1. Don Peppe Branchesi: một vị thánh vừa từ giã chúng ta
Lúc 12 giờ trưa ngày 19 tháng Tư, trái tim của Cha Giuseppe Branchesi đã ngừng đập tại bệnh viện dã chiến dùng để điều trị các bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Civitanova, ngài hưởng thọ 82 tuổi.
Trưa thứ Năm 23 tháng Tư, dưới bầu trời u ám, mưa lất phất, tại cổng nghĩa trang Treia dành cho các linh mục trong giáo phận Macerata, cách Rôma 235km về phía Đông Bắc, Đức Cha Nazzareno Marconi nói: “một vị thánh vừa từ giã chúng ta” khi cử hành các nghi thức cuối cùng cho vị linh mục.
Thiết tưởng câu nói của Đức Cha Marconi cũng đủ cho thấy hương thơm thánh thiện của Cha Giuseppe Branchesi, thường được biết đến với một tên thân thương là Don Peppe.
Tám mươi hai tuổi, Don Peppe là một trong những biểu tượng của tỉnh Marche. Ngài là người chế ra một món cháo bắp nổi danh thế giới. Vào một tiệm ăn Ý ở New York, chẳng hạn, ta có thể gọi món Don Peppe. Vì thế, ngài là người sáng lập và là chủ tịch danh dự của của Associazione Culturale Polentari d’Italia, nghĩa là Hiệp hội văn hóa các món bắp của Ý.
58 năm linh mục. Ngài từng là thư ký riêng của Đức Hồng Y Ersilio Tonini và là Cha tổng đại diện giáo phận trước khi về coi sóc giáo xứ Santa Maria ở Selva, thuộc thị trấn Treia trong ba thập niên qua.
Đức Cha Nazzareno Marconi cho biết Don Peppe Branchesi “luôn luôn là một điểm tham khảo cho toàn thể cộng đồng giáo phận, ngài đặc biệt tham gia vào việc chăm sóc mục vụ cho các trường học, và mục vụ cho người nông dân.”
“Trong những năm gần đây, Don Peppe là một tấm gương cho tất cả mọi người,” phó thị trưởng David Buschittari của Treia nói. Ngài không mệt mỏi trong các khóa giáo lý, thành lập câu lạc bộ “Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII”, thành lập tờ báo Orizzonti Treiesi, các trại dành cho giới trẻ giáo xứ và kết nghĩa với các thành phố tại Ái Nhĩ Lan, Đức, Bảo Gia Lợi, Cộng hòa Séc và Ba Lan. Ngài còn sáng lập qũy “In Missione Nel Mondo Con Don Peppe” giúp Các Giáo Hội Đau Khổ trên thế giới.
Khi dịch bệnh bùng phát, người ta thấy ngài vẫn đạp một chiếc xe đạp mang Mình Thánh Chúa đến cho những người đau yếu, cho đến khi ngài nhiễm phải căn bệnh quái ác này.
Một vị thánh vừa từ giã chúng ta.
2. Quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự ủng hộ đối với linh mục bị phạt vì cử hành thánh lễ có công chúng
Như chúng tôi đã đưa tin, Cha Lino Viola, linh mục chính xứ San Pietro Apostolo, nghĩa là Thánh Phêrô Tông đồ, trong thành phố Gallignano, thuộc giáo phận Cremona, đã bị cảnh sát phạt vì cử hành thánh lễ Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót với sự tham dự của 12 giáo dân.
Mỗi tín hữu tham dự trong Thánh lễ này bị phạt €280, riêng cha Viola bị phạt đến €680.
Cảnh sát đã làm gián đoạn thánh lễ khi vị linh mục đang truyền phép, và yêu cầu ngài đuổi anh chị em giáo dân ra khỏi nhà thờ. Tuy nhiên, Cha Viola, năm nay 80 tuổi, giải thích rằng ngài không cố ý tạo ra một cuộc tụ họp đông người phi pháp. Anh chị giáo dân đến dự lễ là những người vừa mất người thân và họ đến cầu nguyện cho những người quá cố. “Tôi là ai mà yêu cầu người ta ra khỏi nhà thờ?” Ngài nhấn mạnh thêm: “Thật không phải là con người khi bảo họ đi ra.”
Lập trường của ngài đã được quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, là Đức Hồng Y Konrad Krajewsky ủng hộ. Thông tấn xã Ansa của Ý trong bản tin sáng thứ Sáu 24 tháng Tư nói, Đức Hồng Y Konrad Krajewsky đã gọi điện cho Cha Lino Vola “bày tỏ tình đoàn kết và hứa cầu nguyện” cho vị linh mục.
Đức Cha Antonio Napolioni, Giám Mục giáo phận Cremona, là Giám Mục đầu tiên trên thế giới nhiễm coronavirus đã không hỗ trợ Cha Viola. Một tuyên bố do giáo phận đưa ra vào hôm thứ Hai 20 tháng Tư đã gây ra sóng gió tại Ý vì đã trách Cha Viola “không tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến tình trạng khẩn cấp, và lệnh cấm cử hành các Thánh Lễ có sự hiện diện của các tín hữu.” Có lẽ, Đức Cha Antonio Napolioni âu lo vì căn bệnh này quá hung hiểm. Tuy nhiên, lập trường của ngài xem ra không được đánh giá cao.
Trước đó, Đức Hồng Y Angelo Becciu, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh nhận xét rằng:
“Với các linh mục kinh ngạc trước những gì đã xảy ra với một người anh em mình tại giáo phận Cremona, tôi xin nói điều này: về nguyên tắc không có thẩm quyền nào được phép làm gián đoạn một Thánh lễ, mà anh em phải bảo vệ tới cùng. Nếu vị chủ tế vi phạm bất kỳ điều gì, thì phải chờ hết Thánh lễ rồi tính sau, chứ không phải trong thời gian Thánh lễ!”
3. Chỉ từ đầu tháng Tư đến nay, 9 linh mục trong cộng đoàn Maryknoll ở Ossining, New York đã thiệt mạng
Tính đến ngày thứ Sáu, 24 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 190,392 người, trong số 2,714,747 trường hợp nhiễm coronavirus.
Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 49,751 người, trong số 878,779 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ riêng tại New York đã có 20,861 người chết trong số 268,581 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.
Cúm Tầu đã gây ra những tổn thất kinh hoàng cho cộng đoàn Maryknoll ở Ossining, New York.
Cha Raymond Finch, bề trên cộng đoàn Các Linh Mục Tu Sĩ Maryknoll, nói với Catholic News Service, gọi tắt là CNS, rằng 9 linh mục sống tại cơ sở của cộng đoàn tại Ossining đã chết kể từ ngày 2 tháng Tư.
Vị linh mục đầu tiên đã chết ở tuổi 92. Ngài là người duy nhất trong số chín vị qua đời đã được xác nhận có kết quả dương tính với virus này. Những vị khác đã chết cho thấy các triệu chứng là các ngài đã nhiễm coronavirus, nhưng trong điều kiện y tế của New York, khi số bệnh nhân quá đông, không phải tất cả các vị đều đã được thử nghiệm. Những vị đã thử nghiệm cũng chưa nhận được kết quả thì đã qua đời.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 20 tháng Tư, cộng đoàn các nữ tu Maryknoll cho biết ba nữ tu đã chết vì COVID-19. 24 nữ tu khác đã thử nghiệm dương tính với coronavirus và đã được chuyển tạm thời đến một cơ sở chăm sóc khác để điều trị.
Ngoài ra, 8 nhân viên phụ giúp trong cộng đoàn cũng đã thử nghiệm dương tính với căn bệnh này. Các nữ tu khác bị sốt nhẹ đã được cách ly trong cơ sở chăm sóc sức khỏe của nhà dòng và đang được các nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ.
Cha Finch cho biết độ tuổi của những linh mục thiệt mạng là từ 80 đến 90 và đã được thụ phong hơn 50 năm. Tổng cộng, cộng đoàn của ngài có 120 linh mục và tu sĩ sống tại các cơ sở của nhà dòng.
Tính chung trong các cơ sở của cộng đoàn, khoảng 18 linh mục, trong độ tuổi 60 và 70, cũng đã cho thấy có các triệu chứng của căn bệnh quái ác này và đã được cách ly, Cha Finch nói thêm.
Ngài trấn an CNS hôm 21 tháng Tư rằng “Chỉ cần một vị có một tiếng sụt sịt là vị đó được điều trị ngay.”
Tại Tổng Giáo Phận Boston, Đức Cha Emilio Allue, 85 tuổi, Giám Mục Phụ Tá đã nghỉ hưu được báo cáo là đang trong tình trạng nguy hiểm vì các biến chứng từ COVID-19.
Một phát ngôn viên nói rằng Đức Hồng Y Sean P. O’Malley, các giáo sĩ và anh chị em giáo dân đang “cầu nguyện cho Đức Cha Allue vì ngài đang phải chống trả với căn bệnh nghiêm trọng tại thời điểm này.”
Regina Cleri, nơi cư trú của các linh mục đã nghỉ hưu trong Tổng giáo phận St. Louis, đã báo cáo 9 trường hợp được xác nhận của COVID-19 trong số 30 vị đang nghỉ hưu tại đây.
Trường hợp đầu tiên được xác nhận vào ngày 18 tháng 4, và hay ngày sau đó có thêm 8 vị nữa. Hai vị đã phải vào bệnh viện.
Các nữ tu Đa Minh tại Adrian, Michigan, đã báo cáo rằng một trong những thành viên của cộng đoàn sống ở vùng đô thị Detroit, một điểm nóng của coronavirus, đã nhiễm virus, nhưng đã hồi phục.
4. Tiểu bang Missouri thưa Tầu Cộng đòi bồi thường tổn thất vì coronavirus
Tiểu bang Missouri đang làm một điều chưa từng có là kiện Trung Quốc về vụ COVID-19, với lý do là Trung Quốc che giấu thông tin quan trọng về coronavirus, dẫn đến cái chết và thiệt hại kinh tế ở Missouri.
Tiểu bang Mississippi cũng đã sẵn sàng để đệ trình một vụ kiện tương tự. Tuy nhiên, các tiểu bang ở Mỹ thường không trực tiếp kiện nước ngoài. Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác có thể được bảo vệ bởi Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài – Foreign Sovereign Immunities Act. Tuy nhiên, Missouri tuyên bố rằng đạo luật này có những ngoại lệ, và họ dựa vào các ngoại lệ này để kiện Trung Quốc.
Ông Eric S. Schmitt, Bộ trưởng Tư Pháp thứ 43 của Missouri kể từ năm 2019 đến nay, nói ông tin rằng tiểu bang sẽ thắng kiện. Theo ông, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về từng cái chết, từng tổn thất tài chính trong kinh doanh, và trong các chi phí y tế gây ra bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng tại tiểu bang Missouri.
Ông nói rằng khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 12 và tháng Giêng, đã ra lệnh dừng việc thử nghiệm các mẫu mới và phá hủy các mẫu hiện có, đồng thời chặn đứng tất cả những ai cố gắng cảnh báo với thế giới. Nó đã bắt những người tố giác, và cho phép hàng ngàn người rời khỏi Vũ Hán, và ra nước ngoài sau khi nó đã rõ ràng rằng một căn bệnh truyền nhiễm rất cao đã bùng phát ở đó.
Chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào một chiến dịch lừa dối, các nhà chức trách không có những hành động cần thiết, dẫn đến loại virus độc ác này lan rộng trên toàn cầu. Và Missouri đã không tránh khỏi điều đó.
5. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các thầy cô giáo và và học sinh trong thời đại dịch này
Lúc 7 sáng thứ Sáu 24 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho các thầy cô giáo và và học sinh trên toàn thế giới trong thời đại dịch này.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các thầy cô giáo phải làm việc vất vả hơn để giảng bài qua internet và các phương tiện truyền thông khác, và chúng ta cũng cầu nguyện cho những học sinh phải học tập và làm bài kiểm tra theo cách mà họ không quen. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho họ.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 6: 1-15) nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.
PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15
“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.
Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Bài Tin Mừng này khiến chúng ta nghĩ rằng: “Chúa Giêsu nói như thế để thử các môn đệ Người. Trên thực tế, ngài biết mình sẽ làm gì. Đây là những gì Chúa Giêsu đã có trong tâm trí khi Ngài nói: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông Philipphê. Ở đây chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu với các tông đồ. Ngài liên tục thử thách họ để dạy họ và, khi họ vượt ra khỏi giới hạn và vượt ngoài chức năng mà họ phải làm, Ngài ngăn họ lại và dạy họ.
Tin Mừng có đầy đủ những cử chỉ này của Chúa Giêsu để làm cho các môn đệ của Người lớn lên, trở thành các mục tử của Dân Chúa, trong trường hợp này là các giám mục, các mục tử của Dân Chúa. Và một trong những điều mà Chúa Giêsu yêu thích nhất là ở cùng với đám đông bởi vì đây cũng là biểu tượng của tính phổ quát của ơn cứu chuộc. Ngược lại, một trong những điều mà các tông đồ không thích là đám đông, vì họ thích gần gũi với Chúa, cảm nhận Chúa, nghe mọi điều Chúa nói. Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ đến đó để có một ngày nghỉ ngơi – các sách Phúc Âm khác đều nói như thế, bởi vì tất cả bốn sách Phúc Âm đều tường thuật về biến cố này… có lẽ có hai phép lạ hóa bánh ra nhiều – và các môn đệ Ngài vừa hoàn thành xong một sứ mệnh và Chúa nói với các ngài: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.
Và vì thế các môn đệ đã không vui bởi vì mọi người đã hủy hoại ngày “Thứ Hai sau lễ Phục Sinh” của họ, họ không thể có một bữa tiệc với Chúa. Dù thế, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy dân chúng, họ lắng nghe, hết giờ này sang giờ khác, Chúa Giêsu nói và dân chúng hạnh phúc. Nhưng các môn đệ thì nói, “bữa tiệc của chúng ta đã bị hủy hoại, việc nghỉ ngơi của chúng ta đã bất thành.”
Nhưng Chúa tìm sự gần gũi với mọi người và tìm cách hình thành con tim của những mục tử để họ gần gũi với Dân Chúa, và phục vụ họ. Các mục tử, tất nhiên, sau khi đã được chọn thì cảm thấy có một chút gì đó giống như mình đang trong vòng những người có đặc quyền, một tầng lớp đặc quyền, “một tầng lớp quý tộc”, có thể nói là một tầng lớp được đặc ân gần gũi với Chúa, và nhiều lần Chúa đã đưa ra những cử chỉ để sửa sai não trạng này.
Ví dụ, hãy suy nghĩ thái độ của các môn đệ với trẻ em. Họ canh giữ Chúa: “Không, không, trẻ em không được đến gần, chúng sách nhiễu, phiền hà… Không, trẻ con nên ở với cha mẹ”. Còn Chúa Giêsu thì sao? Ngài chào đón những đứa trẻ. Ngay lúc đầu các môn đệ không hiểu. Nhưng sau các ngài cũng hiểu ra.
Khi Đức Giêsu gần đến Giêrikhô cũng thế, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh ta đến.
Đúng là Dân Chúa làm các mục tử mệt mỏi, mục tử tốt thì đàn chiên nhân lên, vì người ta luôn tìm đến các mục tử tốt lành, và vì thế còn mệt mỏi hơn nữa. Một lần, một linh mục coi sóc một khu phố nghèo, khiêm nhường của giáo phận, cư trú trong một nhà xứ xập xệ gần gũi với người dân. Do đó, mọi người gõ cửa lớn hoặc cửa sổ suốt ngày. Một lần ngài nói với tôi: “Chắc tôi phải xây tường bít bùng để họ có thể cho tôi nghỉ ngơi”. Nhưng ngài nhận ra rằng mình là một mục tử và phải ở cùng với mọi người. Chúa Giêsu đã đào tạo, dạy dỗ các môn đệ, và các tông đồ thái độ mục vụ gần gũi với Dân Chúa này.
Đức Thánh Cha kết luận rằng sức mạnh của người mục tử là sự phục vụ, ngoài ra người mục tử không có quyền lực nào khác và khi người ấy sai lầm với quyền lực khác, người ấy hủy hoại ơn gọi của mình và trở thành – tôi không biết phải dùng từ nào cho đúng – có lẽ là những người quản lý các doanh nghiệp mục vụ chứ không phải là mục tử. Cấu trúc không tạo nên việc chăm sóc mục vụ: trái tim của mục tử là những gì hình thành nên việc chăm sóc mục vụ. Và trái tim của mục tử là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta vào lúc này. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho các mục tử của Giáo hội vì Chúa luôn nói với các mục tử, vì Ngài yêu mến họ: Ngài luôn nói với họ, cho họ biết mọi việc phải diễn ra thế nào, giải thích và trên hết là dạy chúng ta đừng sợ Dân Chúa, đừng sợ gần gũi với Dân Chúa.