Người được mời
Dụ ngôn đầu tiên Chúa hướng đến người được mời dự tiệc. Ngài khuyến khích khách được mời đừng chọn chỗ nhất, «bởi vì kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này!’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối” (câu 8-9). Trái lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ ngược lại: “Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.”(câu 10). Bởi thế, chúng ta không được tìm kiếm sự quan tâm và kính trọng của người khác theo sáng kiến của mình, mà nên để người khác làm việc này. Chúa Giêsu luôn chỉ cho chúng ta con đường khiêm nhường, vì đó là điều chân thực, cho phép chúng ta có những mối quan hệ đích thực.
Người mời
Ở dụ ngôn thứ hai, Chúa Giêsu hướng đến người mời, Chúa dạy cách chọn khách cho bữa tiệc: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ”(câu 13-14). Ở đây cũng vậy, Chúa Giêsu hoàn toàn đi ngược lại với suy nghĩ của con người, Ngài luôn biểu lộ lý luận của Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu còn đưa thêm chìa khóa để diễn giải bài giáo lý này: “vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (câu 14). Điều này có nghĩa là những người cư xử theo cách này sẽ có phần thưởng thiêng liêng, cao hơn nhiều so với đáp lễ của con người. Thực tế, con người đáp lễ thường làm biến dạng các mối quan hệ, đưa lợi ích cá nhân vào một mối tương quan cần quảng đại và tự do. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có lòng quảng đại vô vị lợi. Lòng quảng đại này mở con đường hướng chúng ta đến một niềm vui lớn hơn: đó là được tham dự vào chính tình yêu chính Thiên Chúa, Người đang đợi tất cả chúng ta ở bữa tiệc trên trời.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, “khiêm nhường và trỗi vuợt hơn thụ tạo” giúp chúng ta nhận ra chính mình như chúng ta là, nghĩa là nhỏ bé; và vui mừng cho đi mà không mong được đáp trả.
Ngọc Yến – Vatican