1. Đừng là những Kitô hữu dừng chân tại chỗ.
Người Kitô hữu đích thực không ngừng tiến bước sau khi nhận được món quà ân sủng đầu tiên. Họ phải luôn tiến về phía trước, tiếp tục tìm kiếm niềm hân hoan vui mừng trong Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 12 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
“Các ông mà không thấy những điềm thiêng dấu lạ này, thì các ông sẽ chẳng tin đâu.” Đó là lời Chúa Giêsu cảnh báo viên sĩ quan khi ông này đến xin Ngài chữa bệnh cho con trai mình. Người ta đã biết Đức Giêsu từng làm nhiều phép lạ cả thể; và trong bài Phúc Âm, Thiên Chúa dường như đã không còn kiên nhẫn nữa bởi vì những phép lạ của Chúa hình như mới chính là vấn đề mà họ thực sự quan tâm.
Đức Thánh Cha nói:
Đức tin của anh chị em ở đâu? Khi nhìn thấy những điềm thiêng dấu lạ, anh chị em nói ‘Ngài có năng quyền, Ngài quả thật là Thiên Chúa’. Vâng, đó là một hành động của đức tin, nhưng nó rất nhỏ. Đức tin khởi đi từ những bằng chứng xác thật rằng con người này có năng quyền mạnh mẽ. Đức tin bắt đầu từ đó, nhưng rồi nó phải tiến xa hơn nữa. Chính đức tin này phải thúc giục anh chị em đi tìm Thiên Chúa, để gặp được Ngài, để ở với Ngài, để vui mừng hân hoan với Ngài.
Phép lạ cả thể của Thiên Chúa có ý nghĩa gì? Bài đọc thứ nhất trong sách tiên tri Isaia, giải thích với chúng ta rằng “Này đây, Ta sáng tạo ra trời mới và đất mới… hãy hân hoan vui mừng vì những gì chính Ta đã sáng tạo.” Thiên Chúa làm cho ước muốn của chúng ta được hân hoan vui mừng khi được ở với Ngài.
Khi Thiên Chúa đi vào đời sống và thực hiện phép lạ nơi mỗi người, thì chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tác động đến cuộc đời mình, nhưng phép lạ không dừng lại ở đó. Phép lạ là một lời mời gọi chúng ta tiến về phía trước, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm kiếm tôn nhan Ngài, đi tìm niềm hoan lạc nơi Ngài.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng tất cả chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình, “Thực sự tôi ước muốn điều gì? Tôi có thực sự ước muốn kiếm tìm Thiên Chúa và để được ở với Ngài không?” Hay là tôi sợ hãi, hay là tôi nửa vời? Cái gì là thước đo lòng ước muốn của tôi? Tôi có bằng lòng với món khai vị, hay tôi còn ước muốn tham dự bàn tiệc đã dọn sẵn cho tôi?
Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng bằng cách khuyến khích mọi người hiện diện hãy bảo vệ và duy trì niềm ước muốn của mình, không chỉ bằng lòng với những gì đang có. “Hãy tiến lên phía trước, chấp nhận rủi ro. Người Kitô hữu đích thực phải dám chấp nhận rủi ro, dám bước ra khỏi khu vực an toàn của mình.”
2. Câu chuyện tấm ảnh bóng ma bên giường bệnh
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ma quỷ và khả năng chia rẽ của nó là những chủ đề phổ biến trong bài giảng hàng ngày của ngài. Đây là những lời rao giảng “ngược dòng”, bởi vì từ lâu ma quỷ xem ra đã vắng bóng một cách lạ lùng trong bài giảng của nhiều giáo sĩ tại Ý và trên thế giới.
Cha Mark Goring, giám đốc Catholic Charismatic Center tại Houston, Texas, và là một nhà giảng thuyết trong chương trình ‘Food for Life’ của Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài rất đồng ý với Đức Thánh Cha và dành nhiều bài thuyết giảng về đề tài này.
Trong chương trình này, ngài sẽ nói về câu chuyện tấm ảnh bóng ma bên giường bệnh qua lời dịch sang Việt Ngữ của Như Ý.
Hôm qua, một người bạn của tôi là một linh mục, đã chuyển cho tôi một hình ảnh về một con quỷ đang ẩn náu bên giường bệnh của một người đang hấp hối trong nhà thương, và, thông thường, tôi không chú ý đến những thứ đó, tôi thường nhấn nút delete mà không quan tâm vì có rất nhiều thứ rác rưởi trên internet, rất nhiều thứ ngớ ngẩn. Nhưng trong trường hợp này, tôi đã xem nó và tôi sẽ cho bạn biết tại sao.
Một trong những vị Thánh yêu thích của tôi là Thánh Philip Neri và Thánh Philip Neri là vị tiên tri của niềm vui. Ngài tiêu biểu cho sự thánh thiện, một vị Thánh vui mừng rạng rỡ nhưng không vì thế mà ngài không biết gì về sức mạnh của bóng tối và vương quốc của bóng tối. Một trong những sứ vụ thông thường của Thánh Philip Neri là đi đến giường bệnh của một người sắp chết, và về cơ bản là giúp đỡ về mặt thiêng liêng cho họ. Ngài có thể nhìn thấy những con quỷ đang cố gắng dẫn dắt người sắp chết vào tình trạng tuyệt vọng cuối cùng, và những gì đáng lạnh xương sống trong những câu chuyện của Thánh Philip Neri là một số người mà ngài giúp đỡ bên giường bệnh của họ khi họ đang hấp hối là những người có đức tin và họ đang chết dần, họ tràn ngập nỗi sợ hãi tuyệt vọng, mất niềm tin, và tuyệt vọng. Ngài thường chiến đấu với lũ quỷ đang cố kéo người ta xuống địa ngục trong giờ phút cuối cùng của họ.
Bây giờ trước hết, tôi phải nói điều này, hãy lắng nghe tôi. Lúc này đây tôi không có ý nói rằng hình ảnh được tán phát về con quỷ ẩn náu bên giường người sắp chết này là có thật. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó được ngụy tạo ra hoặc chế tác bằng bất cứ điều gì khác. Tôi muốn nói là có rất nhiều thứ như thế trên internet và nhiều điều khác người ta làm và cho là vì danh Chúa Giêsu. Đừng lãng phí thời gian cho những thứ như thế trên internet. Chỉ lãng phí thời gian. Hãy tập trung suy nghĩ của bạn về những gì tốt, đẹp và đáng yêu như Thánh Phaolô nói với chúng ta trong chương 4 thư gởi Philípphê, nhưng như tôi đã nói, chúng ta cần phải nhận thức về tinh thần thế gian. Bạn biết trong thư Ê-phê-sô chương 6 câu 12, Thánh Phaolô nói với chúng ta về cuộc chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Cần phải rõ ràng trong tâm trí của mỗi Kitô hữu về cuộc chiến đang diễn ra trong linh hồn của bạn và nếu bạn không tham gia vào trận chiến này bằng lời cầu nguyện, bằng các hy sinh, thông qua các bí tích đặc biệt là bí tích hòa giải và bí tích Thánh Thể, bạn có thể không nhận ra những nguy cơ cho linh hồn mình.
Đối với tôi, một người Công Giáo không cầu nguyện hàng ngày cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, không cầu nguyện mỗi ngày với thiên thần hộ thủ của mình là một kẻ dại dột, một kẻ ngốc nghếch mù quáng. Có những thứ ma quỷ đang cố gắng kéo bạn xuống, đó là một thực tế. Một số người trong chúng ta hồ nghi thực tế này. Và một lần nữa, tôi không biết liệu hình ảnh của con quỷ trên giường của người sắp chết có thật hay không nhưng tôi biết rằng vương quốc của bóng tối này là có thật, bạn thấy điều đó khắp nơi trong Kinh thánh và với các Thánh. Bạn biết Thánh Faustina rồi. Có câu chuyện nổi tiếng về Thánh Faustina khi thánh nữ đang bên giường một người bệnh, tôi nghĩ đó là một chị em trong dòng đang hấp hối hoặc một ai đó và Thánh Faustina có thể nhìn thấy lũ quỷ và cô bắt đầu rảy nước thánh. Và rồi cũng có một linh mục ở đó và các chị em khác bực mình với cô. Họ nói chị đang làm gì thế, rảy nước thánh không phải là công việc của chị. Đó là công việc của linh mục. Nhưng cô ấy đã không nói bất cứ điều gì và tiếp tục như thể muốn nói tôi đã nhìn thấy những con quỷ và tôi phải trục xuất những con quỷ này ra ngoài.
