1. Ma Quỷ đứng đằng sau mọi cuộc bách hại
Ma quỷ là căn nguyên của mọi hình thức bách hại: từ thực dân văn hóa cho đến chiến tranh, nạn đói, và nạn nô lệ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng Một tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày nay chúng ta không chỉ chứng kiến những cuộc bách hại các Kitô hữu mà thôi nhưng bên cạnh đó còn có sự áp bức mọi người nam nữ, “từ thực dân văn hóa, chiến tranh, đói khát, và nạn nô lệ”. Nhưng Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chống lại và phục hồi hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa nơi chúng ta.
Trong Bài Đọc Một, Thánh Phêrô đã đề cập cụ thể đến cách cuộc bách hại các Kitô hữu “nổ ra … như lửa”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích tại sao những cuộc bách hại như thế là “một phần của đời sống người Kitô hữu”
Ngài nói:
“Các cuộc bách hại nhiều như ‘không khí’ mà các tín hữu Kitô hít thở ngay cả ngày nay. Bởi vì ngay cả ngày nay cũng có quá nhiều các vị tử đạo, quá nhiều người bị bách hại vì tình yêu dành cho Chúa Kitô. Có rất nhiều quốc gia nơi các tín hữu Kitô chẳng có chút quyền nào. Nếu anh chị em đeo trên cổ một cây thánh giá, anh chị em phải đi tù. Và có đông người phải vào tù như thế. Ngày nay, có những người bị kết án tử hình đơn giản chỉ vì họ là Kitô hữu. Số người mất mạng vì đức tin cao hơn con số các vị tử đạo thời tiên khởi. Cao hơn nhiều lắm! Nhưng điều này không được cho là tin tức. Các bản tin trên báo chí và truyền hình không bao gồm những chuyện này. Trong khi đó các Kitô hữu vẫn đang bị bách hại”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng còn có một loại khủng bố khác trên thế giới ngày nay: đó là cuộc bách hại những người nam nữ vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa.
“Quỷ dữ ở đằng sau mọi cuộc đàn áp, cả cuộc bách hại các tín hữu Kitô, lẫn các cuộc bách hại tất cả mọi người. Ma quỷ cố gắng phá hủy sự hiện diện của Chúa Kitô trong các Kitô hữu, và cả hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người nam nữ. Nó đã cố gắng làm điều này ngay từ đầu, như chúng ta đã đọc trong Sách Sáng thế ký: nó cố gắng phá hủy sự hài hòa mà Chúa tạo ra giữa người nam và người nữ, đó là sự hài hòa xuất phát từ việc được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Và nó đã thành công. Nó đã làm được điều đó bằng cách sử dụng sự dối trá, và quyến rũ … là những vũ khí nó sử dụng. Nó luôn làm điều đó. Nhưng ngày nay có một sự tàn bạo quyết liệt hơn chống lại những người nam nữ: nếu không thì chúng ta làm sao có thể giải thích được làn sóng ngày càng tăng những huỷ diệt chống lại con người, và tất cả những điều đó lại do con người gây ra”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả nạn đói là một “bất công” đang “hủy diệt những người nam nữ bởi vì họ không có gì để ăn”, dù rằng có biết bao thực phẩm dư thừa trên thế giới. Đức Thánh Cha cũng nói về sự khai thác con người, các hình thức nô lệ khác nhau, và nhớ lại gần đây ngài mới xem một bộ phim được quay trong một nhà tù nơi những người di cư bị nhốt và tra tấn để buộc họ làm nô lệ. Đức Thánh Cha nhận xét cay đắng rằng điều này vẫn đang xảy ra, “70 năm sau Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”. Ngài cũng trình bày các suy tư về thực dân văn hóa. Đây chính xác là điều ma quỷ mong muốn, đó là “muốn tiêu diệt phẩm giá con người” – và đó là lý do tại sao chúng ta nói ma quỷ đứng đằng sau mọi hình thức khủng bố.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
“Những cuộc chiến có thể được coi là một loại khí cụ để tiêu diệt nhân loại được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng chúng cũng huỷ diệt cả những con người gây ra chiến tranh, những con người hoạch định chiến tranh để thu tóm quyền lực trên những người khác. Có những người thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí để hủy diệt nhân loại, phá hủy hình ảnh những người nam nữ, cả về mặt đạo đức lẫn văn hóa … Ngay cả khi họ không phải là Kitô hữu, ma quỷ cũng bách hại họ bởi vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta đừng dại dột. Trên thế giới ngày nay, tất cả mọi người, chứ không chỉ các Kitô hữu đang bị bách hại, bởi vì cha của tất cả các cuộc bách hại không thể chừa ra những ai là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, nó tấn công và phá hủy những hình ảnh đó. Không dễ để hiểu điều này đâu. Chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều nếu chúng ta muốn hiểu được điều đó”
2. Hãy từ bỏ các khuôn mẫu hành xử thế gian tước mất tự do của chúng ta
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo các Kitô hữu chống lại những vướng bận với những cách suy nghĩ và hành động của thế gian trong bài giảng Thánh lễ hôm thứ Ba 29 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta
Lấy cảm hứng từ Bài Đọc Một trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô Tông Đồ trong đó thúc giục các Kitô hữu hãy thánh thiện trong mọi khía cạnh của hành vi, bài giảng của Đức Thánh Cha là những suy tư của ngài về lời kêu gọi nên thánh và tầm quan trọng của việc thoát ra khỏi lối tư duy và cách hành xử thế gian đã từng nô lệ hóa chúng ta.
