Trung Quốc: Phong chức linh mục cho giáo phận ma

1. Trung Quốc: Phong chức linh mục cho giáo phận ma: Tâm thần, tệ nạn xã hội cũng được thụ phong

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Cha Tổng Đại Diện giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua, 宣化) đã lên tiếng tố cáo việc phong chức linh mục cho một giáo phận ma, không hề có trên bản đồ của Giáo Hội Công Giáo.

Trung Quốc: Phong chức linh mục cho giáo phận ma

Tuyên Hóa, cách Bắc Kinh 180 km về phía tây bắc, là một thành phố có lịch sử lâu dài và có vị trí quân sự quan trọng.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 14 tháng 5, Cha Tổng Đại Diện Simon Trương Kiến Lâm (Zhang Jianlin, 张建林) cho biết cái gọi là “giáo phận Trương Gia Khẩu” là “một giáo phận bất hợp pháp, không được Tòa Thánh công nhận”. Vị tổng đại diện giáo phận Tuyên Hoá nói rằng lễ truyền chức linh mục diễn ra vào ngày 11 tháng 5 vừa qua là “bất hợp pháp” và không thể được Giáo hội công nhận.

Bình tĩnh trích dẫn từng chữ của Bộ Giáo luật, Cha Trương Kiến Lâm cho biết bọn cầm quyền Trung Quốc đã hình thành nên cái gọi là giáo phận Trương Gia Khẩu chồng lên giáo phận Tuyên Hóa, trong mưu toan lũng đoạn Giáo Hội địa phương.

Cha Trương Kiến Lâm thẳng thắn chỉ ra rằng Giám Mục quốc doanh Quách Kim Tài (Guo Jincai, 郭金才) là một giám mục được tấn phong trái phép, trước đây đã bị vạ tuyệt thông, nhưng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hòa giải với Giáo hội, đã hành động trái với giáo luật Công Giáo và trái với tình Hiệp thông Giáo hội.

Thật vậy, giám mục bản quyền của giáo phận Tuyên Hóa là Đức Cha Augustinô Thôi Thái. Ngài là người duy nhất có quyền phong chức cho các linh mục tại Tuyên Hóa. Đức Cha Thôi Thái sinh năm 1950, được thụ phong linh mục vào năm 1990. Ngày 7 tháng Tư, 2013 ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phó với ý định kế vị Đức Cha Tôma Triệu Khắc Huân (Zhao Ke-xun, 趙克勛)cai quản giáo phận Tuyên Hoá. Đức Cha Tôma Triệu Khắc Huân năm nay đã 91 tuổi, và sau nhiều năm vào tù ra khám, lại phải sống trong tình trạng bị quản thúc.

Ngay từ trước khi được bổ nhiệm Giám Mục, cụ thể là từ năm 2007, Đức Cha Thôi Thái đã liên tục bị bọn cầm quyền sách nhiễu. Tuy chưa bao giờ bị đưa ra xét xử, ngài không ngừng bị bắt, giam giữ trái phép, đôi khi ngài bị nhốt trong những trung tâm giam giữ bí mật; hoặc nhẹ nhất là bị quản thúc tại gia.

Hôm 19 tháng Sáu năm ngoái, 2020, vào ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, công an Trung Quốc đã đến nhà bắt Đức Cha Thôi Thái đi biệt tích. Cho đến nay, không ai biết chúng giam giữ ngài tại đâu.

Giám Mục quốc doanh Quách Kim Tài đã lợi dụng tình cảnh này của giáo phận Tuyên Hóa để tiến hành sắc phong cho những người đã xuất khỏi các chủng viện khác, và cả những người bị rối loạn tâm thần và đạo đức, cũng như những thành phần được coi là tệ nạn xã hội.

Việc tiến hành phong chức ồ ạt trong những ngày này là nhằm hình thành nên giáo phận ma Trương Gia Khẩu. Linh mục quốc doanh Vương Chân Quý (Wang Zhengui, 王振贵) được báo cáo sẽ được tấn phong “Giám Mục tiên khởi” của giáo phận ma Trương Gia Khẩu.

Theo các nguồn tin ở địa phương, Linh mục quốc doanh Vương Chân Quý được giao nhiệm vụ chuẩn bị một cộng đồng linh mục lớn trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sắp tới, cũng sẽ diễn ra tại Trương Gia Khẩu.

Giám Mục quốc doanh Quách Kim Tài đã thể hiện mối quan tâm lớn đối với việc tuân theo các lệnh truyền của chính phủ hơn là của Giáo hội, phớt lờ mối quan hệ với các giám mục Tuyên Hóa, là những người được Tòa thánh công nhận, nhưng bị Đảng coi là những tên “tội phạm”.


Source:Asia News

2. Hàng trăm giáo sĩ Hồi giáo đã bị giam giữ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng trong bối cảnh các nỗ lực gọi là “cải tạo” lan rộng ở một khu vực của Trung Quốc – nơi mà Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đã xác định là nơi xảy ra tội ác diệt chủng – hàng trăm giáo sĩ Hồi giáo đã bị bắt giữ vì nghi ngờ theo “chủ nghĩa cực đoan”, mặc dù có rất ít bằng chứng về bất kỳ hành vi nào khác ngoài những hành vi thông thường của một imam.

Ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong hàng trăm “trại cải tạo” ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Bên trong các trại, người Duy Ngô Nhĩ được cho là phải chịu lao động cưỡng bức, tra tấn và tuyên truyền chính trị. Bên ngoài các trại, người Duy Ngô Nhĩ bị theo dõi bởi lực lượng cảnh sát đông đảo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Trung Quốc đã nhiều lần gán ghép các hoạt động văn hóa và tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Chính phủ đã có lúc phủ nhận các trại này không tồn tại, nhưng sau đó đã quay sang bảo vệ các hành động của mình như một phản ứng hợp lý đối với mối đe dọa an ninh quốc gia.

BBC gần đây đã trích dẫn một nghiên cứu mới cho thấy Trung Quốc đã giam giữ hơn 600 imams và các nhân vật tôn giáo Hồi giáo khác trong khu vực kể từ năm 2014. Số lượng án tù đã tăng đáng kể kể từ năm 2017, với ít nhất 200,000 người vào tù trong 2 năm 2017-2018.

Theo nghiên cứu từ Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, ít nhất một nửa trong số 630 giáo sĩ được xác nhận là đã bị giam giữ đã bị kết án tù ít nhất 5 năm.

Người Duy Ngô Nhĩ có thể bị bắt và giam giữ theo luật chống khủng bố mơ hồ của Trung Quốc.

Một báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Australia cho thấy hơn 15,000 nhà thờ Hồi giáo đã bị hư hại hoặc phá bỏ trong khu vực kể từ năm 2018.

Cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Tân Cương cũng bao gồm việc ép buộc các phụ nữ phải lắp dụng cụ tránh thai, thậm chí phải phá thai và triệt sản.

Báo cáo gần đây từ New York Times ghi lại hàng chục cáo buộc từ những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, những người nói rằng họ bị giới chức gây sức ép buộc phải phá thai, triệt sản hoặc chấp nhận các biện pháp tránh thai.

Tỷ lệ sinh trong khu vực đã giảm mạnh. Vào tháng 9 năm 2020, chính quyền Tân Cương thừa nhận rằng tỷ lệ sinh ở đó đã giảm gần một phần ba trong năm 2018, phần lớn nguyên nhân là do “thực hiện tốt hơn chính sách kế hoạch hóa gia đình”.


Source:Catholic News Agency

3. Linh mục chủ sự Thánh lễ nhậm chức ở Biden đã phải từ chức

Cha Kevin O’Brien, Hiệu trưởng Đại học Santa Clara, đã có những hành vi không phù hợp trong bữa ăn tối không chính thức với các sinh viên tốt nghiệp. Tỉnh Dòng Tên địa phương đã ra phán quyết như trên dẫn đến việc Cha O’Brien thông báo rằng ngài sẽ từ chức hiệu trưởng trường Đại học Dòng Tên ở California. Ngài đã tham gia một chương trình ngoại trú để giải quyết các vấn đề cá nhân bao gồm nghiện rượu và căng thẳng.

Cha O’Brien là hiệu trưởng trường Đại học Santa Clara ở khu vực San Jose từ năm 2019. Ngài chủ sự Thánh lễ một ngày trước khi nhậm chức của ông Joe Biden ngày 20 tháng Giêng tại Nhà thờ Thánh Matthêu ở Washington DC. Theo báo cáo, vị linh mục đã biết gia đình Biden ít nhất 15 năm, kể từ khi còn phục vụ tại Đại học Georgetown. Cha O’Brien trước đây đã chủ trì một thánh lễ cho Biden và gia đình ông ta trong cả hai năm 2009 và 2013, khi Biden tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống.

John M. Sobrato, chủ tịch hội đồng quản trị của trường Đại học Santa Clara, cho biết trong một thông báo ngày 12 tháng 5 rằng một cuộc điều tra độc lập được tiến hành thay mặt cho Dòng Tên ở Miền Tây Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng Cha O’Brien “có những hành vi, chủ yếu xảy ra giữa các cuộc trò chuyện, trong một loạt các bữa ăn tối thân mật với các sinh viên tốt nghiệp, những hành vi này không phù hợp với các giao thức và ranh giới của Dòng Tên đã được thiết lập”.

Sobrato cho biết Cha O’Brien đã thông báo với các ủy viên về ý định từ chức của ngài vào ngày 9 tháng 5 và hội đồng quản trị đã chấp nhận đơn từ chức của ngài vào ngày 10 tháng 5. Hội đồng quản trị sẽ ngay lập tức bắt đầu quá trình tìm kiếm người kế nhiệm ông, Sobrato nói.


Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục Cordileone trả lời thử thách của Pelosi

Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã phản hồi gay gắt với chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Bà ta nói rằng rất hài lòng với quan điểm của Vatican về vấn đề rước lễ của các chính trị gia ủng hộ phá thai. Cách nói của bà Pelosi là nhằm tạo ra hiểu nhầm như thể giờ đây Tòa Thánh đã chấp nhận hành động phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone chỉ ra rằng Đức Hồng Y Luis Ladaria, mà bà Pelosi trích dẫn, đã khuyến khích các giám mục Hoa Kỳ tuân theo hướng dẫn nêu trong một lá thư năm 2004 của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, theo đó các chính trị gia kiên trì ủng hộ việc phá thai không nên rước lễ. Đức Tổng Giám Mục nói: “Chính vì lý do này mà tôi rất vui khi biết rằng chủ tịch Hạ Viện Pelosi nói rằng bà ấy “rất hài lòng với lá thư của Vatican”. Ngài nói thêm rằng bình luận công khai của Pelosi “làm dấy lên hy vọng rằng có thể đạt được tiến bộ trong vấn đề nghiêm trọng nhất này”.

Phản hồi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone, được ban hành vào ngày 17 tháng 5, rõ ràng là một thách thức khác đối với Pelosi, người chắc chắn không có ý định bày tỏ sự ủng hộ của bà ta đối với quan điểm mà Đức Hồng Y Ratzinger đưa ra vào năm 2004. Bà chủ tịch thường nói rằng bà ta sẽ “sử dụng sự phán xét của riêng tôi” về việc có nên rước lễ hay không. Như Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã chỉ ra, lá thư Ratzinger nói rằng nếu một người Công Giáo nổi tiếng từ chối lời khuyên của giám mục, “vị giám mục phải tuyên bố rằng cá nhân đó không được rước lễ”.

Đầu tháng này, tổng giám mục đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ, đòi phải có các kỷ luật về giáo luật đối với các chính trị gia như Pelosi. Bà ta là thuộc tổng giáo phận của ngài. Ngài nói: “Tôi run sợ rằng nếu tôi không thẳng thắn thách thức những người Công Giáo dưới quyền chăm sóc mục vụ của tôi, những người chủ trương phá thai, cả tôi và họ sẽ phải trả lời với Chúa về máu những người vô tội”.


Source:Catholic World News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *