1. Nhà thờ Công Giáo ở Syria sống sót sau các cuộc tấn công hoả tiễn được mở cửa trở lại sau khi trùng tu
Một nhà thờ Công Giáo liên tục bị tấn công bằng trong cuộc nội chiến ở Syria đã được mở cửa trở lại vào hôm thứ Hai sau một thời gian trùng tu.
Nhà thờ Thánh Elijah của Công Giáo nghi lễ Maronite ở Aleppo đã bị bắn phá bằng hỏa tiễn ít nhất ba lần từ năm 2012 đến 2016, và bị thiệt hại nặng khi các nhóm thánh chiến Hồi Giáo chiếm được khu phố Kitô giáo Al-Jdayde vào năm 2013.
Việc khôi phục được tài trợ chủ yếu bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN.
Ông Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành của ACN International, đã mô tả việc mở cửa trở lại là một phép lạ.
ACN ước tính chỉ còn 30, 000 Kitô hữu trong thành phố, so với dân số trước chiến tranh là 180, 000. Aleppo là thành phố đông dân nhất của Syria trước chiến tranh, nhưng giờ đây là thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Damascus.
Đức Tổng Giám Mục Joseph Tobij của tổng giáo phận Công Giáo Maronite Aleppo nói rằng việc trùng tu nhà thờ có cả một ý nghĩa biểu tượng và thực tế.
“Theo ý nghĩa biểu tượng, đó là một thông điệp tới các giáo dân và các Kitô hữu ở Aleppo và thế giới là chúng tôi vẫn còn ở lại đất nước này bất chấp sự suy giảm dân số của chúng tôi, và sự phục hồi nhà thờ là bằng chứng về điều này. Các môi miệng phải tiếp tục ca ngợi Thiên Chúa ở nơi này bất chấp tất cả những khó khăn, ” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn với ACN.
Nhà thờ này có một điểm đặc biệt là có một tháp chuông đôi và một mái vòm rất nghệ thuật, ban đầu được xây dựng vào năm 1873, trên địa điểm của một nhà thờ nhỏ có từ thế kỷ 15. Nhà thờ sau đó đã được cải tạo vào năm 1914.
Nhà thờ bị bỏ hoang từ giữa năm 2012 đến năm 2016 khi chiến tranh nổ ra trong vùng. Sau khi phiến quân bị đánh đuổi khỏi khu vực, nhà thờ đã mở cửa trở lại cho các tín hữu vào Đêm Giáng sinh năm 2016, mặc dù gạch đá vẫn còn ngổn ngang.
Source:Catholic News Agency
2. Hội Đồng Giám Mục cảnh báo rằng nền dân chủ đang bị xói mòn ở Phi Luật Tân
Các Giám Mục Phi Luật Tân đã công bố một lá thư mục vụ cáo buộc chính phủ phá hoại các thể chế dân chủ của đất nước.
Bức thư dài hai trang, ngày 16 tháng 7, đã được công bố ngay trước diễn văn hàng năm về tình trạng quốc gia của Tổng thống Rodrigo Duterte và sau khi Quốc Hội thông qua một luật chống khủng bố gây nhiều tranh cãi.
“Trong khi một bóng dáng của nền dân chủ vẫn còn tồn tại và thể chế dân chủ của quốc gia chúng ta cách nào đó vẫn tiếp tục hoạt động, chúng ta thực ra chỉ giống như các con ếch đang bơi trong một nồi nước đang từ từ được đun sôi lên, ” Đức Cha Pablo Virgilio David, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Phi Luật Tân viết.
Bức thư của Đức Cha David đã khiến chính phủ Duterte tức giận và tung ra một tuyên bố ngày 19 tháng 7, trong đó thóa mạ các Giám Mục dữ dội.
Các Giám Mục cho biết các ngài đang thực thi trách nhiệm ngôn sứ của mình khi lên tiếng trước các đau khổ của người dân và tình trạng bất công trong xã hội. Nhưng Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của tổng thống Duterte, tuyên bố rằng bức thư của các ngài đã vi phạm sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước được ghi trong hiến pháp.
Trong thư, các Giám Mục nói rằng các ngài đã nhận được yêu cầu dâng lời cầu nguyện cho Hương Cảng của Đức Hồng Y Miến Điện Charles Maung Bo, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Các Giám Mục Phi nhận xét rằng có một sự tương đồng cao độ giữa luật An ninh Quốc gia mới đe dọa nhân quyền ở Hương Cảng và Đạo luật Chống khủng bố mới vừa được thông qua ở Phi Luật Tân.
“Nhà cầm quyền Trung Quốc bảo đảm với người dân Hương Cảng rằng họ không có gì phải sợ, nếu ‘họ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đe dọa an ninh quốc gia.’ Tại sao điều này nghe có vẻ quen thuộc với người dân Phi Luật Tân? Thưa: Bởi vì chúng ta đang ở trong một tình huống tương tự. ”
Các Giám Mục đã bày tỏ sự “hoài nghi” rằng dự luật chống khủng bố đã được nhanh chóng thông qua ngay cả trong thời gian cách ly nhằm làm giảm sự lây lan của coronavirus, mà đến nay đã giết chết 1, 835 người ở Phi Luật Tân tính đến ngày 20 tháng 7.
Các Giám Mục cũng chỉ trích các nhà lập pháp vì bỏ qua sự phản đối đối với dự luật này từ các luật sư, các học giả, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm tôn giáo.
Hàng chục ngàn người đã chết trong một chiến dịch chống buôn bán ma túy do Duterte phát động sau khi ông ta được bầu làm tổng thống năm 2016. Các nhóm nhân quyền đã cáo buộc cảnh sát giết nhiều người không liên quan gì đến chuyện mua bán ma túy bất hợp pháp. Vào tháng 3 năm 2019, Phi Luật Tân đã rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế sau khi tổ chức này đòi mở một cuộc điều tra sơ bộ về các vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến ma túy của Phi Luật Tân.
Thư của các Giám Mục cũng than thở về việc đóng cửa ABS-CBN, một mạng truyền hình lớn nhất của đất nước, sau những tranh chấp với chính phủ.
“Mô hình này đe dọa tạo ra một không khí bất lợi đối với tự do ngôn luận ở nước ta. Anh chị em không thấy điều này là hiển nhiên sao? ” Các Giám Mục nêu ra câu hỏi trên và hoan nghênh những thách thức đối với tính hợp hiến của Đạo luật chống khủng bố tại Tối Cao Pháp Viện.
Duterte, một đối thủ rất quyết liệt đối với Giáo Hội Công Giáo, dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Các Giám Mục đã kết thúc lá thư mục vụ với một lời cầu nguyện xin Chúa giúp vượt qua các chia rẽ của đất nước và ban cho các cho công chức ”can đảm để giữ vững lập trường của họ đứng về phía sự thật và công lý.”
Source:Catholic News Agency
Bất kể những phản đối của người Công Giáo tại Hoa Kỳ, chỉ ba tuần trước lễ Giáng Sinh, hôm 3 tháng 12, 2019, Neflix đã cho chiếu bộ phim hài The First Temptation of Christ, nghĩa là Cơn Cám Dỗ Đầu Tiên Của Chúa Kitô. Đây là một bộ phim báng bổ do một bọn quá khích tại Brazil sản xuất.
Những kẻ phỉ báng Đạo Thánh Chúa sẽ không có kết quả tốt Netflix là một ví dụ. Thật vậy, trong thời gian đại dịch coronavirus kinh hoàng vừa qua, khi mọi người phải bó gối ở nhà, tờ Wall Street Journal đã dự đoán rằng số người ghi danh vào các kênh giải trí như Apple, Google và Netflix phải tăng lên ít nhất là 30% và do đó giá cổ phiếu của các công ty này phải tăng ít nhất 20%. Điều đó đúng với Apple, và Google, nhưng không đúng trong trường hợp Netflix.
Giá cổ phiếu của Netflix đã không tăng thì chớ, lại còn giảm đến 10% khi kết thúc sàn giao dịch chứng khoán vào hôm thứ Năm 16 tháng 7 vì Netflix đã phải nhìn nhận một sự suy thoái mạnh trong số người dùng.
“Thuê bao trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 2.5 triệu hàng tháng cho đến tháng 8, ” công ty cho biết.
Netflix hiện đạt 193 triệu thuê bao.
Các nhà đạo đức học, xã hội học và các nhà lãnh đạo tinh thần tỏ ra rất quan ngại với cách Netflix chọn phim.
Lấy thí dụ là bộ phim “13 Reasons Why”, nghĩa là 13 lý do tại sao, trong đó một cô gái 17 tuổi đã tự kết liễu đời mình.
Trước khi chết cô ta để lại 13 băng cassette, giải thích 13 lý do tại sao cô ấy kết liễu mạng sống mình – toàn là những lý do tào lao như ai đó đã làm một điều này điều kia khiến cô phật ý, hoặc chưa làm đủ theo mong đợi của cô khiến cô không hài lòng.
Những người tạo ra bộ phim này đã nhấn mạnh trong một video tiếp theo rằng “13 Reasons Why” nhằm giúp đưa ra các cuộc đối thoại quan trọng về các chủ đề nghiêm trọng như tự tử, bắt nạt trong trường học và để người xem nói có thể nói về các giải pháp cho ý nghĩ tự tử.
Tuy nhiên, các nhóm phòng chống tự tử và các nhà lãnh đạo thanh thiếu niên lo ngại vì bộ phim này đặc biệt phổ biến đối với khán giả vị thành niên là một dân số dễ bị tổn thương.
Tự tử là nguyên nhân hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong ở những người trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 24.
Source:Reuters
4. Các Giám mục Ý tố cáo các băng đảng mafia lợi dụng đại dịch cho vay nặng lãi.
Lợi dụng tình trạng khủng hoảng kinh tế do đại dịch, tại Ý, các băng đảng mafia đã gia tăng cho vay nặng lãi vì một số lớn dân chúng mất công ăn việc làm. Các Giám mục lên tiếng tố cáo và gọi đây là một hình thức “nô lệ mới”.
Ðức Cha Giovanni D’Alise, Giám mục giáo phận Caserta ở miền nam nước Ý cho biết trong Giáo phận của ngài một số cha mẹ buộc phải cho con cái tham gia vào những băng cướp để trả nợ cho gia đình. Ðức Cha nhấn mạnh: “Giáo Hội Công Giáo luôn lên án việc cho vay nặng lãi. Ðó là tội nặng vì kiếm tiền bằng cách lợi dụng người khác, chống lại con người và chống lại tinh thần Kitô. Một hình thức nô lệ mới đang hình thành”.
Ðức Cha D’Alise cho rằng nguồn gốc của việc cho vay nặng lãi là do thiếu tôn trọng nhân phẩm. Giám mục Caserta so sánh nó với tình trạng phân biệt đối xử ở Mỹ: “Trong cả hai trường hợp con người đều bị coi là không có giá trị. Hình ảnh người cảnh sát lấy đầu gối đè vào cổ George Floyd vẫn còn in đậm trong tôi. Nó đã bóp chết người này không chỉ ở phương diện thể lý”. Vì thế, theo Ðức Cha, Giáo Hội cần phải thực hành cách mạnh mẽ sự đồng cảm. Mỗi người hãy làm những gì có thể, nhưng đó là phải là một sự đồng cảm nhạy bén và hiệu quả. Thường chúng ta không nhận ra có bao nhiêu sự tốt lành và bao nhiêu sự dữ đang ở giữa chúng ta.
Cùng với Giám mục Caserta, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục Napoli gọi băng đảng cho vay nặng lãi là “một loại đại dịch”. Ðức Hồng Y nói: “Có nhiều người rất giỏi làm giàu trong thời gian đại dịch. Không thể tưởng tượng nổi những gì đang xảy ra. Chúng ta phải hành động, can thiệp ngay lập tức. Việc quét sạch tất cả các tổ chức tội phạm tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải vượt qua và khẳng định quyền hy vọng”.
Tại Ý, hiện nay do đại dịch nhiều nhà máy phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc. Họ thường bị người cho vay lợi dụng và họ phải chấp nhận đây là phương thức cuối cùng để sống còn. Và sau đó, họ buộc phải để cho con cái đi làm để trả nợ cho cha mẹ, nghĩa là các em đi làm nhưng không được trả lương. Ông Tommaso De Simone, giám đốc phòng thương mại Caserta cho biết tại miền nam Ý cho vay nặng lãi gia tăng cấp số nhân trong những tháng này.
Cảnh sát Ý cho biết, vay tiền xã hội đen có liên quan tới băng đảng Camorra, một tổ chức tội phạm ma túy ở Napoli. Ðối với các công ty, khi số tiền vay không thể trả, băng đảng Camorra lợi dụng trường hợp này để yêu cầu giao công ty cho chúng quản lý và công ty được sử dụng như phương tiện chuyển tiền bất hợp pháp. Tiền cho vay của xã hội đen thường lấy danh nghĩa là bạn, ân nhân giúp người đang gặp khó khăn không ai giúp đỡ. Họ đưa tiền ngay lập tức, nhưng sau đó người nhận tiền lệ thuộc hoàn toàn vào tổ chức này.
Source:Catholic News Agency
5. Tòa Thánh công bố chỉ nam liên quan đến các thủ tục giải quyết những vụ lạm dụng.
Hôm 16 tháng 7 năm 2020, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một tập chỉ nam về cách thức giải quyết các tố cáo giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Tập chỉ nam dài hơn 30 trang, được chia làm chín chương, trả lời cho các câu hỏi chính yếu liên quan đến một số điểm trong thủ tục giải quyết những vụ lạm dụng. Ðây không phải là một bản qui luật hoặc luật lệ mới, nhưng là một tài liệu giúp các vị Bản quyền và các viên chức giáo luật thi hành cụ thể các qui định giáo luật, liên quan đến “những tội nặng gây thương tổn cho toàn thể Giáo hội, đó là những vết thương sâu đậm và đau thương đòi phải được chữa lành”.
Tập chỉ nam này đáp ứng yêu cầu của các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới trong khóa họp hồi tháng Hai năm 2019, tại Vatican về vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội.
Tập chỉ nam này mang số 1.0 vì Bộ Giáo Lý Đức Tin dự kiến sẽ cập nhật theo định kỳ, dựa theo những thay đổi qui luật hiện hành hoặc đường lối thực hành của Bộ giáo lý đức tin. Ðiều gì cấu thành tội phạm, làm thế nào thực hiện cuộc điều tra sơ khởi, đâu là những thủ tục hình sự.
Tập chỉ nam nhấn mạnh đến bốn yêu cầu sau:
– Trước tiên là bảo vệ con người. Giáo quyền được yêu cầu làm sao để nạn nhân và gia đình họ được đối xử xứng đáng và được tôn trọng. Cần đón tiếp, lắng nghe, đồng hành, kể cả với những dịch vụ chuyên biệt và trợ giúp về tinh thần, y khoa và tâm lý, tùy theo trường hợp. Cần áp dụng thái độ như vậy đối với người bị cáo.
– Khía cạnh thứ hai là cần phải kiểm chứng kỹ lưỡng và chính xác bất kỳ thông tin nào mà vị Bản quyền nhận được về một vụ lạm dụng. Cho dù không có lời tố cáo chính thức, hoặc tin về lạm dụng chỉ được phổ biến qua các phương tiện truyền thông, kể cả qua các mạng xã hội, và cho dù nguồn tin là vô danh, chỉ nam cũng đề nghị cứu xét kỹ lưỡng mọi thông tin nhận được và đào sâu nó. Dĩ nhiên, việc giữ bí mật tòa giải tội luôn luôn phải tuân hành: trong trường hợp đó, cha giải tội hãy thuyết phục hối nhân đưa tin về vụ lạm dụng qua những con đường khác.
– Khía cạnh thứ ba liên quan đến việc thông tin: trong nhiều điểm, tập chỉ nam nhắc nhớ nghĩa vụ phải tôn trọng “bí mật nghề nghiệp” do chức vụ, tuy cũng nhấn mạnh rằng, trong cuộc điều tra sơ khởi, nạn nhân và các nhân chứng không “bó buộc phải giữ im lặng về các sự kiện”. Tuy nhiên, nên yêu cầu họ tránh mọi phổ biến những thông tin không thích hợp và bất hợp pháp, nhất là trong giai đoạn điều tra sơ khởi, để tránh tạo ra cảm tưởng các sự việc đã được xác định, chứng thực. Có một khoản nói về những thông cáo chính thức phải được phổ biến trong cuộc điều tra sơ khởi: trong những trường hợp như vậy, nên thận trọng và dùng những hình thức “cốt yếu và nghiêm ngặt”, không đưa ra những thông báo “giật gân”, không xin lỗi nhân danh Giáo hội, vì làm như thế tức là đưa ra những phán quyết trước về các sự việc.
– Khía cạnh thứ tư và sau cùng là tầm quan trọng của sự cộng tác giữa Giáo hội và chính quyền. Ví dụ, chỉ nam nhấn mạnh rằng “cho dù luật pháp không bắt buộc, giáo quyền cũng nên trình bày sự tố cáo ấy cho nhà chức trách dân sự có thẩm quyền mỗi khi thấy là cần để bảo vệ người bị thương tổn hoặc các trẻ vị thành niên khác, chống lại nguy cơ xảy ra những hành vi tội phạm khác. Ðồng thời, chỉ nam cũng nhắc nhớ rằng “việc điều tra phải được diễn ra trong sự tôn trọng luật pháp dân sự của mỗi nước”.
Chỉ nam cũng nói đến những biện pháp thận trọng ngay từ đầu cuộc điều tra sơ khởi, để bảo vệ thanh danh những người liên hệ và công ích, hoặc để tránh gương mù, che đậy bằng chứng hoặc những đe dọa đối với nạn nhân. Các biện pháp thận trọng này có thể được thu hồi, khi chấm dứt những nguyên nhân hoặc chấm dứt cuộc xét xử. Nhưng cần phải làm một cách thận trọng và khôn ngoan.
Trong giai đoạn điều tra sơ khởi, chỉ nam khuyên không nên dùng thành ngữ “treo chén”, “huyền chức thánh”, vì trong giai đoạn đó, chưa phải là hình phạt, nên không thể đề ra các biện pháp chế tài như vậy. Ðúng hơn, nên dùng từ “cấm” thi hành các thừa tác vụ công khai. Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra sơ khởi, nên tránh thuyên chuyển giáo sĩ liên hệ.
Source:Catholic News Agency