Video: Giáng Sinh trên khắp thế giới

 

1. Giáng Sinh tại Bethlehem.

Đông đảo các tín hữu và khách hành hương đã chen chúc nhau tham dự thánh lễ Nửa Đêm Giáng Sinh tại Bethlehem vào tối thứ Bảy 24 tháng 12.

Star Street, là hành lang chính dẫn vào quảng trường Máng Cỏ được trang trí với những ngọn đèn lễ hội trên tường và các cửa hàng, trong khi đông đảo người dân Palestine bày bán các loại thực phẩm truyền thống.

Tại lối vào Quảng trường Máng Cỏ, nơi có Nhà thờ Giáng Sinh, là nơi Chúa Giêsu xuống thế làm người, lực lượng an ninh của chính quyền Palestine đứng dày đặc để bảo vệ, và kiểm tra các túi xách, trong khi một số đông các tay súng quan sát khu vực quảng trường từ trên nóc các tòa nhà gần đó.

Một dàn hợp xướng địa phương đã hát các bài hát Giáng Sinh truyền thống bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, trong khi các khách hành hương tham gia cùng với họ.

Theo nguồn tin của Bộ Du Lịch Israel, 120,000 du khách đã đến thăm Israel và khu vực Tây Ngạn sông Jordan trong tháng 12 này.

Mờ sáng ngày 25 tháng 12, Đức Cha Pierbattista Pizzaballa, giám quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh đã chủ sự thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Tham dự thánh lễ có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và các quan chức khác. Nhà thờ Giáng Sinh, nơi cử hành thánh lễ đầy chật người tham dự.

2. Lễ Giáng Sinh tại Mosul

Một cây Giáng Sinh đã được dựng lên giữa cảnh đổ nát cuả Mosul, ngay trong tầm đạn cuả bọn khủng bố Hồi Giáo IS như để thể hiện một quyết tâm mừng lễ Giáng sinh.

Các cộng đồng Kitô giáo ở vùng này đã phải cử hành lễ Giáng Sinh thứ ba trong lưu vong, nhưng vẫn hy vọng họ sẽ sớm trở về nhà.

Tuy nhiên, ở thị trấn Bartell, một thị trấn Kitô giáo Assyriô 13 dặm về phía đông của thành phố Mosul, hàng trăm các tín hữu Kitô lưu vong đã đến được nhà thờ chính toà vào đêm Giáng Sinh.

Đây là lễ Giáng Sinh lần đầu tiên được cử hành tại đây kể từ năm 2013.

“Chúng tôi đã có những vui buồn lẫn lộn”, Đức Cha Mussa Shemani nói với báo chí. “Chúng tôi rất buồn khi nhìn thấy những gì xảy ra cho những nơi linh thiêng nhất của chúng tôi , nhưng đồng thời chúng tôi rất vui mừng vì đây là thánh lễ đầu tiên từ tháng 6 năm 2013.”

Binh sĩ Iraq đã bảo vệ các đoàn xe của các Kitô hữu, vì khu vực nhà thờ vẫn còn nằm trong vùng giao tranh.

Một cây thánh giá đã được dựng lên trên nhà thờ. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tàn phá tất cả, các biểu tượng tôn giáo và những bức tượng của các thánh đã bị phá hủy hoặc bị đập vỡ.

Giáo dân đốt nến khi bước vào nhà thờ, các phụ nữ ngân nga những giọng điệu dân tộc, họ hát thánh ca, cầu nguyện và nghe một bài giảng để tạ ơn việc tái chiếm thành phố.

Trong bài giảng, Đức Cha Shemani cho biết: “Vẫn còn có một đám mây đen bao phủ trên Iraq Nhưng chúng tôi sẽ ở lại đây. Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta…”

3. Trong thông điệp Giáng Sinh, Đức Thượng Phụ thành Babylon ca ngợi quân Iraq và quân Kurd trong chiến dịch giải phóng Mosul.

Trong thông điệp Giáng Sinh Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê thành Babylon đã lên tiếng cảm ơn quân đội Iraq và người Kurd, cũng như các chiến binh Kitô, đang giúp “giải phóng các vùng đất Iraq bị chiếm đóng bởi những bọn khủng bố Hồi Giáo IS.”

Đức Hồng Y Raphael Louis Sako là nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Chanđê -một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

Ngài cũng cảm ơn chính quyền khu tự trị Iraq Kurdistan đã hỗ trợ các Kitô hữu và những người dân tị nạn khác đang lưu trú trong thành Erbil sau khi lánh nạn từ Mosul và vùng bình nguyên Ninivê.

Các lãnh thổ bên ngoài Mosul đã được giải phóng và lần đầu tiên, kể từ tháng 6 năm 2013, nhiều cộng đoàn Kitô đã có thể cử hành lễ Giáng Sinh tại các ngôi nhà thờ của họ mà họ đã phải bỏ lại sau lưng khi tháo chạy trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

4. Thánh lễ đầu tiên của Công Giáo Maronite tại nhà thờ chính tòa Aleppo kể từ 2012.

Sự thất bại của các lực lượng nổi dậy ở Aleppo, thành phố có thời là lớn nhất tại Syria, đã cho phép người Công Giáo nghi lễ Maronite cử hành Thánh Lễ đầu tiên trong nhà thờ chính tòa của họ kể từ năm 2012.

Hãng tin Reuters cho biết Kitô hữu tại Aleppo tưng bừng đón chào chiến thắng gần đây của Tổng thống Bashar al-Assad. Họ đã dựng một cây thông Giáng Sinh khổng lồ, lấp lánh ánh đèn, sáng choang một vùng. Lần đầu tiên sau năm năm nội chiến, người ta mới thấy được quang cảnh tưng bừng như thế. Niềm vui dâng trào trong các cộng đoàn Kitô vì hòa bình xem ra đang quay trở lại sau khi quân chính phủ kiểm soát được hoàn toàn thành phố này vào tuần trước.

Sự sụp đổ của quân phiến loạn ở miền Đông Aleppo là chiến thắng lớn nhất của quân chính phủ trong cuộc nội chiến gần sáu năm qua tại Syria.

Những người lính Nga, hỗ trợ cho tổng thống Assad, đã tham dự lễ Giáng Sinh chung với các Kitô hữu địa phương tại nhà thờ Thánh Elias.

5. Tham dự lễ Giáng Sinh tại Bắc Kinh là một cực hình.

Theo nguồn tin của UCANews việc tham dự lễ Giáng Sinh tại Bắc Kinh trong năm nay là một thử thách, nếu không muốn nói là ‘cực hình’.

Ở Bắc Kinh có 4 nhà thờ chính là Nam Đường, Bắc Đường, Đông Tự và Tây Tự. Nhà thờ Tây Tự đang được sửa chữa, nên giáo dân đã phải dồn qua 3 nhà thờ khác. Do đó thánh lễ nửa đêm do Đức Giám Mục Joseph Lý Sơn của Bắc Kinh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, hay còn gọi là Nam Đường, đã đông hơn thường lệ.

“Khoảng một nửa trong số 5000 người tham dự là những gương mặt đến từ các nhà thờ khác hoặc là những cư dân ở ngoài Bắc Kinh,” theo lời ông Joseph Trương, một giáo dân của nhà thờ Nam Đường.

“Chúng tôi đã phải xếp hàng 3 giờ để kiểm tra an ninh. Thánh Lễ nửa đêm thì kéo dài 2 tiếng đồng hồ nữa.”

“Có quá nhiều nhân viên an ninh. Bạn có thể thấy cứ 3 mét thì có một tay an ninh. Người ta không được mang theo chai nước, túi xách hoặc bật lửa,”một giáo dân khác là bà Teresa Vương Đức Lan nói.

Cũng thế, các biện pháp an ninh trong các nhà thờ khác cũng gay gắt như thế. Hàng dài người phải chờ đợi kiểm tra trước khi được vào bên trong các ngôi thánh đường này.

Các biện pháp an ninh tại các nhà thờ lớn đã được gia tăng đặc biệt ở thủ đô kể từ năm 2013, sau khi một chiếc xe phát nổ ở quảng trường Thiên An Môn, mà nhiều người gọi đó là cuộc tấn công khủng bố đầu tiên trong lịch sử của Bắc Kinh. Kiểm tra an ninh tương đối chặt chẽ hơn trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm vì có nhiều người Công Giáo từ các nước khác, trong đó có những nhân viên ngoại giao, tham dự.

Ở Trung Quốc, Giáng Sinh không phải là một ngày nghỉ lễ. Nhiều người Công Giáo thường vội vàng đi nhà thờ sau giờ làm việc rồi sau đó vội vã ra về nghỉ ngơi và chuẩn bị làm việc ngày hôm sau.

6. Tai ương khủng bố gây lo ngại trong mùa Giáng Sinh.

Trong lúc các Kitô hữu trên khắp thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh thì bọn khủng bố Hồi Giáo IS ra thông báo kêu gọi các cảm tình viên của họ hãy tấn công khủng bố các nhà thờ.

Các hãng thông tấn trên thế giới đều loan tin Tòa Thánh Vatican, cũng như nhiều quốc gia như Pháp Đức , Bỉ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. đều gia tăng và xiết chặt các biện pháp an ninh để đề phòng khủng bố.

Riêng tại Hoa Kỳ, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) và Bộ An Ninh Nội Điạ hôm thứ Sáu 23 tháng 12 năm 2016 đã ra thông báo cho các cơ quan an ninh biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS có âm mưu tấn công khủng bố các nhà thờ trong dịp giáo dân cử hành lễ Giáng Sinh hay những địa điểm có đông người tụ họp trong dịp lễ này.

Lời cảnh báo của cơ quan an ninh Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các cảm tình viên của Nhà Nước Hồi Giáo đưa lên mạng lưới xã hội công khai kêu gọi các cảm tình viên của họ tấn công vào các nhà thờ ở trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Theo cơ quan FBI lời đe doạ của nhóm khủng bố là đáng tin cậy.

Danh sách các nhà thờ ở Mỹ bị đe dọa tấn công được viết bằng tiếng Ả Rập và được một người có tên là Abu Marya al-Iraqi đưa lên mạng. Lời kêu gọi tấn công khủng bố có câu “ Hãy làm cho việc cử hành Tết đầu năm của người Kitô Giáo thành buổi lễ đẫm máu”.

7. Đức Thánh Cha chia buồn với nhân dân Nga sau tai nạn máy bay thảm khốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lời chia buồn của ngài với nhân dân Nga sau khi một máy bay của Bộ Quốc phòng Nga bị rơi gần Sochi, làm thiệt mạng tất cả 92 người trên máy bay

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời chia buồn này trong diễn từ sau kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 12, kính thánh Stêphanô Tử Đạo tiên khởi.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành của tôi / trước những tin tức bi thảm liên quan / đến chiếc máy bay Nga bị rơi tại Biển Đen. Nguyện xin Chúa an ủi người dân Nga thân yêu / và gia đình của các hành khách trên chiếc máy bay / bao gồm các nhà báo, và dàn hợp xướng nổi danh của các lực lượng vũ trang Nga”

“Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ các hoạt động tìm kiếm đang diễn ra.”

Đức Thánh Cha cho biết thêm:

“Năm 2004, dàn hợp xướng này / đã trình diễn tại Vatican vào năm thứ 26 triều đại giáo hoàng / của Thánh Gioan Phaolô II. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.

Cũng nên nói thêm là:Hôm 25 tháng 12, 84 thành viên trong dàn hợp xướng cùng với 8 người trong phi hành đoàn đã thiệt mạng sau khi chiếc TU-154 chở họ lao xuống Biển Đen sau khi cất cánh được vài phút từ phi trường Sochi của Nga / để bay đến phi trường Latakia của Syria.

8. Cha Tom Uzhunnalil vẫn còn sống và kêu gọi sự trợ giúp.

Cha Tom Uzhunnalil, một linh mục dòng Salêdiêng, Ấn Độ, là người bị bắt cóc ở Yemen vào đầu tháng Ba, đã cầu xin sự giúp đỡ trong một đoạn video đã được đăng tải trên internet vào ngày 26 tháng 12.

Tính xác thực của video chưa được xác nhận. Tuy nhiên, bạn bè và người thân nói người xuất hiện trên video clip dài 5 phút trông rất mệt mỏi và yếu đuối chính là Cha Uzhunnalil.

Cha Tom Uzhunnalil đã bị bắt giữ bởi những kẻ khủng bố khi chúng bắn chết bốn nữ tu của Dòng Thừa Sai Bác Ái / trong cuộc tấn công ngày 04 tháng 3 tại một nhà dưỡng lão ở Aden, Yemen. Kể từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có tin tức rõ ràng về số phận của ngài.

Cha Uzhunnalil nói trong video “Tôi rất chán nản. Sức khỏe của tôi xấu đi rất nhanh”. Ngài than phiền rằng chẳng có gì đã được thực hiện để bảo đảm việc trả tự do cho ngài, mặc dù những kẻ bắt cóc đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ.

Hôm 2 tháng Tư, một phái đoàn từ Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã có cuộc gặp gỡ với Sushma Swaraj, bộ trưởng ngoại giao của Ấn, để thảo luận về mối quan tâm của các ngài cho số phận của Cha Uzhunnalil, “đặc biệt là bây giờ, khi những tin đồn khủng khiếp đang được lan truyền.” Vị bộ trưởng chính phủ “bảo đảm dứt khoát với phái đoàn rằng cha Tom Uzhunnalil đang được an toàn”.

Ông Swaraj từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc đàm phán giữa chính phủ Ấn Độ và những kẻ bắt giữ ngài. Tin đồn lưu hành tuần trước cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tiếp cận các quan chức Ấn Độ, tìm kiếm một khoản tiền chuộc lớn cho việc trả tự do cho vị giáo sĩ của dòng Salesian. Swaraj không bình luận gì về những tin đồn, nhưng cho biết nhiệm vụ của mình là làm việc để bảo đảm việc trả tự do cho Cha Uzhunnalil.

Bây giờ thì đã rõ là người ta chẳng làm gì cả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *