào thường xuyên ghé về, đứa gọi điện, có đứa chưa bao giờ quay lại mà Thầy vẫn biết nó sống tốt lắm. Thầy nói ngày nay khác, Con Người sống khác từ trên xuống dưới …

Tôi muốn hỏi thêm một điều, mà tôi không dám hỏi vì tôi sợ vô tình lại xoáy thêm vào vết thương sâu thẳm nơi lòng Thầy, thực lòng tôi đang chờ lời tâm sự của Thầy.

Thầy, ngồi lặng lẽ thả từng vòng khói tròn bay vào khoảng không, làn khói xoay vần xoay vần cho đến khi tan biến vào không khí. Có cái gì đó nghèn nghẹn tận đáy lòng.

Hơn 10 năm lặn lội ở vùng sâu, ở thời điểm mà chưa có đường xá, phải xắn quần lội bộ hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới cái trường ọp ẹp mái lá có 2 phòng học xập xệ, lũ học trò nghèo áo rách, sờn vai, quần ống thấp ống cao, mũi chảy thè lè ngáy ngủ đến trường. Lúc trời mưa to quá thầy đội nón lá, bơi xuồng ba lá, chở khẫm những con chữ đến với vùng mà con người phải ngày đêm vật lộn với cái ăn cái mặc đã khổ, quan tâm chi nhiều tới cái chữ. Thầy vẫn kiên nhẫn, bước những bước chông chênh, vẫn đứng vững trên bục giảng. Thầy nói ánh mắt bọn tôi làm động lực khiến Thầy bám trụ với nghề, trong khi rất nhiều người bỏ nghề chuyển hướng vì không chịu nỗi cảnh con bù chét, rận, bù mắc, muỗi đốt sưng tấy chân tay. Ở quê đậm tình, mỗi lần đi dạy về bà con, chạy theo dúi dúi cho nải chuối, mấy trái xoài chính, vài lon nếp để nấu xôi, có khi con cá lóc to, mấy con cá thác lác, vài quả trứng. Đậm đặc nghĩa tình, tết về thì có bánh tét, bánh tráng, mứt dừa… Tình nghĩa của bà con, kéo níu chân Thầy.

Thầy hay khen, thế hệ chúng tôi nghèo nhưng ngoan, rách rưới quần áo nhưng lành lặn nhân cách.

Hơn10 năm vùng sâu, đủ đắng, đủ cay, đủ chua chát, ngọt bùi. Thầy lại được chuyển về gần nhà cũng làng quê nghèo, cùng những đứa trò dễ thương, sau giờ học lam lũ với con cua, con ốc, với cánh đồng nơi đây Thầy đã chở bao nhiêu chuyến đò, những người khách trên đò giờ có khi lại là đồng nghiệp.

Nghề và Nghiệp vẫn đeo bám dai dẳng bên đời.

Thầy kể chuyện bạn…

  • Chút xíu nữa là cập thuyền vào bến, ở cái tuổi xế chiều còn phải khăn gói quả mướp ra đi, lại cam cảnh đi sớm về khuya, mòn mỏi không thể chịu được, lại cái khiếp ở trọ…

Thầy bỏ lửng câu nói:

  • Đó là nhánh hoa hồng đầy gai nhất trong sự nghiệp trồng người…
  • Lá phiếu may mắn, thắm đẫm nước mắt… Chỉ còn vài tháng nữa nghỉ hưu mà bị chuyển về vùng sâu xa nhà hơn trăm cây số. Giá như có xíu …

Thầy không nói gì, Thầy im lặng, nhưng trong ánh mắt Thầy và trong sâu thẳm lòng người ai cũng hiểu. Mặc dù không một lời tiễn biệt, không yến tiệc đưa đón, nhưng bao nhiêu sợi tơ lòng rung lên.

Nghề Giáo, nghề cao cả trong các nghề cao cả được diễn tả trong bài viết của em Lê Phương Thảo, học sinh lớp 11D1, trường THPT, Lý Nhân, Hà Nam:

Có một nghề mà cả xã họi gọi tên.

          Nghề cao quý trên những nghề cao quý.

          Đem đạo học lên bậc thang địa vị.

          Dạy thành người chứ không chỉ thành danh. 

Tháng 11 năm nào cũng như năm nào, cả xã hội nhốn nhào, chuẩn bị chào mừng “ Ngày Nhà Giáo” Các nhà kinh doanh chớp cơ hội thiết kế sản phẩm đẹp độc lạ chào mời các học sinh, vườn hoa hồng của các bác nông dân đã chuẩn bị ươm mầm tưới nước từ mấy tháng trước để có những cánh hoa đẹp nhất cho ngày nhà giáo.

Tháng 11 nào cũng vậy, trên trang giấy kế hoạch đều nhắc đến, để mừng ngày nhà giáo mọi người phải ra sức dạy tốt, các em phải học tốt, ngoan ngoãn lập thành tích chào mừng ngày nhà giáo.

Giá như ngày nào cũng là ngày nhà giáo để đừng thấy khói thuốc bay vần vũ trước mặt nhiều người Thầy phải băn khoăn lo lắng vì chuyện cơm áo gạo tiền mà lưỡng lự chọn lựa quỳ xuống hay đứng thẳng.

Giá như ngày nào cũng đẹp như ngày nhà giáo để khỏi thấy cảnh những khuôn mặt cúi xuống lầm lũi bước đi vì không thể làm gì khác được, chịu trôi chung một dòng chảy…

Giá như ngày nào cũng là ngày nhà giáo để giọt nước mắt ngắn dài trên mặt cô giáo trẻ xinh xinh không còn thất thần rơi xuống giữa sân trường tháng 11.

Và giá như ngày nào cũng là ngày nhà giáo thì không cần phải giành đặc biệt một ngày 20-11 để tôn vinh nhà giáo với bao nhiêu sự kéo theo…

Tôi nhìn nhanh xuống mình rồi nhìn lên xa trên vòm trời có một tia sáng đang rớt xuống, hy vọng chiếu sáng đúng nơi nó cần chiếu…

Tiểu Hổ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *