Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Ep 4,32 – 5,8 (năm chẵn), Rm 8,12-17 (năm lẻ), Lc 13,10-17
10 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo : “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền !” 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng : “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát !” 15 Chúa đáp : “Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước ? 16 Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao ?” 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Tuân giữ luật Chúa và Hội thánh trong tinh thần yêu mến (30.10.2023)
Ghi nhớ;
“Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ap-ra-ham, bị Sa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?”(Lc 13, 15-16).
Suy niệm:
Bà ấy luôn chai lỳ trước cơm, áo, gạo, tiền, nhưng lại rất mẫn cảm trong nghệ thuật. Những cảnh phim buồn, những sụt sùi số phận éo le trong các vở cải lương đã lấy đi của bà bao nhiêu là nước mắt. Có lần ông chồng nói đùa với bà rằng:
Coi chừng, không khéo bà sẽ làm trôi mất chiếc tivi của tôi.
Một hôm, cả nhà đang ăn cơm, thì bỗng nhiên bà vội vàng chạy ra đường, chặn đứa bé bán trứng vịt lộn lại và nói:
Mày biến đâu mấy ngày nay? Hôm nay thì mày có chui xuống đất, tao cũng lôi mày lên!
Bà vừa nói vừa giằng lấy rổ trứng vịt từ tay đưa bé, mặc cho nó van xin:
Dì ơi cho con khất, tháng sau con sẽ trả cho dì, mẹ con đau đang nằm trong bệnh viện.
Bà ấy cười và nói với đứa bé rằng:
Nhà này cũng đang ốm ráo cả đây, khỏi phải bẻm mép lý do, lý trấu gì.
Đứa bé chưng hửng, mắt đẵm lệ nhìn cái rổ trứng của mình đã vuột khỏi tầm tay mình.
Chứng kiến cảnh ấy, người chồng cám cảnh lấy khăn xoa lau nước mắt!
Sau này trên tivi người ta cũng diễn một vở kịch, có nội dung tương tự như vậy; một em bé bị xiết nợ rổ trứng vịt lộn, lúc ấy bà xem xong thì nước mắt chảy ròng! Ông chồng ngồi bên cạnh cùng xem thì cười. Nhưng là một nụ cười chua cay!
Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện bi hài; Chẳng hạn như: một người phụ nữ kia đi chợ mua rau, chị ta kỳ kèo trả lên trả xuống, bớt giá từng đồng đối với người bán rau nghèo khổ. Rồi lại, cũng chính người phụ nữ này khi vào một nhà hàng sang trọng, bao bạn bè ăn uống và khi thánh toán tiền, chị ta sẵn lòng “bo”cho bồi bàn vài chục ngàn đồng tiền thừa mà không hề nuối tiếc. Cũng thế người ta có thể bỏ ra vài trăm ngàn để chăm sóc thuốc men cho một con vật nuôi, thế nhưng khi có người hành khất tới ăn xin, họ tỉnh bơ vô tâm từ chối.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện có nội dung tương tự như trên. Ông trưởng hội đưởng là đại diện cho những con người vô tâm ấy. Thử tưởng tượng mà xem; một người phụ nữ đã bị bệnh còng lưng, không thể ngẩn thẳng người lên được do sự khống chế của ma quỷ, bệnh này đã ròng rã mười tám năm trời, bà đã phải chịu bao nhiêu đau khổ đắng cay cả về phần thể xác lẫn phần tâm hồn! Nay được hồng phúc: Đức Giê-su chữa khỏi thì cá nhân bà sẽ vui mừng dường nào! Nhưng khi chứng kiến sự việc tốt đẹp ấy của Đức Giê-su; đáng ra ông trưởng hội đường, phải cảm kích Chúa đã chữa lành