Lần nọ, tôi cùng vài anh em đi Bình Phước tham dự Tuần Thánh cùng với các sơ ở bệnh viện Nhân Ái – nơi chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối. Nơi đây có đủ những cảnh đời. Từ những anh tay xăm trổ vằn vện cho đến những người nom như thư sinh. Có người mập mạp phong độ chẳng kém gì diễn viên. Cũng có người thì chỉ còn da bọc xương ngồi lọt thỏm trong cái xe lăn. Họ đã từng là những người tài năng, giàu có, nổi tiếng, hưởng thụ cuộc sống. Cũng có những người từ nhỏ đã phải rơi vào số phận mồ cô, sống lang thang khắp đầu đường xó chợ gầm cầu. Nhưng bây giờ tất cả đều như nhau: Bệnh tật, đau đớn, thiếu thốn, bị bỏ rơi, bị quên lãng và nỗi sợ hãi cái chết… Tuy nhiên, cũng không ít bệnh nhân nơi đây, cho dù một thời trẻ tung hoành, phẫn nộ phản kháng cuộc đời thì bây giờ tôi lại thấy nơi họ dịu dàng đằm thắm và đã làm hòa với cuộc đời. Nhờ sự hướng dẫn của các sơ, của những bác sĩ nhiệt thành, họ dành chút thời gian cuối cùng trở về với Chúa, đến với niềm tin, với những lời kinh nguyện cầu, để rồi tìm được bình an và thanh thản trong những ngày cuối đời.
Ngày Chúa Nhật, tôi cùng một số anh chị em bệnh nhân tham dự Thánh Lễ mừng Chúa Phục Sinh. Thánh Lễ thật cảm động. Bên trên là cung thánh dã chiến của một hội trường văn nghệ. Bên dưới từng con người dặt dẹo, ốm yếu, kiệt quệ, khổ đau. Như những bộ xương khô, mà ngôn sứ Êdêkiel nói đến, đang chờ đợi Thần Khí Chúa Phục Sinh thổi vào.
Chúa Giêsu đã Sống Lại. Niềm tin vào sự sống lại của Chúa mở ra một tia sáng, soi chiếu vào những phận đời bế tắc tuyệt vọng, mở ra cho họ một niềm hy vọng, một sự ủi an, một sức mạnh để đón nhận thập giá đời mình. Chúa Phục Sinh đang hiện diện ở đây, tại bệnh viện Nhân Ái này, và nơi chính cuộc đời của họ, cũng như nơi những vị bác sĩ nhiệt tình, dấn thân quả cảm. Đặc biệt, người ta thấy Chúa Phục Sinh trong con người các sơ, trong từng lời nói, từng hành động chăm sóc yêu thương và cả trong niềm tin của các sơ về niềm hy vọng sống lại.
Tôi nhớ Đức Bênêdic XVI đã nói rằng, Thánh Lễ chính là đưa mầu nhiệm Thương khó và Phục sinh của Chúa Kitô vào trong cuộc sống của mỗi người. Bởi vì nơi Thập giá, nơi những đau đớn của Chúa Giêsu, ta nhận ra sự đồng hành nâng đỡ của Người. Và vì Chúa đã sống lại, ta có một niềm tin, niềm hy vọng cho tương lai.
Vâng, nơi Chúa Phục Sinh và nơi những con người có Chúa Phục Sinh, những bệnh nhân đau khổ nơi đây vẫn luôn chất chứa hy vọng: “Em sẽ hạnh phúc ở đài hoàn vũ. Cuộc sống ở đó sẽ không còn khổ đau, không nhìn thấy người thân yêu đau khổ về mình nữa. Ai cũng một lần chết, song cái chết của em nặng nề, đau đớn rất nhiều. Chỉ mong ba mẹ tha thứ cho em. Vì Chúa đã tha thứ cho em rồi!”
Nguyễn Ninh