Lời thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về thói đời, từ thế kỷ XVI, tỏ ra vẫn mãi hợp thời; và hình như điều đó càng đúng hơn vào thời đại hiện nay, ở đất Nước Việt Nam này.
“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”.
Cuộc sống xã hội càng ngày càng phức tạp. Rất nhiều mối quan hệ xã hội ngày nay trở thành phương thức làm ăn hơn là tình nghĩa; và cũng có một số không ít người, chọn thái độ có vẻ “minh triết” hơn, rút vào “ở ẩn” ngay giữa xã hội nhộn nhịp này. Nói chung, con người thời nay muốn giới hạn những mối tương quan vào một số ít người, ngại ngần và nghi kỵ những mối tương quan mới lạ… Điều quan trọng hơn, thái độ ấy thật ra không phải minh triết gì cả mà chỉ là nhưng bài học cụ thể được rút ra từ kinh nghiệm thật, những kinh nghiệm đau thương, ề chề…. Nói thẳng ra, theo tinh thần Kitô giáo, đó là những bài học “vớ vẩn”, được rút ra từ một số tình huống cụ thể và được nâng lên hàng minh triết như một triết lý sống mọi nơi mọi lúc…
Có lẽ ai cũng biết rằng con người là sinh vật có tính xã hội, con người không thể trở nên chính mình nếu không sống với tha nhân. Chân lý ấy, trong đức Tin Kitô giáo, được xác định ở tầm mức tín lý. Trong tín lý Kitô giáo, tương quan giữa Ba Ngôi là tương quan bản thể, nghĩa là, có thể nói, Thiên Chúa chính là tương quan, là tình yêu. Con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27) nên con người cũng chỉ có thể hoàn thành cuộc đời mình trong tương quan, và đây là “tương quan ngã vị”, tương quan với ai khác chứ không phải chỉ là tương quan với sự vật. Sách Sáng Thế khẳng định Thiên Chúa nói : “con người ở một mình thì không tốt…” (St 2,18) rồi Thiên Chúa ban cho Adam quyền “đặt tên cho muôn vật”. Nhưng sau khi thi hành mệnh lệnh dẫn dắt muôn vật, ông vẫn cảm thấy buồn vì không gặp được một trợ tá tương xứng (x. St 2, 18-20); và ông chỉ cất tiếng reo vui của phận người khi gặp được Evà : “Con người nói : Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi…” (St 2,23 tt).
Chính vì thế mà, theo Kitô giáo, sự sống của con người chỉ chân thật khi được sống trong tình yêu. Đức Gioan Phaolô nói trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” và ngài nhắc lại trong Tông huấn Gia Đình như sau :
“Điều tôi đã viết trong Thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” (s.10) được áp dụng độc đáo và ưu tiên trước hết nơi gia đình : “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiêm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó”. (Tông huấn Gia Đình, số 18).
Hiện nay, những chân lý như thế có nguy cơ trở thành lý thuyết suông khi đặt mình trong thực tế xã hội. Trong một dung môi xã hội quá ô nhiễm, con người đã đi từ chỗ mất tiền, mất bạc,… đến chỗ mất niềm tin vào con người. Trong đất nước Việt Nam, cơn dịch bệnh “mất niềm tin vào con người” như thế đã lây lan rộng khắp và xâm nhập cả vào những ngôi đền thánh thiêng của tình nghĩa như dòng tộc, gia đình, bạn bè, làng xóm…. Dĩ nhiên, người Kitô hữu Việt Nam cũng đang sống trong xã hội ô nhiễm ấy, nhưng người Kitô hữu không thể đối diện với thực trạng ấy bằng thái độ “ai sao ta vậy”; và cũng không thể chọn thái độ chấp nhận, an vị trong thực trạng ấy như một điều đương nhiên…
Bầu không khí xã hội hiện nay là “ăn miếng trả miếng”, “tiền trao cháo múc”; cách sống khôn ngoan là phải biết “nắm đằng chuôi”, “tốt bụng quá thì người ta coi mình là ngu”, “Nếu bạn không muốn bị tổn thương thì hãy học cách lạnh lùng”…; và vì có quá nhiều rắc rối, nên người ta chọn thái độ an ổn bằng cách giảm thiểu mọi tương quan…
Người Kitô hữu phải sống thế nào ?
Khi đức Giêsu nói rằng “lúa chín đầy đồng…” thì không phải đó là một môi sinh đầy những người lương thiện. Còn thánh Phaolô thì nói rằng : “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Thật sự, không dễ để xác định một thái độ chuẩn mực vừa khôn ngoan như con rắn, vừa đơn sơ như bồ câu (x. Mt 10,16).
Tuy nhiên, nói chung, chính trong sự nhiễu nhương của hoàn cảnh ấy mà chứng tá của người Kitô hữu lại có cơ hội sáng tỏ hơn lúc nào hết. Có lẽ, ngày nay, việc làm chứng về giá trị của niềm tin vào con người còn quan trọng hơn và là điều cần phải xác tín, trước cả những tính toán thiệt hơn về hiệu quả. Khi mả mỗi “niềm tự hào” về thái độ hoài nghi hoặc khôn khéo sẽ lại gia cố cho thứ khủng hoảng văn hóa niềm tin vào con người, thì mỗi thái độ quảng đại, dám tin vào tha nhân trong một cuộc phiêu lưu sẽ góp phần khai quang cho nẻo đường tương quan chân thật. Bổi vì chỉ khi chân trời tin tưởng vào nhau được trong sáng, người ta mới ươm mầm cho những tương quan chân thật và khi đó ta mới “được quyền” hy vọng vào Nước Trời đang lớn lên.