1. Người dân Ukraine cảm kích trước nghĩa cử của ĐTC
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng Thứ Sáu, 25 tháng Hai, trong một diễn biến chưa từng có tiền lệ ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để bày tỏ quan ngại của ngài đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Người dân Ukraine rất cảm kích trước nghĩa cử của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt khi họ biết rằng Đức Thánh Cha đang bị đau đầu gối đến mức ngài phải hủy bỏ chuyến viếng thăm đến Florence để gặp gỡ và bế mạc khóa họp của 58 giám mục và 65 thị trưởng từ khoảng 30 quốc gia Địa Trung Hải, vùng biển được coi “là cái nôi của nền văn minh,” nhưng ngày nay đã trở thành biểu tượng cho những vết thương của toàn thế giới.” Chứng đau đầu gối này cũng khiến Đức Thánh Cha phải hủy bỏ các cử hành vào ngày Thứ Tư Lễ Tro.
Diễn biến tiếp theo là Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ địa phương hôm thứ Sáu rằng ngài sẽ làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt xung đột Ukraine.
Đức Giáo Hoàng đã gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có trụ sở tại thủ đô Kiev của Ukraine, vào cuối buổi chiều thứ Sáu. Thư ký của Đức Tổng Giám Mục Ukraine đang ở Rôma cho biết như trên.
“Trong cuộc điện đàm, Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm đến tình hình ở thành phố Kiev và nói chung trên toàn lãnh thổ Ukraine. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng: ‘Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được’“.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk dự kiến sẽ đến thành phố Florence của Ý để tham gia một cuộc họp của các giám mục từ các quốc gia xung quanh Biển Địa Trung Hải. Nhưng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã hủy chuyến đi để ở lại với đàn chiên của mình.
Quân Nga đã tiến đến vùng ngoại ô của thủ đô Kiev, ngày 30 tháng Tư đen tối đang chụp xuống đầu dân tộc Ukraine. Tin tức cho biết nếu quân Nga chiếm được Kiev, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk sẽ là một trong những người đầu tiên bị lùng bắt. Ít người dám lạc quan về tương lai của Ukraine.
Tuy nhiên, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em hình ảnh rất cảm động khi các linh mục và nam nữ tu sĩ cùng họp nhau bên ngoài nhà thờ Phục sinh bên cạnh Tòa Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine để cầu nguyện và hát thánh ca nhằm nâng cao tinh thần binh sĩ và đồng bào, cùng xin Thiên Chúa giữ gìn quê hương của họ. Tiếng hát của các vị đã xen lẫn với tiếng bom nổ, tiếng súng giao tranh, và tiếng máy bay phản lực.
Sau đó, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em lịch sử cận đại của Ukraine để cho thấy niềm tin nơi Thiên Chúa là một đặc điểm rất nổi bật của người Ukraine, và niềm tin ấy đã hướng dẫn dân tộc này thoát được bao nhiêu hiểm nguy.
2. Nếu Nga chiếm được Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Ukraine khó lòng sống nổi
Cha Volodymyr Malchyn, người làm việc trong Tòa Giám Mục Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine ở Kiev nói rằng nếu quân đội Nga chiếm được thủ đô, thì Giáo hội sẽ là “mục tiêu số hai” sau quân đội.
Cha giải thích: “Bạn biết lịch sử của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi không ảo tưởng về điều đó”.
Cha Malchyn nói chuyện với Aleteia vài giờ sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, tấn công Kiev và các thành phố khác bằng các cuộc không kích. Giống như hầu hết các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất hiệp thông với Rôma nhưng tuân theo các thực hành, phụng vụ và linh đạo của Chính thống giáo, Cha Malchyn có gia đình. Ngài nói rằng ngay khi ngài và vợ nghe thấy tiếng pháo kích bên ngoài thủ đô vào khoảng 5:30 sáng thứ Năm, họ đã quyết định di tản con cái của họ đến miền Tây Ukraine và để chúng lại với cha mẹ của cha Malchyn.
Gia đình này là một trong những gia đình đầu tiên lái xe ra khỏi thành phố. Cha Malchyn nói rằng khoảng một giờ sau đó, các con đường kẹt cứng với những người cố gắng chạy trốn.
Ngài cho biết nhiều xác suất ngài sẽ để gia đình ở lại vùng nông thôn gần Lviv, để quay trở lại với các nhiệm vụ của ngài ở thủ đô, bao gồm việc chăn dắt một giáo xứ và làm người đứng đầu văn phòng phát triển và truyền thông ở Tổng Giáo phận Kiev-Halych. Nhưng đây sẽ là một tình huống mong manh trong một thời gian.
“Nếu cuộc tấn công trở nên nghiêm trọng hơn vào Kiev, tôi nghĩ rằng tất cả các linh mục sẽ buộc phải di chuyển đến những nơi an toàn,” ngài nói thế và cho biết thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Kiev-Halych, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, vẫn đang ở Kiev. “Nhưng tôi không biết ngài sẽ có thể ở đó bao lâu.”
Cha Malchyn cho biết ngài hiểu rằng một số tu viện ở miền Tây Ukraine sẽ mở cửa đón những người chạy trốn khỏi các hành động thù địch. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách cuộc chiến diễn ra, ngài nghĩ con số người phải di dời nội bộ chắc chắn sẽ hơn con số các nhà thờ và tu viện có thể tiếp đón. Ngài đang làm việc với một viên chức khác của Giáo hội để đưa ra một lá thư kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác viện trợ nhân đạo.
Ngài nói: “Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ từ các tổ chức tài trợ quốc tế, vì đây là thời điểm chưa từng có. Chúng tôi có kinh nghiệm giúp người dân chạy khỏi khu vực Donbas trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm với lực lượng ly khai Nga ở miền Đông Ukraine, nhưng đó là một khu vực tương đối nhỏ. Có 1.5 triệu người di tản ở đó, nhưng bây giờ con số có thể cao hơn nhiều. Các cuộc tấn công nghiêm trọng hơn và kinh khủng hơn”.
“Tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng tôi”
Khi Cha Malchyn nhận xét, “Bạn biết lịch sử của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi không có ảo tưởng”, ngài muốn đề cập đến thời kỳ ngay sau khi Liên Sô giành lại quyền kiểm soát Ukraine vào cuối Thế Chiến thứ hai. Bọn cầm quyền cộng sản ngay sau đó đã tiến hành đàn áp Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, giết hoặc bỏ tù các giám mục của họ và buộc các tín hữu phải trở thành một phần của Giáo hội Chính thống Nga. Giáo Hội Công Giáo Đông phương tồn tại dưới hình thức hầm trú cho đến cuối những năm 1980, và vị lãnh đạo của nó, Đức Hồng Y Josyf Slipyj, đã chết lưu vong ở Rôma.
Người kế nhiệm ngày hôm nay cho Đức Hồng Y Slipyj, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có thể phải đối đầu với một cuộc lùng bắt tương tự trong những tháng tới, tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến này. Hôm nay, ngài đã hủy kế hoạch tham dự một diễn đàn quốc tế có tên “Địa Trung Hải – Biên giới của hòa bình” ở Florence để ở lại với đoàn chiên của mình ở Kiev. Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã công bố một bức thư đầy xúc động, trong đó ngài bảo vệ quyền đấu tranh của đất nước mình cho quyền tự do và quyền tự quyết.
Đức Tổng Giám Mục viết “Kẻ thù xảo trá, bất chấp những cam kết và bảo đảm của chính mình, đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với tư cách là một kẻ xâm lược phi nghĩa, họ đã bước lên đất Ukraine, mang theo cái chết và sự hủy diệt. Ukraine của chúng ta, mà thế giới công bằng gọi là ‘vùng đất máu’, nơi đã rất nhiều lần đổ máu các tử đạo và chiến sĩ cho tự do và độc lập của dân tộc mình, hôm nay đang kêu gọi chúng ta đứng lên vì quê hương – để bảo vệ phẩm giá của đất nước trước Thiên Chúa và nhân loại, quyền được hiện hữu và quyền được lựa chọn tương lai của nó”.
Ngài nói rằng “quyền tự nhiên và nghĩa vụ thánh thiêng” của người Ukraine là bảo vệ lãnh thổ, con người, nhà nước “và tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng ta: gia đình, ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử và thế giới tâm linh. Chúng ta là một quốc gia hòa bình yêu thương con cái của mọi quốc gia bằng tình yêu Kitô giáo, không phân biệt nguồn gốc hay tín ngưỡng, quốc tịch hay bản sắc tôn giáo”.
Đề cập đến sự giải phóng của Giáo hội khi Liên bang Xô viết sụp đổ, ngài nói rằng Giáo hội đã trải qua “cái chết và sự phục sinh”.
Đức Tổng Giám Mục viết tiếp, “Trong thời điểm đầy ấn tượng này, Giáo hội của chúng ta, với tư cách là một người mẹ và cô giáo sẽ ở với con cái của mình, sẽ bảo vệ chúng và phục vụ chúng nhân danh Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta long trọng tuyên bố: Linh hồn và thể xác của chúng ta, chúng ta hiến dâng cho tự do của chúng ta! Cùng một lòng, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, Đấng toàn năng vĩ đại, xin Chúa bảo vệ Ukraine thân yêu của chúng con!”
Tin giờ chót cho biết Đức Tổng Giám Mục đang trốn ở một ga tầu điện ngầm dưới lòng đất. Nếu Nga chiếm được Kiev, ngài là một trong số những người bị lùng bắt trước hết.
3. Nguy cơ thế chiến nếu Trung Quốc lợi dụng tình hình Ukraine đánh úp Đài Loan
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa thị trường nội địa cho hoạt động bán lúa mì không hạn chế của Nga. Tuyên bố này phản ánh việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga để đối phó với các áp lực địa chính trị của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Đối với Úc Đại Lợi, lập trường của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Hôm thứ Bẩy 26 tháng Hai, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có những thỏa thuận ngầm với Nga, và có khả năng nước này cũng đang có ý định lợi dụng tình hình Ukraine để có các hành động quân sự đối với Đài Loan và các quốc gia khác ở Biển Đông. Ông cảnh cáo một hành động như thế sẽ dẫn đến thế chiến.
