1. Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh Đền thờ Thánh Gioan Laterano
Đức Thánh Cha đã mở Cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano và mời gọi các tín hữu hãy thực thi lòng thương xót. Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, một giáo phận hiện có hơn 2 triệu 365 ngàn tín hữu Công Giáo với 334 giáo xứ, gần 5 ngàn linh mục và 22,750 nữ tu. Thánh đường này được kiến thiết dưới thời hoàng đế Constantino và được Đức Giáo Hoàng Silvestro I thánh hiến năm 324, ít lâu sau khi chấm dứt các cuộc bách hại đạo trong đế quốc Roma. Đền thờ này là nơi diễn ra nhiều công đồng, trong đó có 5 Công đồng chung. Trong 10 thế kỷ đầu tiên của Công Giáo, các vị Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Roma, cư ngụ trong dinh cạnh thánh đường này. Chỉ sau cuộc lưu vong 70 năm ở thành Avignon bên Pháp, các Đức Giáo Hoàng mới cư ngụ cạnh Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican. Do tầm quan trọng của thánh đường này, Đức Thánh Cha đã đích thân chủ sự nghi thức mở Cửa Năm Thánh vào sáng ngày 13-12, còn việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, ngài ủy cho Đức Hồng Y James Harvey, người Mỹ, là Giám quản đền thờ này. Theo truyền thống, chính Đức Giáo Hoàng Martino Đệ Ngũ là vị đầu tiên chủ sự nghi thức mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào năm 1423. Buổi lễ bắt đầu với ca nhập lễ ở tiền đường Đền thờ, với nghi thức thống hối, rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa ban cho Hội Thánh một thời kỳ ân phúc, thống hối và tha thứ, để Hội Thánh được vui mừng canh tân nội tâm nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, và tiến bước ngày càng trung thành hơn trên những nẻo đường của Chúa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Một lần nữa, xin Chúa mở cửa lòng thương xót của Chúa và đón nhận chúng con một ngày kia trong nhà của Chúa nơi thiên quốc, nơi Đức Giêsu, Con Chúa, đã đi trước chúng con, và đang sống và hiển trị đến muôn đời.” Đức Thánh Cha vừa kết thúc kinh nguyện, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Tiếp đến là phần xướng đáp giữa Đức Thánh Cha và cộng đoàn: – Đây là cửa của Chúa / những người công chính sẽ tiến vào – Hãy mở cho tôi những cửa công chính / tôi sẽ vào để cảm tạ Chúa – Lạy Chúa, con sẽ bước vào nhà Chúa nhờ lòng thương xót bao la của Chúa / Con sẽ phủ phục hướng về đền thánh Chúa. Rồi trong thinh lặng, Đức Thánh Cha tiến lên những bậc thang, dùng hai tay đẩy mạnh Cửa Năm Thánh, và dừng lại tại ngưỡng cửa cầu nguyện, trước khi tiến qua Cửa Thánh, theo sau đó là Đức Hồng Y giám quản, 6 Giám Mục phụ tá, kinh sĩ đoàn và các đại diện của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, tiến theo tiến về bàn thờ trong thánh đường. Trong bài giảng, sau khi nhắc đến lời ngôn sứ Sophonia mời gọi thành Jerusalem xưa kia, và ngày nay cũng gửi đến toàn Giáo Hội và mỗi người chúng ta hãy “Vui lên.. hãy nhảy mừng!” (Xp 3,14), Đức Thánh Cha nói: “Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng kéo cái nhìn của chúng ta về lễ Giáng Sinh đến gần. Chúng ta không thể để cho mình bị mệt mỏi chiếm đoạt; không được để cho mình bị hình thức sầu muộn nào chiếm hữu, cho dù chúng ta có lý do để buồn sầu đi nữa vì bao nhiêu bận tâm và vì nhiều hình thức bạo lực đang làm tổn thương nhân tính chúng ta. Nhưng việc Chúa giáng lâm phải làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy vui mừng. Trong một bối cảnh lịch sử có nhiều áp bức và bạo lực, nhất là do những kẻ nắm quyền, Thiên Chúa cho biết chính Ngài sẽ cai trị dân Ngài,va không còn để cho họ bị tùy thuộc sự kiêu hãnh của những kẻ cai trị, và Ngài sẽ giải thoát họ khỏi mọi lo âu. Ngày hôm nay chúng ta được yêu cầu “đừng buông xuôi hai tay” (Xc Xp 3,16) vì ngờ vực, thiếu kiên nhãn hoặc đau khổ”. “Thánh Phaolô Tông Đồ đã mạnh mẽ lấy lại giáo huấn của ngôn sứ Sophonia và lập lại: “Chúa đang đến gần” (Ph 4,5). Vì thế chúng ta phải luôn vui mừng, và với sự khả ái, làm chứng cho mọi người về sự gần gũi và chăm sóc của Thiên Chúa đối với mỗi người” Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Chúng ta vừa mở Cửa Năm Thánh ở đây và tại tất cả các nhà thờ chính tòa trên thế giới. Cả cử chỉ đơn sơ này cũng là một lời mời gọi hãy vui mừng. Khởi sự thời kỳ đại tha thứ. Đây là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đây là lúc tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và sự dịu dàng của người cha. Thiên Chúa không thích sự cứng nhắc. Ngài là Cha, dịu dàng. Ngài làm tất cả với sự dịu dàng của người Cha. Chúng ta cũng như đám đông hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì” (Lc 3,10) trong khi chờ đợi Đức Messia. Thánh Gioan trả lời ngay. Ngài mời gọi “hãy hành động trong công chính và hãy quan tâm đến những nhu cầu của những người túng thiếu.” Đức Thánh Cha nhận xét rằng “điều mà thánh Gioan yêu cầu những người đối thoại với Ngài cũng là điều ta thấy trong Kinh Thánh. Trái lại, chúng ta còn được yêu cầu dấn thân quyết liệt hơn.” “Trước Cửa Năm Thánh mà chúng ta được kêu gọi bước qua, chúng ta được yêu cầu trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, ý thức rằng chúng ta sẽ bị phán xét về điểm này”. Ai đã chịu phép rửa thì biết rằng mình có một nghĩa vụ lớn hơn nữa. Niềm tin nơi Chúa Kitô khơi dậy một con đường kéo dài suốt đời: con đường từ bi như Chúa Cha. “Niềm vui được bước qua Cửa Lòng Thương Xót có kèm theo quyết tâm đón nhận và làm chứng về một tình thương đi xa hơn công bằng, một tình thương không có biên cương. Chúng ta chịu trách nhiệm về tình thương vô biên này, mặc dù chúng ta có những mâu thuẫn”. Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta và tất cả những người sẽ bước qua Cửa Thương Xót, để chúng ta có thể hiểu và đón nhận tình thương vô biên của Cha chúng ta ở trên trời, tình yêu biến đổi và canh tân cuộc sống”. 2. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các sáng kiến giúp người trẻ vượt thắng tình trạng thiếu công ăn việc làm. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 14-12-2015, dành cho 2 ngàn tham dự viên dự án “Policoro” của Hội Đồng Giám Mục Italia, thành lập cách đây 20 năm sau đại hội Công Giáo toàn quốc ở thành phố Palermo, nhắm giúp người trẻ tiến từ tình trạng thất nghiệp đến tình trạng quan tâm săn sóc cuộc sống. Đức Thánh Cha nhận xét rằng dự án này thực là một sáng kiến lớn, thăng tiến giới trẻ, và là một cơ hội thực sự để phát triển địa phương theo chiều kích quốc gia. Hướng đi mạnh mẽ của sáng kiến này thành công trong nhiều lãnh vực như huấn luyện người trẻ, đẩy mạnh các hợp tác xã, kiến tạo những vai trò trung gia như những người linh hoạt cộng đoàn và một loại các cử chỉ cụ thể khác. Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì “ngày nay bao nhiêu người trẻ còn là nạn nhân của nạn thất nghiệp! Khi không có việc làm thì phẩm giá cũng bị lâm nguy.. Nhiều người trẻ không còn đi tìm việc làm nữa, họ đành cam chịu tình trạng tiếp tục bị từ chối không được thu nhận làm việc, hoặc họ tỏ ra lãnh đạm đối với một xã hội chỉ ưu đãi những người được đặc ân và ngăn cản những người đáng được thành đạt. Công ăn việc làm không phải là một quà tặng dành cho một thiểu số được tiến cử, nhưng là một quyền của tất cả mọi người! Đức Thánh Cha khích lệ tổ chức “Policoro” tiếp tục nâng đỡ các năng lực mới dành cho công ăn việc làm, cổ võ một lối sáng tạo tận dụng trí tuệ và sức lực, cùng nhau suy tư, đề ra dự phóng, đón nhận và trao ban sự giúp đỡ. Đó là những hình thức hữu hiệu nhất để biểu lộ tình liên đới như một hồng ân. Sau cùng, Đức Thánh Cha đề cao khía cạnh loan báo Tin Mừng trong các hoạt động của tổ chức Policoro và nói rằng: “Công tác của anh chị em không phải chỉ là giúp người trẻ tìm được việc làm, nhưng còn là một trách nhiệm loan báo Tin Mừng, qua giá trị thánh hóa của lao công. Nhưng đây không phải là bất vì công việc nào, không phải là thứ lao công bóc lột, đè bẹp, hạ nhục, gây đau khổ, trái lại là lao công làm cho con người thực sự được tự do, theo phẩm giá cao thượng của mình!” Đức Thánh Cha cám ơn tổ chức Policoro vì sự dấn thân giúp giới trẻ. Ngài nói: “Tôi rất quan tâm đến công việc của anh chị em, vì tôi đau khổ khi thấy bao nhiêu người trẻ không có việc làm. Anh chị em hãy nghĩ rằng tại Italia này, từ 25 tuổi trở xuống, tức là gần 40% người trẻ thất nghiệp. Một người trẻ không có việc làm thì họ làm gì? Họ ngã bệnh và phải đi bác sĩ phân tâm, hoặc lâm vào vòng nghiện ngập hoặc tự tử. Các thống kê về những vụ tự tử của người trẻ không được công bố và có những tránh né để khỏi công bố thống kê ấy.. Anh chị em hãy nghĩ: những người trẻ ấy là thân mình của chúng ta, là thân mình của Chúa Kitô, vì thế chúng ta phải tiếp tục làm việc để tháp tùng họ.” 3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ kính Đức Mẹ Guadalupe Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khẩn cầu Mẹ Maria để Năm Thánh hiện nay trở thành hạt giống lòng thương xót trong tâm hồn con người, các gia đình và các dân nước. Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 6 giờ chiều 12-12, tại Đền thờ Thánh Phêrô, nhân lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu, cũng là Chúa Nhật thứ III mùa vọng. Hiện diện tại đền thờ có 7 ngàn tín hữu, trong đó có nhiều người từ Mỹ châu la tinh. Đồng tế với Đức Thánh Cha có hơn 200, khoảng 50 Giám Mục và Hồng Y. Thánh lễ được truyền hình để các tín hữu ở Mỹ châu có thể tham dự. Đức Thánh Cha đã quảng diễn về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với loài người và cả lòng thương xót của Mẹ Maria, như trong kinh Lạy Nữ Vương Thiên Chúa, chúng ta gọi Mẹ là “Mẹ xót thương”. Ngài nói: “Mẹ Maria đã cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, đã đón nhận vào cung lòng mình chính nguồn mạch của lòng xót thương là Chúa Giêsu Kitô. Mẹ đã luôn sống kết hiệp với Chúa Con, Mẹ biết rõ hơn ai hết điều Chúa muốn: đó là mọi người được cứu rỗi, và không ai bị thiếu sự dịu dàng và ơn an ủi của Thiên Chúa”. Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người rằng: “Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria chí thánh những đau khổ và vui mừng của các dân tộc toàn Mỹ châu, họ yêu mến Mẹ như Mẹ hiền và nhìn nhận Mẹ là “bổn mạng” dưới tước hiệu “Đức Mẹ Guadalupe”. “Ước gì cái nhìn dịu dàng của Mẹ tháp tùng chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui vì sự dịu dàng của Thiên Chúa” (Misericordiae vultus, 24). Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để Năm Thánh này là hạt giống tình yêu thương xót trong tâm hồn con người, các gia đình và các dân nước. Xin cho chúng ta trở thành những người từ bi, và các cộng đồng Kitô biết trở thành ốc đảo và nguồn mạch từ bi thương xót, là chứng nhân về đức bác ái không loại trừ ai” 4. Đức Thánh Cha kính viếng tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Chiều 8-12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đặt vòng hoa tại cột đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban nha, và phó thác dân thành Roma cho sự bảo trợ của Đức Mẹ. Đây là một truyền thống vẫn được các vị Giáo Hoàng thi hành hằng năm. Tại Đài Đức Mẹ, trước trụ sở Bộ truyền giáo, Đức Thánh Cha dâng lên Mẹ Thiên Chúa lời nguyện sau: “Con đến đây nhân danh các gia đình, với những vui mừng và cơ cực của họ, nhân danh các trẻ em và người trẻ cởi mở đối với cuộc sống; những người già mang nặng năm tháng và kinh nghiệm; đặc biệt con đến trước Mẹ nhân danh các bệnh nhân và tù nhân, những người cảm thấy đường đời cam go hơn. “Như Mục Tử, con cũng đến đây nhân danh những người từ những miền đất xa xăm đến tìm an bình và công ăn việc làm”. “Dưới áo choàng của Mẹ có chỗ cho tất cả mọi người, vì Mẹ là Mẹ Thương Xót. Trái tim Mẹ đầy dịu dàng đối với mọi con cái của Mẹ: sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng đã nhận xác thể từ Mẹ, và trở thành người Anh của chúng con, là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ mọi người nam nữ. “Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm, khi nhìn lên Mẹ, chúng con nhận ra chiến thắng của Lòng Chúa Xót Thương trên tội lỗi và mọi hậu quả của nó; trong tâm hồn chúng con bừng lên niềm hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn, được giải thoát khỏi mọi nô lệ, oán hận và sợ hãi”. Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ngày hôm nay, ở đây, nơi trung tâm của thành Roma, chúng con nghe tiếng tiếng của Mẹ gọi tất cả mọi người hãy lên đường tiến về Cửa Năm Thánh, tượng trưng Chúa Kitô. “Mẹ nói với tất cả mọi người: “Các con hãy đến, hãy tiến lại gần trong niềm tín thác, hãy bước vào và nhận lãnh hồng ân Thương Xót; các con đừng sợ, đừng xấu hổ: Chúa Cha đang chờ đợi các con với vòng tay mở rộng để ban cho các con ơn tha thứ và đón tiếp các con vào nhà Cha. Tất cả các con hãy đến nguồn mạch an bình và vui tươi”. “Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng con cảm tạ Mẹ vì trong hành trình hòa giải này, Mẹ không để chúng con đi một mình, nhưng tháp tùng chúng con, ở cạnh và nâng đỡ chúng con trong mọi khó khăn. Chúc tụng Mẹ bây giờ và mãi mãi. Amen” Sau kinh nguyện, Đức Thánh Cha còn chào thăm chính quyền và hàng chục anh chị em bệnh nhân và người khuyết tật ngồi trên xe lăn, rồi ngài đến Đền Thờ Đức Bà Cả để kính viếng và cầu nguyện riêng. Đây là lần thứ 29 ngài đến viếng thăm và cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa tại thánh đường này, kể từ khi được bầu làm Giáo Hoàng” 5. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành 1 tuần lễ để viếng thăm mục vụ tại Mễ Tây Cơ từ ngày 12 đến 18-2 năm tới, 2016. Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 12-12 vừa qua, cho biết: Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 12 giờ rưỡi trưa ngày thứ sáu 12-2 và bay tới phi trường quốc tế của thủ đô Mễ Tây Cơ lúc 7 giờ rưỡi tối cùng ngày. Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ bẩy hôm sau, 13-2 tại phủ tổng thống Mễ Tây Cơ, rồi ngài gặp chính quyền và ngoại giao đoàn. Tiếp đến, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục Mễ Tây Cơ lúc 11 giờ rưỡi tại Nhà thờ chính tòa thủ đô. Ban chiều ngài sẽ cử hành thánh lễ lúc 5 giờ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. – Sáng Chúa Nhật 14-2, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng đến thành phố Ecatepec để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại khu vực trung tâm nghiên cứu Ecatepec, rồi trở về thủ đô Mễ Tây Cơ ở mạn nam. Lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày, ngài viếng thăm bệnh viện nhi đồng Federico Gómez, trước khi gặp gỡ giới văn hóa lúc 6 giờ tại Đại thính đường quốc gia. – Sáng thứ hai, 15-2, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến Tuxtla Gutiérrez cách thủ đô Mễ Tây Cơ 1 giờ 45 phút bay. Đến nơi ngài lại dùng trực thăng để bay đến thành phố San Cristóbal de las Casas, nơi có đại đa số tín hữu gốc thổ dân bản xứ. Ngài cử hành thánh lễ cho cho các cộng đoàn thổ dân Chiapas ở trung tâm thể thao của thành phố, rồi dùng bữa trưa với đại diện các thổ dân. Ban chiều lúc 3 giờ, ngài viếng thăm Nhà thờ chính tòa giáo phận San Cristobal, trước khi lên đường trở về thủ đô. – Thứ ba, 16-2, Đức Thánh Cha sẽ bay đến thành phố Morelia gần biên giới Hoa Kỳ để cử hành thánh lễ với các linh mục, nữ tu nam nữ và chủng sinh vào lúc 10 giờ, rồi viếng thăm Nhà thờ chính tòa địa phương. Ban chiều lúc 4 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ giới trẻ tại Sân vận động ở địa phương, rồi đáp máy bay trở về thủ đô. – Thứ tư, 17-2, Đức Thánh Cha dành để viếng thăm Ciudad Juárez cách thủ đô Mễ Tây Cơ 90 phút bay. Tại thành phố này, ngài sẽ viếng thăm nhà tù, rồi gặp gỡ giới lao động ở học viện Bachilleres thuộc bang Chihuahua. Lúc 4 giờ chiều cùng ngày Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại khu hội chợ triển lãm ở Ciudad Juarez. Lễ xong ngài ra phi trường lúc 7 giờ để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ đến phi trường Ciampino lúc gần 3 giờ chiều ngày thứ năm, 18-2. 6. Thành lập Ủy ban mới của Tòa Thánh về các hoạt động y tế Đức Thánh Cha đã ủy thác cho Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, việc thành lập một Ủy ban Tòa Thánh về các hoạt động trong lãnh vực y tế của các pháp nhân của Giáo Hội. Ngài ủy thác việc này cho Đức Hồng Y trong buổi tiếp kiến hôm 7-12-2015 vừa qua, và hôm 12-12, Đức Hồng Y Parolin đã công bố phúc thư thành lập Ủy ban này. Lý do việc thành lập là vì trong thời gian gần đây nhiều pháp nhân của Giáo Hội ở Italia, như các dòng tu, hiệp hội Công Giáo hoạt động trong lãnh vực y tế, đã gặp khó khăn nhiều. Vì thế mục đích việc thành lập Ủy ban mới của Tòa Thánh để để góp phần quản lý hiệu năng hơn các hoạt động y tế ấy cũng như bảo tồn tài sản, duy trì và thăng tiếng đoàn sủng của các vị Sáng Lập. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh quyết định rằng: – Ủy ban mới sẽ theo các nguyên tắc và qui luật được ấn định trong Tông hiến Mục Tử nhân lành (Pastor Bonus, 1988) và Quy luật Tổng quát của Giáo triều Roma. Ủy ban sẽ có một quy luật riêng. – Ủy ban gồm có một vị Chủ tịch và 6 chuyên gia thuộc các ngành y tế, bất động sản, quản trị, kinh tế / hành chánh, tài chánh. Ủy ban có thể ủy một phần chức năng của mình cho một hoặc nhiều thành viên và sẽ được một ban thư ký trợ giúp. Phúc chiếu do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh ban hành cũng chứa đựng một số điều khoản khác liên quan đến hoạt động và thẩm quyền của Ủy ban. Trong những năm gần đây, Tòa Thánh đã cứu Bệnh viện về da (IDI) thuộc dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhờ sự can thiệp tài chánh của Tòa Thánh; cũng vậy có vụ Bệnh viện “Nhà thoa dịu đau khổ” ở San Giovanni Rotondo (nơi có Đền thánh Cha Piô), và một số bệnh viện Công Giáo khác thuộc các dòng tu ở Italia 7. Hoạt động của Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha Trưa ngày 12-12, Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha về việc cải tổ giáo triều Roma và cai quản Giáo Hội, đã kết thúc khóa họp thứ 12 sau gần 3 ngày tiến hành tại Vatican. Trong ngày đầu tiên, các Hồng Y đã nghe Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, trình bày về thẩm quyền và hoạt động của bộ này, cũng như công nghị tính của các Giáo Hội Đông Phương. Các Hồng Y đã nghiên cứu về việc thực thi sự tản quyền từ trung ương về địa phương như Đức Thánh Cha Phanxicô đã hơn một lần đề cập đến. Một khóa họp của Hội đồng Hồng Y cố vấn vào tháng 2 năm tới sẽ được dành để bàn về vấn đề này cũng như về đặc tính “công nghị tính”. Hội đồng Hồng Y tiếp tục bàn về 2 cơ quan đã được Đức Thánh Cha tuyên bố thành lập: một về “giáo dân, gia đình và sự sống”, và một cơ quan về “Công lý hòa bình và di dân”. – Ngày thứ hai, các HY thảo luận về vấn đề kinh tế tài chánh, theo phúc trình của Đức Hồng Y Marx, Chủ tịch Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell trình bày về việc thành lập một nhóm làm việc để suy tư về tương lai kinh tế của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, với sự cộng tác của một số cơ quan liên hệ trong đó có Viện giáo vụ (ngân hàng Vatican, IOR), và cả Bộ truyền giáo, Phủ thống đốc Vatican, Văn phòng Kinh tế, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA).. Đức Hồng Y Sean O’Malley, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em, đã trình bày về việc soạn thảo chương trình giáo dục và huấn luyện, giúp các HĐGM soạn chỉ nam cho địa phương về vấn đề bảo vệ trẻ em. Sáng ngày 12-12, các Hồng Y đã xác định thời điểm cho 5 cuộc họp của Hội đồng vào năm tới, 2016. 8. Họp báo giới thiệu sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016 Sáng 15-12 Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã mở cuộc họp báo giới thiệu sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gửi nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới mùng 1 tháng giêng năm 2016. Sứ điệp có đề tài là “Chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình”. Cùng hiện diện và phát biểu trong cuộc họp báo có bà Flaminia Giovanelli, phó thư ký và ông Vittorio Alberti, nhân viên của Hội Đồng. Sau khi chào các nhà báo Đức Hồng Y Turkson nói sứ điệp của Đức Thánh Cha bắt đầu với việc nhận xét rằng sự thờ ơ là thái độ chung của con người thời đại chúng ta. Sự dửng dưng ấy đã vượt qua lãnh vực cá nhân để trở thành toàn cầu. Tiếp đến sứ điệp kể ra vài hình thái của sự dửng dưng thời đại. Trước hết là dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ đó nảy sinh ra thái độ dửng dưng đối với tha nhân và thụ tạo. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của một thuyết nhân bản sai lạc và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy tương đối và hư vô. Con người nghĩ rằng nó là tác giả của chính nó, của sự sống của nó và của xã hội. Nó cảm thấy tự đủ và không chỉ nhắm thay thế Thiên Chúa, mà còn sống không cần Thiên Chúa nữa. Hậu quả là nó nghĩ rằng nó không nợ ai cái gì hết ngoại trừ chính nó, và nó yêu sách chỉ có các quyền lợi thôi (s. 3). Sau khi chứng minh cho thấy hòa bình bị đe dọa bởi sự thờ ơ trên tất cả mọi bình diện cuộc sống như thế nào, sứ điệp cống hiến một suy tư kinh thánh thần học cho phép hiểu sự cần thiết phải thắng vượt sự thờ ơ để rộng mở cho sự cảm thông, lòng thương xót, sự dấn thân và như thế cho tình liên đới. Sứ điệp của Đức Thánh Cha kết thúc với lời kêu gọi từng người trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, dấn thân một cách cụ thể, để góp phần cải thiện thực tại trong đó họ đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ hàng xóm láng giềng hay từ môi trường làm việc của mình. Sau cùng sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2016 cũng tiếp tục sứ điệp Mùa Chay năm 2015 tựa đề “Hãy khích lệ con tim anh em”. Trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô tố cáo thái độ sống ích kỷ và cuộc sống thoải mái khiến cho con người ngày nay thờ ơ, lãng quên những người không có cuộc sống an lành như họ. 9. Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục thế giới hành động sau khi đạt được thỏa ước về thay đổi khí hậu Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 13 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các nhà lãnh đạo thế giới vì đã đạt được một thoả hiệp trong các cuộc thương thảo mới đây về thay đổi khí hậu tại Paris, và thúc giục cộng đồng quốc tế mau chóng đem thỏa hiệp vào hành động. Ngài phát biểu: “Hội nghị về khí hậu vừa kết thúc tại Paris được nhiều người xác định là có tính lịch sử vì các nước đã được một thỏa hiệp”. Theo hãng tin Reuters, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hoàn cầu tại Paris đã hình thành được một thỏa hiệp hết sức quan yếu vào hôm Thứ Bẩy, định hướng đi cho việc biến đổi có tính lịch sử đối với nền kinh tế lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch chỉ trong vòng mấy thập niên, nhằm chặn đứng việc hâm nóng địa cầu. Sau bốn năm thương thuyết gay go dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, trong đó quyền lợi các nước giầu và các nước nghèo thường chạm trán nhau một cách nẩy lửa, Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius đã tuyên bố rằng một thỏa ước đã được chấp thuận, giữa tiếng vỗ tay và húyt còi inh ỏi của đại diện gần 200 quốc gia trên thế giới. 10. Lòng bác ái và sự hoán cải là trung tâm của Năm Thánh Lòng Thương Xót Cửa Thánh Lòng Thương Xót được mở đồng loạt khắp nơi tại các nhà thờ chính toà trên toàn thế giới Chúa Nhật vừa qua là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng, khiến cho Giáo Hội là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Yêu thương tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình cho thấy đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 16 tháng 12. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới biến cố mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vương cung thánh đường Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, cũng như tại các nhà thờ chính toà của từng giáo phận trên toàn thế giới, cả các trung tâm hành hương cũng như các nơi được các Giám Mục chỉ định. Năm Thánh là trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi. Chính ngài đã muốn rằng dấu chỉ của Cửa Thánh hiện diện trong mọi Giáo Hội địa phương, để Năm Thánh Lòng Thương Xót có thể trở thành một kinh nghiệm được mọi người chia sẻ.Tuy nhiên, lòng thương xót và sự tha thứ không được chỉ là các lời nói, nhưng phải được thực hiện trong cuộc sống thường ngày. ĐTC nhấn mạnh việc sống Năm Thánh một cách cụ thể như sau: Yêu thương và tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình rằng đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa. Yêu thương và tha thứ như Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Đó là chương trình sống không thể biết tới các ngưng nghỉ hay luật trừ, nhưng thúc đẩy chúng ta luôn đi xa hơn mà không bao giờ mệt mỏi, với xác tín được nâng đỡ bởi sự hiện diện hiền phụ của Thiên Chúa. |