1. Kitô hữu là người đầy niềm vui
Kitô hữu là người mang trong mình niềm vui, chứ không phải luôn mang vẻ mặt đưa đám. Sống bi quan thì không phải là đời sống của người Kitô. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 21 tháng 12 tại nhà nguyện Marta.
Cả hai bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều nói về niềm vui. Một niềm vui sâu xa xuất phát từ nội tâm, không phải theo kiểu niềm vui của các lễ hội. Sứ điệp niềm vui hôm nay là: Hãy vui lên anh em! Hãy mừng vui! Có ba khía cạnh của niềm vui. Trước tiên, niềm vui đến từ ơn tha thứ.
Chúng ta được mời gọi để sưởi ấm cuộc đời, vì chúng ta biết rằng mình được thứ tha. Đây là cội rễ niềm vui của người tín hữu Kitô. Thử nghĩ về niềm vui được nói tới trong sách Tin Mừng. Đó là niềm vui của các bệnh nhân được chữa lành, niềm vui của những người được giải thoát khỏi ma quỷ. Do đó, chúng ta cần ý thức về ơn cứu chuộc mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta.
Đức Thánh Cha nói:
Có triết gia nọ đi theo thuyết bất khả tri. Ông phê bình các Kitô hữu rằng: “Những người Kitô hữu nói: họ có một Đấng Cứu Độ. Tôi sẽ tin điều đó nếu tôi nhìn thấy trên gương mặt họ niềm vui của những kẻ được cứu độ.” Thực tế, bạn lại mang bộ mặt đưa đám, vậy thì làm sao người ta có thể tin được rằng bạn đã được cứu độ, làm sao người ta có thể tin được rằng bạn đã được thứ tha? Đây là điểm đầu tiên trong sứ điệp của phụng vụ hôm nay. Đó là: bạn được thứ tha, mỗi người chúng ta đều được tha thứ. Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự tha thứ. Để có thể nhận biết được điều ấy, chúng ta cần tiến bước với niềm vui, vì Chúa tha thứ cho chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho mọi yếu đuối mà chúng ta đã phạm.
Điều thứ hai giúp cho chúng ta có được niềm vui, đó là: Chúa luôn đồng hành với chúng ta mọi lúc mọi nơi, giống như Ngài đã làm cho tổ phụ Abraham. Chúa luôn ở cùng chúng ta, ở giữa chúng ta, giữa những khó khăn thử thách, giữa những niềm vui, ở trong mọi hoàn cảnh. Như thế, trong ngày sống, chúng ta hãy tâm niệm lời này: Chúa ở bên con, Chúa ở trong con, trong cuộc đời con.
Khía cạnh thứ ba của niềm vui, là không bị rơi vào sự bi quan chán nản. Sống bi quan không phải là lối sống của Kitô hữu. Sống bi quan xuất phát từ gốc rễ cho rằng mình không được tha thứ, rằng mình không nhận biết mình đã được thứ tha. Sống bi quan vì chưa nhận biết sự quan phòng của Thiên Chúa. Đọc trong Tin Mừng, chúng ta có thể thấy được niềm vui rất rõ nơi Mẹ Maria: Mẹ vui mừng vội vã lên đường, đi thăm bà chị họ Elisabet. Mẹ có niềm vui mãnh liệt ấy vì Mẹ có đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần. Niềm vui làm cho Mẹ mau mắn, không chút trễ nải. Chúa Thánh Thần như luồng gió mát thôi thúc tâm hồn, như luồng gió thổi cánh buồm để con thuyền đời ta lướt sóng tiến về phía trước, tiến mãi không thôi.
2. Thánh Lễ dẫn đưa tín hữu bước vào cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa
Thánh Lễ là hành động phụng tự gồm phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Nó gồm nhiều cử chỉ ý nghĩa dẫn đưa tín hữu vào cuộc gặp gỡ yêu thương với Chúa Kitô, là Đấng đã nhập thể làm người, đã chết trên thập giá và đã sống lại vinh hiển để cứu chuộc nhân loại.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi gặp gỡ chung tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích đoạn sách Công Vụ chương 2 kể lại sinh hoạt của cộng đoàn kitô tiên khởi viết rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.
Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.
Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.”
Giải thích các phần khác nhau của Thánh Lễ Đức Thánh Cha nói:
Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, gắn liền với nhau một cách chặt chẽ làm thành một cử chỉ phụng tự duy nhất (x. SC, 56; Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 28). Được dẫn nhập bởi vài lễ nghi chuẩn bị, và kết thúc bởi các lễ nghi khác, việc cử hành như thế là một cơ thể duy nhất không thể tách rời được; nhưng để hiểu biết tốt hơn tôi sẽ tìm giải thích các lúc khác nhau của nó, mỗi một lúc có khả năng đánh động và huy động một chiều kích nhân tính của chúng ta. Cần phải hiểu biết các dấu chỉ thánh thiện này để sống Thánh Lễ một cách tràn đầy và nếm hưởng vẻ đẹp của nó.
Khi dân được triệu tập, việc cử hành mở đầu với các lễ nghi dẫn nhập bao gồm việc chủ tế và các vị cử hành tiến vào, lời chào “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bình an ở cùng anh chị em”! – cử chỉ thống hối – “Tôi thú nhận”, trong đó chúng ta xin lỗi các tội của chúng ta” – Kinh Thương Xót, kinh Vinh Danh, và lời nguyện colletta: gọi là lời nguyện colletta không phải để thu góp các của lễ, nhưng là thu thập các ý chỉ cầu nguyện của tất cả mọi dân tộc, và việc thu góp ý chỉ của các dân tộc lên tới trời như lời cầu nguyện. Mục đích của các lễ nghi dẫn nhập này là để “các tín hữu tụ họp với nhau, làm thành một cộng đoàn và chuẩn bị lắng nghe lời Chúa với lòng tin và cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng” (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 46).
Thật không phải là một thói quen tốt nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đến kịp lễ, tôi đến sau bài giảng và với việc này tôi chu toàn luật”. Thánh lễ bắt đầu với dấu thánh giá, với các lễ nghi dẫn nhập, bởi vì ở đó chúng ta bắt đầu thờ lậy Thiên Chúa như là cộng đoàn. Chính vì vậy thật là quan trọng dự liệu đừng tới trễ, nhưng tới sớm hơn, để chuẩn bị con tim cho lễ nghi đó, cho việc cử hành này của cộng đoàn.
Trong khi hát ca nhập lễ vị linh muc và các thừa tác khác đi rước tiến lên cung thánh, tại đây ngài cúi chào bàn thờ, và như dấu chỉ sự tôn kính ngài hôn, và khi có có xông hương thì ngài xông hương bàn thờ. Tại sao vậy? Bởi vì bàn thờ là Chúa Kitô: nó là hình ảnh của Chúa Kitô. Khi chúng ta nhìn bàn thờ, chúng ta nhìn chính nơi Chúa Kitô ngự. Bàn thờ là Chúa Kitô.
Các cử chỉ có nguy cơ không đuợc chú ý này, rất ý nghĩa, bởi vì chúng diễn tả ngay từ đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ tình yêu với Chúa Kitô, là Đấng khi “hiến dâng thân xác mình trên thập giá, trở thành bàn thờ, của lễ và tu tế” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh V). Thật thế, bàn thờ như dấu chỉ của Chúa Kitô, “là trung tâm của hành động tạ ơn được chu toàn với Thánh Thể” (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 296). Và toàn cộng chung quanh bàn thờ, là Chúa Kitô, không phải để nhìn mặt mình nhưng để nhìn Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô là trung tâm của cộng đoàn, Ngài không ở xa cộng đoàn.
Tiếp tục bài huấn dụ về ý nghĩa Thánh Lễ Đức Thánh Cha nói: Thế rồi còn có dấu thánh giá. Vị linh mục chủ tế làm dấu thánh giá trên chính mình và tất cả các thành phần cộng đoàn cũng làm dấu thánh giá, ý thức rằng hành động phụng vụ được chu toàn “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Và ở đây tôi bước sang một đề tài rất nhỏ khác: Anh chị em có thấy các em bé làm dấu thánh giá làm sao không? Chúng không biết điều chúng làm: đôi khi chúng vẽ một hình mà không phải là thánh giá. Xin vui lòng: cha mẹ, ông bà, xin anh chị em hãy dậy các trẻ em ngay từ đầu – khi chúng còn bé tí – làm dấu thánh giá cho đúng đắn hẳn hoi – Và giải thích cho chúng hiểu là thập giá của Chúa Giêsu là sự che chở. Và Thánh Lễ bắt đầu với dấu Thánh Giá.
Tất cả lời cầu di chuyển trong không gian của Thiên Chúa Ba Ngôi, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, là không gian của sự hiệp thông vô tận; như nguồn gốc và kết thúc, nó có tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất, được biểu lộ và trao ban cho chúng ta trên Thập Giá Chúa Kitô. Thật ra mầu nhiệm phục sinh của Ngài là ơn của Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thánh Thể luôn luôn nảy sinh từ trái tim bị đâm thâu của Ngài. Như vậy, khi làm dấu thánh giá trên mình chúng ta không chỉ tưởng niệm Bí Tích Rửa Tội, mà cũng khẳng định rằng lời cầu phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Kitô Giêsu, là Đấng đã nhập thể, chết trên thập giá và sống lại vinh hiển vì chúng ta.
Rồi vị linh mục hướng lời chào phụng vụ tới cộng đoàn với kiểu nói “Chúa ở cùng anh chị em” hay một kiểu nói khác tương tự, có nhiều kiểu lắm; và cộng đoàn trả lời: “Và ở cùng tâm trí cha”. Chúng ta đang đối thoại với nhau; chúng ta đang ở đầu Thánh Lễ và phải nghĩ tới ý nghĩa của tất cả các dấu chỉ và các lời này. Chúng ta đang bước vào trong “một hòa tấu”, trong đó vang lên các giọng nói khác nhau, bao gồm các lúc thinh lặng, để tạo ra “sự đồng ý” giữa tất cả mọi tham dự viên , nghĩa là thừa nhận mình được linh hoạt bởi một Thần Khí duy nhất và cho cùng một mục đích.
Thật thế, “lời chào của linh mục và câu trả lời của dân chúng biểu lộ mầu nhiệm của Giáo Hội được quy tụ” ( Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 50). Như thế chúng ta diễn tả niềm tin chung và ước muốn cùng nhau ở với Chúa và sống sự hiệp nhất với toàn cộng đoàn.
Và đấy là sự hoà tấu cầu nguyện, mà người ta đang tạo ra lập tức giới thiệu một lúc rất đánh động, bởi vì vị chủ sự mời gọi tất cả mọi người thừa nhận các tội lỗi của mình. Chúng ta tất cả đều là kẻ tội lỗi. Tôi không biết, có lẽ có người trong anh chị em không phải là người tội lỗi… Nếu ai không có tội, xin làm ơn xin làm ơn giơ tay lên để cho mọi người đều thấy. Không có ai giơ tay cả: vậy thì tốt, anh chị em có đức tin! Tất cả chúng ta là những người tội lỗi; chính vì vậy mà đầu lễ chúng ta xin lỗi. Đó là cử chỉ sám hối. Đức Thánh Cha giải thích cử chỉ này như sau:
Đây không phải chỉ là nghĩ tới các tội lỗi đã phạm, nhưng còn hơn thế nữa: đó là lời mời gọi xưng thú mình là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa, trước cộng đoàn và trước các anh chị em khác, với lòng khiêm tốn và chân thành, như người thu thuế trong đền thờ. Nếu Thánh Thể khiến cho mầu nhiệm phục sinh hiện diện, thì có nghĩa là sự kiện Chúa Kitô vượt qua từ cái chết vào sự sống, thì khi đó điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là thừa nhận đâu là các tình trạng chết của chúng ta để có thể sống lại với Ngài vào cuộc sống mới. Điều này làm cho chúng ta hiểu cử chỉ sám hối quan trọng chừng nào. Vì thế, chúng ta sẽ đề cập đến đề tài này trong bài giáo lý tới. Chúng ta đi từng bước trong việc giải thích Thánh Lễ. Nhưng tôi xin anh chị em: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi nhé!
3. Câu chuyện Hoàng Tử Và Cậu Bé Nghèo
Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một quyển tiểu thuyết mang tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.
Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.
Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin… Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.
Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện… Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giàu lòng thương người.
Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước phẩm được làm con Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.
Mang lấy trong thân xác Ngài khổ đau của nhân loại, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với từng người, nhất là những người khổ đau. Ðồng hóa mình với những người đau khổ, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta con đường để gặp gỡ Ngài: Ngài hiện diện trong những đau khổ, bé mọn nhất. Tiếp rước những người đó chính là tiếp rước Ngài.
Thiên Ðàng là một gặp gỡ triền miên với Chúa, nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ được chuẩn bị bằng những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúng ta khước từ tha nhân, chúng ta cũng khước từ chính Chúa.
Tha nhân là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu mến Chúa.
Nơi bàn thờ, vị linh mục đọc lại lời của Chúa Giêsu: này là Mình Ta, này là Máu Ta… Khi chỉ cho chúng ta mỗi một con người, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ nói: “Này là Mình Ta…”.
Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc gặp gỡ này chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng biết nhận ra Chúa trong từng cuộc gặp gỡ với tha nhân… Xin Chúa thêm Ðức Tin để chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu trong tha nhân, nhất là những người cùng khổ, bé mọn trong xã hội.
