Lá Thư Đặc Trách Tháng 07 / 2017
Chữ Nhẫn Trong Tình Yêu Gia Đình
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Tiếp nối với chủ đề “Niềm vui tình yêu trong gia đình, và học hỏi tông huấn “Niềm vui Tình yêu” của đức thánh cha Phanxicô, chúng ta suy niệm về tính chất quan trọng nhất của tình yêu trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô : “Lòng yêu thương thì kiên nhẫn” (1Cr 13,4), để chia sẻ với nhau về “chữ nhẫn” trong tình yêu gia đình.
Lợi ích của đức nhẫn.
Kho tàng khôn ngoan người xưa dạy : “Một điều nhịn là chín điều lành”. Nhịn là đức nhẫn nại, nhún nhường, để giữ lấy hòa khí trong ứng xử và giao tiếp. Lành là kết quả tốt đẹp, thỏa đáng, mà ai cũng muốn. Khi so sánh một điều nhịn đem lại chín điều lành, cổ nhân muốn nhấn mạnh hiệu quả mà con người đạt được khi biết tự chủ và ôn hòa trong cuộc sống.
“Chữ nhẫn là chữ tương vàng, (1)
ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”
Quả thật, thường chúng ta giận quá mất khôn. Kẻ không biết kềm chế, dễ dàng thốt ra những lời khiếm nhã, rồi từ lớn tiếng đến quát tháo, chửi bới đến bạo động cũng chẳng bao xa. Cuối cùng thì người chịu thiệt hơn cả là chính mình.
Có một đoạn văn đẹp nói về nhẫn : “Nhẫn một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước có đất rộng trời cao. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Muốn sống, muốn sinh tồn thì cần phải biết nhẫn, để có thể hiểu rõ đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó”.
Lý do nên kiên nhẫn.
Các chuyên gia vể tâm lý cho chúng ta biết nhiều lý do đòi chúng ta phải sống kiên nhẫn :
Trước tiên, nhẫn giúp chúng ta phán đoán sự việc chính xác hơn, vì nhiều khi mình “thấy vậy mà không phải vậy”.
Kế đến, nhẫn giúp chúng ta dễ dàng cảm thông với tha nhân; vì chẳng lạ gì chuyện mỗi người mỗi tính. Có như thế thì cuộc đời mới đa dạng và phong phú được.
Hơn nữa, nhẫn giúp chúng ta phân biệt hiện tượng và bản chất. Đôi lúc do tác động của hoàn cảnh, khiến ai đó không làm thể chủ được lời nói, hành vi của mình.
Ngoài ra, nhẫn giúp ta sáng suốt để tìm ra cách ứng xử hợp tình hợp lý, dễ dàng giải quyết những khó khăn.
Cuối cùng, chúng ta phải kiên nhẫn vì ý thức rằng chính mình cũng có nhiều lúc yếu đuối hoặc sai lầm, thiếu tự chủ. Chính chúng ta cần đến sự bao dung của người khác.
Chữ nhẫn trong gia đình.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ nhẫn trong cuộc sống gia đình, có mối liên kết mật thiết với chiếc nhẫn mà đôi bạn trao cho nhau trong ngày cưới. Nhẫn cưới tượng trưng cho chữ nhẫn trong hôn nhân. Việc trao nhẫn trong ngày cưới như để nhắc nhở đôi bạn, một khi đã nên duyên vợ chồng, phải biết nhẫn để gìn giữ hạnh phúc gia đình, biết kềm chế cảm xúc để vun đắp và nuôi dưỡng tình yêu.
Cũng thế trong gia đình, tất cả các mối tương quan ông bà cháu, cha mẹ, hay anh em vốn là tình cảm tự nhiên và sâu đậm, vượt trên các mối liên hệ hàng xóm, bạn bè hay đồng nghiệp. Lẽ nào chúng ta lại để cho những giận hờn vụn vặt nhỏ nhen, phá vỡ hay làm phai nhạt đi mối tình cảm chân chinh của cha con, mẹ con và anh em trong một nhà.
Cái gốc trăm nết, nhẫn nhịn là cao.
Cha con nhẫn nhịn nhau, vẹn toàn đạo lý.
Vợ chồng nhẫn nhịn nhau, con cái khỏi bơ vơ.
Anh em nhẫn nhịn nhau, trong nhà thường êm ấm.
Muốn trên thuận dưới hòa, nhẫn nhịn đứng hàng đầu.
Chữ nhẫn trong tình yêu gia đình.
Tuy nhiên, tông huấn Niềm vui Tình yêu mở ra cho chúng ta một nhãn quan mới. Đối với các kitô hữu, tình yêu bắt nguồn từ đức bác ái, dựa vào tình yêu của Thiên Chúa, nên phải dõi theo mẫu gương tình yêu của Ngài.
Thế nên chữ nhẫn trong Kinh Thánh không chỉ đơn giản là cố chịu đựng mọi sự. Chúng ta kiên nhẫn trong tình yêu gia đình và cuộc sống, là vì muốn bắt chước tình yêu của Thiên Chúa, Đấng : “Từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tình thương và thành tín” (Xh 34,6). Thiên Chúa biểu lộ tình yêu kiên nhẫn qua lòng thương xót. Đó chính là dấu chỉ uy quyền thực sự của Ngài. “Ta đâu có muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống”. Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta nên chúng ta phải kiên nhẫn với nhau.
Kiên nhẫn không có nghĩa để mình luôn bị đối xử tệ, mà vì muốn sống hiền hòa như Lời Chúa dạy: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4, 31). Kiên nhẫn chính là lòng cảm thương sâu xa, dẫn chúng ta tới chỗ chấp nhận người khác, ngay cả lúc họ hành động khác với ý thích của ta.
Chữ nhẫn trong niềm tin vào Thiên Chúa.
Trong niềm tin, nhẫn nại không chỉ là bao dung, mà còn có thể là phương thuốc đặc trị, đem đến niềm hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa có sức mạnh biến dữ nên lành.
Năm 1964, cha Giuse Nguyễn Tri Ân, dòng Đa Minh có xuất bản cuốn sách tựa đề “Chinh phục trong hy sinh”, kể lại câu chuyện bà Elisabeth Léseur (Ê-li-da-bét Lê-dơ), nổi danh với quyển nhật ký tâm linh về cuộc đời mình.
Chồng bà là bác sĩ Felix Léseur, từng là kitô hữu nhưng đã bỏ đạo, làm chủ bút một tờ báo vô thần chống giáo sĩ ở Paris. Khác biệt về niềm tin là một gánh rất nặng trong mối liên hệ gia đình. Chồng bà nhiều lúc cố thuyết phục bà bỏ đạo.
Mang trong mình chứng bệnh ung thư, bà Elisabeth đã vui nhận và hiến dâng những đau khổ đó, để cầu nguyện cho chồng hoán cải. Bà viết : “Em nài xin Thiên Chúa gửi cho em đủ đau khổ để trả giá cho linh hồn anh. Ngày em chết chính là ngày em trả xong giá ấy”. Và có lần bà tâm sự với chồng : “Em tin chắc một khi anh trở về với Chúa, anh sẽ không dừng lại nửa đường. Rồi một ngày kia, anh sẽ là linh mục”.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau đám táng của bà, bác sĩ Léseur đã đọc và xuất bản cuốn nhật ký ấy. Ông chọn đời sống tu trì, và trở thành một linh mục Dòng Đa Minh. Chính ông đã tiến hành hồ sơ phong thánh cho vợ mình.
Đó là một dấu chứng cho thấy lời của thánh Phaolô được ứng nghiệm. “Chồng được thánh hóa nhờ vợ, và vợ được thánh hóa nhờ chồng” (1Cr 7,14). Tin tưởng, phó thác và cầu nguyện, vợ chồng có thể giúp nhau sống thánh thiện.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho gia đình anh chị em.
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
1) Chữ “tương vàng” : nghĩa là bọc vàng, mạ vàng, thếp vàng