Thư tháng 04.2021: Coi nhẹ khổ đau

Con người, dù có niềm tin tôn giáo hay vô thần; dù theo tôn giáo này hay tôn giáo kia, người ta vẫn phải đối diện với vấn đề khổ đau và phải trả lời cho khúc mắc căn cốt nhất của kiếp người, đó là cái chết, cái chết như là cội nguồn của đau khổ. Một cách nào đó, người ta có thể kiểm nghiệm một học thuyết hay một tôn giáo khi chúng chứng thực được lý do hiện hữu của mình trong vấn đề đau khổ và cái chết.

Thế nhưng, vấn đề mà mọi tôn giáo và triết thuyết phải nhọc nhằn để tìm được câu trả lời thoả đáng, thì người ta lại thấy đời sống gia đình, trong thực tế đời thường và phổ biến ở mọi nơi, phô bày một “câu trả lời” khá “nhẹ nhàng” và nhất là rất trung thực. Mặc dù trong một thế giới băng hoại về đạo đức, người ta vẫn thấy hầu hết những người cha người mẹ trong gia đình vẫn có được thái độ “coi nhẹ khổ đau” vì con cái.

Thái độ ấy có phải là mù quáng ? Có phải là u mê ? Có phải là ngu dốt ? Có phải là trái ngược với lương tri của con người ??? Hẳn là có những người cha người mẹ bình dân, có những người cha người mẹ “thiếu giáo dục”, cũng như có những người cha người mẹ có đẳng cấp cao nhất trong xã hội về mọi phương diện… nhưng gần như tất cả đều đi vào nẻo đường ấy; và hẳn là hầu như tất cả mọi người đều phải chân nhận đó là điều lương thiện, đúng đắn và tuyệt đẹp. Điều đó đã là một cấu trả lời thuyết phục nhất.

Hẳn là chúng ta cũng có thể thấy thái độ tương tự như thế nơi một số loài vật, nhưng ta vẫn nhận ra một sự khác biệt căn bản nơi con người. Điều đặc biệt ở đây là thái độ chấp nhận khổ đau vì con cái như thế không phải do một sức mạnh ép buộc từ bên ngoài, không phải vì sợ mối đe doạ của ai khác, không phải chỉ là do đòi buộc của một mệnh lệnh luân lý xa lạ, không phải là một thái độ can tâm chịu vậy, không phải là  hình thức tính toán trả vay, không phải do những bài học khôn ngoan của người đời… Thái độ coi nhẹ khổ đau của cha/mẹ được ứa tràn như một phát khởi tự thân ở bên trong, giống như một bản năng tự nhiên, nhưng lại không phải là một thứ bản năng máy móc, theo một qui luật sinh lý tất định. Thái độ coi nhẹ khổ đau của cha/mẹ xuất phát từ một sự tự do thực sự, trào vọt ra từ một ngôi vị, ngập tràn tính chủ thể, đến độ nhờ đó mà tìm thấy một ý nghĩa chân chính thực sự của đời mình. Người cha người mẹ hy sinh và khám phá ý nghĩa của tình yêu hy sinh như chính lý do hiện hữu của bản thân và cuộc đời.

Thật ra, thái độ “coi nhẹ khổ đau” chính là “hoa trái” đặc biệt, biểu lộ một “đẳng cấp” đặc biệt của đời sống gia đình. Cội rễ của hoa trái ấy chính là thể chế gia đình vốn là một “cộng đồng ngôi vị”, nơi đó mỗi người đóng góp chính bản thân và cuộc đời mình cũng như đón nhận trọn vẹn bản thân và cuộc đời của ai khác.

“Cộng đồng ngôi vị” khác xa, khác từ bản chất với một “cộng đồng chức năng” như những xí nghiệp, công sở hay câu lạc bộ, đảng phái… Sự liên đới của con người trong các cộng đồng chức năng chỉ liên quan đến vận hành của nó, chỉ liên quan đến thành quả, chỉ liên quan đến “sự vật” chứ không phải “ngôi vị”, chỉ là sự tương tác tạm thời vì một mục đích nào đó bên ngoài.

Cộng đồng ngôi vị là nền tảng để người ta có được thái độ chấp nhận “từ chân” chứ không phải “nắm tóc”, đó là sự chấp nhận dứt khoát và trọn vẹn, đón nhận cả bản thân và cuộc đời của nhau. Chỉ trong cộng đồng ngôi vị, người ta mới có được cảm nhận thuộc về nhau và dám liên luỵ cả đời mình với nhau. Nói cách khác, chỉ trong cảm nhận thuộc về nhau, người ta mới có thể di chuyển trọng tâm của đời mình để coi vận mệnh của người kia cũng là vận mạng của chính mình. Người cha người mẹ lấy trọng tâm của đời mình chính là con cái, và nếm cảm vui buồn cùng với sự thăng tiến hay khó nhọc của con cái.

Các bạn trẻ Đa Minh thân mến,

Hiện nay, người ta thường nói không ai cho không ai cái gì bao giờ… Đó là một nhận định nguy hiểm, dù rằng điều đó cũng đúng trong phần lớn những tương quan con người với nhau trong thế giới hiện tại. Thế nhưng nếu như cuộc sống con người chỉ như thế, nếu như xác định bản chất tương quan con người chỉ là cuộc trao đổi sòng phẳng, thì thế giới này chẳng khác gì một sa mạc khô cằn, cuộc sống con người chỉ là một bài toán khắc nghiệt đè xuống biết bao thân phận kém may mắn.

Tinh ý hơn một chút, các bạn sẽ nhận thấy bên cạnh những trao đổi sòng phẳng và cay nghiệt ấy, vẫn có một dòng suối mát của tình yêu trao tặng, đặt biệt là tình yêu trong đời sống gia đình. Nếu các bạn nhận ra mình đã được cha mẹ yêu thương, dám hy sinh, chấp nhận bị liên luỵ vì mình, các bạn hiểu rằng đó là một dòng suối tình yêu làm nên ý nghĩa của cuộc sống. Dòng suối ấy bắt nguồn từ “Thiên Chúa là tình yêu”, bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa, và vẫn đang đổ xuống trên cuộc sống con người. Đó cũng là lời mời gọi để các bạn bước ra xã hội như một nỗ lực làm mát cuộc sống, vun tưới để làm trổ hoa yêu thương cho cuộc sống.

Tạ ơn Chúa vì thế giới của Chúa đã bắt đầu từ đời sống gia đình và vẫn không ngừng thấm đẫm trái tim của con người.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *