Vài cảm nghiệm và chia sẻ từ tuyến đầu chống dịch của Tu sĩ

1. Thầy Jos. Lương Tùng, CSsR. : Chúa là đấng từ bi nhân hậu,…

 

“Chúa là đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 102,8-9). Lời thánh vịnh đáp ca của ngày hôm nay là một lời khích lệ mạnh mẽ cho các tín hữu Việt Nam đang oằn mình trong đại dịch Covid kinh hoàng và cách riêng là cho những anh chị em tu sĩ thiện nguyện chúng tôi đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến thuộc thành phố Thủ Đức.

Thiên Chúa là Tình Yêu và vì thế, Người trở nên Nguồn Hy Vọng cho bất cứ ai đặt niềm tin tưởng, trông cậy nơi Người. Đó là kinh nghiệm của dân Israel trong cảnh lưu đày tại Babylon, khi mà Đền Thờ của họ đã bị phá hủy, quốc gia bị xóa sổ, cả dân tộc phải ly tán và trở thành nô lệ. Vâng, chính khi người ta không còn gì để bám víu và cậy dựa cách hữu hình thì đó lại là cơ hội giúp làm “lộ ra” một niềm hy vọng chắc chắn: chỉ có một mình Thiên Chúa là “Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, là chốn cậy dựa chắc chắn nhất của họ. Và lúc này đây, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng, chúng ta biết rằng, nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được.

Cho đến hôm nay (27/07/2021), các tu sĩ thiện nguyện chúng tôi đều đã được phân vào các khâu cụ thể, với các nhóm như: đón tiếp phân luồng bệnh nhân, nhóm chăm sóc, tư vấn tâm lý, nhóm hành chánh, nhóm hậu cần và kỹ thuật, nhóm cấp cứu sau cùng và chuyển xác. Các phận vụ khá rõ ràng và cho thấy, nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm của nhóm thiện nguyện là khá cao.

Tình hình dịch bệnh hiện tại rất căng thẳng vì hạ tầng cơ sở không đủ, nhân lực thì mỏng mà ca bệnh tăng quá nhanh, diễn biến bệnh rất bất ngờ, do đó mọi người phải làm việc hết sức khẩn trương để lo cho các bệnh nhân. Đến nay, riêng bệnh viện dã chiến số 12 tại Thủ Đức đã tiếp nhận trên dưới 1.000 ca nhiễm và vài ngày tới sẽ cao hơn nữa. Bệnh viện cũng đã tăng cường thêm các phòng bệnh mới. Theo chỉ thị của Sở Y Tế thành phố, các bệnh viện tuy mang tên dã chiến nhưng thật sự là một bệnh viện với đầy đủ các khâu: nhận bệnh, phân luồng bệnh nhân có nguy cơ cao với bệnh nhân nguy cơ thấp, bệnh nhân chuyển biến xấu, cấp cứu hồi sức…

Tinh thần của anh em tu sĩ đến lúc này khá tốt. Mọi người đều bình an, chuyên cần cầu nguyện và nhiệt tâm làm việc.

Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban bình an và dập tắt dịch bệnh để mọi người sớm được trở về với cuộc sống bình thường!

Bệnh viện dã chiến số 12, tp. Thủ Đức, 27 tháng 7 năm 2021

Jos. Lương Tùng, CSsR.

2: Thiên Thần nhỏ, Dòng NTCGSLM: Một ngày không thể quên

Reng…reng…reng… đồng hồ báo thức đã điểm, chúng tôi lên đường để ra tuyến đầu chống dịch đây!

Cảm giác ngày đầu đi làm vừa vui vừa hồi hộp. Các chị trong phòng cổ vũ: Cố lên các “chiến sĩ Áo trắng”. Các chị còn nấu nước sả cho uống, dặn dò như mẹ dặn con trước khi đi xa: “Cẩn thận nha các em”. Ôi! Thật ấm lòng. Thế là các chiến sĩ Áo Trắng đã lên đường.

Vì là ngày đầu tiên đi làm, nên cái mặt “ngố” như người dưới tỉnh mới lên thành phố. Không biết làm gì và đi đâu. May mắn thay, cô điều dưỡng chưa một lần gặp mặt và quen biết đã tận tình chỉ dẫn từng bước từ cách mặc đồ bảo hộ đến cách rửa tay. Cô cứ dặn đi dặn lại: “Cẩn thận nha con, thương quá đi…con của cô cũng chừng tuổi tụi con, trẻ quá mà…thương quá đi”. Cảm giác ấy giống như cảm giấc đang ở bên mẹ hiền vậy.

Việc mặc đồ bảo hộ quả là không dễ dàng. Ngày đầu mặc chưa quen nên cảm thấy rất khó chịu, kèm theo vết hằn sâu trên mặt của chiếc khẩu trang N95 kín mít và khó thở. Thế mới thấy thương các bác sĩ vì họ luôn phải làm việc lâu giờ trong bộ đồ nóng bức như thế để chăm sóc các bệnh nhân.

Quả thật, tình thương yêu đã vượt thắng tất cả. Dịch bệnh xảy ra mới thấy được chiều rộng và chiều sâu của con tim. Vì là ngày đầu đi làm nên chúng tôi có nhiều cảm xúc thật khó tả: hồi hộp xen lẫn một chút háo hức và cũng có một nỗi sợ không tên. Hồi hộp vì không biết mình sẽ làm được những gì? Mình có trụ nổi được không? Mình có là gánh nặng cho người khác không?… và hàng loạt những câu hỏi được đặt ra: Mình có đủ sức để làm không? Mình có đủ can đảm khi thấy họ thoi thóp mà chạy đến không? Mình có thể chăm sóc tốt cho họ khi mà mình chưa có kinh nghiệm chăm sóc, tắm rửa cho ai không?…. rất nhiều và rất nhiều. Nhưng lạ thay khi bước chân vào phòng bệnh, những cảm xúc lo sợ ấy dường như tan biến vì sự nhiệt tình của cô điều dưỡng.

Tiếp theo là cảm giác tò mò muốn xem bên trong có những gì. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh tượng toàn người già không quần không áo đang thở thoi thóp. Ranh giới giữa sự sống và cái chết trong họ dường như rất mong manh, chỉ 1 cái chạm nhẹ không cẩn thận là họ có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là quét dọn sảnh Khoa Cấp Cứu và dọn rác (đồ bảo hộ, rác thải y tế…). Thu rác thì khá nhanh nhưng quét cái sảnh như một cực hình. Tưởng chừng đơn giản nhưng không đơn giản chút nào. Bởi vì sau khi choàng lớp áo bảo hộ lên người, chẳng còn muốn làm gì tiếp vì không thở nổi. Chưa bao giờ quét hành lang lại mất nhiều thời gian và khó khăn với chúng tôi như thế này. Có lúc tưởng chừng xỉu luôn vì quá bí. Những lúc mệt, 2 chị em lại động viên nhau: “Cố lên! Sắp hết rồi”.

Việc ấn tượng nhất với chúng tôi là lau người, thay tã và thay drap giường cho các bệnh nhân. Ở đây dường như 90% bệnh nhân bất tỉnh hoàn toàn, không còn một chút sức lực. Họ chỉ được giữ hơi thở bằng một cái máy với đầy dây dợ lung tung. Họ đã mất nhận thức toàn bộ nên rất cần có một ai đó để chăm sóc và phục vụ.

Ngày đầu tiên đi phục vụ kết thúc trong mệt mỏi nhưng chúng tôi có nhiều niềm vui và cảm thấy đời ý nghĩa. Cảm ơn Chúa đã cho con được chạm vào thân mình của Chúa qua các bệnh nhân. Cảm ơn Chúa đã cho con cơ hội để thở. Con nhận ra không khí là món quà tuyệt vời mà Chúa ban không cho con. Cảm ơn Chúa đã giúp con nhận ra rằng: giữa cơn dịch bệnh khủng khiếp này, tình người càng phải gắn kết, khoảng cách từ trái tim đến trái tim phải thật gần. Con nguyện phục vụ các bệnh nhân bằng cả trái tim, mong Chúa xoa dịu nỗi đau nơi các bệnh nhân và giúp họ sớm hồi phục sức khỏe.

Thủ Đức, ngày 24-7-2021
5 Thiên Thần nhỏ, Dòng NTCGSLM

https://tgpsaigon.net/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *