Vị Linh Mục gánh nước

Bị nhục mạ, bắt bớ, đuổi từ thành này sang thành khác, là dấu Chúa thương con, Chúa chọn con làm tông đồ thật. “Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy, họ đã xứ với Thầy thế nào, cũng sẽ đối với các con như vậy. Hãy với mừng hoan hỉ… vì nếu chúng con theo thế gian, thì thế gian không ghét chúng con” (ĐHV 319). Thời Tự Đức cấm đạo gắt gao, có một Linh mục tên “cụ Thanh” cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Đông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia hội.

Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, giải tội cho các tín hữu bị giam ờ khám đường, nhất là cho những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử đạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình.

Lúc Linh mục Đặng Đức Tuấn bi bắt đưa ra Huế để xử ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia hội. Trong nhà bà có tên đây tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau dôi ba dân thăm viếng, cha Đặng Đức Tuấn để ý suy nghĩ: “Anh này sao thấy có vẻ quen quen”.

Một hôm đang ngồi ớ bàn ăn, cha Tuấn đăm đăm nhìn vào mắt tên đây tớ đứng ở góc phòng, rồi bạo dạn hỏi: “Phải mày không Thanh?” “Thưa phải”. “Trời đất,. Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra”. Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh nước mắt chảy ròng ròng… Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp lại nhau!

Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ… Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đình ban bố, Đức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim long, nơi có Toà Giám mục. Giáo dân khắp nơi hân hoan tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến để xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Đức Cha Bình mà là… cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo: “Ngỡ là ai, hoá ra cha Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca Latinh thật hay, mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa…”

Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Linh.

***

Đức Cha Joseph Hyacinthe Sohier (Bình) (1818-1876) – Vị Giám mục thứ hai cai quản Giáo Phận Huế (1862-1876)

 

        Sohier Joseph Hyacinthe chào đời tại Désertines (Mayenne) ngày 22/9/1818. Cậu vào học tại Tiểu chủng viện Précigné (Sarthe) và Đại chủng viện Mans.

Quang cảnh Désertines cách Paris 240 km về phía tây

          Chịu chức phó tế, thầy gia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại ngày 21/2/1842, rồi thầy thụ phong linh mục ngày 21 tháng 5 sau đó và lên đường đi Miền Truyền Giáo Đàng Trong ngày 21 tháng 12 cùng năm đó.

Chủng viện Hội Thừa Sai Hải Ngoại

          Vào năm 1844, cha Sohier thuộc Miền Truyền Giáo Đông Đàng Trong và năm 1850 thuộc Bắc Đàng Trong, khi các giáo phận này được thành lập.

          Ngày 18/9/1850, Đức Cha Pellerin viết một lá thư cho biết rằng số các học viên của trường mới (chủng viện Di Loan) là 50, trong đó có 9 thầy thần học. “Đứng đầu chủng viện là một vị thừa sai tuyệt vời (cha Sohier) với một linh mục mới chịu chức năm này giúp đỡ”.

          Vào hạ tuần tháng 9 năm 1850, Đức Cha Pellerin đến Bình Định gặp Đức Cha Cuénot và hai vị Giám mục đã chuẩn bị chia địa phận. Mọi sự diễn tiến xuôi chảy và đầu năm 1851, Đức Cha Pellerin ra lại địa phận mới của mình (Bắc Đàng Trong).

          Số Kitô hữu Bắc Đàng Trong hồi đó khoảng 24.000. Hàng giáo sĩ gồm hai thừa sai: cha Chính Sohier ở Di Loan và cha Galy ở Kẻ Sen; hơn 10 linh mục bản xứ mà chỉ có 6 vị được chuẩn nhận.

         Ngày 28 tháng 3 năm 1851, Tự Đức ban bố một sắc lệnh bắt đạo mới, các thừa sai bị lùng bắt. Cha Galy bị tố giác phải chạy thoát thân; nhà ngài trú tại Kẻ Sen bị đốt cháy…

          Để tránh mọi sự bất ngờ phiền toái, Đức Cha Pellerin, nhân dịp năm toàn xá, đã cấp bách chọn để tấn phong một vị Giám mục phó. Ngài đã chọn cha Chính  Joseph Hyacinthe Sohier

           Do tông sắc ngày 27/8/1850, cha Sohier đã được đặt làm giám mục Gadare và là giám mục phó của Đức Cha Pellerin.

          Lễ tấn phong được tổ chức tại Di Loan ngày 17/8/1851. Khách mời gồm bề trên mỗi cộng đoàn dòng tu (communauté religieuse), các giáo lý viên lớn (grands catéchistes) của mỗi tỉnh, hai giáo lý viên đứng đầu của mỗi giáo xứ, cùng với nhiều giáo dân thường nhiệt thành và tận tụy góp phần lo cho Miền Truyền Giáo. Mặc dầu có cuộc bách hại, nhưng những người được mời đều có mặt. Cũng thế hầu như tất cả các linh mục bản xứ đều tham dự nghi lễ.

Toàn cảnh giáo xứ Di Loan, nơi Đức Cha Pellerin đặt Toà Giám Mục đầu tiên của Giáo phận Bắc Đàng Trong

          Vào cuối năm 1853, cha Galy đã vĩnh viễn rời Kẻ Sen để tìm một nơi trú ẩn tại Đàng Ngoài trong những giáo xứ nghèo nhất và ít được biết đến nhất. Cha Choulex đến ở với Đức Cha Pellerin vào tháng 7 năm1854, nhưng ngài khó thích nghi với khí hậu. Cả hai vị lo cho một cuộc tĩnh tâm chịu chức tại Di Loan đã vội vàng chạy trốn và bỏ lại tất cả. Cha Choulex trải qua 3 tháng làm mồi cho bệnh sốt, nằm trên nền đất trong một túp lều tại Bái Trời. Căn nhà ở Kẻ Sen mới được làm đã phải bị phá huỷ lại. Đức Cha Sohier ở cuối vườn, gần một cộng đoàn nữ tu tại Kẻ Sen phía Bắc Miền Truyền Giáo.

          Từ năm 1857 cho đến năm 1862 khi có hoà ước giữa Việt Nam và Pháp, ngài phải sống một cuộc đời du cư do cuộc bách hại. Qua nhiều tuần lễ, ngài phải ẩn nấp trong một thân cây giữa rừng.

Nhà thờ Sen Bàng hiện nay, nơi Đức Cha Sohier đã ẩn trốn thời bách hại

           Ngày 13/9/1862, Đức Cha Pellerin qua đời, ngài trở thành Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Trong.

           Năm 1863, đô đốc Bonnard và đại tá Palanca đến Huế để phê chuẩn hoà ước đã quyết định năm trước, ngài lợi dụng cơ hội này để làm cho sự hiên diện của ngài cũng như của các linh mục được chấp nhận, vì các quan chức lâu nay vẫn bắt bớ.

          Năm sau đó, ngài đi Pháp để chuẩn bị lập một học viện (collège) như vua Tự Đức xem ra ao ước, nhưng các quan chức cản trở.

           Trở về lại Miền Truyền Giáo của mình, ngài cho xây dựng gần nơi ngài ở một ngôi thánh đường được khánh thành năm 1867.

           Cha Chính Dangelzer cho biết: Trong năm 1869, Đức Cha Sohier đã viếng thăm mục vụ cả Miền Truyền Giáo, có ít nữa 2 vị  thừa sai trợ giúp, cùng với các linh mục bản xứ và các thầy giáo sĩ. Các vị đi khắp cả xứ mà không bị quấy rầy. Chính các lương dân tỏ ra đầy tôn trọng và quý mến. Trong các giáo xứ, cuộc thăm viếng của Đức Cha là một đại lễ. Thường người ta buộc phải giữ vừa phải nhiệt tình của các giáo dân, để khỏi gây nên sự ganh tị của các nho sĩ. Đức Cha đã làm phép nhiều nhà thờ mới và ban phép Thêm Sức trong cả hành trình của ngài.

           Mục đích của cuộc hành trình là khảo hạch học thuyết Kitô giáo. Đến giờ đã định, mọi người tề tựu trong thánh đường. Trên bàn thờ, đặt các thánh giá, các tượng ảnh và các bộ áo Đức Bà (scapulaires): những phần thưởng kích thích lòng ham muốn của các thí sinh. Đức Cha chủ tọa cuộc thi với sự trợ lực của cả hàng giáo sĩ. Những ai trả lời đúng tất cả các câu hỏi giáo lý và đọc thuộc các kinh nguyện  không bị trục trặc thì được nhận là “nhà thông thái”(docteurs) và số những người này khá đông. Những ai biết ít hơn, thì ở cấp thấp hơn. Còn những ai không biết cho đủ, thì bị duổi khéo và lấy làm xấu hổ.

          Sau cuộc thi là công bố những người thắng cuộc và trao phần thưởng. Không chỉ có những người trẻ tham gia cuộc thi, nhưng cũng có những người đã lập gia đình, và cho đến các cụ đã 80 tuổi. Các người tham dự đều vui mừng hân hoan, bởi nhờ lòng nhiệt thành của các linh mục bản xứ, các tín hữu trong giáo phận đã được dạy dỗ rất đầy đủ về học thuyết Kitô giáo.

         Cha Chính Dangelzer còn cho biết:

          “Năm 1869, số Kitô hữu trong giáo phận là 24.212 người…Nhân sự của Miền Truyền Giáo này gồm có: 1 Giám mục, 7 thừa sai người Âu. 37 linh mục bản xứ, 2 phó tế, 5 thầy chức nhỏ và 13 thầy đã chịu phép cắt tóc. Do sự giảm sút trợ cấp của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, số chủng sinh trước đây là 70, nay giảm lại còn 30, tuy nhiên đó là không kể 24 chủng sinh đang học tại học viện chung Pulo-Pinang. Các nữ tu người Việt là 360 “.

Công đồng chung Vatcanô I do ĐTC Piô IX triệu tập (1869-1870)

            Ngài đã tham dự Công đồng Chung Vaticanô I năm 1869 – 1870 và dự Hội nghị các Đại Diện Tông toà để nhìn lại Qui luật chung của Hội Thừa Sai Hải Ngoại…

            Trong bản báo cáo gửi về Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris năm 1873, Đức Cha Sohier cho biết:

            “Giáo phận gồm khoảng 25.187 Kitô hữu trên tổng số 2 triệu dân…Các Kitô hữu làm thành khoảng 112 họ đạo, trừ một vài họ đạo quá nhỏ, còn tất cả các họ đạo khác đều có một nhà nguyện ít nhiều sử dụng được. Trong toàn cả giáo phận chỉ có 5 nhà thờ khá vững chắc và khang trang để có thể cất giữ Mình Thánh Chúa. Các tân tòng nhiệt tâm thi nhau xây dựng các nhà thờ mới và chấp nhận nhiều hy sinh lớn lao để thực hiện, nhưng họ tiến hành chậm rãi vì nghèo khó.

            Chủng viện của Miền Truyền Giáo có 33 chủng sinh, không kể 28 thầy đại chủng sinh, trong đó có 2 phó tế, 5 phụ phó tế, 4 thầy chức nhỏ và 13 thầy chịu phép cắt tóc.

            Có  20 trường nam gồm 257 học sinh và hai trường nữ gồm 43 em. Hai cô nhi viện cho 272 cô nhi. Thêm vào đó có 2 tiệm thuốc và 2 trang trại. Nhân sự của Miền Truyền Giáo gồm 1 Giám mục Đại Diện Tông Toà, 7 thừa sai người Âu và 37 Linh mục bản xứ, 7 cộng đoàn gồm 350 nữ tu người Việt ”.

            Rồi trong bản báo cáo năm 1874, ngài viết:

        “Tôi đã phong chức cho 3 tân linh mục bản xứ. Trong nhiều vùng thuộc giáo phận của tôi, các Kitô hữu vẫn còn phải chịu những sách nhiễu lâu dài và dữ dằn vì Thập Điều (10 điều lệnh do Minh Mạng công bố và Tự Đức làm mới lại) mà họ bị ép buộc phải nghe đọc.

       Vào tháng sáu, 6 chủng sinh từ Pinăng về đến Huế mang theo hộ chiếu do đô đốc Sài Gòn cấp cho. Mặc dầu vậy, hay đúng hơn là cũng vì vậy, họ đã bị bắt giữa đường và bị dẫn về kinh đô như những tù nhân, nơi đó người ta nhục mạ họ  rồi họ bị kết án mỗi người phải lãnh 90 roi vì đã nhờ cậy sự bảo vệ của người Pháp. Chúng tôi chỉ có thể giúp các thầy đó khỏi bị ăn đòn bằng cách nộp 108 quan tiền chuộc.

      Mặc dầu những sách nhiễu đó, chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho tất cả các linh mục như thường lệ, cử hành long trọng lễ Phục Sinh, tổ chức hoành tráng các cuộc kiệu Mình Thánh Chúa đang được cất giữ trong 8 nhà thờ.

     Chuyến viếng thăm mục vụ mới đây được thực hiện trong 3 tháng. Khắp nơi tôi đều được đón tiếp với nhiều sự biểu lộ niềm hân hoan lớn lao. Chỉ có một nho sĩ trưởng làng đã nhục mạ chúng tôi mà thôi. Nhưng viên phó huyện trưởng biết được cách cư xử đó, đã hạ chức ông nầy và cho đánh đòn ngay giữa toà. Hành vi công bằng này đã an ủi nhiều các người có đạo và làm cho lương dân phải tôn trọng”.

     Sự kiện đáng nhớ nhất trong giáo phận cần được nêu lên là cuộc hành trình của Đức Cha Sohier đến Bắc Kỳ như là sứ giả của nhà Vua.

     Bản báo cáo năm 1874 viết:

         “Khi ở Huế người ta biết được quân Pháp đã chiếm Hà Nội, Vua và chính phủ hoảng hốt. Vua nhờ Đức Cha Sohier và cha Chính của ngài, là những người đã bị bách hại trước đó, đi Bắc Kỳ với tư cách môi giới (intermédiaires) điều đình với ông Garnier

        Để tránh những khốn khổ mới cho các giáo dân của mình và có lẻ cho mọi Kitô hữu Việt Nam, Đức Cha đã bằng lòng nhận sứ mạng khó khăn này với điều kiện nhà Vua trao toàn quyền cho các sứ giả mà Vua đã có từ lâu nay ở Sài Gòn để kết thúc (conclure) một hoà ước với nước Pháp, đồng thời sai đi Bắc Kỳ cùng với ngài một vị quan lớn được quyền bàn với ông Garnier vấn đề giao thương (la qưestion commerciale). Vua đồng ý tất cả và các vị đi ngay . Với đầy vẻ uy nghi, Đức Cha đã rời Huế  ngày 1 tháng 12 và đến Hà Nội ngày 16 .

          Các biến cố diễn biến rất nhanh, kết quả chỉ đạt được bởi một phái bộ mới và sau nhiều khốn khổ lớn lao. Đức Cha Sohier đã trở lại Miền Truyền Giáo sau đó một thời gian. Tình trạng chung còn lâu mới bình lặng lại và các nho sĩ thoả mãn vì biết được những cuộc tàn sát ở Bắc Kỳ, rất ao ước tái diễn những điều đó tại Nam Kỳ. Tuy nhiên  từ lúc đó, trật tự đã được duy trì ”.

          Cũng vào năm 1874, ngài được truy tặng Bắc Đẩu Bội Tinh vì những việc phục vụ đất nước mình, Vua Tự Đức cũng trao tặng Huy Chương cho ngài năm 1868.

          Khi hoà ước được ký ngày 15/3/1874 chấp nhận Công giáo được tự do tại Việt Nam, Đức Cha cố gắng làm sao để hoà ước này được công bố. Ngài đạt kết quả vào tháng 10 năm 1875.

         Trong bản báo cáo năm 1875, Đức Cha Sohier viết:

         “Năm ngoái, tôi đã thực hiện trong một phần Miền Truyền Giáo của tôi một chuyến thăm mục vụ kéo dài 3 tháng và đã được hoàn thành rất tốt đẹp. Trong mỗi giáo hạt, tôi đã cho tổ chức các cuộc rước kiệu rất đẹp đẽ tôn vinh Mình Thánh Chúa, làm phép các nhà thờ và nghĩa trang, giảng tĩnh tâm cho các linh mục và các nữ tu, chủ toạ các buổi thi giáo lý trong mỗi giáo xứ, cử hành bí tích Thêm Sức v.v. Các nghi thức này quá quen đối với bên trời Âu, nhưng đối với chúng tôi, trong một đất nước trước đây là lò bách hại, lại là một việc mang đến tràn đầy hân hoan và thán phục…”

          Về tổ chức và các công việc của Miền Truyền Giáo, Đức Cha cho biết:

        “Miền Truyền Giáo của tôi gồm gần 3 tỉnh, đó là tỉnh Thừa Thiên hay tỉnh của Vua, nơi có kinh đô, tỉnh Quảng Trị và hai phần ba tỉnh Quảng Bình. Một vị thừa sai trông coi một tỉnh hoặc một phần tỉnh như là linh mục tổng quản (archiprêtre).

  1.  Cha Pontvianne là bề trên tỉnh Quảng Bình; ngài lo việc điều hành 6 linh mục bản xứ, hai nữ tu viện và lo giám sát 4.845 giáo dân, trong đó có 741 người thuộc quyền ngài đặc biệt coi sóc.
  2.  Cha Pineau là bề trên hai giáo hạt rộng lớn, lo việc điều hành 8 linh mục bản xứ, một nữ tu viện lớn và giám sát 7.225 giáo dân, trong đó có 500 người thuộc quyền ngài đặc biệt coi sóc.
  3.  Cha Bonin là bề trên hai giáo hạt lớn, lo việc điều hành 8 linh mục bản xứ, hai nữ tu viện và giám sát 7.424 giáo dân, trong đó có 1.022 người thuộc quyền ngài đặc biệt coi sóc.
  4.  Cha Dangelzer dạy thần học, coi sóc một giáo xứ gồm 614 giáo dân, giải tội cho các nữ tu của hai tu viện) và các nữ tu ở cô nhi viện Kim  Long, đồng thời, bao lâu các công việc khác của  ngài không có gì trở ngại, cùng với tôi lo việc điều hành 14 linh mục bản xứ và giám sát 6.041 giáo dân trong tỉnh của Vua.
  5. Cha Renauld có nhiệm vụ điều hành các trang trại của chúng tôi nơi có những cơ sở chính của Nhà Dục Anh (Sainte-Enfance) – (tôi sẽ nói đến một ít sau này).
  6.  Cuối cùng tôi đặt cha Mathey đứng đầu linh mục đoàn. Về phần tôi thì lo điều hành tổng quát cả Miền Truyền Giáo, lo liên lạc bên trong và bên ngoài, lo sổ sách tính toán của sở Quản lý, vì không có sẵn một vị thừa sai nào để có thể giao phó trọng trách này, điều này càng làm cho tôi thêm rối rắm…

     Trong Miền Truyền Giáo, chúng tôi có hai trang trại cho Nhà Dục Anh, một đã được lập ra cách đây sáu năm, nay rất phát triển, còn trang trại kia lớn gấp ba lần đã được khởi công năm nay. Cho Miền Truyền Giáo, chúng tôi còn có một trang trại khác nữa cũng đang hình thành, mặc dầu đã được khởi sự cách đây ba năm. Vì trang trại này ở chỗ rất tốt và ở đó có thể tạo ra những gì cần thiết để sinh sống, nên với sự đồng thuận của tất cả anh em, tôi đã định chuyển trụ sở của chúng tôi đến đó, xây dựng ở đó một nhà thờ đẹp đẽ và một nữ tu viện v.v…. Đó cũng có thể sẽ là một nơi tĩnh dưỡng cho Miền Truyền Giáo của chúng tôi, một nơi tĩnh tâm cho các linh mục và nơi nương tựa cho các tân tòng dễ bị hư mất, nếu phải trở về giữa những làng lương dân ở quê của họ. Tôi đã đặt cha Renauld đứng đầu để lo các công trình hết sức quan trọng này“.

          Ngày 14/1/1876, Đức Cha Sohier viết:

          “Ngày 24/10/1875, theo lời kêu nài lại của Công sứ Rheinart, Vua Tự Đức đã cho ra một sắc lệnh công bố điều 3 của hoà ước. Chúa Nhật sau đó, ngày 31 tháng 10, tôi đã long trọng công bố sắc lệnh này trong nhà thờ Kim Long, sau Thánh lễ có sự tham dự của các vị trong phái bộ ngoại giao và mọi Kitô hữu trong vùng. Sau đó chúng tôi đã hết lòng hết sức cất lên bài Te Deum. Tôi cũng ra một thư luân lưu truyền hát bài ca tạ ơn Chúa tại tất cả các giáo xứ trong Miền Truyền Giáo, sau khi đọc sắc lệnh tự do này. 

Nhà thờ Kim Long nơi trước đây Đức Cha Sohier đặt Toà Giám Mục

     Nhưng các quan chức không công bố gấp rút như tôi. Cho đến bây giờ sắc lệnh vẫn còn nằm trong hồ sơ của các vị tổng đốc và tri huyện. Người ta dễ hiểu thái độ tránh trút này của họ; quả là nhọc nhằn khi phải đốt đi những gì họ đã quí trọng và quí trọng những gì họ đã đốt đi. Tuy nhiên trong những ngày này người ta từ khắp nơi tin cho tôi rằng họ mời những lý trưởng đến phòng làm việc của họ để nhận các bản sao sắc lệnh. Thế là chúng tôi đã bước vào một thời kỳ mới để các Kitô hữu Việt Nam đáng thương thở được thoải mái kể từ gần 50 năm qua”.

          Vào tháng 6 năm 1876, dầu đuối sức, ngài vẫn muốn thực hiện một chuyến thăm Quảng Bình. Bị cơn bệnh quật ngã hai tháng sau đó tại Kẻ Sen, giáo xứ đã thường làm chỗ cho ngài trú ẩn thường xuyên và lâu dài trong những ngày xấu nhất của cuộc bách hại, ngài đã trút hơi thở cuối cùng tại đó ngày 3 tháng 9 và được chôn cất trong thánh đường.

          Cha Chính Dangelzer của Miền Truyền Giáo Bắc Đàng Trong cho hay những chi tiết sau đây về giây phút cuối cùng của Đức Cố Giám Mục:

         “Từ hai năm nay, Đức Cha  Sohier đã bị bệnh kiết lỵ thường xuyên tấn công. Tình trạng này gây cho chúng tôi phải nhiều lo âu và nhiều lần chúng tôi đã thỉnh cầu Đức Cha tìm cách phục hồi sức khoẻ ở nơi nào có khí hậu ít độc hại hơn, nhưng rủi thay, chúng tôi đã không thể đạt được điều đó và chẳng bao giờ Đức Cha muốn giải quyết bằng việc rời bỏ Miền Truyền Giáo thân yêu của Ngài.         

            Vào cuối tháng 6, Đức Cha đã bắt đầu cuộc thăm viếng mục vụ của ngài nơi tỉnh Quảng Bình. Nhận lời mời của Đức Cha Croc, ngài đã đi đến  tận Hướng Phương để làm phép thánh đường mới của vùng này. Từ đó ngài trở lại Kẻ Sen cử hành trọng thể lễ Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên, nhưng mệt nhọc trong dịp này đã gây nên một cuộc tấn công mới của cơn bệnh quái ác, cuộc tấn công này dữ dội hơn mọi lần khác.          

            Bởi thế, ngày 16 tháng 8, Đức Cha cảm thấy bệnh nặng nguy tử, nên bấy giờ Ngài chỉ nghĩ đến việc dọn mình chết lành mà thôi. Nghe tin đó, mợi người trong Miền Truyền Giáo, hàng giáo sĩ và các tín hữu đều đọc kinh cầu nguyện xin cho khỏi tai hoạ đang đe doạ này. Các thừa sai và các linh mục bản xứ chạy đến vầy quanh Đức Cha, các bác sĩ giỏi nhất trong vùng được mời đến, nhưng mọi sự đều vô ích. Thiên Chúa nhân lành đã muốn thưởng công cho người tôi tớ trung tín của Ngài.         

            Cơn bệnh cứ tăng thêm, từ ngày này qua ngày khác Đức Cha suy yếu dần. Ngay từ những ngày đầu Đức Cha đã chịu các Bí tích cuối cùng. Mọi ân xá Giáo Hội ban cho trong giây phút cuối cùng đều đã được áp dụng cho ngài. Cho đến cuối Đức Cha vẫn biết rõ mọi sự, ngài nói lên những ước muốn cuối cùng và sắp đặt mọi sự cho tang lễ của Ngài.         

           Cuối cùng ngày 3 tháng 9, ít lâu sau trưa, Đức Cha nhẹ nhàng trút linh hồn về với Chúa. Sự mất mát này làm cho mọi tín hữu tràn ngập âu sầu; các linh mục bản xứ khóc thương người cha tuyệt diệu nhất; các vị thừa sai càng đau đớn hơn, vì họ mất đi vừa là một người cha, vừa là một người bạn tận tụy nhất. Vì đặc trách các công vụ của Pháp là người đã có thể đánh giá cao tư cách hoà giải và lòng nhân lành của Đức Cha cũng chia sẻ nỗi đau buồn của chúng tôi; chính các vị Thượng Thư của Vua Tự Đức cũng nói lên tâm tình phân ưu và chia sẻ niềm thương tiếc với  chúng tôi”.

Mộ Đức Cha Sohier (Bình) trong Nhà Thờ Sen Bàng

          Hiền lành, khôn ngoan và hiếu hoà, ngài đã luôn cho thấy bằng chứng tinh ý và khôn khéo (tact et habileté): ngài nâng dậy được những đổ nát do cuộc bách hại gây nên, mặc dầư sự thù hằn của các quan chức, và ngài đã giúp ích cho đất nước mình mà vẫn giữ được mối giao hảo với vua Tự Đức. Một con đường ở Sài Gòn mang tên ngài.

(Dịch theo nguyên văn Pháp ngữ trong Archives des Missions Ẻtrangères,

           No 472, Pays: Vietnam , “Các báo cáo thường niên của các vị Giám Mục Giáo Phận Huế”  “Một số tài liệu của các vị Thừa Sai Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris” do Lê Thiện Sĩ sưu tầm )

Linh mục Stanislaô Nguyễn Đức Vệ