Chúa Nhật 14/05/2017, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, trở thành vị tổng thống thứ 8 của đệ Ngũ Cộng hòa Pháp. Cha ông là xếp nhà ga và mẹ là hiệu trường một trường cấp 2. Năm 1994, cậu Emmanuel được giải thưởng trung học toàn quốc về môn Pháp văn. Cậu học trường Providence của các cha dòng Tên ở Amiens. Sau đó là cấp 3 tại trường trung học nổi tiếng Henri IV (quận 5 Paris), đậu Tú tài ban Toán hạng Tối Ưu. Cậu đậu Cao học và bằng DEA Triết học tại Đại học Nanterre. Từ 1999 đến 2001, Emmanuel làm việc với triết gia Paul Ricœur và là biên tập viên tạp chí Công Giáo Esprit. Tạp chí Esprit do triết gia Công Giáo Emmanuel Mounier (1905-1950) thành lập năm 1932. Triết gia Mounier đề ra học thuyết nhân vị Công Giáo, từng được triển khai ở Việt Nam dưới thời đệ Nhất Cộng hòa. Triết gia Paul Ricœur, chuyên về thuyết hiện sinh Thiên Chúa giáo (existence chrétien) và thần học tin lành (théologie protestante), giải dạy hiện tượng luận và môn chú giải cổ ngữ kinh thánh (herméneutique).
Tiếp đó, Emmanuel Macron theo học tại Học viện Chính trị Paris (Institut d’études politiques de Paris). Ông được bổ nhiệm làm Thanh tra Tài chánh. Từ 2002 đến 2004, ông học Trường Quốc gia Hành chánh (ENA).
Học trình đại học và chuyên môn mang dấu ấn Công Giáo đã để lại dấu ấn trong sự nghiệp chính trị của tân tổng thống Macron. Trong bài phỏng vấn do tạp chí Công Giáo La Vie thực hiện, ông Macron thổ lộ : ‘‘Tôi chịu phép rửa vào năm 12 tuổi. Đây là lựa chọn của riêng tôi. Tôi chịu phép thánh tẩy khi học ở Trường Providence (Chúa Quan Phòng) của các cha Dòng Tên tại Amiens.
Tên gọi Emmanuel cho thấy sự gắn bó giữa Macron và truyền thống Dòng Tên. Emmanuel gốc cổ ngữ Hébreu : Imanou El (עִמָּנוּ אֵל) được nói tới trong sách Isaïa : ‘‘Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel’’ (Is, 7,14). Tin Mừng theo Thánh Matthêu nhắc lại danh hiệu này, qua cổ ngữ Hy lạp : Ἐμμανουήλ : ‘‘Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.’’ (Mt 1,20-21).
Tân tổng thống Emmanuel Macron nói tiếp : ‘‘Nhờ ơn Chúa, tôi có quyết tâm hội nhập với thế giới. Ngày nay, tôi thường suy nghĩ về bản chất đức tin của tôi. Tương quan của tôi với các vấn đề thiêng liêng tiếp tục nuôi dưỡng các suy nghĩ của tôi.’’
Tổng thống Emmanuel tỏ lòng tôn kính Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông nói : ‘‘Theo tôi, Đức Thánh Cha Phanxicô có nhiều quyết định can đảm, tôi có cùng tâm nguyện với Ngài, nhất là vấn đề người nhập cư. Ngài nhắc nhở nhiệm vụ của Châu Âu, nhằm phân biệt quan điểm địa lý chính trị, đạo đức và triết học giữa người nhập cư và người tỵ nạn.’’
Theo nguồn tin thân cận tổng giáo phận Paris, trong thời gian sắp tới, tổng thống Emmanuel Macron sẽ chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm nước Pháp, quốc gia được mệnh danh là trưởng nữ của Hội thánh.
Giáo xứ Paris, ngày 15/10/2017
Lê Đình Thông