1. Diễn biến gây xôn xao: Hồng Y Becciu tẩy chay, không ra tòa
Vị Hồng Y duy nhất bị truy tố trong vụ xét xử gian lận và biển thủ lớn ở Vatican đã đưa ra phản đối chính thức lên tòa án cho rằng các công tố viên của Đức Giáo Hoàng đã xúc phạm nhân phẩm của ngài khi cho rằng ngài có quan hệ tình dục với một bị cáo khác trong phiên tòa.
Hồng Y Angelo Becciu, một quan chức cấp cao một thời trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là bị cáo duy nhất cho đến nay đã tham dự tất cả các phiên điều trần của phiên tòa. Nhưng Hồng Y Becciu đã ở nhà vào hôm thứ Ba và viết một lá thư cho tòa án nói rằng ngài không muốn có mặt trong khi các luật sư của ngài phản đối nội dung của cuộc thẩm vấn năm 2020 của các công tố viên về mối quan hệ của ngài với bị cáo Cecilia Marogna.
Đây là phản đối mới nhất được đưa ra bởi các luật sư bào chữa về hành vi của các công tố viên của Đức Giáo Hoàng trong cuộc điều tra của họ, bắt đầu vào năm 2019 về khoản đầu tư 350 triệu euro của Vatican vào một thương vụ bất động sản ở London. Cuộc điều tra đã phát hiện ra thêm việc Hồng Y Becciu quyên góp tiền của Vatican cho một tổ chức từ thiện do anh trai của ngài điều hành và các khoản thanh toán tiền của Vatican cho cô Marogna, người mà ngài đã thuê làm cố vấn an ninh bên ngoài để giúp đàm phán thả một con tin, là một nữ tu người Colombia truyền giáo ở Phi Châu.
Cả Hồng Y Becciu và Marogna đều phủ nhận có các hành vi sai trái hoặc bất kỳ mối quan hệ không chính đáng nào.
Trước đây, Chánh án tòa án Vatican đã hủy bỏ cáo trạng của các công tố viên đối với bốn nghi phạm khác vì đã có những sai sót về thủ tục, nhưng hôm thứ Ba, bốn nghi phạm này đã bị tái khởi tố.
Tòa án cũng đã nhiều lần ra lệnh cho các công tố viên giao nộp tất cả bằng chứng sau khi các luật sư bào chữa phàn nàn rằng họ không thể bảo vệ thân chủ một cách hợp lý nếu không có những tài liệu đó.
Hôm thứ Ba, chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone đã cho các công tố viên một thời hạn nữa để cung cấp bản sao các tài liệu này cho các luật sư bào chữa, sau khi các luật sư của Becciu cho biết họ chỉ nhận được 16 trong số 255 bằng chứng.
Các luật sư của Hồng Y Becciu cũng đưa ra phản đối hành vi của các công tố viên trong cuộc thẩm vấn vào tháng 11 năm 2020 đối với Đức Ông Alberto Perlasca. Trong cuộc thẩm vấn, công tố viên Alessandro Diddi đã hỏi Đức Ông Perlasca về việc liệu Hồng Y Becciu có quan hệ thân mật với Marogna hay không.
Đức Ông Perlasca đã khẳng định quan hệ giữa hai người không có bất cứ điều gì không đúng. Nhưng Diddi vẫn kiên trì, lưu ý rằng một diễn viên hài truyền hình nổi tiếng của Ý đã thực hiện một tiểu phẩm gợi ý rằng Marogna là người yêu của Becciu, và tự hỏi tại sao Hồng Y Becciu không kiện diễn viên hài nếu điều đó là sai.
Theo các luật sư của Becciu, cuộc thẩm vấn của Diddi đã vi phạm quy tắc tố tụng của Vatican, vốn cấm thẩm vấn nhân chứng về đạo đức của người khác.
Diddi đã bảo vệ hành vi của mình và nói rằng:
“Tôi yên tâm về công việc chúng tôi đã làm,” anh ta nói với tòa án.
Chánh án Pignatone ấn định ngày xét xử tiếp theo vào ngày 18 tháng 2, tại thời điểm đó các nghi phạm mới bị truy tố sẽ tham gia lại phiên tòa và tòa án sẽ xem xét các phản đối của các luật sư đưa ra cho đến nay.
Source:AP
2. Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về tình trạng nguy hiểm của chiến tranh
Nga đã bao vây 3 mặt của Ukraine với một quân số cho đến nay đã lên đến ít nhất 127,000 quân. Các đại sứ quán nước ngoài tại thủ đô Kiev đã được di tản vì e ngại một cuộc xâm lược của người Nga.
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra tuyên bố sau:
Căng thẳng đang gia tăng khi Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ xem xét cách tốt nhất để đáp trả việc tập trung đông đảo các lực lượng và thiết bị quân sự của Nga ở biên giới Ukraine. Trước những căng thẳng gia tăng này, Đức Cha David J. Malloy của Rockford, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau:
“Với tình hình đáng báo động ở Ukraine, chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine và tham gia đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của 43 triệu người Ukraine”.
“ Trong bài huấn dụ sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu ngày 26 tháng Giêng là ngày cầu nguyện cho Ukraine vì những lo ngại ngày càng tăng về tình hình ở quốc gia đó và ở Âu Châu nói chung, ngài nói: ‘Tôi đưa ra lời kêu gọi chân thành đến tất cả mọi người có thiện chí hãy nâng cao lời cầu nguyện lên cùng Thiên Chúa toàn năng để tất cả các hành động và sáng kiến chính trị có thể phục vụ tình huynh đệ của nhân loại’. Trước đó, Đức Thánh Cha cũng đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình hình tại Ukraine và hy vọng’ rằng những căng thẳng mà đất nước này đang trải qua có thể được giải quyết thông qua đối thoại quốc tế nghiêm túc chứ không phải bằng vũ khí”.
“Trong bài phát biểu trước ngoại giao đoàn đầu năm nay, Đức Thánh Cha đã nói, ‘Sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận bình tĩnh nên truyền cảm hứng cho tất cả các bên đang liên quan đến, để có thể tìm ra các giải pháp lâu dài và chấp nhận được ở Ukraine’. Chúng ta hãy hiệp một lòng một ý với ngài.”
“Các giám mục Công Giáo của Ukraine và Ba Lan đã đưa ra lời kêu gọi vào ngày 24 tháng Giêng rằng các nhà lãnh đạo hãy kiềm chế chiến tranh và ‘rút lại các tối hậu thư ngay lập tức.’ Họ kêu gọi ‘cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đoàn kết và tích cực hỗ trợ những người đang bị đe dọa bằng mọi cách có thể.’“
“Trong thời điểm sợ hãi và bất định này, chúng tôi đoàn kết với Giáo hội ở Ukraine và đưa ra sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tín hữu và những người có thiện chí cầu nguyện cho người dân Ukraine, đặc biệt là vào ngày 26 tháng Giêng, để họ có thể nhận được các phước lành của hòa bình”.
Source:USCCB
Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông Tòa Thánh kể từ tháng 12 năm 2018 có bài nhận định sau nhằm bênh vực cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Những từ ngữ được sử dụng trong cuộc họp báo để trình bày báo cáo về việc lạm dụng trong Tổng giáo phận Munich, cũng như bảy mươi hai trang của tài liệu dành cho nhiệm kỳ giám mục Bavaria vắn vỏi của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, đã tràn ngập các mặt báo trong tuần qua và đã gây ra một số bình luận rất gay gắt. Đức Giáo Hoàng hưu trí, với sự giúp đỡ của các cộng sự viên, đã không tránh né các câu hỏi của công ty luật do Tổng Giáo Phận Munich ủy nhiệm để soạn thảo một báo cáo nhằm xem xét một khoảng thời gian rất dài, từ thời giám mục của Đức Hồng Y Michael von Faulhaber đến thời của Đức Hồng Y Reinhard Marx hiện nay. Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra một phản hồi dài 82 trang, sau khi đã kiểm tra một số tài liệu trong văn khố của giáo phận. Như có thể đự đoán được, chính bốn năm rưỡi Đức Hồng Y Ratzinger lãnh đạo giáo phận Bavaria đã độc quyền thu hút sự chú ý của các nhà bình luận.
Một số cáo buộc đã được biết đến trong hơn mười năm qua và đã được các phương tiện truyền thông quốc tế quan trọng đăng tải. Hôm nay, có bốn trường hợp đang được tranh cãi chống lại Đức Hồng Y Ratzinger, và thư ký riêng của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, đã thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Hưu trí sẽ đưa ra một tuyên bố chi tiết sau khi ngài xem xét xong bản báo cáo. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, việc Đức Bênêđíctô XVI nhiều lần lên án những tội ác này có thể được lặp lại một cách mạnh mẽ ở đây, và các biện pháp được Giáo hội thực hiện trong những năm gần đây, bắt đầu từ triều đại giáo hoàng của ngài, có thể được lần giở lại.
Lạm dụng trẻ em là một tội ác khủng khiếp. Việc lạm dụng đối với trẻ vị thành niên của các giáo sĩ thậm chí còn có thể là một tội ác khủng khiếp hơn nữa, và điều này đã được hai vị Giáo hoàng cuối cùng lặp đi lặp lại một cách không mệt mỏi: việc các trẻ nhỏ chịu đựng bạo lực từ phía các linh mục hoặc tu sĩ, những người được cha mẹ của chúng ủy thác cho để được giáo dục trong đức tin, là một tội lỗi đòi được báo thù trước mặt Thiên Chúa. Không thể chấp nhận được việc các em trở thành nạn nhân của những kẻ săn mồi tình dục núp trong trang phục của Giáo hội. Những lời hùng hồn nhất về chủ đề này vẫn là những lời mà Chúa Giêsu đã tuyên bố: những kẻ làm gương mù cho các trẻ nhỏ thà treo cối xay vào cổ và ném chúng xuống biển.
Không thể quên rằng Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chiến đấu với hiện tượng này trong giai đoạn cuối triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, người mà ngài đã từng là cộng tác viên thân cận, và khi đã trở thành Giáo hoàng, đã ban hành các quy tắc rất khắc nghiệt chống lại các giáo sĩ lạm dụng, các luật đặc biệt để chống lại nạn ấu dâm. Hơn thế nữa, bằng gương sáng cụ thể của ngài, Đức Bênêđíctô XVI đã làm chứng cho tính cấp bách của sự thay đổi não trạng vốn rất quan trọng để chống lại hiện tượng lạm dụng: lắng nghe và gần gũi với các nạn nhân, những người mà ta luôn luôn phải cầu xin sự tha thứ. Đối với những trẻ em bị lạm dụng quá lâu và người thân của chúng, thay vì được coi là những người bị thương cần được chào đón và đồng hành trên con đường chữa lành, đã bị giữ ở một khoảng cách. Thật không may, họ thường bị coi thường và thậm chí bị coi là “kẻ thù” của Giáo hội và danh tiếng của Giáo hội.
Chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, vị Giáo hoàng đầu tiên đã nhiều lần gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng trong các cuộc tông du của ngài. Chính Đức Bênêđíctô XVI, chống lại cả ý kiến của nhiều người tự phong là “người của Ratzinger”, giữa cơn bão táp của những vụ bê bối ở Ái Nhĩ Lan và Đức, đã đề cao bộ mặt của một Giáo hội sám hối, một Giáo Hội vốn tự hạ mình trong việc cầu xin sự tha thứ, vốn cảm thấy ngã lòng, hối hận, đau đớn, cảm thương và gần gũi.
Trung tâm của sứ điệp Bênêđíctô nằm trong chính hình ảnh sám hối ấy. Giáo hội không phải là một cơ sở kinh doanh, Giáo hội không chỉ được cứu vớt bởi các thực hành tốt hoặc bằng việc áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt và hiệu quả, ngay cả khi chúng không thể thiếu. Giáo hội cần cầu xin sự tha thứ, giúp đỡ và cứu rỗi từ Đấng duy nhất có thể ban cho họ, từ Đấng bị đóng đinh, Đấng luôn đứng về phía các nạn nhân chứ không phải các lý hình.
Với sự minh mẫn cực kỳ cao độ, trên chuyến bay đưa ngài đến Lisbon vào tháng 5 năm 2010, Đức Bênêđíctô XVI đã nhìn nhận rằng “những đau khổ của Giáo hội đến từ chính bên trong Giáo hội, từ tội lỗi hiện hữu trong Giáo hội. Chúng ta luôn ý thức được điều đó, nhưng bây giờ chúng ta thấy nó một cách thực sự kinh hoàng: sự bách hại lớn nhất đối với Giáo hội không phát xuất từ những kẻ thù bên ngoài, mà là do tội lỗi sinh ra bên trong Giáo hội, và Giáo hội cần phải học cách ăn năn trở lại một cách sâu xa, để chấp nhận việc thanh tẩy, để một đàng học cách tha thứ và đàng khác học hỏi sự cần thiết của công lý. Sự tha thứ không thay thế công lý. “Những từ ngữ này được đi trước và theo sau bởi các sự kiện cụ thể trong cuộc chiến chống lại tai họa ấu dâm trong giới giáo sĩ. Không được quên cũng không xóa nhoà tất cả những điều này.
Các tái tạo trong báo cáo Munich, một điều – cần phải nhớ – không phải là một cuộc điều tra tư pháp cũng không phải là bản án cuối cùng, sẽ giúp chống lại nạn ấu dâm trong Giáo hội nếu chúng không bị giản lược thành một cuộc lùng tìm những vật tế thần dễ dàng và các phán quyết kiểu tiền trảm hậu tấu. Chỉ bằng cách tránh những nguy cơ này, người ta mới có thể góp phần vào việc tìm kiếm công lý trong sự thật và kiểm tra lương tâm tập thể về những lỗi lầm trong quá khứ.
Source:Vatican News
4. Hồng Y Marx phủ nhận âm mưu tấn công Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Một tuần sau khi báo cáo về tình trạng lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich-Freising được công bố, Hồng Y Reinhard Marx đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ở thủ đô Bavaria vào hôm 27 tháng Giêng năm 2022, rằng ngài đã không trình đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa.
Ngài nói sẽ xem xét việc từ chức nếu không còn cảm thấy có thể hướng dẫn giáo phận và không muốn “gắn bó với chức vụ của mình.”
Vị Hồng Y người Đức đã đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng vào tháng 6 năm ngoái, thừa nhận những sai sót cá nhân của mình trong việc quản lý lạm dụng, và đề nghị chịu trách nhiệm về những gì mà ông coi là “lỗi lầm hệ thống”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối đơn từ chức của Hồng Y Marx vào thời điểm đó, và yêu cầu ngài tiếp tục phục vụ Giáo Hội Công Giáo với tư cách là Tổng giám mục của Munich-Freising.
Nhưng, vị Hồng Y nói, “Tôi không muốn phải chịu một mình lần nữa”, và nhấn mạnh tại cuộc họp báo sự cần thiết phải chia sẻ trách nhiệm trong một Giáo hội đồng nghị hơn.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ngài kêu gọi “nhiều phụ nữ hơn nữa vào các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội”.
Ngài yêu cầu báo cáo Munich phải được đưa vào quá trình cải tổ Giáo hội, một lần nữa phải trở thành động lực cho Tiến Trình Công Nghị do Hội đồng Giám mục Đức mở ra vào năm 2019 sau khi công bố báo cáo đầu tiên về tình trạng lạm dụng. “Không có tương lai cho Kitô Giáo ở đất nước chúng ta nếu không có một Giáo hội đổi mới!” ngài nói.
Gọi việc đối xử với các nạn nhân bị lạm dụng trong tổng giáo phận của mình là “không thể tha thứ được”, Hồng Y Marx nói rằng ngài đã sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về tất cả những điều mà báo cáo buộc tội ngài, mặc dù ngài nói rằng ngài chủ yếu coi chúng là “những thất bại về mặt hành chính và giao tiếp”. Tuy nhiên, trong một trong hai trường hợp, ngài tự trách mình vì “đã không thực sự tiếp cận những người có liên quan một cách chủ động hơn.”
Bình luận về toàn bộ bản báo cáo, ông than thở rằng “Die Kirche war offensichtlich für viele Menschen ein Ort des Unheils und nicht des Heils, ein Ort der Angst und nicht des Trostes.”, nghĩa là, “Đối với nhiều người Giáo hội thực sự là một nơi gây ra tai họa hơn là cứu rỗi, một nơi đáng sợ hơn là an ủi.” Nhận xét này xem ra hàm hồ, và lẽ ra nên xuất phát từ miệng lưỡi của một kẻ vô thần, có đầu óc bài Công Giáo cực đoan, hơn là từ một Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo.
Hồng Y Marx từ chối bình luận về các trường hợp liên quan đến những người tiền nhiệm còn sống của mình, bao gồm cả Đức Bênêđíctô XVI, và nói rằng ngài không muốn “nói thay họ”.
Một nhà báo cho rằng cuộc điều tra độc lập do Hồng Y Marx uỷ thác cho một công ty luật thực hiện chẳng qua chỉ là một âm mưu nhằm bôi nhọ Đức Bênêđíctô. Trả lời nhận xét này Hồng Y Marx nói rằng những lý thuyết theo đó bản báo cáo thể hiện một âm mưu chống lại Đức Giáo Hoàng Danh dự là “vô lý”. Ngài nhấn mạnh rằng “không có lý do gì để nghi ngờ tính nghiêm túc” của cuộc điều tra và Đức Bênêđíctô XVI đã “tích cực” tham gia vào quá trình này.
Đức Hồng Y Marx đã không đưa ra các hành động cụ thể, ngoại trừ việc cách chức Cha Lorenz Wolf, là người bị chỉ trích mạnh mẽ trong báo cáo. Không trình bày chi tiết cụ thể, Hồng Y Marx công bố một chương trình cải cách trong tổng giáo phận, với các kết quả được dự kiến sẽ trình bày trong một năm.
Source:Aleteia