Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Đn 6,12-28 (năm lẻ); Kh 18,1-2.21-23 ; 19,1-3.9a (năm chẵn); Lc 21,20-28
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 21,20-28)
20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. 21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi ; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác ; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó !
“Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.
25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Vững lòng trong ngày Chúa đến (28.11.2024)
“Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.”
Ðoạn Tin Mừng hôm nay gợi lên trong chúng ta hai ý tưởng chính: lời loan báo thành Giêrusalem bị quân địch bao vây và tàn phá, yếu tố thứ hai là những dấu chỉ báo trước biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và đầy quyền năng. Ðây không phải là những dấu chỉ đáng làm cho chúng ta hoang mang lo sợ, mà ngược lại chúng làm cho chúng ta luôn thức tỉnh và hy vọng hướng đến tương lai huy hoàng được Thiên Chúa cứu rỗi.
Nhìn lại lịch sử, thành Giêrusalem đã bị tàn phá vào năm 70, do đạo quân viễn chinh Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô. Các nhà chú giải Kinh Thánh hiện nay cho rằng Tin Mừng theo thánh Luca phải được viết ra trong khoảng năm 80-90, vì thế khi viết những dòng văn của Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca có biết những biến cố về thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70, và tác giả nhìn vào biến cố này không phải một cách thuần túy như một biến cố chính trị mà thôi, nhưng còn như một biến cố có ý nghĩa tôn giáo nữa.
Việc thành bị tàn phá là do hậu quả của tội lỗi mà thành đã phạm, bởi vì thành đã từ chối lãnh nhận ơn cứu độ Thiên Chúa mang đến cho. Và như thế, ứng nghiệm lời than trách và lời tiên tri của Chúa Giêsu về thành Giêrusalem được ghi lại trước đó nơi Lc 13,34-35 như sau: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
Nơi phần hai của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc được những loan báo hãi hùng của Chúa Giêsu về thế giới, đó là chiến tranh, tàn phá, những biến chuyển đầy lo âu, những tai ương thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu đây là những hình ảnh của ngôn ngữ khải huyền, để nhắc nhở cho người môn đệ của Chúa biết rằng thế giới vũ trụ này không phải là một nơi cư ngụ vẹn toàn cho con người. Hơn nữa, những hành vi của con người làm cho thế giới vũ trụ không vẹn toàn này thay vì trở nên tốt hơn nhờ có sự cộng tác của con người với ơn Chúa ban, thì lại trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ đi đến lúc tan biến do tội lỗi con người. Trong cái nhìn của lịch sử cứu độ thì đây không phải là một sự tan biến vào hư vô mà là một sự biến đổi trong Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà trở thành trời mới đất mới khi Con Người đầy quyền năng và vinh quang từ trong đám mây mà đến. Cuối cùng, Thiên Chúa ngự đến. Ngài là khởi đầu và là cùng đích của mọi loài mọi sự.
Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói và xác tín rằng Thiên Chúa phạt lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi sự, mọi biến cố, Ngài luôn làm chủ và cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế mà không bao giờ người Kitô hữu được phép để mình rơi vào trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta cần nhìn lịch sử theo cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của lịch sử cứu độ để niềm hy vọng không bao giờ bị mất đi trong tâm hồn người môn đệ của Chúa. Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta vui mừng mà hát bài ca “Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng quyền phép và công minh, xin thương giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ phản bội Chúa. Xin đừng để chúng con sống trong tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa, mạnh mẽ quyết tâm sống một đời vững tin, trung kiên giữ luật Chúa, quyết xa lánh đàng tội và chăm lo lãnh nhận các Bí tích. Amen.
Joston
Sẵn sàng chờ ngày Chúa đến (25.11.2021)
Môi trường sống của con người trên thế giới luôn có nhiều biến cố xảy ra, mỗi thời đại là một thảm họa không ai ngờ tới, như cách đây 10 năm khi nước Nhật Bản xảy ra cảnh tượng tan hoang vì một trong những trận động đất mạnh nhất lịch sử loài người, thảm họa kép kinh hoàng xảy ra khởi phát ngoài khơi hòn đảo Honshu ở phía Đông Bắc nước này, gây ra sóng thần cao đến 40 mét ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Hiện nay, con người đang chịu mối đe dọa từ biến thể virus Corona, gây ra tâm lý hoang mang lo sợ vì dịch bệnh lây nhiễm nhanh chóng nguy hiểm đến tính mạng con người. Tai họa khởi nguồn từ đâu? Vì thiên nhiên nổi giận với con người đã phá hoại hệ sinh thái tự nhiên hay sự trừng phạt của Đấng Tạo Hóa?
Lời Chúa Giê-su tiên báo về thành Giê-ru-salem sẽ bị san bằng là một minh chứng giúp chúng ta thức tỉnh vì mọi sự vật trên thế gian không trường tồn mãi mãi, xã hội luôn thay đổi theo thời gian xuất phát từ lòng ham muốn của con người, sự chiếm hữu tài sản, làm giàu cho bản thân, tăng thêm quyền lực. Con người có thể tự hào do sự tài giỏi, thông minh, tài trí, là chính những hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, thì con người lại sử dụng những khả năng ấy để không còn trông cậy tin tưởng vào quyền năng Đấng đã tạo dựng nên mình.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nói đến ngày tận thế là ngày kết thúc thế giới và cuộc đời mỗi người, sẽ xảy đến bất ngờ. Bất cứ lúc nào mỗi người cũng có thể được Chúa gọi về để trình diện trước tòa xét xử của Chúa. Chúa Giê-su báo trước để mời gọi mỗi người Ki tô hữu biết tỉnh thức và cầu nguyện, biết chuẩn bị sẵn sàng: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Cuộc sống trần thế tuy ngắn ngủi nhưng vẫn đủ thời gian cho chúng ta tích lũy những điều tốt lành với bản thân như lời Chúa dạy, để có thể đứng thẳng và ngẩng đầu lên trong ngày Chúa đến, theo kinh nghiệm của Thánh Têrêxa Calcutta: “Khi đau khổ xảy tới, các bạn mỉm cười đón nhận. Hồng ân lớn nhất mà Thiên Chúa có thể ban, đó là can đảm mỉm cười đón nhận bất cứ điều gì Ngài tặng ban và dâng Ngài bất cứ điều gì Ngài muốn lấy lại.” Chúng ta học theo gương đời sống khiêm nhường của các thánh như lời thánh Lêô Cả: “Đừng ai sợ chịu đau khổ vì lẽ công chính, hoặc nghi ngờ về phần thưởng đã hứa; chỉ qua lao nhọc, mới đến được nghỉ ngơi; qua cái chết, mới tới được sự sống”. Trong bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en: “Vua rất vui mừng, truyền kéo ông Đa-ni-en lên khỏi hầm. Và ông được kéo lên, không một vết thương trên mình, bởi vì ông đã tin cậy vào Thiên Chúa của ông.” Đn 6, 24, chúng ta có nhận ra sự bình an nơi người đặt niềm tin tưởng, kính sợ và phó thác vào Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Ngài đã tạo dựng nên chúng con và ban nhiều hồng ân trong cuộc sống này, xin giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa và sống đẹp lòng Chúa, để bất cứ lúc nào chúng con cũng sẵn sàng gặp Chúa.
Anna Anh
Đón chờ ngày Chúa trở lại (26.11.2020)
Nhìn lại các trang lịch sử từ các thời kỳ lập nước không riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới, hầu hết các nước đều có xảy ra chiến tranh, không triều đại nào tại vị lâu dài mãi mãi. Chiến tranh là thảm họa đầy thương đau không chỉ mất mát về con người, theo Martin Luther “Chiến tranh là bệnh dịch kinh khủng nhất mà nhân loại có thể mắc phải, nó hủy diệt tôn giáo, nó hủy diệt quốc gia, nó hủy diệt gia đình. Tai họa nào cũng dễ chịu hơn nó”.
