Philippe Lissac / Godong/Tu viện Solesmes |
Dự án “Repertorium” Châu Âu, ra mắt vào tháng 1 năm 2023, nhằm mục đích tập hợp toàn bộ di sản âm nhạc cổ điển của Châu Âu vào một danh mục kỹ thuật số nhờ trí tuệ nhân tạo. Một mục tiêu đầy tham vọng dành phần lớn cho thánh ca Grêgôrianô (nhạc Bình ca), nhờ sự đóng góp của Tu viện Solesmes.
490.000: là số bài hát mà Tu viện Solesmes sẽ số hóa để bảo tồn di sản âm nhạc của thánh ca Grêgôrianô. Sáng kiến độc đáo này là một phần của dự án “Repertorium” Châu Âu, được tài trợ bởi chương trình Horizon Europe. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2023, dự án này nhằm mục đích thúc đẩy việc bảo vệ nguồn gốc âm nhạc cổ điển của Châu Âu bằng các công cụ trí tuệ nhân tạo. Sau khi được số hóa và lập danh mục, hơn 2.000 bài hát trong số này sẽ được tu viện Notre-Dame de Fidélité de Jouques thu âm, sau đó sẽ được liệt kê trên ứng dụng Neumz, do John Anderson phát triển, để công chúng có thể tiếp cận được.
Bản nhạc thời trung cổ được số hóa |
Hiệp hội âm nhạc trung cổ
Tu viện Solesmes có một vị thế đặc biệt trong dự án tầm cỡ này. Cha Jacques-Marie Guilmard, thành viên của Solesmes, dòng Biển Đức, nhắc lại: “Chúng tôi đã nghiên cứu về thánh ca Grêgôrianô suốt 170 năm qua”. “Lịch sử, và chắc chắn là ơn Chúa Quan Phòng, đã biến Solesmes trở thành thánh địa cho thánh ca Grêgôrianô”. Thực vậy, tu viện hùng vĩ nằm ở Sarthe này là nơi lưu trữ bộ sưu tập lớn nhất các bài thánh ca Grêgôrianô, nhờ công cứu vớt của Dom Guéranger.
Dominique Crochu, thành viên của dự án Repertorium, cho biết: “Vào năm 1860, Đức viện phụ của Solesmes muốn tạo ra hướng đi mới cho thánh ca Grêgôrianô, vì cách thực hành nó đã suy giảm từ thời Phục hưng”. Vì vậy, Đức Viện phụ đã cử các tu sĩ thuộc cấp đi khắp châu Âu để sao chép các bản thảo bằng tay và chụp ảnh chúng. Một công việc khổng lồ, sau này đã cho phép Tu viện Solesmes đáp ứng được yêu cầu của Thánh Giáo hoàng Piô X: đó là thực hiện các sách phụng vụ có thánh ca Grêgôrianô đã được cải biên.
Dominique Crochu trong trung tâm lưu trữ của tu viện |
Người gác đền của thánh ca Grêgôrianô
Các bức ảnh của bản thảo đã thực hiện từ cuối thế kỷ 19, được ghi chép từ năm 1905 đến năm 1914 theo nhóm từ tám ảnh, trên các tấm bìa cứng lớn dày 3 mm. Dominique Crochu giải thích: “Đó là một hệ thống lưu trữ đủ hiệu quả cho phép chúng được bảo quản cách tốt nhất ở trung tâm sao chép bản cổ của tu viện”. Tại trung tâm này, Hiệp hội Âm nhạc Trung cổ, đại diện của Pháp trong dự án hợp tác Châu Âu dẫn đầu dự án, bao gồm bảy hiệp hội và các trường đại học khác khắp lục địa. Được thành lập vào năm 2021, họ đảm nhiệm việc lập chỉ mục và số hóa khoảng 400.000 bức ảnh, nhờ vào công cụ nhận dạng quang học hỗ trợ trích xuất dữ liệu, từ lời bài hát đến giai điệu.
Sau khi nhiệm vụ hoàn tất, các bản nhạc số hóa sẽ được lưu giữ và công khai trên cơ sở dữ liệu của Đại học Oxford có tên là “DIAMM”, (Digital Image Archive of Medieval Music) Kho lưu trữ ảnh số hóa của âm nhạc thời Trung cổ. Dominique Crochu ước tính: “Việc số hóa các bản thảo, bắt đầu vào tháng 6 năm 2023, sẽ được hoàn thành vào tháng 3 năm sau”. Một công việc cần sự tỉ mỉ và tốn thời gian, nhưng rất xứng đáng. Trong số các bài thánh ca được số hóa, có hơn 4.000 bài thánh ca không còn được nghe từ hàng thế kỷ: tu viện Solesmes lại một lần nữa gánh vác trách nhiệm tuyệt vời làm người gác đền của thánh ca Grêgôrianô.
Lm. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: https://www.fr.aleteia.org