cho bà và vì tình người, vì tình đồng bào, cùng sống trong một thôm xóm, hay cùng một đất nước thì đáng ra ông này phải vui mừng với người phụ nữ đã được giải thoát khỏi bệnh tất chứ. Đàng này vì ích kỷ, vì ghen tương đố kỵ, ông ta chẵng những đã không thể chia vui với bà mà ngược lại còn tỏ ra tức tối và lấy lý do của luật ngày sa-bát ra để gián tiếp chống đối Đức Giê-su. Ông ta trơ trẽn lên tiếng trước đám đông rằng: “Đã có sáu ngày phải làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh vào những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát”. Qua câu nói này, tuy ông ta tránh không trực tiếp xúc phạm đến Đức Giê-su, song ai cũng thấy rằng ông ta dựa vào luật nghỉ ngày sa –bát mà gián tiếp trách móc Đức Giê-su. Vì Phần Đức Giê-su vì Ngài có thể nhìn thấu tâm can của con người nên Ngài biết ngày sa-bát mà ông trưởng hội đường kia nêu lên; đó chỉ là một cái cớ mà mới nghe qua có vẻ hợp lý mà thôi, ngày sa-bát ở đây chỉ là cái bình phong cho một tâm hồn nhỏ nhoi, ích kỷ, giả tạo mà thôi. Nhân vì sự việc này Đức Giê-su đã dạy cho những kẻ đạo đức giả kia một bài học, Ngài vạch trần tâm địa xấu xa của họ: Để rồi cuối cùng: “Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì những việc hiển hách Người đã thực hiện”.
Qua bài Tin Mừng hôm nay giúp cho chúng ta ý thức và phải tỉnh táo đửng để mình bị rơi vào cạm bẫy của ma quỷ phỉnh gạt, để rồi qua nhân danh lề luật, công lý phản bội Chúa. Sau là phải có lòng xót thương những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn và sẵn lòng giúp đỡ họ, cuối việc tuân giữ lề luật của Chúa và của Giáo Hội không nên thực hiện cách máy móc, vụ hình thức, câu nệ nhưng phải phát xuất từ lòng kính trọng Hội Thánh và yêu mến Chúa.
Cầu nguyên:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho tâm hồn chúng con được luôn cao thượng, quảng đại. Để chúng con tìm thấy điều tích cực hơn là tiêu cực nơi anh em. Nhờ đó chúng con biết thông cảm giúp đỡ mọi người khi cần thiết, và xin cho việc chúng con thực thi lời Chúa và điều Hội Thánh dạy trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát vì có lòng mến Chúa và tinh thần vâng phục Hội Thánh. Amen.
Sống Lời Chúa:
Tuân giữ các điều răn của Chúa cùng những điều Hội Thánh dạy.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Chúa đến để giải thoát con người (24.10.2022)
“Chẳng lẽ người con cháu ông Áp-ra-ham này lại không được cởi xiềng xích trong ngày sa-bát sao?”
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu lên tiếng chỉ trích rất nặng nề với những người sống vụ luật và bất nhân với người khác.
Câu chuyện được khởi đi từ việc Chúa Giêsu chữa cho người đàn bà bị quỷ ám làm cho còng lưng đã 18 năm vào ngày sa-bát. Chứng kiến sự việc như vậy, ông trưởng hội đường tỏ vẻ khó chịu vì Chúa đã vi phạm luật ngày sa-bát, ông ta đã có lời lẽ như dằn mặt người phụ nữ và cả Chúa nữa. Thấy vậy, Chúa Giêsu đã đáp lại: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” Qua lời chất vấn này, Chúa Giêsu mặc cho luật một tinh thần mới, đó là: yêu thương, liên đới và tha thứ. Đây chính là cốt lõi của luật.
Đời sống con người bị nhiều thứ trói buộc khiến ta trở thành nô lệ, trong đó có ma quỷ, xác thịt, thế gian. Ta không thể tự cứu mình, nhưng nhờ Chúa Giêsu mà ta được giải thoát. Người phụ nữ trong Tin Mừng bị trói buộc 18 năm rồi, nhưng không thể thoát ra. Chúa đã đến, Ngài là sức mạnh vô biên, xua đuổi ma quỷ, đã ra lệnh giải thoát để người phụ nữ trở thành con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ xác thịt và thế gian. Người phụ nữ bị tật còng lưng, bị trói buộc khom lưng cúi đầu, bị ràng buộc vào mặt đất, không vươn lên trời cao được, phải cúi đầu trước sự dữ. Chúa đến giải thoát để bà có thể mở rộng tầm mắt nhìn lên trời xanh, để đứng thẳng hiên ngang tràn đầy phẩm giá.
Ngày nay, vẫn có nhiều người xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, tham dự thánh lễ hằng ngày, lần hạt hết chuỗi này đến chuỗi khác, viếng đền này đến thánh địa kia…. Điều này rất tốt và ích lợi cho đời sống thiêng liêng nếu người đó biết thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy ngang qua những việc đạo đức đó, tức là “lời nói đi đôi với việc làm”.
Cùng nhìn lại xem, biết bao lần chúng ta đã cố gắng chu toàn mọi thứ lề luật, nhưng lại dửng dưng với những nỗi đau khổ của anh chị em chung quanh. Có thể chúng ta đã hết lòng bảo vệ luật Chúa nhưng lại thờ ơ lãnh đạm với nhau. Chúng ta cố gắng không gây phiền hà cho ai, không làm mất lòng ai, không cậy nhờ đến ai, với mục đích là cũng đừng ai làm phiền tới mình. Đã bao lần chúng ta cảm thấy khó chịu khi phải giúp đỡ người khác việc này việc kia, những khi họ cần đến chúng ta?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần thoát ra khỏi những kiểu giữ đạo vì sợ điều này điều kia, hay đi lễ nhà thờ chỉ vì thói quen, hoặc muốn chứng tỏ rằng mình đạo đức hơn người. Lời Chúa thôi thúc chúng ta rằng: giữ những luật lệ của đạo là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần mặc cho nó một tình yêu. Nếu có tình yêu, chúng ta sẽ mến Chúa, yêu anh chị em mình cách chân tình; luôn muốn và làm điều tốt nhất cho anh chị em, không còn chuyện bè phái, lươn lẹo, lật lọng, nhưng ngay thẳng, chân thành và thánh thiện. Chỉ khi làm được chuyện đó, chúng ta mới thấy được luật của Chúa là luật làm cho con người được hạnh phúc, bình an và hoan lạc thực sự. Nếu không thì chỉ là chiếc xiềng xích nặng nề mà chúng ta vẫn cố đeo trên mình đến nỗi còng hẳn lưng xuống và không thể ngẩng đầu lên đón nhận những điều tốt lành.
Lạy Chúa, xin thương ban cho con một trái tim biết yêu mến, biết thương xót và quảng đại, xin giúp con từ nay biết giữ luật với tất cả lòng yêu mến. Xin dạy con biết đối xử với anh chị em bằng tình thương chân thành. Xin cho con một quả tim bén nhạy để kịp thời nhận ra những thiếu thốn, những nỗi đau khổ nơi anh chị em con. Xin cho con mau mắn tỏ lòng thương xót anh chị em và đừng bao giờ bỏ qua một cơ hội sống bác ái. Amen.
Joston
Xiềng xích tâm hồn (25.10.2021)
Xiềng xích là một hình thức trói buộc sự tự do bằng những sợi dây xích với nhiều hình thức trói buộc khác nhau.
Xiềng xích tâm hồn chính là những tội lỗi xác thịt, lý trí con người trói buộc lương tâm làm mất đi sự tự do sống trong lề Luật làm con Thiên Chúa.
Như tấm gương soi bị phủ một lớp bụi mờ làm cho hình ảnh phản chiếu lên gương cũng mờ đi. Nếu lớp bụi trở nên dầy đặc che kín hình ảnh thì không thể nhìn thấy hình ảnh trong gương nữa.
Cũng vậy, Tội lỗi nhẹ giống như một lớp bụi mỏng che mờ lương tâm, tội nặng như một lớp bụi dầy che mất lương tâm, trở nên một lương tâm chai đá. Như thánh Phaolo nói, sự thiện không ở trong xác thịt nên sự thiện muốn mà không làm, sự ác không muốn lại làm (Rm 7, 18), trong tâm hồn thì vui thích lề Luật của Thiên Chúa; nhưng trong thân xác nảy sinh một lề Luật khác chống lại luật của tâm hồn (Rm 7, 23-23), chính luật xác thịt ấy xiềng xích lương tâm.
Chính cái thân xác hư nát xiềng xích lương tâm thì tự mình không thể cởi trói cho mình được, như thánh Phaolo nói: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô” (Rm 7, 25a). Chính Chúa Giêsu Kitô mới cởi xiềng xích cho ta cả hồn cả xác.
Khi lương tâm bị xiềng xích bởi tội lỗi, xác thịt và các tính hư tật xấu đã làm cho lương tâm bị lu mờ, chai đá. Khi lương bị lu mờ, chai đá thì làm theo tính xác thịt, không thuộc về Thiên Chúa mà thuộc về thế gian. Chính vì thế mà cả lề Luật và những quan điểm cũng sai lầm, cũng bị trói buộc xiềng xích như ông trưởng hội đường tức tối vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabat (Lc 13, 14), vì ngày Sabat là ngày nghỉ ngơi. Họ không nhận biết được rằng Thiên Chúa dựng nên ngày đêm là để phục vụ cho con người chứ không phải phục vụ cho lề Luật.
Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới tháo gỡ cho ta khỏi mọi xiềng xích thân xác và tâm hồn. Muốn được như vậy ta phải đón nhận Chúa vào lòng. Để đón nhận Thiên Chúa vào trong lòng mình, chìa khóa tốt nhất và cũng là duy nhất đó là CHAY TỊNH. Trước khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu cũng chay tịnh bốn mươi đêm ngày.
Chay tịnh để lắng đọng tâm hồn, trút bỏ tất cả những gì thuộc về xác thịt, đón nhận hồng ân của Thiên Chúa. Lắng đọng tâm hồn để nhìn thấy mối dây trói buộc lương tâm, lắng đọng tâm hồn để đón nhận chìa khóa hồng ân phá tan xiềng xích để ta được tự do trong lề Luật của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy, con thờ lạy và yêu mến Chúa, xin Chúa hày ngự vào trong lòng con và chữa lành mọi tật nguyền tội lỗi của con. Xin hồng ân của Thiên Chúa ban cho thế giới và nhất là Việt Nam chúng con khỏi cơn đại dịch, xin cho những bệnh nhân Covid được ơn chữa lành, và cho những ai trong cơn hấp hối được ơn chết lành. Xin cho mọi người được biết yêu thương nhau.
Hư Vô
Yêu thương và thấu hiểu (26.10.2020)
Cuộc sống con người mỗi ngày một văn minh hiện đại hơn, người ta quan tâm chăm sóc đến thể xác cũng như tinh thần nhiều hơn. Có nhiều người trẻ, khoẻ, đẹp và họ rất tự tin trong cuộc sống này. Bên cạnh đó, có những người sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt hay gặp biến cố nào đó khiến họ bị tàn tật. Có những người tàn tật ngoài thể xác, nhưng cũng có những người thương tật trong tâm hồn. Vậy ai là người có thể chia sẻ và nâng đỡ họ trong lúc hoạn nạn khó khăn?
