1. Hội nghị thượng đỉnh được nhóm họp tại Budapest để giải quyết những xung đột quốc tế về việc xử lý nước
Theo đài Radio Vatican ngày 29/11/2016 thì các nhà lãnh đạo quốc gia, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia đã tụ họp về Budapest để thảo luận làm thế nào để ngăn chặn những khủng hoảng và xung đột toàn cầu về việc xử lý nước. Các đại biểu tham dự ba ngày hội nghị thượng đỉnh Budapest về việc xử lý nước đã lắng nghe các bài từng trình của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống của nước Hung gia lợi, người đã mô tả nước như là “nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa nhất” và kêu gọi hành động ngay lập tức để tăng cường an ninh về việc xử lý nước.
Theo bản báo cáo của ông Stefan Bos thì khoảng 2.000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia đã đáp lại lời kêu gọi của các vị lãnh đạo các Giáo Hội trước việc việc duy trì an toàn các nguồn nước. Đức Thánh Cha Phanxicô và Thương phụ Bartholomew I, Tổng Giám Mục thành Constantinople, kêu gọi những người tham dự hãy ý thức giá trị của nước trong viễn tượng phát triển bền vững.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Ông Ban Ki-moon cũng đồng ý quan điểm ấy. Trong một thông điệp bằng video, ông nói việc cấu trúc lại cách thức thế giới sử dụng tài nguyên thiên nhiên là điều rất quan yếu. Ông nói tiếp: “Chúng ta phải thay đổi cách chúng ta quản lý các nguồn tài nguyên của chúng ta. Chúng ta phải đầu tư về nước và vệ sinh môi trường vì lợi ích của tất cả”.
Nhưng Ngài Tổng thống János Ader của Hung Gia Lợi đề nghị chúng ta không có nhiều thời giờ để xây dựng một chiến lược. Ông cho rằng sự tăng trưởng dân số toàn cầu và nhu cầu thực phẩm làm tăng việc xử dụng nước tiêu thụ tăng vọt thêm 30 phần trăm vào năm 2030. Và Ông Ader cho rằng ngành công nghiệp sẽ cần nhiều nước hơn ít nhất 50 phần trăm vào năm 2050, sẽ làm cho cho việc chống lại sự biến đổi khí hậu trở nên phức tạp và cấp bách hơn! Nhưng ông nhấn mạnh: “Nước là nguồn thiên nhiên tối quan trọng nên đây phải là đề tài trọng yếu cho những tư duy và hành động chính trị!”
Tư tưởng đó đã được Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh ủng hộ hoan nghênh khi bà nêu lên rằng hầu hết nhiều người công dân trong nước bà không có được nước sạch mà dùng! Bà nói: “Các quốc gia trong vùng của chúng tôi đối diện với một thách đố lớn lao là làm sao có khả năng xây dựng và phục hồi thảm họa liên quan đến nước, song song với những nỗ lực thích ứng trước cố gắng phòng chống nạn biến đổi khí hậu nữa.”
Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối diện với một trận chiến đầy khó khăn để bảo đảm nguồn xử lý nước và ngăn chặn xung đột toàn cầu như thế giới đã và đang có nhiều xung khắc trước vấn nạn biến đổi khí hậu.
Mặc dù có nhiều nhà phê bình còn hoài nghi, nhưng LHQ đã công bố số liệu cho thấy mức tăng về nhiệt độ trung bình là 3-4 độ C trong thế kỷ này hơn 1,5-2 độ C được nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trước đây.
Các tham dự viên tại Hội nghị cấp cao về việc xử lý nước đồng ý phải cấp bách việc phối hợp cần thiết để đảm bảo một tương lai bền vững cho nhân loại trong khắp thế giới trước vấn nạn về việc xứ lý nước này.
2. Goma Phi Châu – Hàng triệu trẻ em mồ côi vì các cuộc xung đột và khai thác
Ngày thứ ba 29/11/2016 theo Hãng Thông Tấn xã Fides thì hàng triệu trẻ em bị mồ côi và trở thành nạn nhân của bạo lực kể từ năm 1994. Các đơn khiếu nại từ Trung tâm “Vì tương lai Tuổi Thơ” (INUKA) cho hay có hơn 4 triệu trẻ em đã mất ít là cha hay mẹ trong hai mươi năm qua, đã trở thành những nạn nhân cho bạo lực. Những trẻ em này là một phần trong số hơn 26 triệu trẻ mồ côi sống ở miền Trung và Tây Phi. Quốc gia nơi những trẻ em này đã trở thành những nạn nhân do các cuộc xung đột sắc tộc và chiến tranh nhằm tranh dành quyền khai thác khoáng sản có giá trị.
Hiện trạng này đã gây ra nhiều bạo lực, cưỡng bức di dời hàng triệu trẻ em đang được lớn lên trong môi trường gia đình bình thường. Nhiều trẻ em mồ côi buộc phải đi lang thang kiếm sống, và phải chăm sóc cho anh chị em ruột của chúng. Một số được tuyển chọn vào các tổ chức vũ trang hoặc vào các tổ chức buôn bán hoặc làm nô lệ tình dục.
3. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân quan ngại về một thoả hiệp giữa Vatican và Trung Quốc
Các hãng tin lớn trên thế giới trong ngày 28 tháng 11 năm 2016 đều loan tin Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân quan ngại về viễn tượng có thể có một thoả hiệp đạt được giữa Vatican và Trung Quốc
Vị Hồng Y nguyên Giám Mục của Hồng Kông lo ngại rằng vì quá nóng lòng muốn đạt được một thoả hiệp với Bắc Kinh, mà Toà Thánh Vatican có thể nhượng bộ Bắc Kinh một cách thiếu thận trọng, chịu hy sinh sự độc lập của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ngài cũng thừa nhận dù không thể đạt được một thoả hiệp hoàn hảo, nhưng không thể vì thế mà phải chấp nhận một điều xấu xa trong thoả hiệp đó.
Phát biểu tại hội nghị ở Hồng Kông bàn về cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và Vatican, ĐHY nói rằng có tin Tòa Thánh sẽ chấp nhận những ứng viên Giám Mục do Bắc Kinh đề nghị, và như thế, theo Ngài, đó là một thảm họa. ĐHY cho biết thêm Tòa Thánh luôn luôn ở thế tự vệ, bị áp lực phải chấp nhận những ứng viên Giám Mục do Bắc Kinh đề nghị.
Tuy thế Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cho rằng cuộc đối thoại giữa Vatican và Bắc Kinh cũng có thể đưa lại kết quả tốt nếu đảo ngược những đề nghị hiện nay trong thoả hiệp, nghiã là để Tòa Thánh đề nghị danh sách ứng viên Giám Mục và chính quyền Bắc Kinh chấp thuận ứng viên đó. Như thế, theo Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha có thể uyển chuyển bổ nhiệm Giám Mục và ép chính quyền Bắc Kinh phải nhận ứng viên Giám Mục của Tòa Thánh.
ĐHY Trần Nhật Quân kết luận: Sở dĩ Ngài bi quan vì tin rằng các giới chức ở Vatican đã quá nóng lòng muốn đạt được một thoả hiệp với Trung Quốc nên đã làm suy yếu những chính sách của Tòa Thánh đã đặt ra từ trước.
Ngỏ lời với báo chí, Ngài nói ngài muốn được diện kiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô để trình bày quan điểm của ngài, nhưng lại nghi ngờ giới chức ở Vatican sẽ cản trở, không để Ngài gặp Đức Giáo Hoàng.
4. Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà khoa học bảo vệ thiên nhiên
Trong buổi tiếp kiến sáng 28-11-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học, ĐTC kêu gọi các nhà khoa học góp phần phần giải quyết các cuộc khủng hoảng về môi sinh.
Ngài nhận xét rằng ”chưa bao giờ như thời đại chúng ta ngày nay, người ta thấy rõ sứ mạng của khoa học phục vụ một sự quân bình mới về môi sinh trên thế giới… Tôi muốn nói rằng trước tiên các nhà khoa học, – không chịu sự chi phối của các lợi lộc chính trị, kinh tế hoặc ý thức hệ,- có nghĩa vụ kiến tạo một kiểu mẫu văn hóa để đương đầu với cuộc khủng hoảng về những thay đổi khí hậu và những hậu quả của chúng về mặt xã hội, để tiềm năng sản xuất rất lớn lao không chỉ dành cho một thiểu số mà thôi. Đồng thời cộng đồng khoa học, qua sự đối thoại đa ngành với nhau, cũng được kêu gọi kiến tạo một hàng ngũ lãnh đạo đề ra những giải pháp tổng quát, đặc biệt liên quan đến những đề tài được bàn đến trong đại hội của quí vị hiện nay, đó là nước, các năng lượng có thể đổi mới, và an ninh lương thực.”
ĐTC cũng phê bình hiện tượng trong chính trị quốc tế, ít có ý chí cụ thể tìm kiếm công ích và những thiện ích chung, và người ta cũng ít chú ý đến những lời khuyên dựa trên khoa học về tình trạng trái đất. Sự tùng phục của chính trị đối với kỹ thuật và tài chánh tìm kiếm lợi lộc trước tiên khiến cho nhiều chính phủ không chú ý hoặc chậm trễ áp dụng các hiệp định quốc tế về môi trường, và người ta cũng thấy rõ điều đó qua các cuộc chiến tranh liên tục để tìm cách thống trị, những cuộc chiến được ngụy trang bằng những đòi hỏi cao thượng, gây thiệt hại ngày càng trầm trọng cho môi trường và cho sự phong phú luân lý và văn hóa của các dân tộc”
5. Các ứng cử viên tổng thống Pháp tìm cách kiếm phiếu người Công Giáo
Hai cựu Thủ tướng Pháp kiếm phiếu cử tri Công Giáo bằng cách thuyết phục rằng họ có cùng tư tưởng với Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc tranh luận để giành quyền đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử tổng thống.
Hai phong trào giáo dân bảo vệ định chế hôn nhân, Manif Pour Tous và Sens Commun, ủng hộ cho Francois Fillon. Đối thủ Fillon là Alain Juppé, lập luận rằng ông ta ủng hộ người Công Giáo tốt hơn. Ông nói: “Tôi cởi mở hơn với chủ nghĩa hiện đại và tư tưởng của tôi gần gũi hơn với Đức Giáo Hoàng so với Manif Pour Tous và Sens Commun”
Fillon không đồng ý. “Trên Hầu hết các vấn đề Alain Juppé muốn tranh cãi với tôi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói cùng một cung giọng như tôi.”
Người chiến thắng trong cuộc tranh cử giành quyền đại diện cho Đảng Cộng hòa sẽ phải đối mặt với lãnh tụ quốc gia Marine Le Pen trong cuộc tổng tuyển cử tổng thống mùa xuân 2017.
6. Hồi Giáo quá khích Indonesia đòi đốt nhà thờ Công Giáo
Theo nguồn tin của hãng thông tấn Fides, hơn 500 người Hồi giáo quá khích đã biểu tình ở Bekasi, một vùng ngoại ô của thủ đô Jakarta, để ngăn chặn việc xây dựng nhà thờ Công Giáo Santa Chiara. Họ đe dọa sẽ đốt nhà thờ. Những người biểu tình cáo buộc giáo xứ đã vi phạm luật pháp xây dựng, đã giả mạo chữ ký của người dân hỗ trợ việc xây dựng nhà thờ
Theo quy định của Indonesia, muốn xây dựng một cơ sở thờ tự của bất cứ tôn giáo nào, luật đòi hỏi phải có chữ ký của một số tín hữu và một số cư dân nơi cơ sở tôn giáo đó được xây dựng.
Linh mục dòng Phanxicô, Raymundus Sianipar của giáo xứ Santa Clara, cho biết trong 17 năm qua giáo xứ đã nghiêm chỉnh tuân theo tất cả những quy định và đòi hỏi của thành phố để được cấp giấy phép xây dựng
Hiện nay, giáo xứ Santa Chiara có 9422 giáo dân sống rải rác trong các khu vực rộng lớn phía bắc Bekasi. Bốn linh mục dòng Phanxicô đang làm công tác mục vụ tại đây. Hiện nay vì chưa có nhà thờ nên thánh lễ Chúa Nhật được cử hành tại một căn phòng tạm bợ có sức chứa khoảng 300 người, đôi khi phải làm lễ ngoài trời và nếu gặp trời mưa giáo dân vào trú tại các nhà lân cận.
Sau một thời gian kéo dài 17 năm làm đơn xin, ngày 28 tháng 7 năm 2015 thị trưởng Bekasi đã cấp giấy phép cho giáo xứ Santa Chiara xây dựng nhà thờ.
Tại Indonesia, một nước đa số dân theo Hồi Giáo, việc xin phép xây dựng nhà thờ gặp rất nhiều trở ngại và thường xuyên gặp sự phản đối của các nhóm Hồi Giáo quá khích.
Hiện nay chính phủ Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã dễ dãi hơn trong việc giải quyết xin giấy phép xây dựng nơi thờ tự, loại bỏ một số hạn chế do luật lệ trước đây quy định.
Theo nghị định hiện nay, mỗi dự án xây dựng nơi thời tự, phải có chữ ký của ít nhất 99 tín đồ và phải được hỗ trợ bởi ít nhất 60 người dân trong khu vực. Chính quyền điạ phương có quyền phê duyệt dự án.
Trong lịch sử, Giáo Hội Công Giáo Indonesia gặp rất nhiều trở ngại trong việc xin giấy phép xây dựng nhà thờ hoặc cải tạo nhà nguyện. Các nhóm Hồi giáo cực đoan thường xuyên chống đối và gây áp lực với chính quyển để những dự án này không được thực hiện.
7. Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella: Năm Thánh Lòng Thương Xót chứng tỏ Giáo Hội là Mẹ ruột, không phải mẹ ghẻ
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Quan Sát Viên Rôma của Vatican, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa nói rằng các tín hữu đón Năm Thánh Lòng Thương Xót với niềm vui.
“Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại cho các Kitô hữu một tiếng thở dài nhẹ nhõm” Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella nói như trên trong cuộc phỏng vấn, được đăng trong ấn bản ngày 23 tháng 11 trên tờ Quan Sát Viên Rôma.
“Đừng quên rằng nhiều lần Giáo Hội đã tỏ ra là một ‘mẹ kế’ hơn là một người mẹ ruột. Và Giáo Hội xuất hiện với Giáo Luật trong tay, chứ không phải là Tin Mừng. Vì lý do này, hơi thở tuyệt vời của lòng thương xót được hoan nghênh như một làn gió của mùa xuân. “
Đức Cha cũng thảo luận về các sáng kiến được đề cập trong Tông huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô “Misericordia và Misera”.
Một trong những sáng kiến ấy là việc nới rộng năng quyền cho các linh mục giải tội vạ phá thai sau khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Đức Thánh Cha cho biết: “Để không có chướng ngại nào ngăn chặn giữa yêu cầu được hòa giải và sự tha thư của Chúa, từ nay trở đi tôi ban cho tất cả các linh mục, do sứ vụ của mình, được năng quyền giải vạ cho những người đã phạm tội phá thai. Điều mà tôi đã ban trước đây trong Năm Thánh, nay được nới rộng trong thời gian, bất chấp điều gì trái ngược. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng phá thai là một tội trọng, vì nó chấm dứt một sinh mạng vô tội. Tôi cũng có thể và phải mạnh mẽ khẳng định rằng không có tội nào mà lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi tới và tiêu hủy khi Ngài tìm thấy một con tim thống hối xin được hòa giải với Chúa Cha. Vì thế, mỗi linh mục hãy làm người hướng dẫn, nâng đỡ và an ủi trong việc đồng hành với các hối nhân trong hành trình hòa giải đặc biệt này”.
Ngài cũng nới rộng năng quyền giải tội cho các linh mục thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10
“Trong Năm Thánh vừa qua, tôi cũng đã ban cho các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, lui tới các nhà thờ do các linh mục thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 để lãnh nhận một cách hữu hiệu và hợp pháp bí tích giải tội. Vì thiện ích của các tín hữu ấy, và tin tưởng nơi thiện chí của các linh mục ấy, để với sự trợ giúp của Chúa, các linh mục ấy có thể phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội Công Giáo, do quyết định riêng của tôi, tôi quyết định nới rộng năng quyền này vượt qua thời kỳ Năm Thánh, cho đến khi có quyết định mới về vấn đề này, để không ai bị thiếu dấu chỉ bí tích về ơn hòa giải qua sự tha thứ của Giáo Hội”
8. Người dân Âu châu ngày càng sống lâu hơn, nhưng không phải luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt
Tại Âu châu, người dân càng ngày càng sống lâu hơn, nhưng không phải luôn luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt đẹp. Tỷ số dân chúng Âu châu trên 65 tuổi gia tăng từ dưới 10% dạo năm 1960 lên đến gần 20% vào năm 2015, và dự tính sẽ lên đến gần 30% từ nay cho đến năm 2060.
Hy vọng đời sống đã kéo dài đến hơn 80 tuổi tại 18 trong tổng số các quốc gia thành viên liên hiệp châu Âu, nhưng cũng có trên 50 triệu người lớn tuổi trong liên hiệp châu Âu bị bệnh kinh niên. Trên nửa triệu người dân còn trong tuổi lao động chết vì bệnh nan y mỗi năm, khiến cho chi phí về y tế của châu Âu gia tăng mạnh, lên đến 115 tỷ euro. Các trợ giúp xã hội có liên quan đến sức khỏe, như bệnh tim mạch, về hô hấp, tiểu đường hay các vấn đề tâm lý, bình quân chiếm 1,7 tổng sản lượng quốc gia mỗi năm chỉ riêng trong lãnh vực nghỉ làm vì bệnh, tức là cao hơn cả trợ cấp thất nghiệp.
Trong một tuyên ngôn, cao ủy đặc trách vấn đề sức khỏe của liên hiệp châu Âu, ông Vytenis Andriukaitis, lấy làm tiếc vì hàng năm một số lớn người dân Âu châu chết vì những chứng bệnh có thể tránh được liên quan đến những nhân tố nguy hại chẳng hạn như thuốc lá hay bệnh mập phì.
Trong lãnh thổ liên hiệp châu Âu, một trên 5 người dân vẫn tiếp tục hút thuốc và 16% tổng số người trưởng thành bị bệnh mập phì, so với tỷ lệ 11% dạo năm 2000. Bệnh mập phì, cộng với sự lạm dụng rượu chè, đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn tại nhiều quốc gia trong liên hiệp châu Âu, vốn là một trong những vùng tiêu thụ rượu mạnh đứng hàng đầu trên thế giới.
Hiện tượng dân số già nua và phí tổn điều trị bệnh tật gia tăng, kèm theo việc ngân sách quốc gia đang bị giới hạn, khiến cho liên hiệp Âu châu phải tìm cách thay đổi chiều hướng săn sóc sức khỏe cho dân chúng hiện nay, chẳng hạn như giới hạn thời gian nhập viện điều trị và hợp lý hóa phí tổn thuốc men. Trong năm 2015, chi phí về lãnh vực sức khỏe đã chiếm 9,9% tổng sản lượng các nước liên hiệp châu Âu, so với 8,7% hồi năm 2005.