4. Thánh Giuse trong hành trình cứu độ
Thánh Giuse đã thực thi vai trò làm cha nuôi của Con Một Thiên Chúa. Thánh nhân nuôi dạy trẻ Giêsu trưởng thành về mọi phương diện. Giữa những thử thách, giữa những đau khổ, giữa bóng tối, chúng ta học được nơi thánh Giuse cách vững bước trong đêm đen, cách lắng nghe Lời Thiên Chúa, cách tiến bước trong thinh lặng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng 18 tháng 12 tại nhà nguyện Marta.
Khi Đức Maria từ nhà chị Elisabet trở về, thì dấu hiệu làm mẹ của người phụ nữ ngày càng hiện rõ. Giờ đây, thánh Giuse phải đối diện với những nghi ngờ, phải đối diện với đau khổ, với nỗi khổ tâm rất lớn. Thánh Giuse khi ấy không thể hiểu được rằng, Đức Maria là nữ tì của Thiên Chúa, chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Thánh nhân quyết định bỏ Đức Maria trong âm thầm. Thánh nhân quyết định không tố giác công khai. Trong bối cảnh ấy, sứ thần Thiên Chúa can thiệp, hiện đến trong giấc mơ, và giải thích cho Giuse hiểu được rằng, em bé Giêsu được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Khi ấy, thánh Giuse tin tưởng và vâng phục.
Đức Thánh Cha nói:
Trong khi thánh Giuse đang vật lộn với cuộc chiến đấu nội tâm, tiếng nói của Thiên Chúa vang lên: “Hãy thức dậy, hãy trỗi dậy!” Nhiều lần trong Kinh Thánh, khi bắt đầu một sứ mạng mới, tiếng ấy tiếp tục vang lên: Hãy trỗi dậy! Hôm nay cũng thế, sứ thần nói với thánh Giuse: Hãy trỗi dậy, đón Maria về nhà mình! Làm như thế là đón lấy trách nhiệm, là làm chủ tình thế. Thánh Giuse không đến với những người bạn để được an ủi. Ngài cũng không đến với nhà tâm lý để giải thích giấc mơ… Không. Ngài tin, và ngài tiến bước. Ngài dang tay đón nhận hoàn cảnh ấy. Nhưng mà ngài phải làm gì trong tình huống ấy? Tình huống ấy là thế nào? Ngài phải làm gì để thực thi trách nhiệm? Có hai điều: đó là vừa thực thi trách nhiệm làm cha vừa nhận lấy mầu nhiệm.
Thánh Giuse nhận lấy Hài Nhi Giêsu và thực thi trách nhiệm làm cha nuôi. Điều này được ghi rõ trong gia phả của Chúa Giêsu. Đó là: Chúa Giêsu là con bác thợ mộc Giuse.
Thánh nhân thực thi trách nhiệm làm cha với một người con không phải con của mình, nhưng là Con của Thiên Chúa Cha. Thánh nhân thực thi bổn phận làm cha với đầy đủ ý nghĩa làm cha: đó là đón nhận, nuôi dưỡng Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu. Đó là dưỡng nuôi cho em bé Giêsu lớn lên. Đó là dạy nghề cho Giêsu. Đó là nuôi dạy Giêsu nên người trưởng thành. Thánh nhân thực thi trách nhiệm làm cha với một người con không phải con của mình mà là Con của Thiên Chúa. Thánh nhân đã làm tất cả mà không nói một lời. Ngài là người thầm lặng. Trong sách Tin Mừng, không có một lời nào của thánh Giuse.
Thánh nhân đón lấy mầu nhiệm của Thiên Chúa, để có thể góp phần làm cho mầu nhiệm ấy được thực hiện. Đó là đưa dân trở lại với Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm của cuộc sáng tạo mới. Cuộc sáng tạo mới ấy còn đẹp hơn cuộc sáng tạo ban đầu.
Thánh Giuse đón lấy mầu nhiệm của Thiên Chúa và thực thi trong âm thầm những gì Thiên Chúa gọi mời. Thánh nhân thực thi sứ mạng làm cha của Con Một Thiên Chúa. Thánh nhân đón lấy mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh nhân mang trong mình dáng dấp của Thiên Chúa Cha. Nếu như Chúa Giêsu, trong thân phận con người, đã học cách nói, cách gọi “Cha ơi! Cha ơi!” với Thiên Chúa Cha, thì trước tiên, trong đời sống, Chúa Giêsu đã học cách gọi ấy nơi người cha nuôi Giuse của mình. Thánh Giuse là thế. Ngài là người cha nuôi luôn bảo bọc, nuôi dưỡng, dạy dỗ người con. Ngài thực thi bổn phận làm cha của mình trong âm thầm, trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài chẳng khi nào dành phần cho riêng mình. Và vì thế, mà Hài Nhi Giêsu có thể lớn mạnh và trưởng thành.
5. Có những quốc gia không muốn sinh con
Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta và muốn tất cả chúng ta sống vị tha. Chúng ta hãy nhìn vào máng mỏ đang đợi chờ Hài Nhi chào đời, để trái tim của chúng ta có thể mở ra chứ không còn khép kín. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng 19 tháng 12 tại nhà nguyện Marta.
Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Thiên Chúa đã phán như thế trong công trình sáng tạo. Thiên Chúa cũng chúc phúc như thế cho các tổ phụ. Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có sự chúc lành.
Đức Thánh Cha nói:
Tôi nghĩ một chút tới một số người, tới một số quốc gia không muốn sinh con. Họ đang bị bệnh nặng. Họ đang ở trong mùa đông lạnh lẽo về dân số. Tại sao lại thế? Chúng ta đều biết: họ không muốn sinh con. Không như thế được, điều ấy chẳng lành mạnh chút nào… Những quốc gia ấy vắng bóng trẻ em, và ở đó chẳng có sự chúc lành. Việc nảy sinh hoa trái luôn là sự chúc lành của Thiên Chúa. Có việc nảy sinh hoa trái về vật chất cũng như tinh thần. Có những người không kết hôn, ví dụ các linh mục, các tu sĩ nam nữ, nhưng họ phải sống vì tha nhân, cần phải sống hy sinh cho tha nhân. Hãy nhìn chính bản thân chúng ta! Thật khốn khổ cho chúng ta, nếu chúng ta không biết làm nảy sinh hoa trái bằng những công việc tốt lành.
Sự sinh sôi nảy nở là dấu chỉ của Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã chọn những biểu tượng thật đẹp, ví như sa mạc. Còn có cái gì khô cằn hơn sa mạc nữa chăng! Thế mà các ngôn sứ nói, ngay cả giữa sa mạc cũng sẽ nở hoa, và sự khô cằn sẽ được tưới gội đầy nước. Đó là lời hứa của Thiên Chúa. Lời hứa của Thiên Chúa rất hiệu quả.
Thế nhưng, ma quỷ thì muốn vô sinh. Nó không muốn mỗi người chúng ta vui sống về thể chất cũng như tinh thần. Nó không muốn chúng ta sống vì tha nhân. Nó muốn chúng ta chỉ biết sống cho bản thân. Nó muốn chúng ta sống ích kỷ, sống kiêu ngạo, sống hư danh. Nó làm cho linh hồn chúng ta chết nghẹt và không còn biết đến người khác. Ma quỷ là kẻ gieo vào lòng chúng ta cỏ dại của ích kỷ và nó làm cho thứ cỏ ấy không ngừng phát triển.
Có nhà truyền giáo nọ, xin ơn là có nhiều người con tinh thần trước khi nhắm mắt lìa đời. Quả thật, khi 90 tuổi, sau cuộc đời cực nhọc phục vụ, cha ấy đã có nhiều người con tinh thần ở bên cạnh khi cha ấy bệnh nặng cuối đời.
Ở đây chúng ta có thể nhìn vào máng cỏ đang bỏ trống. Máng cỏ ấy là biểu tượng của niềm hy vọng, của niềm chờ mong một Hài Nhi sắp chào đời. Nhưng máng cỏ bỏ trống ấy cũng có thể biểu tượng cho một vật thể trong viện bảo tàng, có thể là biểu tượng cho một cuộc sống trống rỗng. Tâm hồn chúng ta cũng là một máng cỏ, là một chiếc nôi như thế. Tâm hồn chúng ta đang như thế nào? Nó trống rỗng, luôn luôn trống rỗng, nhưng nó có biết mở ra đón nhận sự sống, có biết trao tặng sự sống hay không? Con tim ấy có biết đón nhận và trao tặng hay không? Tâm hồn chúng ta được gìn giữ như theo kiểu như viện bảo tàng, hay tâm hồn ấy biết mở ra cho sự sống? Lạy Chúa, xin hãy đến ngự vào máng cỏ, xin hãy ngự vào tâm hồn con, lấp đầy trái tim con, tăng sức linh hồn con, và làm cho đời con sinh hoa kết trái.