“Lời kêu gọi thánh thiện, một lời kêu gọi bình thường, là lời kêu gọi chúng ta hãy sống như một Kitô hữu, và như thế nói ‘sống như một Kitô hữu’ cũng đồng nghĩa với nói ‘sống như một vị thánh’. Nhiều lần chúng ta nghĩ về sự thánh thiện như một điều gì đó phi thường, như phải được thị kiến hay phải có những lời cầu nguyện cao cả … hoặc một số người nghĩ rằng thánh thiện có nghĩa là có một gương mặt như trong một bức điêu khắc … không. Nên thánh là điều gì đó khác. Đó là tiến bước dọc theo con đường Chúa nói với chúng ta về sự thánh thiện. Và tiến bước dọc theo con đường thánh thiện là gì? Thánh Phêrô nói rằng: ‘Hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện’”
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng tiến về đàng thánh thiện có nghĩa là tiến tới ân sủng đã được Thánh Phêrô đề cập, tiến đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Nó giống như tiến về phía ánh sáng: nhiều lần chúng ta không thấy rõ con đường bởi vì ánh sáng làm lóa mắt chúng ta.
Nhưng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Chúng ta đừng nhầm lẫn, đừng chỉ tin vào những nẻo đường được chiếu sáng. Khi anh chị em bước đi với ánh sáng phía sau lưng, anh chị em có thể nhìn thấy rõ con đường, nhưng trong thực tế trước mặt anh chị em chỉ có cái bóng, chứ không phải là ánh sáng.”
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng có nhiều điều nô lệ hóa chúng ta, các Kitô hữu cần phải “được tự do và cảm thấy tự do” để có thể hướng về đàng thánh thiện.
Đó là lý do khiến Thánh Phêrô thúc giục chúng ta “đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội.” Thánh Phaolô cũng nói trong Thư Thứ Nhất gởi dân thành Rôma: “Đừng tuân thủ”, nghĩa là đừng tham gia vào các khuôn mẫu hành xử thế gian.
“Đây là bản dịch chính xác của lời khuyên này – đừng chấp nhận các khuôn mẫu thế gian, – đừng chấp nhận những kiểu hành xử, những lề lối tư duy trần tục, đừng chấp nhận những cách suy nghĩ và đánh giá mà thế giới đưa ra cho anh chị em bởi vì điều đó tước mất tự do của anh chị em. Và, như Thánh Phêrô nói ở đây, khi chúng ta quay lại với lối sống của chúng ta trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô hay khi chúng ta quay lại với những kiểu hành xử thế gian đó, chúng ta mất tự do.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cảnh báo rằng khi đối mặt với những khó khăn, chúng ta thường bị cám dỗ nhìn lại với một nỗi hoài cổ như dân Chúa đã làm trong Sách Xuất Hành khi họ phàn nàn và nghĩ lại “cuộc sống tươi đẹp mà họ từng sống ở Ai Cập.”
Ngài nói: “Trong khoảnh khắc thử thách và gian truân, chúng ta luôn bị cám dỗ nhìn lại, hướng về các kiểu cách hành xử thế gian, hướng đến các khuôn mẫu chúng ta đã có trước khi cất bước trên con đường hướng tới sự cứu rỗi: là những cách hành xử không có tự do. Và không có tự do, người ta không thể là thánh. Tự do là điều kiện để tiến lên phía trước trong khi nhìn vào ánh sáng phía trước chúng ta. Không chấp nhận các kiểu hành xử thế gian, tiến về phía trước, nhìn vào ánh sáng, là lời hứa, trong hy vọng. Đây là lời hứa giống lời Chúa hứa với dân Ngài trong sa mạc: khi họ nhìn về phía trước, mọi thứ đều ổn; khi họ hoài niệm vì họ không còn có thể ăn những thứ ngon miệng trước đây, họ phạm lỗi và quên rằng thời đó họ làm gì có được tự do ở đó.”
Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa của ngài rằng Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh mỗi ngày. Và ngài nói thêm rằng có hai thông số giúp chúng ta nhận biết chúng ta đang trên con đường hướng đến sự thánh thiện hay không. Trước tiên, chúng ta phải hướng đến ánh sáng của Chúa với hy vọng tìm thấy ánh sáng ấy. Thứ hai là khi thử thách ập đến, chúng ta vẫn tiếp tục nhìn phía trước và không đánh mất tự do của chúng ta bằng cách quay lại với các khuôn mẫu hành xử thế gian, chúng “hứa hẹn với anh chị em mọi thứ nhưng chẳng mang lại điều gì”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lệnh truyền của Chúa là “Ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”.
Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để hiểu chính xác con đường của sự thánh thiện là gì: đó là “con đường tự do” nhưng với “sự căng thẳng của hy vọng” dọc dài trên con đường của chúng ta hướng về Chúa Giêsu.
3. Câu chuyện Đức Mẹ cải tử hoàn sinh Vua thành León
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Quý vị và anh chị em vừa xem một cảnh tượng rước kiệu Đức Mẹ tại León /liˈɒn/ bên Tây Ban Nha.
Người dân Tây Ban Nha có một lòng sùng đạo rất đặc biệt. Nhiều thể hiện đạo đức của người Công Giáo Tây Ban Nha đã theo chân các vị thừa sai du nhập vào Việt Nam. Trong các miền ở Tây Ban Nha có một miền mà dân chúng ở đó có một lòng sùng kính Đức Mẹ cao độ và đặc biệt là họ rất siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đó là miền León.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Vương quốc León được hình thành vào năm 910 sau Chúa Giáng Sinh. Vương quốc này tồn tại như một quốc gia có chủ quyền cho đến năm 1833 thì sáp nhập vào Tây Ban Nha. Ngày nay, vương quốc này trải dài trên ba tỉnh Tây Bắc của Tây Ban Nha là León, Zamora, và Salamanca. Thủ phủ León cách Madrid 340km về hướng tây bắc.
Thánh Louis De Montfort sinh năm 1673 và qua đời năm 1716 đã giải thích về lòng sùng mộ này trong cuốn “Bí mật của Kinh Mân Côi”.
Được mẫu hậu cho biết phụ vương trước khi ra trận thường đọc Kinh Mân Côi và đã thắng nhiều trận đánh lớn nhờ lòng sùng kính Đức Mẹ, vua Alphonsus của León và Galicia muốn tất cả các bầy tôi của mình phải tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách đọc Kinh Mân Côi.
Vì thế, ông thường đeo một cỗ tràng hạt lớn bên mình như các tu sĩ dòng Đa Minh trong các buổi triều yết với bá quan văn võ trong triều. Nhưng ông chỉ đeo làm kiểu vậy thôi. Bản thân nhà vua thì biếng nhác, ông không bao giờ tự đọc Kinh Mân Côi một mình!
Tuy thế, gương nhà vua lúc nào cũng đeo chuỗi Mân Côi nơi công cộng, cũng khuyến khích bá quan trong triều và dân chúng đọc Kinh Mân Côi rất siêng năng.
Khi về già nhà vua mắc nhiều căn bệnh ngặt nghèo. Một ngày kia, nhà vua bất tỉnh trong lúc đang thảo triều cùng với các bá quan, và mọi người đều nghĩ nhà vua đã chết!
Khi bất tỉnh như thế, nhà vua rơi vào một thị kiến, và thấy mình đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Với tất cả những tội lỗi nhà vua đã phạm, ông chắc mình thế nào cũng sa hỏa ngục!
Đột nhiên, Đức Mẹ xuất hiện và yêu cầu mang đến cho Mẹ một chiếc cân. Mẹ đặt các tội lỗi của nhà vua lên một dĩa cân. Tội nhà vua nhiều quá, dĩa cân nghiêng hẳn sang một bên. Mẹ lại đặt cỗ tràng hạt nhà vua luôn đeo bên mình sang dĩa cân bên kia. Dĩa có cỗ tràng hạt lại nặng hơn. Đúng thế, tràng chuỗi Mân Côi nặng hơn tội lỗi của nhà vua!
Đức Mẹ nói với nhà vua “Để thưởng cho con đã dành cho Ta vinh dự nhỏ bé này khi luôn đeo tràng chuỗi bên mình và khích lệ người ta đọc kinh Mân Côi, Ta đã xin được một ân sủng lớn lao cho ngươi, từ Con Ta. Thay vì sa hỏa ngục, ngươi sẽ có thể sống thêm vài năm nữa. Hãy sống những năm tháng này một cách khôn ngoan, và làm nhiều việc thiện!”
Nhà vua tỉnh giấc giữa lúc các quan chuẩn bị báo tin vua đã băng hà. Nhà vua khóc lớn:
“Phúc thay Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh. Kinh Mân Côi của Mẹ đã cứu con khỏi những lửa hỏa ngục kinh khiếp!”
Sau khi nhà vua phục hồi sức khỏe của mình, ông đã dành phần còn lại của cuộc đời mình để truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi, và lần hạt mỗi ngày.
4. Niềm vui là không khí Kitô hữu hít thở
Đề cập đến một đoạn trích từ Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một chủ đề thường xuyên của ngài theo đó các tín hữu phải là những người nam nữ mang niềm vui trong lòng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 28 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.
Đề cập đến người thanh niên giàu có, là người đã buồn bã giã biệt Chúa Giêsu vì anh không thể từ bỏ tài sản của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các Kitô hữu không thể hành xử như vậy.
Đức Thánh Cha nói: “Niềm vui phải là không khí các Kitô hữu hít thở”. Kitô hữu phải thể hiện nơi mình niềm vui. Niềm vui không thể được mua bán hay bị bắt buộc. “Không, đó là một thành quả của Thánh Linh Thiên Chúa. Đấng gieo niềm vui trong lòng chúng ta là Chúa Thánh Thần”.
Ký ức là tảng đá vững chắc mà các Kitô hữu tìm thấy niềm vui. Khi chúng ta nhớ lại “những gì Chúa đã làm cho chúng ta… đã tái sinh chúng ta” thì ký ức đó tạo ra hy vọng cho những gì sẽ đến trong tương lai khi chúng ta gặp gỡ Con Thiên Chúa. Trí nhớ và hy vọng cho phép các Kitô hữu sống an vui; và hòa bình đạt được khi niềm vui được sống một cách hoàn hảo nhất:
Niềm vui không có nghĩa là sống với những tiếng cười. Không, nó không phải như thế đâu. Niềm vui không phải là hoan lạc. Không, nó không phải như thế đâu. Nó là cái gì khác. Niềm vui của người Kitô hữu là hòa bình, là bình an được bắt rễ sâu, bình an trong lòng, sự bình an mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta. Đây là niềm vui của Kitô hữu. Không dễ dàng để nuôi dưỡng niềm vui này.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô than vãn một thực tế ngày nay là văn hóa đương đại hài lòng với những mảnh vụn của niềm vui không bao giờ mang đến sự thỏa mãn hoàn toàn. Vì niềm vui là một ân sủng của Thánh Linh, nó rung động ngay cả “trong những khoảnh khắc hỗn loạn và trong thời điểm thử thách”.
Có một sự bồn chồn lành mạnh, và có cả sự bồn chồn không lành mạnh – đó là sự lo toan tìm kiếm sự an toàn, và hoan lạc trên tất cả mọi sự. Người đàn ông trẻ trong bài Tin Mừng sợ rằng nếu anh ta từ bỏ sự giàu có của mình, anh ta sẽ không hạnh phúc. Niềm vui đích thật, sự ủi an: là hơi thở của các Kitô hữu chúng ta.