Chính phủ Đài Loan nghĩ sao về tình hình hiện nay. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ một bài trên tờ The Diplomat.
Chính phủ Đài Loan đang cảnh giác về những tác động từ cuộc xâm lược của Nga dưới hình thức “chiến tranh tâm lý” và những khó khăn về kinh tế.
Khi căng thẳng – và quân số Nga – gia tăng dọc biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, các nhà phân tích tập trung vào Á Châu đã tự hỏi về những tác động của tình hình này đối với Đài Loan. Một số người cho rằng việc Hoa Kỳ thiếu quyết tâm hoặc thiếu các hành động dứt khoát để đáp trả cuộc xâm lược của Nga sẽ thúc đẩy Trung Quốc giành quyền kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực. Những người khác, hạ thấp những điểm tương đồng, thì cho rằng Mỹ không đưa ra lập trường tích cực hơn về vấn đề chống đỡ cho Ukraine, vì Washington cần phải chú ý đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nhưng chính phủ Đài Loan nghĩ gì về cuộc xâm lược của Nga và những tác động đối với Đài Loan?
Không có gì đáng ngạc nhiên, với bản sắc riêng của Đài Loan là một nền dân chủ hòa bình, tuân thủ các quy tắc và có mối quan hệ chặt chẽ, mặc dù không chính thức, với Hoa Kỳ, chính phủ Đài Loan đã lên tiếng phản đối các hành động của Nga ở Ukraine.
“Người dân và chính phủ của # Đài Loan lên án mạnh mẽ hành động xâm lược quân sự của # Nga đối với #Ukraine,” Bộ Ngoại giao Đài Loan đã tweet vào sáng ngày 24 tháng 2 khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. Nó kết thúc dòng tweet với hashtag “#StandWithUkraine.” – “Ủng hộ Ukraine”.
“Đài Loan lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Ukraine của Nga và khuyến khích tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp của họ một cách hợp lý & hòa bình,” Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã viết một tweet vào ngày 23 tháng 2, trước khi cuộc xâm lược quy mô lớn bắt đầu.
Lập trường đó là kết quả của cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi tắt là NSC, được tổ chức vào ngày 23 tháng 2. Theo bản tóm tắt cuộc họp NSC của người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Xavier Chang cho biết “Chính phủ của chúng tôi lên án sự xâm phạm của Nga đối với chủ quyền của Ukraine – hành vi xâm phạm đã dẫn đến gia tăng căng thẳng đối với Biên giới Nga-Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục làm việc hòa bình, hướng tới một giải pháp hợp lý cho tranh chấp để cùng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Đài Loan, cùng với các đồng minh và đối tác thân cận khác của Mỹ, đang xem xét các biện pháp trừng phạt có thể có để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược của mình. Theo tờ Thời báo Đài Bắc, Bộ Kinh tế đang xem xét các phương án trừng phạt, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn.
Tuy nhiên, hơn cả những tác động quốc tế, NSC đã thảo luận về khả năng cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Loan theo ba cách: về mặt thể lý, thông qua khả năng hành động quân sự ở eo biển Đài Loan, về mặt tâm lý, thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch và “chiến tranh tâm lý”; và về mặt kinh tế, thông qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thị trường chứng khoán và giá cả hàng hóa.
Một số nhà phân tích đưa ra kịch bản xấu nhất là Trung Quốc có thể sử dụng sự hỗn loạn và mất tập trung do Nga xâm lược Ukraine để cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Điều đáng chú ý là không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc tập trung quân đội ở bờ biển phía đông nhằm tiến hành bất kỳ hành động quân sự quy mô lớn nào. Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Thái Anh Văn đã tìm cách trấn an người dân của mình, và thế giới nói chung, rằng họ đang theo dõi cẩn thận tình hình ở eo biển Đài Loan trong khi bom của Nga rơi xuống Ukraine.
“Các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta luôn quan tâm đến tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung”, bản tóm tắt cuộc họp của NSC cho biết. “Tuy nhiên, các cơ quan an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta phải tăng cường nỗ lực theo dõi và đưa ra cảnh báo sớm về các diễn biến quân sự ở eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh…”
Chính quyền tổng thống Thái Anh Văn muốn báo hiệu rằng họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, nhưng tuyên bố của họ không cho thấy mối quan ngại ngay lập tức về hành động quân sự.
Một mối đe dọa có thể xảy ra hơn là khả năng Trung Quốc cố gắng sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để truyền bá thông tin sai lệch và gây ra sự bi quan về tương lai của Đài Loan. Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài thực hiện các chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch nhắm vào Đài Loan – đôi khi với mục tiêu cụ thể là thu hút sự ủng hộ của công chúng trước cuộc bầu cử, nhưng đôi khi với mục đích chung chung hơn là gieo rắc sự chia rẽ và bất mãn chính trị.
Chính phủ Đài Loan dự đoán một chiến dịch tương tự sẽ xảy ra khi Trung Quốc tìm cách khai thác cuộc khủng hoảng Ukraine. Diễn biến cuộc họp của NSC đã nhấn mạnh rằng Đài Loan và Ukraine không giống nhau: “Xét về các yếu tố địa chiến lược, địa lý và tầm quan trọng của vai trò của chúng ta trong chuỗi cung ứng quốc tế, tình hình ở Đài Loan và Ukraine về cơ bản là khác nhau”. Như thế rõ ràng là, tài liệu này lưu ý khả năng cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến “tinh thần của người dân Đài Loan”.
Bản tuyên bố nói: “Các cơ quan chính phủ của chúng ta phải tăng cường cảnh giác chống lại cuộc chiến tranh nhận thức từ các thế lực bên ngoài cũng như các cộng tác viên địa phương của họ, và phải tăng cường nỗ lực làm rõ thông tin sai lệch để bảo đảm sự ổn định xã hội trong nước của Đài Loan”.
Cuối cùng, chính phủ Đài Loan cũng chia sẻ mối quan ngại tương tự với nhiều quốc gia Á Châu bị hạn chế về tài nguyên về khả năng cuộc xung đột Ukraine làm tăng giá, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Đài Loan phụ thuộc vào Nga với khoảng 17% nhập khẩu than và 14% nhập khẩu khí đốt.
Tại cuộc họp của NSC, tổng thống Thái Anh Văn đã chỉ đạo chính quyền của mình “tiếp tục phản ứng với các diễn biến kinh tế đồng thời bảo đảm sự ổn định của nguồn cung hàng hóa, giá cả hàng hóa và thị trường chứng khoán và ngoại hối của chúng ta.”
Bản tóm tắt cuộc họp của NSC nêu rõ rằng trong khi chính phủ Đài Loan muốn chuẩn bị cho tình huống quân sự, họ vẫn để mắt đến các tác động trực tiếp khác từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chúng ta không nên để khả năng xa vời rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc xâm lược bắt chước Nga làm lu mờ khả năng cao hơn rất nhiều, và thực tế hơn mà cuộc chiến ở Ukraine sẽ tác động đến Đài Loan. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, bao gồm cả Đài Loan.
Source:The Diplomat
4. Thái độ thù địch của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn giữ một thái độ thù địch chống lại Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trước khi xảy ra vụ Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập Ukraine, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã thường xuyên lên tiếng đòi hỏi rằng các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo toàn thế giới phải đưa ra thảo luận tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương hiệp thông với Tòa Thánh. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi đó là điều kiện tiên quyết, miễn bàn cãi, nếu muốn tòa này tham dự các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo.
Tuy nhiên, trong một phản ứng ngược lại, Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople đã đưa ra một tuyên bố rất thân thiện đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và cám ơn vì sự hỗ trợ cho cuộc họp Liên Chính Thống Giáo gần đây ở Crete.
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã phàn nàn rằng trong nhiều năm qua từ sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Đông Âu, Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, đã tăng gấp đôi dân số. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã dùng tình cảm dân tộc và thái độ bài Nga để kích động tâm tình thù địch đối với Chính Thống Giáo Hội Ukraine liên minh với Mạc Tư Khoa.
Tuyên bố từ Mạc Tư Khoa ám chỉ một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng “Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa thường được sử dụng như một công cụ trong tay của kẻ xâm lược”. Đức Tổng Giám Mục thường lên án sự hỗ trợ mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dành cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng thái độ thù địch của Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã tạo ra một tình trạng “khẩn cấp” mà cuộc họp tiếp theo của các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo trên thế giới nhất thiết phải đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô của Constantinople đã gửi một thông điệp cảm ơn đến Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vì sự hỗ trợ của ngài cho cuộc họp Liên Chính Thống Giáo hồi tháng Sáu vừa qua ở Crete
Đáng chú ý, là tuyên bố từ Constantinople được gởi cho “Đức Thượng Phụ” Shevchuk, một danh xưng mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa thẳng thừng bác bỏ và chính Tòa Thánh cũng không dám gọi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bằng danh xưng ấy. Danh xưng chính thức Tòa Thánh dùng là Major Archbishop, nghĩa là, “Đức Tổng Giám Mục Trưởng”.
Trong thông điệp của ngài, Đức Thượng Phụ Barthôlômêô hứa cầu nguyện cho “hòa bình và ổn định tại Ukraine.” Ngài cũng mạnh mẽ nêu rõ rằng sự thù địch mà Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa dành cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine không được chia sẻ bởi các Giáo Hội chính thống khác.
Đức Thượng Phụ Đại kết viết:
“Chúng tôi có thể bảo đảm với Đức Thượng Phụ rằng lập trường đối thoại với các Giáo Hội chị em của chúng tôi đã được hỗ trợ áp đảo trong các phiên họp công đồng và được ghi nhận trong các tài liệu chính thức. Điều này, theo ý kiến của chúng tôi, chắc chắn là rất quan trọng cho những chứng tá đáng tin cậy và nhất quán cho Tin Mừng trong một thế giới và một thời đại gặp quá nhiều khó khăn của chúng ta.”
5. Thật là quá đáng: Putin viện lý do tôn giáo để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine
Kiev đang tiếp tục quấy rối giáo dân và giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lập trường trên hôm 21 tháng Hai.
“Kiev đang tiếp tục chuẩn bị một cuộc đàn áp đối với Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa,” ông nói trong một bài phát biểu trước quốc dân Nga.
Ông Putin lưu ý rằng đây không phải là một đánh giá cảm tính mà là một đánh giá dựa trên tài liệu.
Ông nói tiếp rằng:
“Các nhà chức trách Ukraine đã biến thảm kịch Giáo Hội bị chia cắt thành một công cụ của chính sách nhà nước. Lãnh đạo hiện tại của đất nước không đáp ứng yêu cầu của công dân Ukraine về việc bãi bỏ các luật xâm phạm quyền của các tín đồ”.
“Hơn nữa, các dự luật mới chống lại các giáo sĩ và hàng triệu giáo dân của Giáo hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã được đưa ra Quốc Hội Ukraine bàn thảo.”
Diễn biến này thật là quá đáng. Nó là dấu chỉ phản chứng cho niềm tin Kitô. Ông Putin tự xưng mình là Kitô Hữu nhưng lại xuyên tạc một sự thật tôn giáo để biện minh cho hành vi hiếu chiến của mình.
Trước ngày 5 tháng Giêng, 2019, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kiev và Toàn Ukraine.
Sau biến cố này, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa liên tục tấn công Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và các vị Thượng Phụ Chính Thống Giáo ủng hộ cho Giáo Hội Chính Thống Ukraine.
Đức Thượng Phụ Kirill cấm không cho các linh mục Chính Thống Giáo Nga hiệp thông thánh thể với các Giáo Hội Chính Thống Giáo ủng hộ Ukraine, và thời gian gần đây còn săn trộm các linh mục của họ và thiết lập Tòa Thượng Phụ Phi Châu ngay trên lãnh thổ của Tòa Thượng Phụ Alexandria.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Hai, Đức Thánh Cha nói: “Thật đáng buồn biết bao, khi có những dân tộc và con người tự hào là Kitô lại coi người khác là kẻ thù và nghĩ đến chuyện gây chiến với nhau! Thật đáng buồn.” Đó là một tham chiếu rõ rệt đến Putin, nước Nga và Chính Thống Giáo Nga.
Source:Interfax
6. Lãnh đạo Hội đồng Giám mục Công Giáo Ba Lan kêu gọi người dân mở rộng ‘trái tim cởi mở và hiếu khách’ đối với những người tị nạn từ Ukraine
Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo của Ba Lan đã kêu gọi người Ba Lan thể hiện “trái tim cởi mở và hiếu khách” với những người tị nạn từ Ukraine trong trường hợp có thêm các hành động quân sự.
Trong một thông điệp ngày 21 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki than thở về sự leo thang căng thẳng ở Ukraine, bao gồm cả vụ pháo kích được báo cáo vào một trường mẫu giáo ở vùng Đông Nam Donbass.
“Trong hoàn cảnh này… tôi kêu gọi đồng bào hãy có trái tim rộng mở và hiếu khách đối với những người tị nạn từ Ukraine, những người muốn tìm nơi trú ẩn chiến tranh ở Ba Lan”
“Mọi người đều có quyền được sống trong hòa bình và an ninh. Mọi người có quyền tìm kiếm cho mình và người thân những điều kiện bảo đảm cuộc sống an toàn”.
Lời kêu gọi này là thông điệp mới nhất trong một loạt các biện pháp can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan.
Tháng trước, ngài là một trong những người ký thông điệp chung với các giám mục Công Giáo ở Ukraine và Ba Lan, trong đó nhấn mạnh rằng căng thẳng gia tăng với Nga gây ra “một mối nguy lớn” cho toàn bộ Âu Châu.
Vào ngày 12 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã kêu gọi các linh mục trên khắp Ba Lan cử hành các buổi cầu nguyện cho hòa bình.
Hai ngày sau, ngài kêu gọi các giám mục Chính thống giáo và Công Giáo của Nga và Ukraine đoàn kết cầu nguyện với Ba Lan để ngăn chặn một cuộc chiến quy mô lớn.
Tòa Bạch Ốc cho biết vào tối Chúa Nhật rằng Tổng thống Joe Biden đã đồng ý “về nguyên tắc” tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ba Lan là một quốc gia Trung Âu với dân số gần 38 triệu người có biên giới với cả Nga và Ukraine. Ước tính có khoảng hai triệu người Ukraine hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan.
Các quan chức Ba Lan tin rằng có tới một triệu người Ukraine, trong tổng dân số 44 triệu người, có thể tị nạn ở Ba Lan trong trường hợp bị Nga xâm lược toàn diện.
Đức Tổng Giám Mục Gądecki nói: “Lịch sử của Ba Lan cho thấy trong nhiều thế kỷ, quê hương của chúng ta là nơi ẩn náu của những người tôn trọng văn hóa và luật pháp Ba Lan, đã chạy trốn khỏi sự ngược đãi và thù hận”.
“Trong những năm gần đây, Ba Lan đã mở cửa cho những người mới đến từ Ukraine, những người sống giữa chúng ta, làm việc với chúng ta, cầu nguyện trong các nhà thờ Ba Lan và học tại các trường học ở Ba Lan.”
“ Mong lòng hiếu khách của chúng ta đối với người tị nạn được thể hiện cụ thể trong sự hỗ trợ mà chúng ta muốn cung cấp cho họ với sự giúp đỡ của các tổ chức bác ái của chúng ta – như Caritas Ba Lan, Caritas giáo phận và giáo xứ, và các hiệp hội khác.”
Đức Tổng Giám Mục nói rằng Caritas Ba Lan, tổ chức bác ái lớn nhất của đất nước, đang chuẩn bị hỗ trợ thêm cho những người tị nạn từ Ukraine.
Trong khi đó, Đại học Công Giáo Gioan Phaolô II Lublin, gọi tắt là KUL, ở miền đông Ba Lan, cho biết hôm thứ Hai rằng họ sẽ cung cấp cho sinh viên Ukraine mọi sự trợ giúp có thể.
“Đối với tình hình hiện tại ở biên giới Ukraine-Nga và những mối đe dọa nghiêm trọng mà tình hình này gây ra, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với người dân Ukraine,” Hiệu trưởng KUL cho biết trong một tuyên bố ngày 21 tháng Hai.
“Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt tới hàng trăm sinh viên KUL từ Ukraine. Chúng tôi bảo đảm với bạn rằng trường đại học của chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ anh chị em bằng mọi cách mà chúng tôi có thể.”
Source:Catholic News Agency
7. Ngỡ ngàng: Hai thành viên trong Học viện Giáo hoàng về sự sống lại ủng hộ luật trợ tử
Tờ National Catholic Register vừa có bài viết nhan đề “Pontifical Academy for Life Members’ Support for Assisted Suicide Draws Criticism” nghĩa là “Sự ủng hộ của các thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống gây ra chỉ trích”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Đức Hồng Y Willem Eijk, một bác sĩ y khoa và là một thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống, kiên quyết bác bỏ sự ủng hộ này, và cho rằng trợ tử và an tử đều chịu ‘trách nhiệm đạo đức như nhau’ trong việc thực hiện một vụ giết người.
Hai thành viên của Học Viện Giáo Hoàng Về Sự Sống của Vatican đã bị chỉ trích vì công khai kêu gọi ủng hộ việc trợ tử như một chiến thuật nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa hành vi chết tự nguyện ở Ý.
Linh mục Dòng Tên Carlo Casalone, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Giáo hoàng Gregôriô, đã đề xuất một đường lối, mà các nhà phê bình nhấn mạnh là hoàn toàn mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội, trong một bài báo ngày 15 tháng Giêng trên tờ La Civilta Cattolica, nghĩa là Văn Minh Kitô, của Dòng Tên – một tạp chí có các bài báo đã được Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh duyệt xét.
Quan điểm của vị linh mục này được ủng hộ bởi thành viên học viện Marie-Jo Thiel, giáo sư đạo đức học tại Đại học Strasbourg, là người đã viết trên tờ Le Monde của Pháp vào ngày 31 tháng Giêng rằng gợi ý của Cha Casalone là một dấu hiệu của một sự thay đổi lớn hơn trong quan điểm của Giáo hội.
Cha Casalone, một bác sĩ cũng là người đứng đầu Tổ chức Hồng Y Carlo Martini, đã viết bài báo của mình trước khi Tòa án Hiến pháp Ý đưa ra quyết định về việc nước này có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về trợ tử tự nguyện hay không.
Tòa án đã hợp pháp hóa hỗ trợ tự tử trong những điều kiện rất cụ thể và được xác định rõ ràng vào năm 2019, nhưng điều đó đã dẫn đến việc các nhà vận động ủng hộ hành vi trợ tử thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về trợ tử tự nguyện.
Chiến dịch vận động của họ đã kết thúc tại Tòa án Hiến pháp trong tháng này, với sự ủng hộ của 1.2 triệu chữ ký từ những người ủng hộ quyền trợ tử, vượt xa con số 500,000 cần thiết để tổ chức một cuộc phổ thông đầu phiếu sửa đổi các luật hiện hành.
Nhưng tòa án đã bác bỏ yêu sách này vào ngày 15 tháng 2, phán quyết rằng một cuộc trưng cầu dân ý là “không thể chấp nhận được” và cho rằng sự thay đổi trong luật hình sự của đất nước để cho phép trợ tử tự nguyện sẽ không bảo đảm “sự bảo vệ tối thiểu cần thiết theo hiến pháp đối với cuộc sống con người nói chung và cách riêng khi đề cập đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương”.
Tự sát được hỗ trợ về mặt y tế liên quan đến việc một người mắc bệnh gần kề cái chết hoặc bệnh nan y muốn kết thúc cuộc sống của họ theo yêu cầu của chính họ bằng một liều thuốc gây chết người; luật trợ tử tự nguyện cho phép các bác sĩ giết một cách hợp pháp một bệnh nhân mắc bệnh nan y và đau đớn hoặc trong tình trạng hôn mê không thể hồi phục, với sự đồng ý của bệnh nhân.
Cha Casalone lập luận trong bài báo của mình rằng việc đưa ra “đánh giá tiêu cực tổng thể” về luật kêu gọi cho phép trợ tử tự nguyện sẽ có nguy cơ “ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý” và mục đích hợp pháp hóa điều đó của cuộc trưng cầu dân ý.
Do đó, ông đề nghị viện dẫn nguyên tắc “luật không hoàn hảo”, theo đó, trong một số trường hợp, một chính trị gia Công Giáo có thể bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật hạn chế một đạo luật đã được thông qua trái với giáo huấn của Giáo hội, chẳng hạn như bỏ phiếu để giảm thời gian cho phép phá thai từ 24 xuống còn 16 tuần.
Trong trường hợp này, ông tin rằng nguyên tắc đó có thể áp dụng cho việc ủng hộ trợ tử tự nguyện, với mục đích là giảm bớt tội ác, để ngăn chặn tệ nạn lớn hơn là an tử tự nguyện – một gợi ý dường như cũng nhận được sự đồng cảm nào đó từ chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, là Đức Ông Renzo Pegoraro.
“Chúng ta đang ở trong một bối cảnh cụ thể, với một sự lựa chọn được đưa ra giữa hai lựa chọn, cả hai lựa chọn – trợ tử hay an tử – đều không đại diện cho quan điểm của Công Giáo,” Đức Ông Pegoraro nói với tờ báo Công Giáo Pháp Le Croix, và nói thêm rằng ngài tin rằng một luật nào đó là một chung cuộc không thể tránh khỏi.
Đức Ông Pegoraro, cũng là một bác sĩ, nói rằng, trong hai khả năng, “trợ tử là phương pháp hạn chế lạm dụng nhất vì nó sẽ đi kèm với bốn điều kiện nghiêm ngặt: người yêu cầu giúp đỡ phải có ý thức và có thể tự do bày tỏ điều đó, phải mắc một căn bệnh không thể hồi phục, phải trải qua những đau khổ không thể chịu đựng được và phụ thuộc vào các phương pháp điều trị duy trì sự sống chẳng hạn như một chiếc máy thở”.
Nhưng Đức Hồng Y Willem Eijk, cũng là một bác sĩ y khoa có bằng cấp và là thành viên của học viện, đã kiên quyết bác bỏ đề nghị và lập luận của Cha Casalone.
Vị Hồng Y tổng giám mục của Utrecht ở Hà Lan lập luận rằng “không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức” giữa tự tử được hỗ trợ về mặt y tế và hành vi an tử, “không phải từ phía bệnh nhân cũng không phải từ phía bác sĩ,” vì cả hai đều chịu “trách nhiệm đạo đức giống nhau” trong việc thực hiện một vụ giết người.
Vị Hồng Y nói với National Catholic Register rằng, khi cho phép trợ tử, “người ta bị ràng buộc để cũng cho phép hành vi an tử,” và do đó lập luận rằng bằng cách cho phép luật trợ tử, người ta có thể ngăn cản luật an tử “không có ý nghĩa gì”.
“Người ta sẽ đơn giản và tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử, bởi vì sự khác biệt về đạo đức giữa cả hai là không đáng kể,” ngài nói.
Đức Hồng Y Eijk cũng bác bỏ lập luận “luật không hoàn hảo”, nói rằng nó đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu ra trong thông điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng Sự Sống (số 73) của ngài trong bối cảnh hạn chế phá thai. Nhưng vị Hồng Y nói rằng “bỏ phiếu cho một đạo luật trợ tử bằng y khoa không hề dẫn đến hạn chế hợp pháp hóa an tử.”
Ngài nói: “Ngược lại, hợp pháp hóa trợ tử bằng y khoa tự động mở đường cho việc hợp pháp hóa an tử như một bước hợp lý tiếp theo, vì không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức giữa trợ tử bằng y khoa và an tử”.
Jacopo Coghe, phó chủ tịch của nhóm ủng hộ sự sống của Ý Pro Vita & Famiglia Onlus, đồng ý rằng “thật là vô luân khi ủng hộ luật về an tử hay trợ tử. Chấm hết.”
Ông nói thêm rằng những người nghĩ khác “đi ngược lại những cảnh báo được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha Phanxicô và Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.” Coghe cũng nói với tờ National Catholic Register rằng lập luận do Cha Casalone đưa ra là một “đường lối ảo tưởng” sẽ không thể “chịu được áp lực xã hội hoặc sự can thiệp của tư pháp”, như đã từng được chứng kiến với các đạo luật tương tự khác.
Coghe nói, đường lối hành động chính xác là “luôn luôn truyền giáo,” công bố tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới, “điều này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và luôn làm cho nó trở nên xứng đáng”. Ông nói thêm rằng “sự cấp bách của Giáo hội” không phải là “liệu có nên làm hay làm cách nào để thông qua luật hỗ trợ tự tử, mà là giúp hàng triệu người không có kiến thức, bị lừa dối và các tín hữu lầm đường lạc lối đương đầu với thời thế thay đổi và những khủng hoảng mà họ phải đối mặt”.
Jean-Marie Le Méné, chủ tịch của Lejeune Foundation, cho biết những tuyên bố công khai của Cha Casalone và Thiel ủng hộ việc lập pháp cho việc hỗ trợ tự tử đã “làm phiền” các thành viên khác của học viện. Tổ chức được đặt theo tên của Jérôme Lejeune, chủ tịch sáng lập của học viện.
Le Méné, cũng là một thành viên của viện hàn lâm, đã chỉ trích hai thành viên đồng nghiệp của mình trong một bài bình luận trên nhật báo Le Figaro của Pháp, nói rằng “mọi người bày tỏ quan điểm cá nhân là một việc; hoàn toàn khác là sử dụng các vị trí của họ để chính thức liên lụy Học viện Giáo hoàng về Sự sống”. Hơn nữa, ông nói rằng các thành viên khác cũng không hề được hỏi ý kiến, vì học viện không thể ủng hộ những quan điểm trái với huấn quyền của Giáo Hội.
Ông cũng lặp lại việc Hồng Y Eijk bác bỏ việc áp dụng số 73 của thông điệp Tin Mừng Sự Sống trong trường hợp này, vì ông nói rằng đó sẽ là vấn đề “cố tình ban hành một luật độc ác để tránh một điều luật khác trong tương lai, có thể tệ hơn.”
Ông cảnh báo: “Luật mà họ có ý định tránh sẽ được thông qua nhanh hơn. “Không có gì và sẽ không ai ngăn cản việc kéo dài sự vi phạm ban đầu, điều này khiến cho y khoa dẫn đến cái chết”.
Trong những bình luận với tờ Register, Le Méné nói rằng “không có lý do gì để nghĩ rằng giáo lý này có thể được thay đổi” và rằng việc cấm giết người “phần lớn có từ trước Kitô giáo; là một vấn đề của đạo đức tự nhiên”. Ông nói, bỏ phiếu cho một đạo luật vô luân, “không bao giờ có thể là sự lựa chọn của một Kitô hữu,” và nếu học viện “rơi vào bẫy của sự ác ít hơn [điều đó] sẽ khiến nó mất đi lý lẽ của mình.”
Le Méné cũng chỉ trích Thiel vì đã tuyên bố công khai trong bài báo của mình rằng cô là thành viên của học viện. Các thành viên của Học viện bị ràng buộc bởi các quy chế của nó, cụ thể là điều 5 §5 (b), trong đó quy định rằng các viện sĩ phải “cam kết thúc đẩy và bảo vệ các nguyên tắc liên quan đến giá trị cuộc sống và phẩm giá của con người, được giải thích theo cách phù hợp với huấn quyền của Giáo hội”.
Le Méné cho biết ủng hộ luật trợ tử “là một sự rời bỏ” khỏi tập quán đó.
Le Méné nói rằng những sự cố như vậy có thể tránh được nếu có sự cộng tác nhiều hơn giữa các viện sĩ và các quyết định cùng nhau đưa ra quyết định về tác phẩm nào là “đáng được xuất bản và tác phẩm nào không”.
National Catholic Register đã hỏi Học viện Giáo hoàng về Sự sống nếu họ muốn bình luận về sự vi phạm rõ ràng các quy chế của học viện và liệu có hành động nào để ngăn chặn những tuyên bố đó trong tương lai hay không, nhưng họ đã không trả lời.
Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 2, học viện “nhiệt liệt hoan nghênh [d]” quyết định của Tòa án Hiến pháp vào ngày 15 tháng 2, nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý “sẽ mở ra con đường cho an tử.” Học viện cũng nêu rõ quan điểm “nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, tái khẳng định giá trị và sự tôn trọng đối với cuộc sống của mỗi con người, phản đối tự sát, do đó cũng phản đối trợ tử, như được nhắc lại nhiều lần bởi Đức Giáo Hoàng.”
Le Méné nói với tờ Register ngày 18 tháng 2 rằng ông ca ngợi quyết định của thẩm phán, và nói thêm rằng ông không nghĩ rằng tòa án “cần bài báo của Cha Casalone để hiểu rằng cuộc trưng cầu dân ý về vụ giết người muốn chết là điên rồ và nó nên bị bác bỏ.”
Nhưng ông nói thêm rằng, trong trường hợp không có cuộc trưng cầu dân ý, quốc hội vẫn sẽ cố gắng thông qua luật này, và bài báo của Cha Casalone “đưa ra lời biện minh để nó được thông qua”.
Source:National Catholic Register