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy tôn trọng và yêu thương những anh chị em khuyết tật. Chính Chúa Giêsu đã luôn ưu ái và quan tâm đến những người khổ đau, những kẻ bé mọn, những người bệnh tật, những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Chúa đã lội ngược dòng với những luật lệ khắt khe của xã hội để cứu chữa những người đang khổ đau như thế.
Với việc chữa lành bệnh cho người phụ nữ bị còng lưng trong ngày Sabbat, Chúa Giêsu đã dạy cho những người Do thái một tinh thần mới của lề luật. Chúa tuyên bố dứt khoát: “Ngày Sabbat được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabbat”. Chúa nhìn ra nỗi khổ đau mà người phụ nữ phải chịu trong mười tám năm. Qua hoàn cảnh của người phụ nữ này, Chúa Giêsu cho ta thấy sự sống của con người, giá trị của con người thật cao quí. Như vậy, tình yêu thương và sự thấu hiểu cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.
Ước mong rằng, mỗi người cũng hãy nhìn ra những khó khăn của từng thành viên trong gia đình, trong họ đạo, trong giáo xứ để khích lệ và giúp nhau vượt qua những thử thách trong cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rằng tinh thần của đạo Chúa chính là yêu thương. Xin Chúa giúp chúng con khi cầu nguyện và khi làm việc lành phúc đức cho anh chị em của mình là làm với Chúa và làm cho Chúa. Amen.
Lòng nhân ái (30.10.2017)
1. Ghi nhớ:
Chúa đáp: “ Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước” ( Lc 13, 15)
2. Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc lại những tập tục của dân làng và đánh thức óc thực tế của họ để rút ra kết luận chắc chắn, trước hết phải có lòng nhân ái vì đối với Ngài ngày sa-bát chính là ngày cứu độ. Vì thế chúng ta tránh cái nhìn hay lối chỉ trích coi trọng lề luật bề ngoài mà đối xử thiếu cảm thông với nhau. Có những người bề ngoài xem ra rất đạo đức, nào đọc kinh xem lễ hằng ngày, lần hạt hết chuỗi kinh này đến chuỗi kinh khác, tham gia mọi hội đoàn, làm rất nhiều công tác từ thiện. Điều này rất lợi ích và đáng được cổ võ trân trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là những bề nổi ta nhìn thấy. Nếu ta chỉ làm những việc đạo đức, việc thiện để tìm hư danh ở người đời hoặc đi lễ nhiều chỉ vì khoe manh quần tấm áo là lượt, mà quên đi tham dự Thánh lễ vì lòng yêu mến Thiên Chúa thì việc đó không đem lại ơn ích gì cho ta nơi hạnh phúc quê trời được. Do đó, Thiên Chúa và Giáo Hội luôn hướng dẫn, nhắc nhở ta song song với việc đạo đức luôn bằng lời nói và việc làm thể hiện lòng thành tâm “mến Chúa yêu người”.
Lời mời gọi nhắc nhở của Ngài giúp mọi người nhìn ra kiểu giữ đạo bằng thói quen hay tỏ cho mọi người đánh giá ta là người đạo đức, nên lời Chúa thôi thúc ta giữ luật đạo là cần thiết bằng cả tình yêu. Qua đó, ta yêu mến Chúa nhiều, yêu tha nhân bằng cả tấm lòng chân thật hay sự yêu thương anh chị em mình với một tấm lòng bác ái, vị tha, quảng đại hy sinh quên mình. Khi đó mới thấy luật Chúa mang đến hạnh phúc và bình an cho mọi người, chứ không mang nặng sự ràng buộc nhau.
Trong sâu thẳm con người luôn bao gồm cái thiện lẫn cái ác, chúng ta bao giờ cũng ước ao làm điều tốt lành, nhưng cái tôi ích kỷ tội lỗi luôn kéo ghì chúng ta để đi theo cái đam mê xấu, vì thế ta cần phải thanh luyện tâm hồn mình, bằng những giờ cầu nguyện lắng lại để nghe tiếng thôi thúc của Chúa Thánh thần nói trong tôi, qua tiếng nói lương tâm, can đảm từ bỏ thói hư tật xấu bước theo Ngài. Và Thiên Chúa luôn lắng nghe và thấu hiểu mỗi tâm can từng người, những lo âu, trăn trở hay tội lỗi đang giằng xé ta, những lúc tuyệt vọng bế tắc cùng khổ. Hãy trao gởi lại hết mọi lắng lo trong tay Ngài, việc của ta cứ để cho Chúa làm, Chúa sẽ nâng đỡ, bảo vệ ta.
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho những lời kinh hàng ngày của chúng con, phát xuất lòng kính mến Thiên Chúa và tấm lòng nhân ái qua mọi tư tưởng lời nói, hành động của chúng con được phát xuất từ tình yêu, cho chúng con hiểu rằng cốt lõi sống trong yêu thương trong Chúa. Amen.
M.Liên
Lòng nhân ái (24.10.2016)
1. Ghi nhớ:
Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bị xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13, 15-16).
2.Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người phụ nữ bị quỷ ám làm cho tàn tật, đã mười tám năm bà bị còng lưng. Và Chúa chữa bà được khỏi. Ngài làm phép lạ ngay trong ngày Sa-bát. Đối với Chúa Giêsu, ngày Sa-bát là ngày cứu độ, Chúa muốn nhắc lại những tập tục của dân làng và đánh thức óc thực tế của họ, để rút ra một kết luận chắc chắn: lòng nhân ái phải được đặt trên lề luật. Nếu mọi người chỉ biết sống câu nệ về lề luật, sẽ trở nên tàn nhẫn trước nỗi đau của nhân loại. Con người lắm khi coi trọng luật, sống trên luật, làm việc bằng luật hay áp dụng luật, mà quên đi trong cuộc sống phải có tấm lòng nhân đạo, sự yêu thương, qua đó giúp nhau cởi trói buông bỏ của bao người chỉ sống canh giữ lề luật. Thế nên Chúa Giêsu thấu hiểu được nỗi đau, nỗi thống khổ của người phụ nữ bị còng lưng, sự đau khổ của bà khi thua kém mọi người, nên Chúa Giêsu đã chữa lành cho bà, dù vẫn biết là hôm đó ngày sa-bát.
Ngày nay, không thể phủ nhận rằng luật lệ rất quan trọng trong việc hành pháp và tổ chức xã hội, ngay cả Huynh Đoàn được thực hiện rất rõ nét và một cách quy củ. Nhưng trong một số trường hợp luật lệ chỉ mang tính tương đối vì nó do con người đặt ra. Nếu lề luật đó nếu làm đánh mất đi tình yêu thương giữa người với người thì luật lệ đó cũng sẽ không còn phù hợp nữa.
Do vậy, lề luật cần đảm bảo dung hòa vừa mang tính kỷ cương vừa thể hiện được tính nhân văn, thì khi đó lòng nhân ái sẽ giúp con người biết sống chan hòa với nhau trong tình huynh đệ, sống yêu thương nhau hơn, biết sẻ chia ngay trong Huynh đoàn, cộng đoàn, xã hội hay Giáo hội. Nếu mỗi người biết cho đi yêu thương sẽ được đón nhận lại hồng ân Thiên Chúa ban tặng hồng ân cho ta gấp bội phần. Biết sống trong sự nhân ái, tâm hồn ta mới thực sự được mới lớn lên trong Chúa và sống trong lòng thương xót của Ngài. Nhìn về Mẹ Têrêsa thành Calcuta– tấm gương rạng ngời về lòng nhân ái để học hỏi và noi theo gương Mẹ mỗi ngày qua danh ngôn mà Mẹ đã để lại cho hậu thế:
“Hãy trao tặng tình yêu thương bất cứ nơi đâu bạn tới: trước tiên trong chính mái ấm của mình. Hãy yêu thương con cái, bạn đời, và cả những người hàng xóm… Đừng để ai tới với bạn mà không rời đi tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Hãy là hiện thân sống động cho lòng nhân ái của Chúa trời bằng cách thể hiện lòng nhân ái trên gương mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng ấm.”
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho chúng con hiểu rằng, cốt lõi của Đạo Thiên Chúa là tình yêu, xin cho chúng con biết tuân giữ lề luật không chỉ là hình thức bên ngoài, mà phải hành động cụ thể là lòng nhân ái đến tha nhân và tất cả mọi người chung quanh chúng con. Amen.
M.Liên
Hãy làm việc bác ái nếu có thể (26.10.2015)
Ghi nhớ: “ Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền ”. (Lc 13, 12)
Suy Niệm: Hành động “ giải thoát khỏi tật nguyền ” của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của ông trưởng Hội đường là một “ việc làm ” nên có chỉ trích Chúa Giêsu cách gián tiếp qua người phụ nữ được chữa lành bệnh tật: “…. đừng có đến vào ngày Sabat ”. Ngược lại, nếu ông mặc lấy cái nhìn của tình yêu thương con người thì ông đã có thể biện hộ cho hành động ”giải thoát ” của Chúa Giêsu là hành vi “ giúp đỡ người bệnh tật ….” mà luật Do Thái cho phép làm cả trong ngày Sabat. Việc làm của Chúa Giêsu trong ngày Sabat hôm nay muốn dạy người Do Thái và chúng ta điều tốt có thể làm cho con người thì đừng để đến ngày mai
Sống Lời Chúa: Hãy làm việc bác ái nếu có thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang bị những luật lệ, những thành kiến làm cho cản trở. Xin ban cho con liều thuốc yêu thương để có thể thực hiện công việc bác ái trong bất cứ hòan cảnh nào. Amen.
Đừng đạo đức giả!
“Thế ngày sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã 18 năm nay, thì chẳng lẽ không được cởi xiềng xích trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13,15-16)
Suy niệm: Ông chủ tịch hội đường này cũng “né” Chúa Giê-su, không dám trực tiếp hạch sách Ngài, nhưng lại quay qua “bắt nạt” dân chúng, những người đang chen chúc đến xin Chúa chữa bệnh trong ngày sa-bát. Thật mỉa mai thay vì người ta lắm khi coi trọng những hệ thống luật pháp hơn cả lòng nhân đạo, thậm chí coi trọng súc vật hơn chính con người. Và đáng ngại hơn nữa, người ta quan tâm tháo gỡ những chướng ngại để thụ hưởng vật chất cho thật nhiều trong khi đó vẫn tiếp tục duy trì những trói buộc khiến con người tâm linh cứ phải “còng lưng” mãi không thể “đứng thẳng” lên được.
Mời Bạn suy nghĩ về cách thức bạn “giữ ngày Chúa Nhật”: Có thực sự bạn không thể “kiêng việc xác” ngày Chúa Nhật vì cuộc sống bạn quá khó khăn không hay chỉ vì bạn bị trói buộc quá nhiều vào cuộc sống vật chất? Hay ngược lại bạn nghỉ cả ngày thứ bảy lẫn Chúa Nhật nhưng chủ yếu tập trung cho vui chơi giải trí và chỉ dành cho Chúa một chút thì giờ “đi lễ” để gọi là có “giữ ngày Chúa Nhật”?
Sống Lời Chúa: Bạn thử nghĩ một giải pháp sao cho việc “giữ ngày Chúa Nhật” thực sự là ngày giải phóng bạn khỏi mọi ràng buộc để bạn dành cho Chúa một ngày thật trọn vẹn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng phụng sự Chúa với tất cả lòng trung tín và cho con biết sẵn sàng phục vụ tha nhân với tất cả lòng quảng đại. Amen.