Lá Thư Đặc Trách Tháng 09 / 2018
Tình nghĩa gia đình theo gương tiền nhân
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Trong năm thánh vinh danh các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cũng là năm đồng hành với các Gia đình trẻ. Xin đề cập đến mẫu gương các vị tiền bối về tình nghĩa gia đình.
Gia đình và đức tin
Trong danh sách 117, trừ một số theo đạo khi đã trưởng thành, còn những ai sinh ra trong gia đình công giáo đều được rửa tội và giáo dục đức tin ngay từ bé. Thày Bùi Văn Úy mạnh dạn tuyên bố, giữ vững niềm tin là giữ đạo hiếu với cha mẹ : “Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với mẹ cha. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết”.
Cô Maria Mến nói về cha mình ông trùm Nguyễn Đích như sau : “Bố tôi luôn quan tâm đến đời sống đạo đức của mười người con và của những gia nhân giúp việc. Mỗi ngày, ông chỉ định một hay hai người coi nhà, còn những người khác đi lễ. Tôi thấy bố tôi làm tròn các nghĩa vụ trong đạo. Ông rất chăm sóc việc giáo dục con cái, mời thày đồ đến nhà dạy chữ Nho cho con trai, từ chối gả con gái cho những thanh niên gia đình giàu có mà không giữ đạo sốt sắng.”
Gia đình và Thiên Chúa
Nói chung các vị tử đạo khi bị bắt không thoát khỏi tình cảm quyến luyến với người thân, có điều các vị đã chọn lựa Thiên Chúa và tin tưởng phó thác người thân cho Ngài.
Ông trùm Nguyễn văn Lựu tâm sự với một linh mục bị giam chung rằng : “Con sắp phải đi đày, con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con, con bằng lòng dâng cho Ngài hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình vợ con, chính Chúa sẽ săn sóc vợ con của con.”
Nhiều vị được về thăm gia đình như ông Đinh Văn Dũng, đã bình tĩnh an ủi và khích lệ vợ con sẵn sàng chấp nhận việc dâng hiến của mình. Ông nói : “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Đức Kitô.”
Thánh Phạm Viết Ngôn, vì lo cho người vợ trẻ yêu dấu và mẹ già cần phụng dưỡng, đã trốn tù về nhà để trấn an họ. Nhưng chính họ khuyến khích anh trở lại nhà giam, và trong giờ hành quyết hiện, đến diện khích lệ anh.
Thánh Nguyễn văn Đệ nói với vợ vào thăm trong tù : “Đừng khóc mình ạ ! Mình hãy về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho tôi được thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng.”
Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông Lê Đăng Thị viết : “Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa. Dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày”.
Những lời trăn trối : Di ngôn
Qua hạnh tích, ta thấy mối bận tâm lớn nhất các chứng nhân tử đạo trước giờ hiến tế vẫn là gia đình. Các vị dặn dò con cái sống đức tin, yêu thương và vun đắp hạnh phúc gia đình.
Ông Martinô Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù : “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.
Y sĩ Phan Đắc Hòa thì nói : “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và săn sóc việc nhà….”.
Những biểu tượng tình thương
Nói đến tình nghĩa gia đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như : linh mục Nguyễn Văn Triệu vì thương mẹ già ở lại Huế ba tháng lo dựng nhà cho mẹ, nên mới bị bắt. Ông trùm Lê Văn Phụng tại pháp trường gặp con gái, cô Anna Nhiên, đã gỡ ảnh thánh giá từ cổ đeo cho con và nói : “Con hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi mình và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé !”.
Ông Lý Mỹ vì thấy nhạc phụ là ông trùm Nguyễn Đích đã cao niên, mỗi cuộc tra tấn đều tự nguyện chịu đòn hai lần thay thế cho cha. Con gái ông tên Lý 12 tuổi, trốn mẹ vào tù thăm và thưa: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường 9 tuổi, con trai ông không đi được, cũng nhắn lời : “Cha đừng lo cho chúng con, cha cứ an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo”. Vợ ông, bà Mỹ nói trong tiếng nghẹn ngào : “Vợ con ai mà chẳng thương tiếc nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thánh đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả”.
Những người mẹ tuyệt vời
– Bà mẹ thánh Jaccard Phan, khi nghe tin con chịu chết vì đức tin đã reo lên : “Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo”. Bà tiếp : “Xin chúc tụng Chúa, tôi sẽ buồn biết bao, nếu con tôi chịu khuất phục trước gian khổ và cực hình”.
– Bà mẹ thánh Castañeda Gia, khi em trai vị linh mục hỏi : “Mẹ muốn anh ấy chết cách nào ?”. Bà đáp : “Mẹ mong rằng Jacinto chết vì đức tin”. Clêmentê liền nói “Thưa mẹ vâng, chính vì đức tin mà anh ấy bị giết”. Ngay chiều hôm đó, bà và con trai liền đến nhà thờ dòng Đaminh để cùng với các tu sĩ hát lên lời kinh tạ ơn “Te Deum”.
– Bà Maria Nhiệm, thân mẫu thánh Lê Văn Gẫm đến làm chứng tại tòa án phong chân phước. Bà nói : “Khi nghe tin con bị giết, vợ chồng tôi không thảm thiết gì hết, chỉ nói : chết như vậy đặng làm thánh”.
– Nhưng hình ảnh nổi bật nhất là bà mẹ binh sĩ Anrê Trông, được đức Lêô XIII trong sắc suy tôn chân phước năm 1900 ca tụng về lòng can trường, đã theo gương “Nữ vương các thánh Tử Đạo”. Bà có mặt trong cuộc hành quyết để dâng hiến người con trai duy nhất. Bà đi cạnh con, không than khóc, không sầu buồn, lại bình tĩnh khuyên con bền chí. Và khi đầu vị tử đạo rơi xuống, bà mạnh dạn tiến vào pháp trường và nói lớn tiếng : “Đây là con tôi, xin các ông trả lại cái đầu nó cho tôi”. Rồi bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp của người con yêu quí, đem về an táng ngay trong nhà.
Theo gương các tiền nhân, xin cho chúng ta biết vun đắp đời sống đức tin ngay trong gia đình; biết can đảm, khích lệ và hỗ trợ nhau sống chứng nhân giữa cuộc đời.
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
NB. Hình minh họa : Huynh đoàn Xuân Lộc