Từ xa xưa người Do Thái vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, Đấng hằng thương yêu và luôn lắng nghe lời kêu cầu của họ. Vì thế, họ không thể ngờ thành Giêrusalem lại có ngày bị phá hủy, sứ điệp Tin Mừng hôm nay là lời khuyến cáo :“Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành”. Có phải thành Giêrusalem bị trừng phạt vì họ đã phản bội, con cháu họ đã không giữ nghĩa cùng Chúa, không tin vào Đấng Cứu Chuộc xuống thế gian với họ? Sự đau khổ hãi hùng mà dân thành Giêrusalem sẽ trải qua:“Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp”. Nước Do Thái sẽ không còn trên bản đồ thế giới nữa chăng? Vì sự ly tán, bị bắt tù đày hay làm nô lệ …, có thể dẫn đến sự diệt vong của dân tộc.
Chúa Giêsu cũng cho biết đến một ngày trong vũ trụ sẽ xuất hiện nhiều điềm lạ, “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần”. Ngày nay thế giới liên tục xảy ra các nạn như dịch bệnh corona, bão tố từ biển khơi càng lúc càng khốc liệt và làm thiệt hại nặng nề cho đời sống con người, dù khoa học tiến bộ vượt bậc chỉ có thể dự đoán nhưng không thể ngăn chặn.
Có phải đã gần ngày Chúa trở lại, mỗi người chúng ta phải làm gì để được ơn cứu rỗi, lắng nghe thánh Têrêsa Calcutta chia sẻ: “Tình yêu phải bắt đầu ngay hôm nay. Hôm nay ai đó đang đau khổ; hôm nay ai đó đang vất vưởng trên phố; hôm nay ai đó đang đói khát. Công việc của chúng ta là cho ngày hôm nay, vì hôm qua đã qua rồi, và ngày mai lại chưa đến. Chúng ta chỉ có hôm nay để làm cho Đức Giêsu được biết đến và yêu mến, được phục vụ, được nuôi ăn, được che thân, được trú ngụ. Đừng chờ tới ngày mai. Ngày mai chúng ta sẽ không còn gặp lại những anh em của Người nếu chúng ta không lo tiếp đãi họ ngay hôm nay”.
Lạy Chúa, là Đấng từ bi và nhân hậu xin đoái thương đoàn con cái Người đang sống trần gian, nơi đầy dẫy tội lỗi, chúng con cầu mong Đấng hằng Thương Xót dẫn dắt và hướng lòng chúng con biết “Tình yêu của Chúa không bao giờ mất được”, là điểm tựa và cậy trông của đời chúng con.
LHTH
Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên (28.11.2019)
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Giáo hội trong những ngày này cho chúng ta nghe những đoạn Lời Chúa nói về ngày cánh chung. Đây là thời gian cần thiết để nhắc nhớ chúng ta về ngày tận cùng của mỗi người, cũng như của cả nhân loại và việc Chúa Kitô sẽ quang lâm trong ngày giờ sau hết.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu tiếp tục tiên báo về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá. Lịch sử đã cho thấy, như lời tiên báo của Chúa Giêsu, một Giêrusalem tráng lệ nguy nga, là vinh dự của dân Israel, nhưng năm 70 Công nguyên, thành đã bị đế quốc La mã đem quân đến vây hãm và bình địa thành.
Quả như lời tiên báo của Chúa Giêsu, đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo Israel đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.”
Sau khi nói về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá, bị san bằng, Chúa Giêsu lại tiếp tục tiên báo về ngày tận cùng của thế giới và ngày Quang lâm của Ngài.
Như tiên báo một cách chi tiết về thành Thánh sẽ bị bình địa, Chúa Giêsu cũng nói rõ về những điềm lạ xảy ra khi Ngài Quang lâm. Ngài cho biết lúc ấy sẽ có những biến động khủng khiếp và sâu xa, khiến cho con người phải lâm vào cảnh lo âu sợ hãi.
Ở trên trời thì “sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao.”
Dưới đất thì “muôn dân sẽ hoang mang lo lắng trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển.” Bấy giờ, Con Người sẽ xuất hiện uy nghi và đầy quyền năng ngự trong đám mây mà đến.
Trước những rung chuyển và biến động kinh khủng ấy, những ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian, những thế lực (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, hay biển khơi…) mà xưa nay họ dựa vào, vì coi những thứ ấy là vững chắc, đều bị lung lay, rung chuyển, thì người ta hoảng sợ. Vì tất cả những thế lực đó đang bị sụp đổ.
Còn những ai cậy dựa vào Chúa thì trở nên vui mừng, hoan hỉ vì được Thiên Chúa đỡ nâng, bênh vực: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Đây là những giây phút được mong chờ từ lâu. Đấng họ chỉ thấy trong lòng tin, nay được diện đối diện. Đây là cuộc hạnh ngộ giữa những người yêu nhau, của những người sắp được cứu rỗi.
“Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” – Tư thế của người biết mình sắp được giải phóng là tư thế đứng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết chắc chắn là Ngài sẽ Quang lâm, sẽ trở lại thế gian. Khi nào ngày đó đến và sẽ đến như thế nào, chúng ta không biết được. Nhưng chúng ta tin rằng lịch sử có một cùng đích và tại cùng đích ấy, Chúa Giêsu sẽ là chủ tể của của muôn loài muôn sự.
Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về ngày giờ sau cùng của mỗi người. Trước khi từ giã cõi đời này, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối phải lìa xa những người thân yêu, tiếc nuối cho những tháng ngày đã qua, bởi những hành hạ của bênh tật, hay bởi những sức tấn công của lực lượng sự dữ…
Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta: “Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.” Thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lí do gì để cứ bám víu, dính chặt với thân xác, nhưng hãy biết khai mở và thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, mà cậy trông và tin tưởng vào Thiên Chúa, để đi vào ơn cứu độ của Ngài.
“Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” là sứ điệp của Đức Kitô nhắn gởi mỗi chúng ta hôm nay. Các môn đệ Chúa hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
Đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao, lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu.
Vậy chúng ta phải chuẩn bị thế nào ngay từ bây giờ, để có thể “đứng thẳng” và “ngẩng đầu” thật sự khi Ngài ngự đến?
Chúng ta hãy chuẩn bị bằng tâm tình tin yêu phó thác nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chuẩn bị bằng cuộc sống yêu thương, chan hòa và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Vua Giêsu sẽ ân thưởng hay giáng phạt chúng ta chỉ dựa vào mối tương quan tình yêu này.
Xin cho chúng ta luôn đứng thẳng, ngẩng cao đầu ra đón Thiên Chúa trong mọi giây phút với tất cả niềm cậy trông, tin tưởng và yêu mến Ngài. Amen.
Bình Minh
Đứng thẳng và ngẩng cao đầu (29.11.2018)
Ghi nhớ:
“ Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”(Lc 21, 28)
Suy Niệm:
Một trong những cuộc gặp gỡ được xem là cảm động nhất đã diễn ra tại nhà tù I-gi-noi tại Hoa-Kỳ vào tối thứ ba ngày 17 tháng 9 năm 1997. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người cùng chờ đợi cái chết! Một người là Đức Hồng Y Bin-nê-đin, Tổng giám mục Chi-ca-gô, 68 tuổi, bị bệnh ung thư tủy và lá lách vào giai đoạn cuối mà cấc bác sỹ cho biết ngài chỉ còn sống không hơn một năm rưỡi nữa! Và một người là Rê-nô-li 44 tuổi kẻ đã sát hại 6 người da trắng trong một đêm. Đã bị tòa kết án tử hình và sẽ bị giết vào đêm nay.
Tuy không phải là người Công Giáo, nhưng Rê- nô-li đã xin được gặp Đức hồng y, để như anh ta nói được cùng cầu nguyện với ngài. Đức hồng y phát biểu:
- Một cách nào đó, chúng tôi là những người cùng hội cùng thuyền, anh ta biết mình sẽ chết trong đêm nay, còn tôi, tôi biết mình cũng sẽ chết trong một tương lai gần.
Tại hành lang của nhà tù, hai người đã nói chuyện với nhau rất lâu. Họ đã cùng nhau đọc Kinh Thánh. Sau đó họ từ giã, Anh ta đã nói lên tấm lòng sám hối ăn năn chân thành vì đã gây ra tội ác.
Đêm hôm ấy, trước mặt nhiều người chứng kiến kẻ tử tội đã đi vào phòng hành quyết. Trước khi nhận mũi thuốc độc kết liễu sự sống, Rô-nô-li đã xin được nói lời cuối cùng:
- Tôi mong rằng mọi người sẽ được bình an sau biến cố này, tôi hy vọng gia đình các nạn nhân của tôi cũng sẽ được bình an!”
Bài Phúc Âm hôm nay thánh Luca diễn tả biến cố ngày thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, thật là một quang cảnh rất hãi hùng…Thành bị các đạo binh vây hãm, sẽ có cơn khốn khổ cùng cực xảy ra trên đất này, cơn thịnh nộ giáng xuống, người ta sẽ gục ngã dưới lưỡi gươm. Rồi: Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, dưới đất biển gào sóng thét. Khiến người ta sợ đến hồn siêu phách lạc! Và rồi sau cùng thiên hạ sẽ chứng kiến Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Nhưng để vượt qua được mọi sự hãi hùng, khốn khó ấy, Thánh sử Luca khuyên: “ Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Thành Giê-ru-sa-lem bị tiêu hủy tượng trưng cho cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa trên nhân loài. Muốn đứng vững để vượt qua biến cố này thì chúng ta phải luôn ở trong tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu.
Đứng thẳng và ngẩng cao đầu ở đây có nghĩa chúng ta luôn một lòng kính thờ Chúa, giữ các giới răn Người truyền dạy; Kính chúa yêu người, không bị khất phục bất cứ trước những cám dỗ, mê hoặc nào, dù là tiền tài lợi lộc danh vọng cũng như những lạc thú thế gian…
Sinh tử thì ai cũng một lần nhưng qua cái chết thể xác để chúng ta được hưởng Nước Trời đó là mục đích tối thượng của mỗi người chúng ta chính vì thể qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay Chúa nhắc nhở chúng ta hãy cảnh tỉnh để luôn sống trong tư thể chuẩn bị là phải “đứng thẳng và ngẩng cao đầu”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa sinh ra chúng con trên trần gian này là để chúng con làm một cuộc hành trình tìm về với Chúa, trong chuyến lữ hành này Chúa đòi hỏi chúng con phải luôn ý thức về cuộc sống của mình mà luôn luôn biết cậy nhờ ơn Chúa sống trong tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Để ngày Chúa quang lâm ngự đến phán xét thế gian, chúng con xứng đáng được Chúa cho dự phần trong vương quốc sự sống của Ngài. Amen.
Sống lời Chúa:
Đọc lời Chúa mỗi ngày.
Đaminh Trần văn Chính.
Sống trong ân nghĩa Chúa (26.11.2015)
1. Ghi nhớ: “ Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc ”. (Lc 21,28).
2. Suy niêm: Những ngày cuối của năm phụng vụ, Tin mừng ghi lại biến cố thành Giêrusalem bị sụp đổ như một thiên tai, chuyển động cả tinh tú làm cho mọi người phải khiếp sợ. Nhưng với niềm tin của người Kitô hữu dù có gặp bất cứ biến cố nào, kể cả biến cố bách hại hay thiên tai không sợ hãi, bi quan, chán nản hay buông suôi mà luôn kiên vững trong niềm tin. Ngày sau hết, Chúa Giêsu kêu gọi ngày ấy mỗi người hãy đứng thẳng, tức là luôn trung tín với ơn nghĩa Chúa, và ngẩng đầu lên tức là phấn khởi vui mừng đón nhận Chúa đến trong vinh quang vì mỗi người chúng ta “ sắp được cứu chuộc ” .
3. Sống Lời Chúa: Luôn sống trong ân nghĩa Chúa để sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
4. Lời nguyện: Lạy Chúa, thế gian có nhiều lôi cuốn khiến chúng con lạc xa đường nẻo Chúa. Xin cho chúng con luôn trung thành tuân giữ Lời Chúa để ngày Chúa đến sẽ là niềm hân hoan cho chúng con. Amen.