Hỡi các bậc cha mẹ nếu con bạn sợ hãi vào ban đêm, đừng chỉ nói với chúng rằng tất cả đi ngủ đi và suy nghĩ về cái gì đó khác, nhưng hãy cầu nguyện với chúng, đi vào phòng ngủ của chúng, và cầu nguyện 10 kinh Mân Côi với chúng. Cầu nguyện với thiên thần hộ thủ của chúng. Hãy rảy một ít nước thánh. Ôm chúng vào lòng, nói với chúng rằng bạn yêu chúng.
Ý tôi muốn nói là đừng làm chúng kinh sợ, đừng nói là ma quỷ đấy, nhắm mắt lại ngủ đi. Đừng dại dột như thế, nhưng cầu nguyện với chúng trong tôn danh của Chúa Giêsu. Và hãy lắng nghe điều này, nếu bạn đang ở với một người đang hấp hối, hãy cầu nguyện những kinh nguyện về lòng thương xót chí thánh. Có một lời hứa rằng khi bạn cầu nguyện với những kinh nguyện về lòng thương xót Chúa với người sắp chết, thì lòng thương xót Chúa Giêsu sẽ nâng người đó lên và người ấy không cần phải sợ mất linh hồn của mình. Chúng ta cần làm những điều này. Hãy lắng nghe một câu thánh thư khác là câu 8 trong chương 5 thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Hãy chống lại ma quỷ bằng đức tin của anh chị em. Trong danh Chúa Giêsu, chúng ta không có gì phải sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta không ở trong Chúa Giêsu, nếu chúng ta phạm tội trọng, nếu chúng ta rơi vào thế gian, chúng ta sẽ hư mất. Bạn biết một số người đem vào trong phòng ngủ của họ đủ các thứ rác rưởi, những cuốn sách xấu, phim xấu, áp phích xấu, đủ các thứ rác khác. Bạn cần phải loại bỏ những thứ đó vì danh Chúa Giêsu ngay bây giờ bởi vì nếu không, về cơ bản bạn đang nói với ma qủy rằng ê ma qủy sao mày không cắm trại trong phòng ngủ của tao và bạn đang nói với các thiên thần của Thiên Chúa rằng đi chỗ khác chơi đi, ngài không được chào đón ở đây, bởi vì tôi đã mở cánh cửa phòng của tôi cho bóng tối. Bạn phải loại bỏ tất cả những bóng tối ấy trong cuộc sống của mình vì danh Chúa Giêsu. Hãy dọn sạch phòng của bạn và bắt đầu cầu nguyện mỗi ngày với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, hãy đi xưng tội, đọc lại Kinh thánh nếu bạn gặp rắc rối vào ban đêm. Nếu có điều gì đó ẩn náu trên giường của bạn vào ban đêm, hãy đọc Kinh thánh, Lời của Đức Chúa Trời, đó là điều Chúa Giêsu đã làm khi ma quỷ cám dỗ Ngài trong sa mạc. Đức Chúa Giêsu phán rằng có lời chép trong Kinh thánh như thế này, thế kia.
Những người Công Giáo, hãy tỉnh thức vì có một cuộc chiến đang diễn ra để giành giật linh hồn của bạn và những gì đang có nguy cơ đó là sự cứu rỗi đời đời của bạn. Hãy tỉnh thức, cầu nguyện, đi xưng tội, thoát khỏi tội lỗi chết chóc, thoát khỏi mọi thứ rác trong cuộc đời bạn vì danh Chúa Giêsu, hãy dọn sạch phòng của bạn ngay bây giờ đừng chờ đợi một ngày nào đó Đức Chúa Trời muốn gửi thiên thần đến với bạn nhưng bạn lại chọn bóng tối. Lúc đó bạn đã lạc mất và chúng ta biết một trong những chiến thuật chính của ma quỷ là làm cho mọi người nghĩ rằng nó không hề tồn tại. Một số người nói rằng chuyện ma quỷ đều là những chuyện được ngụy tạo ra, không ngụy tạo đâu nếu chính Chúa Giêsu đã nói về ma quỷ thì chúng tồn tại đấy. Hãy hiến dâng đời mình cho Chúa Giêsu, cầu nguyện liên tục với Chúa Giêsu, thờ phượng Chúa Ba Ngôi, đọc Kinh thánh mỗi ngày, tin vào những điều Giáo Hội Công Giáo dạy dỗ như một đứa trẻ ngoan ngoãn, thờ phượng Thiên Chúa và biết rằng bạn có sự sống đời đời trong danh của Chúa Giêsu. Đừng hổ thẹn về Chúa Giêsu, cuộc sống này ngắn ngủi và vĩnh hằng là dài lắm.
3. Thánh Piô Năm Dấu Thánh
Đức Thánh Cha đã dành trọn ngày Thứ Bẩy 17 tháng Ba để thăm viếng San Giovanni Rotondo, một thị trấn với 26 ngàn dân cư, nằm ở mạn Nam nước Ý, cách Rôma 500 cây số, nổi tiếng nhờ thánh Piô de Pietralcinô, một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời.
Trong suốt thời gian 50 năm, cha được biết đến như là vị giải tội ngoại thường: nhiều ngày cha ngồi toà hơn 10 tiếng đồng hồ; ngoài ra cũng từ năm 1918 cha được lãnh nhận trên thân mình 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu. Tuy đã qua đời từ hơn 40 năm qua, nhưng hai công trình do cha khởi xướng vẫn tồn tại, thứ nhất là “Nhà xoa dịu đau khổ”, tức là bệnh viện dành cho các bệnh nhân (khánh thành vào năm 1956 với 250 giường, nhưng nay đã lên đến 1200 giường với 50 ngành chuyên khoa) và “hội cầu nguyện cha Piô” (chính thức thành lập từ năm 1950, và ngày nay bành trướng khắp thế giới). Cha Piô được phong chân phước năm 1999 và phong hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ Ba đến thăm đền thánh này.
Cha Piô là một con người chất phác bình dân, nhưng đã được Chúa Kitô chọn để trở thành dụng cụ của sức mạnh vạn năng của Thập giá. Các dấu thương tích mà cha Piô mang trên mình đã đưa cha kết hợp chặt chẽ với Đấng chịu đóng đinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người của cha hoàn toàn bị động. Không, cha Piô đã sử dụng những khả năng tự nhiên của mình để phục vụ chương trình của Thiên Chúa, đặc biệt ở ba điểm: rao giảng Tin mừng, tha thứ tội lỗi, và chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn. Hơn thế nữa, ai ai cũng biết những cuộc chiến đấu mà cha Piô phải đương đầu trong suốt cuộc đời.
Cũng như Chúa Giêsu, cuộc chiến đấu khốc liệt nhất không phải là đối lại với địch thù trần thế nhưng là ma quỷ. Những bão tố đe doạ cha là những cuộc tấn công của ma quỷ. Cha đã đương đầu với chúng với khí cụ của Chúa, với thuẫn của đức tin, và gươm của Thần khí tức là lời của Chúa.
Nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu, cha Piô đã hiểu biết sâu sắc tình trạng bi thảm của cuộc sống con người, và vì thế cha đã hiến mình và dâng hiến những nỗi đau khổ của mình cho họ. Cũng vì thế cha đã tìm hết phương tiện để xoa dịu những nỗi đau khổ của các bệnh nhân, như dấu chỉ biểu hiện tình thương của Chúa, của triều đại Thiên Chúa đã đến, của sự chiến thắng của tình yêu và sự sống trên tội lỗi và sự chết. Cuộc đời linh mục của cha tóm lại trong sứ vụ “hướng dẫn các linh hồn và xoa dịu đau khổ” hay nói theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, “cha là con người của cầu nguyện và đau khổ”.