Video: Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân cộng sản tại tượng đài Tự do ở thủ đô Latvia

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 07g20 sáng thứ Hai ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Quốc tế Vilnius để đến Riga.

Sau một giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô của Latvia lúc 08g20.

Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã đi xe đến dinh tổng thống nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 9g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 10g, Đức Thánh Cha đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân cộng sản trong thời kỳ hơn 50 năm chiếm đóng của Liên Xô.

Do nằm ở một vị trí chiến lược, Latvia thường xuyên bị xâm chiếm bởi những quốc gia lớn hơn xung quanh. Từ thế kỷ 18, Latvia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Latvia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và âm nhạc, nên mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Ngày 18 tháng 11 năm 1918, nền cộng hòa của Latvia chính thức được thành lập. Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Estonia, Latvia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Latvia.

Tháng 3/1949, 43,000 người bị bắt vì cho rằng đã từng phục vụ cho Đức Quốc xã. Họ bị đưa sang Siberia trong chiến dịch Priboi được tiến hành tại cả ba nước Baltic. Cho đến năm 1952, khoảng chừng 136,000 cho tới 190,000 người Latvia với lý do là đã cộng tác với quân Đức. Tiếng Latvia bị cấm dùng trong những nơi công cộng, và được thay thế bằng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức. Từ năm 1959, Liên Sô lại có kế hoạch Nga hóa Latvia nên người Latvia rất căm thù người Nga.

Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân do di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô dù họ đã sống tại Latvia từ lâu. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào và là căn nguyên khiến Latvia bị chỉ trích.

Năm 2016, Nils Ušakovs, đô trưởng Riga, một người Latvia gốc Nga, đã bị Trung Tâm Ngôn Ngữ Học quốc gia Latvia phạt tiền vì dám viết tiếng Nga trên Facebook của ông ta.

Latvia ngày nay là một quốc gia phát triển kinh tế rất nhanh chóng. Thu nhập bình quân đầu người là 27,600 Mỹ Kim một năm theo thống kê vào năm 2017.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lát nữa đây Đức Thánh Cha và Tổng thống Raimonds Vējonis /reɪ-mondz vɛ’-dʒʊ̈n-əns/ của Latvia sẽ đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã chết trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập lãnh thổ của Latvia. Các nguồn tài liệu khác nhau cho biết trong chiến dịch Priboi được Liên Sô hoạch định cẩn thận nhằm mục tiêu thôn tính lâu dài Latvia, đã có từ 130,000 đến 190,000 người Latvia bị cộng sản Liên Sô bắt trong thập niên 1940 và bị trục xuất sang Siberia. Đa số chết rũ tù trong các trại tập trung lao động.

Tượng đài quý vị và anh chị em đang thấy đây được gọi là Tượng đài Tự do là một đài tưởng niệm ở ngay thủ đô Riga, của Latvia. Ý định ban đầu là để tôn vinh những người lính bị giết trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc từ khi Latvia tuyên bố độc lập vào năm 1918 cho đến năm 1920.

Tượng đài cao 42 mét này đã được khánh thành vào năm 1935. Nó được làm bằng đá hoa cương, các loại đá quý khác và một phần bằng đồng. Các tác phẩm điêu khắc và phù điêu của đài tưởng niệm, được bố trí trong mười ba nhóm, mô tả văn hóa và lịch sử Latvia.

Tượng đài Tự do này được coi là một biểu tượng quan trọng của tự do, độc lập, và chủ quyền của Latvia. Do đó, nơi đây thường là địa điểm của các cuộc tụ họp công cộng và các nghi lễ chính thức ở Riga.

Sau khi Liên Sô chiếm đóng Latvia năm 1940, một trong những việc đầu tiên họ nghĩ đến là việc đặt bom phá sập tượng đài này.

Theo truyền tụng trong dân gian, nhà điêu khắc người Nga là bà Vera Mukhina có thể đã cố gắng thuyết phục bọn lãnh đạo đảng cộng sản Liên Sô từ bỏ kế hoạch này bởi vì bà coi nó là một tượng đài có giá trị nghệ thuật cao.

Năm 1963, khi vấn đề triệt hạ tượng đài này được đặt ra một lần nữa, chính quyền Latvia đã cố gắng phản đối việc phá hủy tượng đài này vì e sẽ gây ra sự phẫn nộ và căng thẳng sâu sắc trong xã hội.

Một kế hoạch có tính chất tương nhượng được đặt ra là hệ thống tuyên truyền của Liên Sô sẽ cố gắng thay đổi ý nghĩa tượng trưng của đài tưởng niệm để phù hợp hơn với ý thức hệ cộng sản. Nhưng bất kể những cố gắng ấy, tượng đài này vẫn là một biểu tượng cho độc lập dân tộc đối với công chúng. Thật vậy, vào ngày 14 tháng 6 năm 1987, khoảng 5,000 người đã tụ tập tại đài tưởng niệm này để đặt hoa và kỷ niệm các nạn nhân cộng sản Liên Sô bị giết sau khi Đức Quốc Xã rút lui và Liên Sô tái chiếm ba nước vùng Baltic. Cuộc biểu tình này đã thổi một làn gió mới cho phong trào độc lập dân tộc, lên đến đỉnh điểm vào năm 1991 khi Latvia tái lập chủ quyền lãnh thổ sau sự sụp đổ của Liên bang Sô viết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *