Chuyến Tàu Hoàng Hôn

Chiều đông miền sơn cước lạnh tê tái, gió mùa đông bắc thổi hun hút, dưới thung lũng sương mù giăng trắng xóa, làm cho cảnh vật, cây cối, cứ mờ mờ ảo ảo. Lâm sốc lại ba lô trên vai, rảo bước đến nhà Lý A Mùa, người chạy xe ôm duy nhất của bản, để đi ra ga tàu về quê, vì mai là ngày giỗ bố của Lâm, nên đơn vị cho Lâm nghỉ phép ba ngày.

Vừa ngồi lên chiếc xe Min cũ kỹ và to như con ngựa sắt, Lâm nghe có tiếng gọi gấp gáp phía sau: Bác A Mùa, chờ cháu với! Cả Lâm và A Mùa cùng ngoái nhìn về phía sau, một cô gái đang hớt hải chạy tới, đến nơi, cô vừa thở gấp gáp vừa nói:  May quá! Chậm một chút nữa là không kịp, bác cho cháu ra ga với ạ!  A Mùa phất tay nói nhanh:  Xe tao đã chở bộ đội Lâm rồi, cô giáo chờ ở đây, tao sẽ quay về đón sau. Cô gái vội vã níu kéo: Chiều nay chỉ còn duy nhất một chuyến tàu xuôi, từ đây ra ga gần hai mươi cây số, bác đi, quay về, rồi lại mới chở cháu đi lần nữa, tổng cộng ba lần hơn năm mươi cây số. Đường dưới xuôi đi chỉ hết khoảng một tiếng, còn đường trên này xấu quá, chắc phải mất gần ba tiếng, làm sao kịp được giờ tàu chạy ạ! Cô rơm rớm nước mắt: Mẹ cháu đang cấp cứu ở bệnh viện.

A Mùa vẫn dứt khoát: Tao chẳng bao giờ chở ba người nữa đâu cô giáo à, vì Công an… “áo vàng” cái bụng nó không tốt . Ở đây ít khách, nên tao chưa chở ba người bao giờ, nhưng hôm vừa rồi tao chở mẹ con cái Lử xuống chợ, đang đi thì có mấy công an áo vàng nó cầm… “gậy” chặn đường tao lại. Khi tao dừng xe, thì thấy nó giơ tay lên chào tao, thấy nó… “lễ phép” quá, nên tao cũng nở nụ cười thật tươi chào lại rồi định phóng xe đi, nhưng nó giữ tao lại và bảo xuống xe để lập biên bản phạt lỗi sai luật giao thông, tao đang ngơ ngác không hiểu gì, thì nó bảo tao chở ba người là sai luật. Ô hay, xe là xe của tao, vợ con cũng là vợ con của tao, tao muốn chở bao nhiêu người là quyền của tao và nếu có hỏng thì cũng là hỏng xe của tao, chứ có làm hỏng xe của nó đâu mà nó đòi tiền tao.

Giàng ơi! Luật gì mà người ta chở vợ chở con cũng bị phạt? Vô lý, vô lý quá!  Nó còn bảo vì tao ở vùng sâu vùng xa, nên đã chiếu cố cho nộp tiền ngay để lấy phương tiện đi lại, chứ đúng luật thì nó cho xe về đồn ở dưới thị trấn, một tuần sau đem tiền đến nộp phạt mới được lấy xe. Vợ tao thấy nó nói giữ xe thì sợ quá, liền móc tiền đưa cho nó, tiền ấy, vợ tao vừa mới bán con dê, hôm ấy xuống chợ định mua cho chị em con Lử mỗi đứa một đôi giày, vì mùa đông đã về rồi, thế là giày đâu chẳng thấy, lại mất toi con dê, tiếc quá!

Bây giờ cô giáo đã hiểu cái bụng tao rồi nhé, tao đi đây. Thấy thế, Lâm vội vàng xuống xe và bảo A Mùa: Bác chở cô ấy ra ga trước đi, cô ấy cần phải kịp chuyến tàu, vì mẹ cô ấy đang cấp cứu, đến nơi bác nhanh nhanh quay về đón cháu, cháu sẽ đi bộ dần nhé, gặp bác càng sớm càng tốt. Nói song, Lâm trao mũ bảo hiểm cho cô gái và bảo: Cô đừng ngại, lên xe đi, mẹ cô đang mong cô đấy. Bác A Mùa và cô gái đi rồi, Lâm cũng nhanh chân rảo bước, vừa đi vừa huýt sáo cho bớt cô liêu trên con đường vắng vẻ, đèo dốc.

Khi đôi chân của Lâm tê mỏi, đau rát, cũng là lúc A Mùa quay về đón Lâm, chắc bác cũng cảm tấm lòng nhường khách của Lâm, nên chạy xe nhanh hơn mọi ngày. Xe tới ga, cũng là lúc còi tàu ngân lên một hồi dài, báo hiệu sắp sửa lăn bánh, bác A Mùa rối rít giục Lâm vào mua vé. Vừa bước tới cửa bán vé, Lâm thấy cô gái lúc chiều gặp ở bản đang đứng ngóng chờ ai, Lâm chưa kịp hỏi, thì cô gái đã nắm lấy tay Lâm kéo đi về phía cửa vào sân ga, chị nhân viên soát vé nhìn thấy hai người liền nói với Lâm: Thì ra là cô ấy đợi người yêu, thảo nào mà chị bảo lên tàu đi kẻo không kịp, mà cô ấy có nghe đâu, cứ cầm hai tấm vé đứng ngóng trông, thôi, hai em vào đi, tàu sắp chạy rồi. Lâm và cô gái lên tàu, vừa ngồi vào ghế thì con tàu đã chầm chậm rời sân ga trong hoàng hôn tím mờ. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, Lâm quay sang hỏi cô gái: Sao cô không lên tàu trước đi, lỡ chuyến thì làm sao?

Cô gái trả lời: Nếu anh không nhường xe cho em thì em cũng bị lỡ tàu, vì em đâu có đi bộ được cả một quãng đường dài như anh, dù bác A Mùa có quay về nhà đón và đưa em tới ga, thì tàu cũng đã chạy rồi. Mà nhà ga miền sơn cước vắng vẻ quạnh hiu lắm, thân gái một mình, em đâu dám ở qua đêm chờ chuyến tàu sáng hôm sau, nên em đợi anh, nếu có lỡ thì cũng còn có bạn để mà… cô ngập ngừng không nói hết. Lâm nháy mắt tinh nghịch hỏi: Mà… mà làm cái gì? Cô gái  cũng láu lỉnh không kém: Làm cái gì hồi sau anh sẽ rõ.

Hai người bên nhau tâm sự không dứt, như đường ray kéo dài hun hút về xuôi. Chuyện buồn man mác đôi mắt, chuyện vui khúc khích làn môi, tựa con tàu khi chạy nhanh dập dềnh lên xuống, lúc chậm dãi êm đềm nhẹ trôi. Qua chuyện trò, Lâm mới biết cô gái cùng đồng hành với mình là giáo viên trường tiểu học của bản, nơi Lâm đang đóng quân, cô có cái tên thật đẹp: Thảo Trang. Từ đồn biên phòng nơi Lâm ở, tới trường của cô chỉ cách có hai cây số, lại là kết nghĩa với nhau nữa chứ, nhưng hai người chưa một lần gặp mặt, vì cô mới lên bản được mấy tháng. Còn Lâm, kỷ luật đơn vị rất nghiêm khắc, ngoài những lần xuống bản giúp dân, hoặc đi tuần tra biên giới và một năm hai lần giao lưu cùng với trường tiểu học, còn lại, hầu hết mọi sinh hoạt đều ở trong khuân viên của đồn, nên hai người hôm nay mới có dịp biết về nhau.

Đêm đông về khuya lạnh buốt như kim châm, sương rơi ướt nhòa cửa kính, nhìn bàn tay Thảo Trang sưng đỏ tấy run rẩy, Lâm cởi chiếc áo dạ choàng lên vai cô, nhẹ nhàng xích lại gần và ủ đôi bàn tay đang lạnh cóng của cô trong tay mình. Một thoáng ngỡ ngàng trôi qua trong đôi mắt nhung huyền của Thảo Trang, rồi cả hai cứ lặng lẽ bồi hồi nghe con tim đang cùng lạc nhịp. Ba giờ sáng, con tàu dừng bánh nơi ga Thảo Trang xuống, Lâm còn phải đi tiếp hai ga nữa, nhưng Lâm không đành lòng để Thảo Trang một mình đi đến bệnh viện, dù đoạn đường chỉ có hơn một cây số. Đón Taxi, Lâm cùng Thảo Trang  đến bệnh viện, chào thăm hỏi mẹ Thảo Trang và người anh trai xong, Lâm lại vội vã đón Taxi về nhà để kịp giỗ bố vào sáng ngày mai, sau khi đã hẹn Thảo Trang ngày trả phép sẽ đến bệnh viên đón cô, để cùng nhau ngược lên miền sơn cước.

Ngày tháng cứ âm thầm trôi chảy, ươm mầm cho tình yêu thật đẹp của Lâm và Thảo Trang nảy nở, anh lính ngày đêm gìn giữ biên cương và cô giáo cắm bản đem cái chữ cho con em dân tộc vùng cao. Một đám cưới đơn giản nhưng ấm cúng tình quân dân được tổ chức  sau gần một năm yêu nhau nồng thắm, nhà trai  xanh một màu áo lính, nhà gái rực rỡ sắc mầu quần áo dân tộc của các em học sinh trường tiểu học. Chủ hôn không ai khác, chính là bác  Lý A Mùa, người đã đưa Lâm và Thảo Trang tới chuyến tàu định mệnh, chuyến tàu hoàng hôn.

                                                                                                             Mờ-inh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *