Đặt để luật lệ trước tương quan cá nhân với Thiên Chúa không trợ giúp con đường lòng tin. Việc đào tạo kitô không dựa trên sức mạnh của ý chí, nhưng trên việc tiếp nhận ơn cứu độ, trên việc để cho mình được Thiên Chúa yêu thương.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có 3 nhóm người Việt: hai nhóm 60 và 50 tín hữu đến từ Việt Nam và một nhóm đến từ New Jersey Hoa Kỳ. Mở đầu buổi tiếp kiến ĐTC nói: cũng như thứ tư tuần trước, tại Đại thính đường Phaolô VI có rất đông các anh chị em bệnh nhân, để tránh cho họ khỏi nắng ở trong đó thì dễ chịu hơn. Họ theo dõi buổi tiếp kiến trên màn hình khổng lồ và chúng ta cũng cùng họ tham dự một buổi tiếp kiến chung chứ không có hai buổi tiếp kiến. Chúng ta chào mừng các anh chị em bệnh nhân trong đại thính đường Phaolô VI.
Chúng ta tiếp tục nói tới các điều răn – mà như đã nói – hơn là các giới răn chúng là các lời Thiên Chúa nói với dân Ngài để giúp họ sống tốt đẹp. Chúng là các lời yêu thương của một người Cha.
ĐTC đã quảng diễn văn bản chương 4 sách Đệ Nhị Luật viết: “ Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Giavê, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh (em) không? Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng Giavê là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa.” (Đnl 4,32-35). ĐTC nói: Mười Lời bắt đầu như thế này: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã làm cho ngươi ra khỏi đất Ai Cập, ra khỏi điều kiện sống nô lệ” (Xh 20,2). Lời khai mào này xem ra xa lạ đối với lề luật theo sau. Nhưng không phải như vậy.
Tại sao Thiên Chúa lại công bố về ngài và việc giải phóng như thế? Bởi vì ta tới núi Sinai sau khi đã đi qua Biển Đỏ: Thiên Chúa của Israel cứu vớt trước, rồi mới xin sự tin tưởng. Hay: Mười Điều Răn bắt đầu với sự quảng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ xin mà không cho trước. Không bao giờ. Ngài cứu thoát trước, Ngài cho trước, rồi mới xin. Cha của chúng ta là thế, Thiên Chúa tốt lành.
ĐTC giải thích thêm như sau:
Và chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời tuyên bố này: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. Có một chủ hữu từ, có một tương quan, người ta tùy thuộc nhau. Thiên Chúa không phải là một kẻ xa lạ: Ngài là Thiên Chúa của bạn. Điều này soi sáng toàn Mười Điều Răn, và cũng vén mở cho thấy bí mật của hoạt động kitô, bởi vì đó cũng chính là thái độ của Chúa Giêsu là Đấng nói rằng: “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em” (Ga 15,9). Chúa Kitô là Đấng được Thiên Chúa Cha yêu thương, và Ngài yêu thương chúng ta với tình yêu ấy. Ngài không khởi hành từ chính mình, nhưng từ Thiên Chúa Cha. Thường khi các công việc làm của chúng ta thất bại, bởi vì chúng ta khởi hành từ chính mình, chứ không phải từ sự biết ơn. Và ai khởi hành từ chính mình thì đi tới đâu? Ai khởi hành từ chính mình thì đi tới đâu? Đi tới chính mình! Họ không có khả năng tiến bước, họ trở lại với chính họ. Chính thái độ ích kỷ đó mà người ta nói đùa rắng: “Ô, người đó là một “tôi, tôi với tôi, và cho tôi” Họ ra khỏi mình và trở về với chính mình.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Cuộc sống kitô trước hết là việc biết ơn đáp trả lại một người Cha quảng đại. Các kitô hữu mà chỉ sống theo các “bổn phận”, thì tố cáo mình không có một kinh nghiệm cá nhân với Thiên Chúa, là Đấng của “chúng ta”. “Tôi phải làm cái này, cái này, cái này…” Chỉ có các bổn phận. Nhưng bạn thiếu điều gì! Đâu là nền tảng của bổn phận đó? “A, cần phải làm như thế này” Không: nền tảng của bổn phận đó là tình yêu thương của Thiên Chúa Cha, là Đấng cho trước, rồi mới ra lệnh.
Đặt để luật lệ trước tương quan không giúp con đường lòng tin. Làm sao một người trẻ có thể ước muốn là kitô hữu, nếu chúng ta khởi hành với các bắt buộc, các dấn thân, các trung thực chứ không phải là từ sự giải thoát?
Nhưng là kitô hữu là một con đường của sự giải thoát! Các giới răn giải thoát bạn khỏi sự ích kỷ của bạn và giải thoát bạn bởi vì có tình yêu của Thiên Chúa đem bạn đi tới.
Việc đào tạo kitô không dựa trên sức mạnh của ý chí, nhưng trên việc tiếp nhận ơn cứu rỗi, trên việc để cho mình được yêu thương; Biển Đỏ trước, rồi mới tới Sinai. Ơn cứu rỗi trước: thiên Chúa cứu thoát dân Ngài trong Biển Đỏ, rồi tại Sinai Ngài nói cho họ biết phải làm gì. Dân ấy biết rằng Thiên Chúa làm các điều này, bởi vì họ đã được cứu rỗi bởi một người Cha yêu thương họ.
Sự tri ân là một nét đặc thù của con tim được Chúa Thánh Thần thăm viếng; để vâng lời Thiên Chúa trước hết cần nhớ lại các ân huệ của Ngài. Thánh Basilio có nói: “Ai không để rơi vào quên lãng các ân huệ ấy, thì hướng tới nhân đức tốt lành và mọi công việc của sự công bằng” (Luật ngắn, 56). Tất cả những điều này đưa chúng ta tới đâu? Tới chỗ thực tập ký ức: biết bao nhiêu điều hay đẹp Thiên Chúa đã làm cho từng người trong chúng ta! Cha thiên quốc của chúng ta quảng đại biết bao!
Nhưng bây giờ tôi muốn đề nghị với anh chị em một bài tập nhỏ, tât cả mọi người trong thinh lặng, nhưng mỗi người trả lời trong tim của mình. Câu hỏi là: Thiên Chúa đã làm cho tôi biết bao điều tốt đẹp? Trong thinh lặng mỗi người hãy tự trả lời. Thiên Chúa đã làm cho tôi biết bao điều tốt đẹp? Thiên Chúa đã làm cho tôi biết bao điều tốt đẹp? Và đó là sự giải thoát của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm biết bao điều tốt đẹp và giải thoát chúng ta.
Tuy vậy có người có thể cảm thấy chưa được sống một kinh nghiệm đích thật về sự giải thoát của Thiên Chúa. Điều này có thể xảy ra. Có lẽ khi nhìn vào trong chính mình, chúng ta chỉ cảm thấy ý thức về bổn phận, một nền tu đức của nô lệ chứ không phải của con cái. Trong trường hợp này phải làm gì đây? Làm như dân được tuyển chọn. Sách Xuất Hành có nói: “ Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết.” (Xh 2,24-25). Thiên Chúa nghĩ tới tôi.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
Hành động giải thoát của Thiên Chúa đặt ở đầu Mười Lời – nghĩa là các Điều Răn – là câu trả lời cho tiếng than van ấy. Chúng ta không tự cứu rỗi chính mình, nhưng từ chúng ta có thể phát xuất một tiếng kêu cứu. “Chúa cứu tôi, Chúa chỉ đường cho tôi, Chúa vuốt ve tôi, Chúa cho tôi một chút vui sướng”. Đó là một tiếng thét cầu cứu. Điều này tùy thuộc nơi chúng ta: xin được cứu thoát khỏi sự ích kỷ, khỏi tội lỗi, khỏi các xích xiềng nô lệ. Tiếng kêu này quan trọng, nó là lời cầu, là ý thức về điều còn bị đàn áp và chưa được cứu thoát nơi chúng ta. Có biết bao nhiều điều chưa được giải thoát trong tâm hồn chúng ta. “Xin cứu con, xin giúp con, xin giải thoát con”. Đây là một lời cầu đẹp dâng lên Chúa.
Thiên Chúa chờ đợi tiếng kêu đó, bởi vì nó có thể bẻ gẫy các xiềng xích. Thiên Chúa đã không gọi chúng ta vào cuộc sống để bị áp bức, nhưng để được giải thoát và sống trong sự tri ân, bằng cách tươi vui vâng lời Đấng đã ban cho chúng ta biết bao nhiêu, một cách vô tận nhiều hơn điều chúng ta có thể cho Ngài. Điều này thật đẹp. Ước chi Thiên Chúa luôn luôn được chúc tụng vì tất cả những gì Ngài đã làm, đang làm và sẽ làm nơi chúng ta!
Trước khi ra quảng trường ĐTC đã chào thăm các bệnh nhân tụ tập trong đại thính đường Phaolô VI, đặc biệt nhóm “Sáng kiến giới trẻ điếc Hoa Ky”. ĐTC nói ngài cầu xin cho chuyến hành hương của họ với khẩu hiệu “Một thời điểm bước đi với Chúa Giêsu” giúp họ lớn lên trong tình yêu đối với Chúa Kitô và với nhau. Chúa có một chỗ đặc biệt cho những ai tàn tật trong tim Ngài và Người kế vị Thánh Phêrô cũng thế. ĐTC hy vọng thời gian lưu lại Roma đem lại cho họ sự phong phú tinh thần và củng cố chứng tá yêu thương của họ đối với Thiên Chúa và mọi con cái Chúa.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp cũng như đến từ các nước Ê cốt, Ai len, Thụy Điển, Hy Lạp, Australia, Trung quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt một phái đoàn của Trường bảo vệ Nato. Ngài cầu chúc họ phục vụ hòa bình hữu hiệu và cầu mong mùa hè bắt đầu là dịp giúp mọi người đào sâu tương quan cá nhân với Thiên Chúa để theo Ngài một cách tự do hơn trên con đường sống các giới răn của Chúa.
ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Đức, đặc biệt nhiều nhóm sinh viên học sinh, và các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Brasil. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma nhân dịp lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô củng cố đức tin giúp họ sống chứng ta kitô trong niềm cảm mến tri ân Thiên Chúa, là Đấng đã thực hiện bao điều tốt đẹp cho từng người.
Với các nhóm nói tiếng A rập đến từ Trung Đông ngài dặc biệt chào ca đoàn “Niềm vui trọn vẹn” của Ai Cập, Nousroto từ Li băng, và các tín hữu thuộc giáo xứ Chúa Cứu Thế Giêrusalem. Ngài nhắc cho mọi người biết Thiên Chúa muốn tháo cởi mọi xích xiềng cho con người để họ sống các giới răn của Ngài không phải như nô lệ nhưng như con cái tự do của Chúa.
Trong số các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu giáo phận Lodz do ĐTGM Trưởng hướng dẫn. ĐTGM sẽ nhận dây Pallium với nhiều TGM khác vào ngày 29 tháng 6 này. Ngài cũng chào các phó tế tổng giáo phận Cracovia và giáo phận Bielsko Zywiec. ĐTC cầu chúc mọi người sống mùa hè như thời gian nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong thiên nhiên, can đảm sống đúc tin và tuyên xưng mình thuộc về Chúa Giêsu.
Trong các nhóm Italia ĐTC chào các nữ tu Phan Sinh Vô Nhiễm đang họp Tổng tu nghị, các nữ tu Cát Minh Trivandrum, các nữ tu dòng Đức Bà và các bạn trẻ mới lãnh Phép Thêm Sức của giáo phận Modena, cũng như hiệp hội xã hội văn hóa âm nhạc Orosei và Học viện âm nhạc Caracciolo Roma.
Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới là lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô Bổn Mạng Roma. Từ hai vị chúng ta học được khả năng can đảm làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu, vượt ngoài các khác biệt, duy trì được sự hòa hợp và tình bạn làm nền tảng cho tính cách đáng tin cậy của việc rao truyền niềm tin.
ĐTC cũng chào phái đoàn “Đặc biệt Olympic” nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài nói thế giới thể thao cống hiến một cơ may đặc biệt giúp con người lớn lên trong sự hiểu biết và tình bạn đối với nhau. Tôi cầu xin cho ngọn Lửa Olympic có thể là một dấu chỉ của niềm vui và sự hy vọng nơi Chúa là Đấng ban phát ơn hiệp nhất và hòa bình cho con cái Ngài.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh ĐTC ban cho mọi người.